Thứ Ba, 1 tháng 4, 2025

Nhân tố chủ quan của cách mạng xã hội chủ nghĩa

 


Nhân tố chủ quan của cách mạng xã hội chủ nghĩa là sự lớn mạnh, trưởng thành về chính trị của giai cấp công nhân; sự tổ chức ra chính đảng của giai cấp công nhân và sự hình thành, phát triển của liên minh các giai cấp, tầng lớp lao động dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân thông qua chính đảng của nó - đảng cộng sản. Giai cấp công nhân là bộ phận quan trọng của lực lượng sản xuất mang tính xã hội hóa cao, bị quan hệ sản xuất dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa kìm hãm; bị tước đoạt hết tư liệu sản xuất, giai cấp công nhân có nhu cầu bức thiết giành quyền làm chủ tư liệu sản xuất. Là giai cấp lao động bị áp bức, bóc lột nhưng giai cấp công nhân có sự khác biệt với các giai cấp lao động bị áp bức, bóc lột khác ở sứ mệnh lịch sử mang tính thời đại của nó. Cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất, giai cấp công nhân ngày càng trưởng thành về mọi mặt, thông qua chính đảng của mình giác ngộ sâu sắc hơn vai trò, sứ mệnh lịch sử thế giới.

Giai cấp công nhân trở thành trung tâm biểu hiện lợi ích của tất cả các giai cấp và tầng lớp xã hội bị áp bức, bóc lột trong xã hội tư bản. Cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân chống giai cấp tư sản phát triển từ thấp đến cao, giúp giai cấp công nhân nhận rõ sự thống nhất căn bản về lợi ích giữa những người cùng giai cấp và sự đối lập căn bản về lợi ích của họ với lợi ích của giai cấp tư sản: “Lịch sử của cuộc đấu tranh giai cấp đó hiện nay đã phát triển đến giai đoạn trong độ giai cấp bị bóc lột và bị áp bức tức là giai cấp vô sản không còn có thể tự giải phóng khỏi ách của giai cấp bóc lột và áp bức mình, nếu không đồng thời và vĩnh viễn giải phóng toàn xã hội khỏi ách áp bức, bóc lột, khỏi sự phân chia giai cấp và đấu tranh giai cấp[1]. Giai cấp nông dân, trí thức và quần chúng lao động thấy rõ sự phản động của giai cấp tư sản và vai trò của giai cấp công nhân, từng bước ngả về phía cách mạng, sẵn sàng tham gia và hy sinh vì cuộc cách mạng do giai cấp công nhân lãnh đạo.



[1] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội - 1995, tr. 517.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét