Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác bồi dưỡng, nêu cao tính đảng của cán bộ, đảng viên nhằm xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, có sức chiến đấu cao, lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng. Tư tưởng đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Ảnh minh họa. |
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, cần phải có tính đảng mới làm được việc. Kém tính đảng, thì việc gì cũng không làm nên”. Đồng thời, Người cũng chỉ rõ nội hàm tính đảng của cán bộ, đảng viên: “Một là: Phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết. Hai là: Việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn… Ba là: Lý luận và thực hành phải luôn đi đôi với nhau”. Theo Người, Đảng cần phải có những cán bộ, đảng viên kiên trung với mục tiêu, lý tưởng cách mạng; với đường lối, nghị quyết của Đảng; luôn phát huy tính đảng trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Vì thế, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm bồi dưỡng, rèn luyện, phát huy tính đảng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn nêu cao tính đảng, gương mẫu đi đầu trong chiến đấu, công tác, lao động sản xuất, không quản ngại hy sinh, gian khổ, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta giành độc lập, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta luôn quán triệt, vận dụng nguyên tắc tính đảng trong xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Điều lệ Đảng được Đại hội XI của Đảng thông qua xác định: “Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân; chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước...”. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đã thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao tính đảng, tính chiến đấu cho đội ngũ cán bộ, đảng viên với nhiều biện pháp đồng bộ, thông qua đó nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống; gương mẫu đi đầu, tận tụy với công việc, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần để đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Tuy nhiên, hiện nay, các thế lực thù địch đang đẩy mạnh xuyên tạc, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước,... hòng làm giảm sút niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, gây nhiễu loạn, tạo khoảng trống về ý thức hệ, từ đó thúc đẩy nhanh quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, v.v. Vì vậy, việc nêu cao tính đảng của cán bộ, đảng viên trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay; trong đó, tập trung thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp chủ yếu sau.
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Thực tiễn cho thấy, dù Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đất nước phát triển vững mạnh đến đâu thì các thế lực thù địch vẫn không ngừng chống phá, hòng thực hiện mưu đồ đen tối là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Do đó, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận về vấn đề này, như: Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”; Kết luận số 89-KL/TW, ngày 25/7/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII. Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã nhấn mạnh: Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, v.v. Quán triệt nghị quyết của Đảng và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Người đảng viên ở bất kỳ đâu, bất kỳ làm việc gì, bất kỳ địa vị nào và hoàn cảnh nào, cũng phải luôn luôn: Đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết…”, đội ngũ cán bộ, đảng viên cần không ngừng nghiên cứu, nắm vững những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, phấn đấu hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Thường xuyên nghiên cứu, cập nhật thông tin mới; kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của quần chúng nhân dân để định hướng nhận thức tư tưởng, hành động, tạo khả năng “miễn dịch”, “tự đề kháng” trước các thông tin xấu độc. Đồng thời, chủ động, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Hai là, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng và năng lực công tác đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Để khắc phục tình trạng “Một bộ phận cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị không vững vàng, suy thoái về tư tưởng chính trị, còn hoài nghi, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta…”, đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần nêu cao tính đảng, tích cực tự học tập, rèn luyện, phấn đấu phục vụ cho sự nghiệp cách mạng. Nêu cao tinh thần tự lực, tự chủ, tự cường trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; đề cao tự phê bình và phê bình; thực hiện tốt Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, với phương châm “chức vụ càng cao càng phải gương mẫu” để không ngừng rèn luyện, tư dưỡng, nâng cao đạo đức cách mạng.
Cùng với đó, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên trong chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước; những điều đảng viên không được làm; chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Ba là, nêu cao cảnh giác, nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, internet, mạng xã hội, các thế lực thù địch, phản động đã triệt để lợi dụng, đẩy mạnh thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, chống phá cách mạng nước ta với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, nham hiểm nhằm gây hoang mang dư luận, mất lòng tin của nhân dân, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Vì vậy, đội ngũ cán bộ, đảng viên cần luôn nêu cao cảnh giác, tỉnh táo, nhận diện rõ bản chất phản động, phản khoa học, kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp ủy, tổ chức đảng các biện pháp thông tin, tuyên truyền, vạch trần, đấu tranh trực diện, kiên quyết, không khoan nhượng với những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị.
Bốn là, nâng cao trình độ lý luận, bám sát thực tiễn, dùng những luận cứ khoa học, sắc bén đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, thực tiễn đúng đắn phải được chỉ đạo, soi đường, dẫn dắt bởi một lý luận khoa học, đúng đắn: “lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế”6. Vì thế, để đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu chống phá của các thế lực thù địch, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải nâng cao trình độ lý luận, bám sát, am hiểu thực tiễn, có luận cứ khoa học, sắc bén. Các cơ quan chức năng, từng cán bộ, đảng viên, nhất là các chuyên gia, nhà khoa học tích cực tham gia tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển, hoàn thiện lý luận, nhất là bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; những vấn đề lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị,... trong tình hình mới. Đồng thời, hệ thống hóa những vấn đề, nội dung mà các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá. Trên cơ sở đó, nghiên cứu xây dựng, thiết lập hệ thống luận cứ, luận điểm khoa học, thuyết phục để phân tích, làm rõ đúng, sai bảo đảm khách quan, khoa học, dùng cơ sở lý luận, thực tiễn sắc bén đấu tranh phản bác có hiệu quả các luận điệu sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, đưa đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên
vươn mình của dân tộc Việt Nam./.
ST.
mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam./..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét