Sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của một giai cấp
là sự nghiệp của giai cấp đại biểu cho một phương thức sản xuất tiên tiến, đại
diện cho tiến bộ xã hội để xác lập một hình thái kinh tế - xã hội mới phủ định
cho hình thái đã lỗi thời. Trên cơ sở phân tích
một cách khách quan, khoa học những điều kiện kinh tế của nền sản xuất tư bản
chủ nghĩa cũng như những điều kiện chính trị, xã hội đã tạo nên các quan hệ
giai cấp trong xã hội tư bản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã phát hiện vai trò và sứ
mệnh lịch sử của giai cấp công nhân: “Thực hiện sự nghiệp giải phóng thế giới
ấy, đó là sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân”[1].
Nội dung sứ
mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là xoá bỏ chế độ tư bản, giải phóng giai
cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể nhân loại khỏi mọi sự áp bức bóc
lột, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế
giới.
Sứ mệnh lịch
sử của giai cấp công nhân là quá trình kết hợp chặt chẽ và thống nhất biện
chứng giữa hai sự nghiệp: cải tạo xã hội cũ và xây dựng xã hội mới. Nội dung sứ mệnh
lịch sử của giai cấp công nhân được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời
sống xã hội, đây là một quá trình lâu dài và phức tạp, thể hiện mối quan hệ
biện chứng giữa cải tạo xã hội cũ và xây dựng xã hội mới. Sự kết hợp chặt chẽ ấy diễn ra trong suốt quá trình cách
mạng của giai cấp công nhân cả trong giai đoạn đấu tranh giành chính quyền và
xây dựng xã hội mới. Quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa ở các nước đã chứng
minh, ở đâu và khi nào mối quan hệ giữa cải tạo và xây dựng chưa được kết hợp
chặt chẽ và giải quyết đúng đắn, thì ở đó và khi đó việc thực hiện sứ mệnh lịch
sử của giai cấp công nhân gặp nhiều khó khăn, thậm chí còn thất bại.
Để thực hiện
sứ mệnh lịch sử của mình, giai cấp công nhân phải tiến hành một quá trình đấu
tranh cách mạng liên tục trải qua các giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất,
giai cấp công nhân phải lật đổ chính quyền giai cấp tư sản, thiết lập chính
quyền của giai cấp vô sản, phải “tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, phải tự
mình trở thành dân tộc”[2]
và “phải tự nhận lấy sứ mệnh đại biểu cho toàn bộ lợi ích của một dân tộc và do
đó lãnh đạo dân tộc ấy về chính trị”[3];
Giai đoạn thứ hai, sau khi giành chính quyền, giai cấp công nhân phải
lãnh đạo và tổ chức công cuộc cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới - xã hội xã hội chủ
nghĩa để tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Chưa đạt được mục tiêu cuối cùng thì giai
cấp công nhân cũng như toàn thể nhân dân lao động chưa được giải phóng hoàn
toàn.
Sứ mệnh lịch
sử của giai cấp công nhân khác hẳn về chất so với sứ mệnh của các giai cấp khác
trong lịch sử. Giai cấp công nhân làm
cách mạng nhằm xoá bỏ hoàn toàn chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản
xuất, nguồn gốc sinh ra mọi áp bức bóc lột, bất công xã hội, chứ không phải
thực hiện sự thay thế chế độ tư hữu này bằng chế độ tư hữu khác, hay thay đổi
hình thức bóc lột này bằng hình thức bóc lột khác như trước đây. Mục đích cách mạng của giai cấp công nhân là mang lại lợi ích cho tuyệt đại
đa số nhân dân lao động, thực hiện sự nghiệp giải phóng cao cả: Giải phóng giai
cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng con người. C.Mác và Ph.Ăngghen đã khẳng
định: “Tất cả những phong trào lịch sử từ trước đến nay, đều là do thiểu số
thực hiện, hoặc đều do mưu lợi ích cho thiểu số. Phong trào vô sản là phong
trào độc lập của tuyệt đai đa số, mưu lợi cho tuyệt đại đa số”[4].
Sứ mệnh lịch
sử của giai cấp công nhân là sự nghiệp cách mạng vừa mang tính dân tộc, vừa
mang tính quốc tế, kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ dân tộc với nghĩa vụ quốc tế. Sứ mệnh
lịch sử của giai cấp công nhân mang tính quốc tế do địa vị kinh tế - xã hội của
giai cấp công nhân quy định và từ yêu cầu chống kẻ thù chung là chủ nghĩa tư
bản quốc tế.
Tuy nhiên, tính quốc tế của sứ mệnh lịch sử ấy phải được giai cấp công nhân
thực hiện trước hết ở từng quốc gia dân tộc. C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ rõ:
“Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản, dù về mặt nội
dung, không phải là cuộc đấu tranh dân tộc, nhưng lúc đầu lại mang hình thức
đấu tranh dân tộc. Đương nhiên là trước hết, giai cấp vô sản mỗi nước phải
thanh toán xong giai cấp tư sản nước mình đã”[5].
Như vậy, sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân chỉ có thể hoàn
thành nếu giải quyết đúng đắn các mối quan hệ dân tộc và quốc tế. Đây là mối
quan hệ thống nhất biện chứng của quá trình phát triển trong phong trào công
nhân quốc tế.
[1] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn
tập, tập 20, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội - 1994, tr. 393.
[2] C.Mác và Ph.Ăng ghen, Toàn
tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội - 1995, tr. 624.
[3] C.Mác và Ph.Ăng ghen, Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật,
Hà Nội - 1993, tr. 530.
[4] C.Mác và Ph.Ăng ghen, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật,
Hà Nội - 1995, tr. 611.
[5] C.Mác và Ph.Ăng ghen, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội - 1995, tr. 613.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét