- Phạm Xuân Ẩn,
người cán bộ tình báo được cả thế giới biết đến như một “điệp viên hoàn hảo”.
Sách báo viết về ông khá nhiều, bài viết dưới đây của một tác giả đặc biệt. Ông
là Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), nguyên Cụm trưởng
Cụm H63 mà Phạm Xuân Ẩn là một điệp viên chủ lực của Cụm. Trân trọng giới thiệu
cùng bạn đọc.
Kết thúc cuộc kháng chiến chống
Mỹ, hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, Phạm Xuân Ẩn được Đảng,
Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân, được mời ra Thủ đô Hà Nội dự lễ
mừng chiến thắng và được gặp gỡ nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng,Nhà
nước, Quân đội.
Được tin này, giới báo chí phương Tây, trong đó tất nhiên có nhiều người là
nhân viên tình báo quốc tế đã từng đến Sài Gòn, vô cùng sửng sốt: Phạm Xuân Ẩn
là tình báo của Việt Cộng ư? Thật không thể tin nổi.
Trước ngày 30-4-1975, Phạm Xuân
Ẩn là phóng viên thường trú của báo Time, một tờ thời báo của Mỹ tại Sài Gòn,
có văn phòng trên đường Hàn Thuyên, ngay trước cửa Dinh Độc Lập. Anh cũng cộng
tác chặt chẽ với nhiều tờ báo lớn của Mỹ như Newsweek, New York Herald Tribune…
Anh cũng thường cùng tôi lui
tới ngôi nhà gỗ góc đường Hai Bà Trưng và Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị
Minh Khai). Nơi này là văn phòng của tờ Chistian Science Monitor (Người hướng
dẫn khoa học cơ đốc giáo) để trò chuyện thân mật với một cô phóng viên người
Mỹ. Có lần, anh cùng đứng tên đồng tác giả với cô này trên một bài báo. Vì bài
báo có vài ý “không hay” đối với cuộc chiến tranh mà Mỹ đang tiến hành ở Việt
Nam nên anh Ẩn bị Tòa Đại sứ Mỹ gọi lên “dằn mặt”. Anh đưa bài báo cho tôi xem
và vui vẻ kể lại: “Tụi nó mở tủ rút ra một tập hồ sơ về tôi, từ lý lịch cá nhân
đến mọi hành động, mọi sự di chuyển của tôi từ khi qua Mỹ học nghề làm báo đều
được ghi lại đầy đủ, chi tiết. Tình báo Mỹ làm việc cẩn thận lắm…”. Anh vỗ vai
tôi, cười và nói tiếp: “Chỉ có 7 ngày vào chiến khu Củ Chi bồi dưỡng chính trị
trước khi anh Mười Hương phái tôi sang Mỹ để học nghề báo là không có trong hồ sơ…
Trong buổi tiếp xúc sáng hôm ấy, chúng cố ý làm cho tôi thấy: Tôi nằm trong tầm
ngắm của chúng, đừng dại dột mà chống đối hoặc làm điều gì trái ý chúng”.
Sau khi tập kết ra miền Bắc
theo Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, tôi được Cục 2 (nay là Tổng cục II) rút về
Hà Nội bồi dưỡng thêm nghiệp vụ tình báo rồi đưa trở lại
miền Nam cuối năm 1961 với quân hàm đại úy. Từ đó, tôi được giao
nhiệm vụ Cụm trưởng Cụm H63 trong đó có Phạm Xuân Ẩn được coi là chủ lực của
cụm. Trong mấy năm liền, tôi với anh ấy trao đổi liên lạc bằng thư từ qua đường
giao thông mật. Cụm chúng tôi đóng tại khu du kích Củ Chi, nếu theo đường Hóc
Môn, Cụm chỉ cách Sài Gòn không quá 50 cây số. Tối vào ấp chiến lược trao thư
của Cụm trưởng cho giao thông viên thì sáng hôm sau, anh Ẩn trong Sài Gòn đã
nhận được. Còn anh, cứ mỗi sáng dừng ô tô bên lề chợ Cũ, vào mua thực phẩm cho
chim, để lại trong cái rổ của chị bán vàng giả món gì đó, thì đến chiều món
“hàng” ấy về đến căn cứ của Cụm. Tin gấp thì dùng điện đài báo cáo kịp thời về
trên, còn tài liệu, phim ảnh thì đường dây võ trang hỏa tốc đưa về Phòng Tình
báo Miền trên rừng Tây Ninh. Kể ví dụ vậy thôi, chứ bảo đảm giao thông liên lạc
liên tục và thông suốt trong thời gian chiến tranh, để qua mặt tình báo Mỹ, qua
mặt bọn phản bội đầu hàng, tay sai chỉ điểm thật không đơn giản chút nào. Tránh
thành quy luật, phải thay đổi luôn về thời gian, địa điểm, con người. Điều đáng
tự hào của Cụm H63 là các mũi nhọn trong Sài Gòn (về sau, cùng với Phạm Xuân Ẩn
còn thêm hai cán bộ phát huy tác dụng tốt nữa là Hoàng Sơn Nam và
Nguyễn Thị Yên Thảo). Cụm không bị lộ người nào, lưới giao thông mật trong Sài
Gòn và các ấp chiến lược xung quanh 14 chị em giao thông đều nguyên vẹn đến
ngày hòa bình. Chị bán vàng giả, giao thông đặc biệt với Phạm Xuân Ẩn trong Sài
Gòn là Nguyễn Thị Ba, ngày giải phóng miền Nam được phong cấp thiếu tá, được
tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân.
|
Từ đầu năm 1966, lúc Mỹ đổ quân
ào ạt vào miền Nam, đẩy cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lên đỉnh cao, thủ
trưởng Phòng Tình báo Miền chỉ thị tôi vào Sài Gòn trực tiếp cùng anh chị em
nâng cao hiệu suất phục vụ tài liệu, tin tức, cùng giải quyết kịp thời các tình
huống xảy ra. Vào Sài Gòn, cùng bàn bạc công việc, cùng đi thực hiện các chỉ
thị công tác trên giao, anh Ẩn và tôi rất gắn bó, tình cảm thân thương và kính
trọng lẫn nhau. Có lần, sau khi lấy được và gửi về trên một tài liệu rất quan
trọng về ý đồ chiến lược của đế quốc Mỹ đối với Việt Nam, cấp trên thông báo
tặng thưởng cho anh một Huân chương Chiến công hạng nhất. Ngồi bên cạnh anh, trên
một chiếc xe ô tô cũ hiệu Renault 4 do anh lái trên đường Thống Nhất, hướng
Dinh Độc Lập, tôi báo tin vui ấy cho anh. Bằng giọng rất cảm động, anh nói:
“Tôi cảm ơn sự quan tâm của cấp trên đối với tôi. Đó cũng là trách nhiệm của
tôi mà thôi”. Ngưng một chút, giọng trầm hơn, anh nói tiếp: “Nhưng cuộc chiến
tranh còn dài, đời người cán bộ tình báo như chúng mình biết bao giờ mới có cơ
hội để đeo tấm Huân chương cao quý ấy. Vở kịch còn đang diễn, màn chưa hạ…”.
Càng hiểu nhau, càng mến nhau,
hoạt động rất ăn ý, thật ra không có nhiệm vụ nào cấp trên giao xuống mà chúng
tôi không hoàn thành, dù khó khăn đến mấy. Có một nhiệm vụ mà hai người chúng
tôi phải bàn đi tính lại cả tháng trời, mấy lần về xin ý kiến phương án thực
hiện, sau cùng mới quyết định. Đó là việc đưa một lá thơ (kèm ảnh) của Trung
ương Đảng bạn cho một đối tượng đang làm việc trong một sứ quán của một nước tư
bản tại Sài Gòn. Trao lá thơ, tức lộ mình là Việt Cộng, có thể bị bắt ngay tại
chỗ. Thi hành xong, gặp tôi, anh nói: “Tay tôi đưa lá thơ mà tự nhiên đầu
gối phát run lên, mấy chục năm làm tình báo tôi chưa khi nào run như vậy”.
Có lần, sau giải phóng, nói
chuyện qua điện thoại với anh, anh có nói một câu vui: “Bây giờ ôn lại công
việc của tụi mình, tôi không hiểu nổi tại sao tôi với anh không bị giặc phát
hiện, bắt giam, tra tấn, thủ tiêu như nhiều anh chị em tình báo khác cùng hoạt
động trong thành. Tôi và anh chắc cao số…”.
Tôi không tin lắm vào tướng số,
chắc anh Ẩn cũng vậy. Nhưng thực tế là qua một chuỗi thời gian hoạt động đầy
nguy hiểm mà còn sống an toàn đến ngày toàn thắng của dân tộc thì cũng cần rút
ra điều gì cho lớp trẻ. Theo tôi nghĩ: Khi người cán bộ tình báo đã xác định
sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc thì dù ở trong lòng địch nhưng tâm hồn rất thanh
thản, phong thái rất ung dung. Đó là yếu tố chính đánh bại mọi nghi ngờ của kẻ
thù. Thêm vào đó là phương pháp bình phong. Một nhà báo của Mỹ, được đào tạo
bài bản từ bên Mỹ, lại được thu nhận làm việc trong Sở nghiên cứu chính trị của
bác sĩ Trần Kim Tuyến - là cơ quan mật vụ cao nhất, nhiều quyền lực nhất của
chế độ ngụy quyền lúc bấy giờ thì còn ai nghi ngờ gì Phạm Xuân Ẩn nữa? Đó là
bình phong. Còn mưu mẹo thì anh ấy có nhiều mưu mẹo qua mặt địch, tôi chỉ xin
kể một chuyện vặt:
Anh Ẩn khi ra đường thường dắt
theo một con chó béc-giê to tướng, giống chó rất đắt tiền. Các bạn hãy hình
dung: Một người trí thức, ăn mặc đàng hoàng, đúng thời trang, dừng chiếc ô tô
bên lề đường. Anh bước xuống xe, đưa tay mở cửa sau, con béc-giê phóng ra. Anh
cầm sợi dây da, xích cổ con vật rồi cùng nó đi trên hè phố. Ai dám nghĩ đó là
một cán bộ tình báo Việt Cộng. Điều bất ngờ hơn nữa, ngay cả đối với tôi, là
con chó ấy biết nghe theo sự điều khiển bằng tiếng Pháp. Có hôm, tại nhà hàng
Victory trên đại lộ Hàm Nghi, sau khi hai chúng tôi trao đổi, bàn bạc công việc
xong, anh Ẩn rời bàn đứng dậy đi trả tiền nước. Con chó từ nãy tới giờ nằm im
dưới gầm bàn, vụt đứng dậy đi theo chủ nó. Anh quay lại, ra lệnh: “Reste là!”
(Đứng lại đó). Con béc-giê dừng ngay tức khắc. Trả tiền xong, anh Ẩn
trở về bàn, con chó cũng quay lại, đi theo anh. Anh lại ra lệnh: “Couche toi!”
(Nằm xuống). Con vật dễ thương chấp hành ngay, nằm khoanh dưới bàn. Thực khách
trong nhà hàng, nhiều người rất ngạc nhiên, thích thú. Tôi hỏi anh Ẩn đã huấn
luyện chú chó như thế nào?
Anh kể: “Con chó này là của một
quan chức cao cấp bên Pháp tặng cho tướng Nguyễn Cao Kỳ (lúc ấy giữ chức Trưởng
ban Hành pháp, tương đương như Thủ tướng chính phủ ngụy quyền). Biết con chó
quý, tôi bàn với tay quản lý chó trong dinh Độc Lập: Anh hãy làm cho nó ốm đói,
ghẻ lở, xấu xí rồi đề nghị thanh lý cho tôi. Tôi sẽ không để anh thiệt. Và thế
là con chó thuộc về tôi".
Đi với Phạm Xuân Ẩn trên đường
phố Sài Gòn, tôi rất yên tâm. Tôi nhớ mãi lần đầu tiên hai đứa tôi gặp nhau,
vào đầu năm 1966, được tin nhắn của tôi, anh đến nhà cơ sở ở 136B đường Gia
Long (đường Lý Tự Trọng - quận 1 hiện nay) để gặp tôi và cùng rủ nhau ra đường
phố Sài Gòn. Lúc đi trong hẻm, anh nhìn tôi từ đầu đến chân và nói: “Ở trỏng ra
mà ngó coi được lắm. Nhưng bộ đồ mới quá, anh phải thay đồ cũ cũ một chút. Còn
đôi giày, đôi này không xứng, lại tiệm đây thay ngay một đôi giầy da…”.
Buổi đầu gặp nhau mà đã thân
mật, tự nhiên vậy đó! Tình bạn giữa hai chiến sĩ tình báo được vun đắp qua cuộc
chiến đấu lâu dài, gian khổ, lắm hiểm nguy. Tình bạn ấy về già càng thêm mặn
nồng. Những năm 2003-2004, anh còn đi xe đạp vào nhà tôi hái đu đủ xanh, nói
làm thuốc chữa đau dạ dày cho vợ. Sau rồi yếu quá, hết đi nổi. Chỉ còn trao đổi
bằng điện thoại, nhắc lại chuyện xưa thường có câu: Không hiểu sao hai chúng mình
không bị giặc bắt. Và bao giờ kết thúc câu chuyện cũng bằng những tràng cười
sảng khoái, lạc quan, yêu đời.
Đến năm 2006, bệnh phổi của anh
Ẩn trở nặng, tôi đến thăm anh ở Quân y viện 175, cầm tay tôi, anh nói, vẫn với
nụ cười hóm hỉnh như ngày nào trong Sài Gòn trước ngày giải phóng: Còn sống đến
ngày nay, tôi với anh may mắn hơn nhiều đồng đội. Hồi ấy, đồng đội của chúng ta
vào thành bị bắt nhiều quá, riêng hai đứa mình lọt qua hết, không may mắn thì
gọi là gì? Chắc lá số tử vi của hai đứa mình tốt lắm!
Đúng là một người hay đùa, đùa
đến phút chót cuộc đời mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét