Thứ Ba, 1 tháng 4, 2025

Lý luận cách mạng không ngừng của chủ nghĩa Mác - Lênin

 


Cách mạng không ngừng là quy luật về tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa. Thực chất của quy luật cách mạng không ngừng nhấn mạnh, cách mạng xã hội chủ nghĩa là một quá trình chuyển biến vừa mang tính liên tục, vừa mang tính giai đoạn nhằm thực hiện mục tiêu cuối cùng là xây dựng thành công chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi toàn thế giới, giải phóng con người khỏi áp bức, bóc lột, bất công: “Chủ nghĩa xã hội này là lời tuyên bố cách mạng không ngừng, là chuyên chính giai cấp của giai cấp vô sản, coi đó là giai đoạn quá độ tất yếu để đi đến xoá bỏ những sự khác biệt giai cấp nói chung[1]. Tính liên tục của cách mạng xã hội chủ nghĩa đó là giai cấp vô sản tiến hành cách mạng nhằm thực hiện hết mục tiêu này đến mục tiêu khác, hướng tới mục tiêu cuối cùng là xây dựng thành công chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi toàn thế giới. Tính giai đoạn của cách mạng xã hội chủ nghĩa đó là trải qua những giai đoạn khác nhau, với điều kiện lịch sử, yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ, phương pháp riêng.

Quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về lý luận cách mạng không ngừng. Thế kỷ XIX, giai cấp tư sản đang lên và giữ vai trò là giai cấp trung tâm của thời đại. Giai cấp vô sản đã ra đời song còn nhỏ bé, đang trong quá trình phát triển, tập hợp lực lượng. Giai cấp nông dân phần lớn còn ngả theo giai cấp tư sản. Từ đó, cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa chưa thực sự đặt ra một cách trực tiếp. Quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về tư tưởng cách mạng không ngừng là giai cấp công nhân phải tham gia vào cách mạng dân chủ tư sản để đánh đổ chế độ phong kiến, sau thắng lợi, tùy điều kiện lịch sử và thời cơ mà từng bước đấu tranh lật đổ giai cấp tư sản, giành chính quyền. Sự phát triển của cách mạng xã hội chủ nghĩa do giai cấp công nhân lãnh đạo vừa mang tính liên tục vừa mang tính giai đoạn và diễn ra không ngừng. Mục đích nhằm đẩy nhanh tiến trình cách mạng và rèn luyện, tập hợp lực lượng, tích luỹ kinh nghiệm cho giai cấp công nhân. Ở những nước mà giai cấp công nhân chỉ chiếm số ít trong dân cư thì trước hết cùng với giai cấp tư sản làm cách mạng dân chủ tư sản triệt để, rồi ngay sau đó tiến hành cách mạng vô sản, thực hiện xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa. Điều kiện để giai cấp công nhân thực hiện đường lối cách mạng không ngừng là phải giữ vững tính độc lập về tư tưởng, và liên minh chặt chẽ với giai cấp nông dân và các tầng lớp lao động khác.

Quan điểm của V.I.Lênin về lý luận cách mạng không ngừng. Cuối của thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, giai cấp tư sản mất vị trí trung tâm lịch sử. Giai cấp công nhân đã trưởng thành, lớn mạnh về số lượng và chất lượng. Giai cấp nông dân nhận rõ kẻ thù là giai cấp tư sản và đồng minh là giai cấp công nhân. Từ đó, cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa được đặt ra một cách trực tiếp. Ngoài ra, nhiều phần tử cơ hội chủ nghĩa, hữu khuynh đi theo con đường cách mạng cải lương, phủ nhận tư tưởng cách mạng không ngừng của chủ nghĩa Mác. Kế thừa tư tưởng cách mạng không ngừng của C.Mác và Ph.Ăngghen trong hoàn cảnh lịch sử mới, quan điểm của V.I.Lênin về lý luận cách mạng không ngừng là giai cấp công nhân phải nắm quyền lãnh đạo cách mạng dân chủ tư sản (kiểu mới), sau đó tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, giữa hai cuộc cách mạng đó không có “bức tường” nào ngăn cách.

V.I.Lênin chỉ rõ từng loại hình cách mạng: Ở những nước đã qua cách mạng dân chủ tư sản, giai cấp công nhân kết hợp đấu tranh dân chủ với đấu tranh thực hiện mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Ở những nước chưa qua cách mạng dân chủ tư sản thì phải tiến hành cách mạng dân chủ tư sản, nhưng giai cấp công nhân phải giành quyền lãnh đạo, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội - tức là cách mạng dân chủ tư sản (kiểu mới). Ở các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc thì phải tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, sau đó tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Điều kiện để thực hiện chuyển biến từ cuộc cách mạng dân chủ tư sản (kiểu mới) lên cách mạng xã hội chủ nghĩa, theo V.I.Lênin: một là, giai cấp công nhân thông qua chính đảng của mình tăng cường vai trò lãnh đạo của giai cấp trong cách mạng xã hội chủ nghĩa; hai là, phải tăng cường khối liên minh với giai cấp nông dân; ba là, chuyên chính dân chủ cách mạng của giai cấp công nhân, nông dân phải chuyển sang làm nhiệm vụ của chuyên chính vô sản. Hai giai đoạn cách mạng dân chủ tư sản và cách mạng xã hội chủ nghĩa do giai cấp vô sản lãnh đạo có quan hệ biện chứng với nhau. Cách mạng dân chủ tư sản càng triệt để càng tạo điều kiện cho cách mạng xã hội chủ nghĩa phát triển và giành thắng lợi: “Từ cách mạng dân chủ, chúng ta sẽ bắt đầu chuyển lên ngay và chính tùy theo lực lượng của chúng ta, lực lượng của giai cấp vô sản giác ngộ và có tổ chức, mà chuyển ngay lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta chủ trương làm cách mạng không ngừng, chúng ta quyết không dừng lại nữa chừng[2].



[1] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội - 1995, tr. 126.

[2] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội - 2005, tr. 281.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét