Thứ Hai, 29 tháng 7, 2024

CỐNG HIẾN LÀ LẼ SỐNG, LÀ DANH DỰ

 Những ngày qua, toàn Đảng, toàn dân ta thương tiếc tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nơi an nghỉ cuối cùng. Có chứng kiến tình cảm của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đối với đồng chí Tổng Bí thư mới thấy hết giá trị của hai từ "cống hiến".

Và hình ảnh của Tổng Bí thư sẽ luôn nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên phải nỗ lực không ngừng để cống hiến cho sự nghiệp chung của Đảng, đất nước và nhân dân. Bởi đó chính là lẽ sống, là danh dự của người cộng sản.

1. Mỗi con người sinh ra, lớn lên và trưởng thành đều có những bổn phận, trách nhiệm. Đối với cán bộ, đảng viên, ngoài con người xã hội, mỗi đồng chí còn là người cộng sản. Khi đọc lời thề trước cờ Tổ quốc, cờ Đảng, trước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại thì chính là lúc chúng ta đã chọn lựa con đường của sự cống hiến và chịu sự ràng buộc của trách nhiệm thiêng liêng ấy. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy chúng ta hiểu rằng vào Đảng, làm cán bộ trước hết là để cống hiến phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng, vì: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài”. Cho nên, cống hiến chính là lẽ sống của người đảng viên.

Người nào nỗ lực trở thành cán bộ mà không tận tâm cống hiến, chỉ chăm chăm thu vén lợi ích cá nhân, thỏa mãn sự tham lam vật chất, hưởng thụ là trái với đạo đức cách mạng và sai cả về luân thường đạo lý. Và đương nhiên, khi đã phạm vào những giá trị căn bản đó thì cũng đồng nghĩa đã đánh mất danh dự. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc kết một điều và trở thành chân lý: “Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất”. Do đó, cống hiến là giá trị đạo đức, cũng chính là danh dự của cán bộ, đảng viên.

Thực tế đã chứng minh, không ít người quyền cao, chức trọng, nhưng vì tham lam dẫn đến tham ô, tham nhũng để rồi bị kỷ luật, bị cách chức, phải vào tù. Những người đó hẳn có lúc phải nhìn lại cuộc đời mà hối hận vì đã không coi trọng giá trị của tinh thần cống hiến, không xác định cống hiến là lẽ sống, là danh dự. Sự mất mát của người xa rời tinh thần cống hiến khi mang sứ mệnh phải cống hiến là vô cùng lớn. Không chỉ mất chức tước, danh dự, phẩm giá, với người đã rơi vào vòng lao lý thì ngay cả ước mơ nhỏ nhoi về tự do, về một ngày bình yên đơn sơ giản dị cũng trở nên xa vời. Ngay cả những cán bộ, đảng viên chưa đến mức phải trả giá đắt như vậy, nhưng một khi không nỗ lực cống hiến vì cái chung mà nặng về chủ nghĩa cá nhân cũng thường phải chịu những hệ quả đáng tiếc, bị xã hội lên án, bị nhân dân khinh bỉ.

Thực tế, một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả những người giữ chức vụ cao chưa thực hiện tốt trách nhiệm cống hiến vì cái chung, còn để lại hệ lụy tiêu cực rất to lớn cho xã hội, cho đất nước, cho Đảng. Con số thất thoát ngân sách nhà nước do tham ô, tham nhũng, lãng phí lên tới hàng nghìn tỷ đồng chỉ là một phần. Đó còn là những công trình hạ tầng đầu tư kém chất lượng, vừa nghiệm thu đã hỏng hóc, xuống cấp; là những chính sách xa rời thực tiễn, thủ tục hành chính nhiêu khê, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; là sự vô cảm trước nhu cầu, đòi hỏi bức xúc của nhân dân; là dễ làm, khó bỏ, làm qua quýt, qua loa, đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm dẫn đến công việc chung bị đình trệ, lỡ thời cơ phát triển... Đó còn là tình trạng cán bộ thu mình thủ thế chờ thời, cục bộ, bè phái, “thân quen, cánh hẩu”, “nhóm lợi ích”... với những tác động tiêu cực về niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước.

Những biểu hiện đi trái với trách nhiệm, lý tưởng cống hiến ấy đã được Trung ương Đảng chỉ rõ qua 27 biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

2. Khơi dậy tinh thần và trách nhiệm cống hiến là việc có ý nghĩa ngày càng quan trọng. Đây là giải pháp xây dựng đạo đức, xây dựng văn hóa trong Đảng; là giải pháp hàng đầu để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta thực sự "là đạo đức, là văn minh".

Để làm được việc này cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp cả ở vĩ mô và cụ thể tại mỗi tổ chức Đảng. Với các cấp ủy tổ chức Đảng, ngay lúc này cần bắt tay triển khai giải pháp mang lợi ích lớn là tổ chức đợt học tập tấm gương cống hiến trọn đời vì nước, vì dân của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trước hết là trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Trong 80 năm cuộc đời và gần 60 phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu tấm gương sáng và “mãnh liệt truyền cảm hứng” về tinh thần cống hiến đến hơi thở cuối cùng vì lý tưởng của Đảng, vì sự trường tồn của đất nước, dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Soi chiếu con người mình vào tấm gương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ giúp mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta nhận rõ ý nghĩa của cuộc sống, nhất là giá trị của trách nhiệm cống hiến. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc đến nhân vật Pavel Korchagin, nhân vật chính trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Liên Xô Nikolai A.Ostrovky với tuyên ngôn về lý tưởng sống cao đẹp. Và đồng chí khẳng định: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự trường tồn của dân tộc, sự vẻ vang của giống nòi và hạnh phúc của nhân dân!”.

Thiết nghĩ, nếu mỗi chi bộ ngay trong đợt sinh hoạt thường kỳ đầu tháng 8-2024 này bắt đầu ngay với chủ đề nghiên cứu và làm theo gương cống hiến trọn đời vì nước, vì dân của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có tác dụng lan tỏa mạnh mẽ. Đồng thời với những cách làm sáng tạo, các cấp ủy, cơ quan, tổ chức, địa phương có thể tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, các buổi kể chuyện thời sự chính trị gắn với những câu chuyện về tấm gương đạo đức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ đó sẽ có tác dụng nâng cao nhận thức, thức tỉnh nhân tâm trong Đảng, trong dân và nhân lên những giá trị chân - thiện - mỹ trong xã hội.

Bên cạnh đó, một giải pháp có tính căn cơ, mấu chốt để cán bộ, đảng viên làm tròn phận sự, trách nhiệm của mình là cấp ủy tổ chức Đảng phải không ngừng tăng cường kỷ cương, kỷ luật; trọng tâm là tiếp tục đổi mới công tác đánh giá cán bộ, khắc phục triệt để tình trạng cào bằng; nâng cao hơn nữa chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, chủ động phòng ngừa vi phạm từ sớm, từ xa; đặc biệt phải coi trọng ý kiến của nhân dân, phát huy vai trò tai mắt của nhân dân, thực sự dựa vào dân để xây dựng Đảng.

Dẫu vậy, sự tự giác nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên vẫn là yếu tố quyết định. Bởi chỉ có bản thân người cán bộ, đảng viên mới thực sự kiểm soát được ý nghĩ, hành động của chính mình. Lựa chọn học tập tấm gương đạo đức sáng ngời như Chủ tịch Hồ Chí Minh, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo tiền bối khác chính là cách học tập, rèn luyện nhanh nhất và khả thi nhất.

 

SUY NGẪM VỀ VẤN ĐỀ THAM NHŨNG

 Những ngày qua. Cả nước chìm trong niềm thương tiếc vô hạn trước sự ra đi của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng “Người đốt lò” vĩ đại. Quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đồng chí có nhiều đóng góp trên tất cả các phương diện trong đó có công cuộc phòng chống tham nhũng.

Ngẫm lại trên trang facebook Việt Tân, đối tượng Nguyễn Ánh tán phát bài “Chuyện thường tình trong xã hội Việt Nam dưới chế độ xã hội chủ nghĩa”. Nội dung xuyên tạc công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta; phủ nhận những thành quả cách mạng trong quá trình xây dựng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; cho rằng tham nhũng ở Việt Nam sinh ra do cơ chế.

Chúng ta phải nhận thức rằng đây là luận điệu xuyên tạc trắng trợn thể chế chính trị ở nước ta, đỗ lỗi tham nhũng do cơ chế sinh ra, nhằm hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước ta trong xây dựng đất nước; xuyên tạc các chủ trương, chính sách của Đảng ta trong phòng, chống tham nhũng. Trước tiên chúng ta khẳng định rằng tham nhũng ở nước ta không phải do cơ chế chính sách, mà bắt nguồn sự thoái hóa biến chất, chủ nghĩa cá nhân của một số ít cán bộ có chức có quyền trong công tác quản lý, điều hành cơ quan, đơn vị; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi tham nhũng.

Luật Phòng chống tham nhũng ở Việt Nam năm 2005 nêu rõ: Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để vụ lợi. Còn theo Tổ chức Minh bạch thế giới (Transparency International), tham nhũng hay tham ô là hành vi “của người lạm dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc cố ý làm trái pháp luật để phục vụ cho lợi ích cá nhân”.

Nguyên nhân chủ yếu của tham nhũng là:Lòng tham của con người, mọi hành vi tham nhũng dù dưới hình thức nào chăng nữa đều bắt nguồn từ “lợi ích cá nhân”. Vì lợi ích cá nhân, người ta có thể làm tất cả, bất chấp mọi thủ đoạn, mọi hậu quả để đạt được dù hành vi đó là vi phạm đạo đức, pháp luật, hay vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng; Do lối sống “ăn bám”, ỷ lại, lười lao động thích hưởng thụ của một bộ phận cán bộ, công chức; Do cuộc sống, áp lực công việc, do môi trường xung quanh, do chính bản thân mà đạo đức con người ngày càng bị suy thoái, tha hóa. Một bộ phận cán bộ, công chức chưa có ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống, tư tưởng chính trị. Điều này dẫn đến sự tha hóa, suy thoái về đạo đức không thể tránh khỏi của các công chức, viên chức nhà nước, sẵn sàng vì lợi ích cá nhân mà tham nhũng;Do tâm lý, “truyền thống văn hóa” và trình độ nhận thức của một bộ phận người dân còn yếu kém. Với quan niệm “dầu bôi trơn bánh xe”, “đầu xuôi đuôi lọt”, “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” và nghĩ rằng giải pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất để giải quyết công việc là “thủ tục đầu tiên” cũng là nguyên nhân thúc đẩy tham nhũng. Chính hành vi tâm lý và trình độ nhận thức này đã vô tình làm cho không ít cán bộ, nhân viên bị tham nhũng thụ động;Một nguyên nhân nữa đó là tư duy chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên còn phảng phất tư duy “truyền thống”, phong kiến, manh mún, chắp vá, thiếu tính hệ thống dẫn đến thiếu mạnh dạn và quyết tâm trong việc thực hiện đường lối đổi mới, đặc biệt là đổi mới tư duy chính trị.

Chúng ta khẳng định rằng, tham nhũng ở Việt Nam không phải do cơ chế, chính sách mà do chủ nghĩa cá nhân, sự tha hóa, biến chất về đạo đức, lối sống cảu một số ít cán bộ, công chức trong thực hiện công vụ.

 

 

HỒ CHÍ MINH VỀ ĐỨC LIÊM VÀ CHÍNH TRONG PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC HIỆN NAY

 Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng nói chung, về đức Liêm và Chính nói riêng là tài sản quý báu của Đảng và nhân dân ta, vẹn nguyên giá trị, mở đường đổi mới, soi sáng tương lai, trường tồn cùng dân tộc và nhân loại. Hiểu thấu và thực hiện đúng tư tưởng Hồ Chí Minh về Liêm và Chính là một biện pháp hữu hiệu trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.

Về giáo dục liêm và chính để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Theo Hồ Chí Minh, “để thực hiện chữ Liêm, cần có tuyên truyền và kiểm soát, giáo dục và pháp luật, từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên”. Tuyên truyền, giáo dục cho cả cán bộ và nhân dân. Bởi vì, “nếu nhân dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì “quan” dù không liêm, cũng phải hóa ra Liêm”.

Nói đến thực hành Liêm và Chính là nói đến tầm ứng xử văn hóa - đạo đức ở cấp độ cao, bởi nhờ văn hóa và chỉ con người có văn hóa thì mới có được những hành vi và ứng xử có giá trị, là đỉnh cao và biểu hiện đẹp đẽ nhất của văn hóa vì nó thể hiện sự hiểu biết làm người, hiểu biết xử sự, xử thế đối với bản thân, gia đình và xã hội mà lõi cốt là phá cái ác đổi ra cái thiện.

Cùng với “pháp luật phải thẳng thay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gi”, thì “tự mình” là biện pháp quan trọng nhất để thực hành Liêm và Chính. Bởi vì “vô luận việc gì, đều do người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả”.

Cán bộ phải biết mình trong mối quan hệ với nhân dân là điều kiện cần để thực hành Liêm và Chính. Phải biết quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân, nhân dân ủy thác quyền hành cho mình để phục vụ dân. Vì vậy “làm cán bộ là suốt đời làm đày tớ trung thành của nhân dân”; “lãnh đạo là làm đày tớ nhân dân và phải làm cho tốt”. Ngược lại, nếu nghĩ rằng quyền hành là của mình thì dễ làm bậy.

Cần phải nhận thức khoa học rằng, người thiếu lương tâm mà không có quyền thì không thể thực hiện hành vi tham nhũng. Nhân dân hạng kém cũng chỉ tham ô, không thể tham nhũng vì không có quyền. Cán bộ có quyền mà có đạo đức, có lương tâm không bao giờ tham nhũng, tiêu cực. Đảng ta chiến đấu hy sinh 15 năm mới trở thành Đảng cầm quyền và cán bộ, đảng viên trong công sở so với nhân dân “đều có nhiều hoặc ít quyền hành.

Tư tưởng hồ chí minh về liêm và chính trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay

Trước hết, tư tưởng Hồ Chí Minh về Liêm và Chính hay nói đầy đủ là Liêm khiết và Chính trực là hai đức rõ ràng, nên khi triển khai phải bảo đảm cả đức Liêm và đức Chính. Hiện nay có chỗ ghép Liêm với Chính thành một chuẩn mực đạo đức Liêm chính, hiểu theo nghĩa trong sạch, không tham nhũng là không đầy đủ. Tách từng đức Liêm và Chính còn có ý nghĩa ở chỗ xây Liêm thì phải chống bất liêm; xây Chính thì phải chống bất chính. Tư tưởng Hồ Chí Minh về Liêm và Chính vẹn nguyên giá trị, mở đường đổi mới, soi sáng tương lai, trường tồn cùng dân tộc và nhân loại.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Phải kiên trì giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về đức tính liêm khiết, chính trực; xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực”

Phải kiểm soát quyền lực như Hồ Chí Minh chỉ ra và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói về “lồng” cơ chế để “nhốt” quyền lực, bảo đảm quyền lực vận hành đúng không bị tha hóa. “Lồng” cơ chế bằng các quy định, kiểm tra, giám sát, trách nhiệm giải trình, là cần thiết, quan trọng, nhưng phải đặc biệt chú trọng “lồng” cơ chế dân chủ. Phát huy dân chủ thật sự trong Đảng và xã hội là một biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực.

Quy định, quy chế là cần thiết nhưng chưa đủ. Phải có biện pháp “hai chân” quy định, cơ chế và con người. Như Hồ Chí Minh đã chỉ ra, điều có ý nghĩa quan trọng nhất trong thực hành Liêm và Chính là vấn đề con người. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại: “Cuối cùng, xét tới ngọn ngành mọi sự trên đời này đều là vấn đề con người, do con người, vì con người mà ra”. Trong đội ngũ cán bộ, đảng viên thì cán bộ chiến lược, nhất là người đứng đầu là tầng lớp “tinh hoa” của đất nước.

Điều đó đòi hỏi quyết tâm chính trị lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trên cơ sở phát huy mạnh mẽ hệ giá trị của con người Việt Nam. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “ một Đất nước, một dân tộc trọng văn hiến, trọng hiền tài, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; Nhân dân đoàn kết, cần cù, sáng tạo;... chúng ta sẽ khắc phục được mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức để chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp tục làm vẻ vang thêm cho dân tộc, cho giống nòi, tạo thành sức mạnh vô song để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, đất nước ta ngày càng phồn vinh, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng của một dân tộc anh hùng, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới chống tham nhũng, tiêu cực như hiện nay.

Nhiều chính sách đặc thù giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên

 

Là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer, Hoa sinh sống, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, Bạc Liêu luôn quan tâm, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh. Từ đó giúp diện mạo vùng đồng bào không ngừng khởi sắc, trình độ dân trí được nâng cao, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy.

Thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách đặc thù dành cho đồng bào DTTS của Đảng và Nhà nước luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Bạc Liêu quan tâm chỉ đạo thực hiện kịp thời, chặt chẽ và phát huy hiệu quả, trong đó đáng chú ý là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025. Tính riêng giai đoạn 2022-2023, từ nguồn vốn phân bổ của Trung ương và ngân sách đối ứng của địa phương, tỉnh Bạc Liêu đã giải ngân gần 42 tỷ đồng đầu tư vào xây dựng hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, nhà ở, nước sạch sinh hoạt, chuyển đổi ngành nghề... Trong đó, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 379 căn nhà ở (50 triệu đồng/căn), chuyển đổi nghề cho 628 hộ (10 triệu đồng/hộ), hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 225 hộ (3 triệu đồng/hộ); đầu tư, nâng cấp 1 trường phổ thông dân tộc nội trú; tổ chức đào tạo nghề dưới 3 tháng cho 1.229 người; cấp 19.398 thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho người DTTS.

Gia đình anh Danh Công ở ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu trước đây có hoàn cảnh rất khó khăn. Bao năm cả gia đình 6 người sống chen chúc trong căn nhà đã xuống cấp trầm trọng, nhưng do không có công việc ổn định nên ước mơ có được căn nhà kiên cố của cả gia đình mãi vẫn không thực hiện được. Biết được hoàn cảnh của gia đình anh Danh Công, đầu năm 2024, xã Vĩnh Trạch Đông đã đề nghị cấp trên hỗ trợ gia đình 50 triệu đồng để làm nhà. Không những thế, anh còn được tham gia các lớp đào tạo nghề ngắn hạn về chăn nuôi, trồng trọt và hỗ trợ chuyển đổi nghề, nhờ đó, đến nay gia đình anh đã vươn lên thoát nghèo.

Còn với ông Danh Thol, ở ấp Cỏ Thum, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, từ khi được hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội và hướng dẫn phương thức làm ăn, kỹ thuật canh tác thì những ruộng đồng hoang hóa của gia đình trước đây đã được thay thế thành những ruộng tôm, lúa cho giá trị kinh tế cao, bền vững. Ông Thol cho biết: “Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, không chỉ riêng gia đình tôi mà đời sống, kinh tế của bà con trong ấp được cải thiện và phát triển hơn trước. Giờ đây, cả ấp không còn nhà tạm, nhà dột nát nữa, đường sá đi lại thuận tiện hơn, trẻ em được đến trường học hành đầy đủ...”.

Cùng với việc chăm lo đời sống vật chất, việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc cũng được tỉnh Bạc Liêu đặc biệt quan tâm. Hiện nay, tất cả 22 chùa của người Khmer trong tỉnh được chính quyền, đoàn thể quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để các vị sư sãi và đồng bào phật tử thực hiện các nghi thức tín ngưỡng. Theo đồng chí Tô Thành Phương, Trưởng ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu, những ngôi chùa, nhà văn hóa cộng đồng của đồng bào Khmer không chỉ là nơi giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer, mà còn là nơi để các vị sư sãi tuyên truyền cho phật tử hiểu rõ và chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Để nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần, bảo tồn các giá trị truyền thống của đồng bào các dân tộc, thời gian tới, tỉnh Bạc Liêu tiếp tục ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện nhiều chương trình, chính sách giúp nâng cao đời sống đồng bào như: Đỡ đầu hộ nghèo, hộ cận nghèo, tạo mô hình sinh kế, hỗ trợ nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, chăm lo về giáo dục, y tế, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ đất ở, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất... Đồng chí Ngô Vũ Thăng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Cùng với triển khai các chương trình mục tiêu, các dự án phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, thời gian tới, tỉnh sẽ quan tâm hơn nữa công tác đào tạo, nâng cao trình độ dân trí cho con em đồng bào Khmer. Đặc biệt là quan tâm thực hiện tốt việc dạy song ngữ để nâng cao chất lượng giáo dục, làm tốt công tác hướng nghiệp, cử tuyển và hỗ trợ học phí, bố trí việc làm cho con em đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh”.

Giúp dân biên giới xóa đói, giảm nghèo

 

Đứng chân trên địa bàn huyện Quế Phong và Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An), những năm qua, cán bộ, nhân viên Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 4, Quân khu 4 đã khắc phục khó khăn, có nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, thiết thực giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống.

Theo Đại tá Lê Văn Thắng, Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 4, Quân khu 4, đơn vị đứng chân làm nhiệm vụ kinh tế kết hợp quốc phòng trên địa bàn 8 xã của huyện Kỳ Sơn và Quế Phong. Đây là khu vực biên giới có địa hình phức tạp, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú sinh sống, trình độ dân trí chưa cao, còn nhiều hủ tục. Cùng với đó, do thói quen canh tác lạc hậu, bà con trồng trọt, chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả không cao nên đời sống người dân còn nhiều khó khăn, vất vả.

Xuất phát từ thực trạng trên, Đoàn KT-QP 4 đã chỉ đạo các cơ quan và đội sản xuất tìm hiểu, xây dựng những mô hình kinh tế hiệu quả, như: Nuôi cá tầm, nuôi lợn nái sinh sản và lợn thịt siêu nạc, nuôi dê boer lai sinh sản, gà đồi; trồng và chiết xuất tinh dầu sả java, trồng chè shan tuyết, bắp cải Nhật, bí Lào, đu đủ Đài Loan, khoai sọ... Sau khi các mô hình thử nghiệm triển khai thành công, đơn vị tổ chức tuyên truyền, đưa người dân đi tham quan, học tập, hỗ trợ cây, con giống, vật tư, hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống.

Tháng 4-2021, gia đình anh Lầu Bá Khùa ở bản Ca Nọi, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn được Đội Chế biến (Đoàn KT-QP 4) tặng 30kg cá giống các loại. Sau một năm, được sự hỗ trợ kỹ thuật của cán bộ, nhân viên Đội Chế biến, ao cá của anh Khùa bắt đầu cho thu hoạch. Anh Khùa cho biết: “Nhờ bộ đội giúp đỡ con giống, hướng dẫn cách nuôi cá mà vừa qua vợ chồng mình thu hoạch được 50kg cá, bán được hơn 5 triệu đồng. Số tiền này mình dành một phần để trang trải cuộc sống gia đình, một phần để mua cá giống, từng bước phát triển kinh tế”. 

Tương tự, năm 2022, gia đình ông Vi Văn Viết ở bản Long Thắng (xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong) được Đội Sản xuất 6 (Đoàn KT-QP 4) hỗ trợ 1.000 cây bắp cải giống, trồng trên diện tích 500m2. Sau khi thu hoạch, gia đình ông Viết bán được 5 triệu đồng. Năm 2023, ông Viết tiếp tục được đơn vị hỗ trợ 300 cây bí giống. Cán bộ, nhân viên Đội Sản xuất 6 còn hướng dẫn gia đình kỹ thuật chăm sóc nên vườn bí phát triển tốt. Trước sự quan tâm, giúp đỡ của bộ đội dành cho gia đình, ông Viết xúc động nói: “Các chú bộ đội không những cho cây giống mà còn xuống tận nơi chỉ bảo cách chăm sóc. Nhờ bộ đội mà nay gia đình tôi không còn lo đói nữa”.

Nhờ sự giúp đỡ của Đội Sản xuất 6, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Hạnh Dịch đã thành công trong phát triển chăn nuôi, trồng trọt, góp phần nâng cao đời sống, điển hình như gia đình ông Vi Văn Thành với mô hình trồng cải bắp và dưa chuột; 4 gia đình, gồm: Hà Văn Thịnh, Hà Văn Thới, Hà Văn Tuấn, Ngân Văn Thoại thành công với mô hình trồng khoai sọ; gia đình ông Lô Văn Thắng và Hà Văn Ngầm với mô hình chăn nuôi trâu, bò, vịt, nuôi cá trắm cho thu nhập cao...

Không những giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, thời gian qua, cán bộ, nhân viên Đoàn KT-QP 4 còn thường xuyên bám dân, bám bản, tuyên truyền, vận động bà con nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, nhất là thực hiện kế hoạch hóa gia đình, không di cư tự do, không truyền đạo trái phép, loại bỏ các hủ tục; phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương mở lớp xóa mù chữ, chống tái mù chữ cho hàng trăm người dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, hằng năm, Đoàn KT-QP 4 đều tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân; huy động hàng trăm ngày công bộ đội, trí thức trẻ tình nguyện chung tay với địa phương trong xây dựng nông thôn mới, chăm lo đối tượng chính sách, người nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh...

Đánh giá về những đóng góp của Đoàn KT-QP 4 với sự phát triển của địa phương, đồng chí Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn nhấn mạnh: “Thời gian qua, Đoàn KT-QP 4 đã có nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, giúp đỡ bà con nhân dân xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống. Chúng tôi đánh giá cao hiệu quả các mô hình mà Đoàn KT-QP 4 đã và đang thực hiện đối với địa phương. Đây là những mô hình phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương và phong tục, tập quán của bà con. Chúng tôi đang tiếp tục phối hợp với đơn vị để tuyên truyền, vận động bà con học tập, nhân rộng...”.

Khởi sắc từ chương trình giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số

 

Giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Đây là mục tiêu quan trọng trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và hội nhập sâu rộng của nền kinh tế.

Tại tỉnh Gia Lai, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã triển khai đồng bộ những giải pháp trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình đã giúp hàng nghìn hộ dân tộc thiểu số (DTTS) thoát nghèo hằng năm để tự tin, hăng hái sản xuất, vươn lên xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Trước đây, gia đình ông Rơ Chăm Chon ở làng Mrông Ngó 3, xã Ia Ka, huyện Chư Păh thuộc diện hộ nghèo ở địa phương. Năm 2021, ông được chính quyền hỗ trợ một con bò cái. Đến nay, con bò này sắp sinh lứa thứ hai nên gia đình ông chăm sóc rất cẩn thận. Ông Chon cho biết, cùng đợt gia đình ông được hỗ trợ bò còn có 4 hộ khác được hỗ trợ và đến nay nhà nào cũng có thêm ít nhất một con bê. Với ông Chon, bò bây giờ là của để dành vì vừa qua vợ chồng ông được tuyển vào làm công nhân cao su với mức lương của cả hai vợ chồng là gần 10 triệu đồng. Ông Chon chia sẻ: “Chính quyền địa phương đã hỗ trợ bò, làm nhà và tạo điều kiện cho vợ chồng tôi đi làm công nhân cao su với tiền lương 4-5 triệu đồng/người/tháng, qua đó giúp gia đình tôi có đủ chi phí để trang trải cuộc sống hằng ngày, từng bước vươn lên thoát nghèo”.

Từ năm 2016, khi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được triển khai, đến nay mỗi năm các hộ nghèo ở xã Ia Ka được hỗ trợ hàng trăm triệu đồng để thực hiện những hoạt động giảm nghèo. Để nguồn vốn được phát huy hiệu quả, UBND xã Ia Ka đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thống kê số hộ nghèo, phân tích nguyên nhân dẫn đến nghèo và tái nghèo, từ đó triển khai chương trình phù hợp với nguyện vọng của từng hộ dân như dạy nghề, làm nhà mới, tặng bò sinh sản, tặng máy móc, dụng cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp...

Phương châm của địa phương là hỗ trợ bà con tạo sinh kế, thay đổi nếp nghĩ, cách làm nhằm tạo động lực để các hộ thoát nghèo bền vững. Ông Rơ Chăm Glai, Trưởng làng Mrông Ngó 3 cho biết: “Đến nay, làng Mrông Ngó 3 đã có 5 hộ nghèo được hỗ trợ bò giống. Sau đó bò mẹ sinh sản sẽ được chia sẻ cho các hộ nghèo khác nuôi, vì hộ nuôi trước đã khá rồi nên tiếp tục chuyển cho các hộ khó khăn”.

Trong thời gian qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh Gia Lai đã giải ngân hơn 1.400 tỷ đồng để triển khai các hoạt động hỗ trợ đầu tư, phát triển hạ tầng ở các huyện nghèo và các thôn, làng. Nguồn vốn này được cụ thể hóa thành nhiều tiểu dự án như hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, hỗ trợ nhà cho hộ nghèo và hộ cận nghèo...

Qua đó, trong giai đoạn 2016-2021, toàn tỉnh Gia Lai đã giảm được 15,75% số hộ nghèo (bình quân giảm trên 3,15% mỗi năm), đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm bình quân trên 5,33%/năm. Từ cuối năm 2018 đến nay, tỉnh không còn hộ nghèo là người có công với cách mạng; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn cũng giảm theo từng năm. Với sự quyết tâm, quyết liệt của các cấp chính quyền cùng sự chung tay, nỗ lực của nhân dân, cái nghèo ở Gia Lai đang từng bước bị đẩy lùi.

Tân Biên chăm lo đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số

 Huyện Tân Biên là một trong những địa phương của tỉnh Tây Ninh được thụ hưởng Chương trình 1719, qua đó giúp đồng bào DTTS ở Tân Biên nâng cao đời sống kinh tế, bảo tồn văn hóa, tăng khả năng và cơ hội trong tiếp cận giáo dục, y tế, bình đẳng giới...

Huyện Tân Biên hiện có hơn 860 hộ đồng bào DTTS với 2.890 nhân khẩu, sống tập trung chủ yếu ở 4 xã Tân Lập, Hòa Hiệp, Tân Phong và Thạnh Bình. Thời gian qua, việc triển khai các chương trình, chính sách dân tộc luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của cấp ủy, HĐND, UBND các cấp và các đoàn thể chính trị, xã hội, qua đó đời sống kinh tế-xã hội của đồng bào có những chuyển biến tích cực. Như chương trình giáo dục vùng đồng bào DTTS từng bước được cải thiện và có nhiều chuyển biến, số trẻ em, học sinh là con em đồng bào DTTS được đến trường đạt tỷ lệ 100%.

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các xã được duy trì ổn định, đại bộ phận đồng bào DTTS luôn tin tưởng và thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và địa phương. Ông Huynh Bích, người có uy tín ở xã Hòa Hiệp cho biết: “Trước đây đời sống của đồng bào Khmer ở xã Hòa Hiệp rất khó khăn; thiếu việc làm, giao thông đi lại khó khăn... Từ khi thực hiện Chương trình 1719, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước hỗ trợ địa phương làm đường giao thông, giúp bà con tiêu thụ nông sản... nên đời sống người dân có nhiều khởi sắc”.

Thời gian qua, huyện Tân Biên triển khai nhiều chính sách đầu tư vào vùng đồng bào DTTS, góp phần làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn cũng như nâng cao đời sống nhân dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo hiệu quả. Các chương trình, chính sách, đề án trên các lĩnh vực: Giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, lao động việc làm... được các cấp, các ngành quan tâm và chỉ đạo thực hiện đồng bộ trên địa bàn vùng đồng bào DTTS.

Việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần vùng đồng bào DTTS luôn là mục tiêu được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm, qua đó góp phần thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa các dân tộc anh em trên địa bàn huyện... Thực hiện Chương trình 1719, hiện nay huyện Tân Biên đang thực hiện dự án nâng cấp trạm cấp nước tập trung cho đồng bào dân tộc Khmer tại xã Hòa Hiệp; tu bổ, tôn tạo các di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của đồng bào DTTS...

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Chương trình 1719, huyện Tân Biên vẫn gặp một số khó khăn, hạn chế. Mặc dù kinh tế địa phương phát triển nhưng vẫn chậm, đời sống đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn, chủ yếu đồng bào dựa vào sản xuất nông nghiệp, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế... Để giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, thời gian tới, huyện Tân Biên tập trung triển khai có hiệu quả Chương trình 1719, trong đó thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, bền vững, ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các công trình nước sạch, giao thông và các công trình phục vụ đời sống của đồng bào DTTS...

Có thể nói, Chương trình 1719 được xem là quyết sách quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS ở Tân Biên. Từ các dự án của chương trình sẽ tạo sinh kế giúp đồng bào có cơ hội vươn lên trong cuộc sống, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS thêm nhiều khởi sắc, hạ tầng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân ngày càng tốt hơn.

Chính sách giúp đổi thay vùng đồng bào dân tộc

 

Cầu Kè là huyện có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống (chiếm gần 32%) của tỉnh Trà Vinh, sau gần 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến 2025 (Chương trình 1719), bằng nhiều cách làm, giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương đã góp phần thay đổi diện mạo các phum, sóc.

Ngay từ khi Trung ương, tỉnh có kế hoạch phân bổ nguồn vốn Chương trình 1719 giai đoạn 2021-2025, huyện Cầu Kè đã bắt tay vào triển khai xây dựng các công trình phục vụ người dân như công trình đường nhựa liên ấp Ô Tưng A-Ô Tưng B-Châu Hưng (xã Châu Điền) với tổng nguồn vốn gần 4 tỷ đồng. Công trình được đánh giá mang lại hiệu quả thiết thực cho bà con nơi đây. Ông Thạch Sal ở ấp Ô Tưng B cho biết: “Trước đây, do không có đường giao thông, bà con chủ yếu đi lại bằng ghe nên gặp rất nhiều khó khăn. Khi địa phương vận động hiến đất làm đường thì bà con rất đồng thuận. Từ khi có tuyến đường mới, người dân vô cùng phấn khởi, việc đi lại, buôn bán, vận chuyển hàng hóa đều thuận tiện”.

Những năm qua, xã Châu Điền đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển toàn diện trong vùng đồng bào Khmer, đặc biệt là các chính sách ưu đãi về hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi, đào tạo nghề... Trong hai năm 2022, 2023, xã Châu Điền có 25 hộ nghèo, cận nghèo người dân tộc Khmer được hỗ trợ vay vốn để xây dựng nhà ở với tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Đồng thời, xã còn vận động được 230 triệu đồng để hỗ trợ xây 5 căn nhà tình thương tặng các hộ nghèo. Chị Thạch Thị Sô Pha, ấp Ô Mịch, một trong những hộ được hỗ trợ vay vốn để cất nhà mới, cho biết: “Lúc trước, gia đình tôi ở trong ngôi nhà đã xuống cấp trầm trọng. Được Nhà nước cho vay vốn để xây căn nhà mới, tôi mừng lắm”.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Quốc Thuần, Chủ tịch UBND xã Châu Điền cho biết: “Chúng tôi đã tranh thủ các nguồn vốn để tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn, thực hiện tốt các chính sách đối với đồng bào dân tộc Khmer. Sự chăm lo của Đảng, Nhà nước cùng với sự đồng lòng, quyết tâm vươn lên của người dân đã làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống của bà con được nâng lên, hiện thu nhập bình quân đạt hơn 65 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer chỉ còn 8 hộ (chiếm 0,24% tổng số hộ của xã)”.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Thạch Thị Sôm Oanh Na, Trưởng phòng Dân tộc huyện Cầu Kè cho biết: “Việc triển khai thực hiện Chương trình 1719 ở huyện đạt được nhiều kết quả như hỗ trợ vốn chuyển đổi nghề cho 69 hộ với kinh phí 2,79 tỷ đồng; hỗ trợ đất ở cho các hộ nghèo tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho 10 ấp đặc biệt khó khăn với kinh phí thực hiện 6,3 tỷ đồng... Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các phòng, ban có liên quan cũng như UBND các xã, thị trấn tiếp tục tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện triển khai thực hiện các chương trình, dự án chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào...”.

Nhìn lại những chặng đường đã qua, có thể thấy đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc Khmer của huyện Cầu Kè đang không ngừng đổi thay, khẳng định sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với đời sống đồng bào. Đây cũng là động lực giúp bà con thi đua lao động sản xuất và xây dựng đời sống văn hóa, góp phần tạo thêm công trình, phần việc có ý nghĩa trong công cuộc xây dựng quê hương.

Nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào

Xác định vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức về chính trị, pháp luật của bà con còn hạn chế, thời gian qua, các ngành chức năng huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên luôn chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS, từ đó giúp bà con nâng cao nhận thức, góp phần bảo vệ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Là huyện miền núi của tỉnh Thái Nguyên, Võ Nhai có hơn 70% đồng bào DTTS sinh sống. Tại nhiều vùng đồng bào DTTS còn tồn tại một số hủ tục, tình trạng bạo lực gia đình hay các hoạt động phá rừng, thậm chí một số người bị các đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật.

Chính vì vậy, để nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân, huyện Võ Nhai đã phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Thái Nguyên và cơ quan chuyên môn thường xuyên tổ chức các hội nghị tuyên truyền pháp luật tại các xóm, xã trên địa bàn huyện.

Xác định để giáo dục, nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân thì việc đi sâu, đi sát, nắm địa bàn cơ sở là rất quan trọng, ngoài tổ chức họp thôn, bản, các cơ quan, ban, ngành huyện Võ Nhai còn kết hợp với những người uy tín trong cộng đồng tới tận các hộ gia đình để tuyên truyền, vận động bà con chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, chung tay tham gia bảo vệ an ninh trật tự

 Cùng với đó, mỗi khi có văn bản pháp luật mới, Trung tâm Văn hóa, Thể thao-Truyền thông huyện phối hợp với Phòng Tư pháp hoặc lực lượng chức năng liên quan tổ chức triển khai tuyên truyền trực tiếp hoặc thông qua hệ thống loa truyền thanh. Cách làm này đã mang lại hiệu quả tích cực khi bà con ở những vùng sâu, vùng xa vẫn được tiếp cận, lắng nghe các kiến thức tuyên truyền về pháp luật theo từng chủ đề.

Xóm Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc là một trong những xóm người Mông khó khăn nhất của huyện Võ Nhai. Với người Mông, hủ tục tảo hôn vẫn còn tồn tại trong cộng đồng. Vì thế, để bà con, đặc biệt là phụ nữ hiểu hơn về những hệ lụy mà tảo hôn gây ra, các cán bộ Phòng Tư pháp huyện và chính quyền xã đã chuẩn bị rất nhiều tờ rơi để phát cho người dân, cũng như giải thích việc làm này là hành vi trái pháp luật.

Đồng chí Hoàng Văn Thảo, Phó trưởng phòng Tư pháp huyện Võ Nhai cho biết: “Thông qua các hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật tại các xóm, bản, tổ dân cư đã giúp bà con chấp hành tốt hơn những quy định của pháp luật, hạn chế những vụ việc vi phạm pháp luật mà trước đây bà con không nắm rõ”.

Đặc biệt, để đa dạng hình thức phổ biến pháp luật cho người dân, huyện Võ Nhai đã áp dụng việc chuyển đổi số vào tuyên truyền, từ đó mang lại hiệu quả tích cực. Trong đó, huyện đã xây dựng trang điện tử “Toàn dân Podcast”, trung bình mỗi tuần ra một bản tin về pháp luật, trong đó có số còn phát sóng bằng tiếng DTTS để bà con dễ hiểu, dễ nắm bắt hơn. Nội dung chủ yếu của các bản tin là tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như thủ đoạn của các loại tội phạm để người dân nắm bắt.

Trước đây, thực hiện chủ trương “4 cùng” với đồng bào, chủ yếu đội ngũ cán bộ ở Võ Nhai mới thực hiện được “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm), còn cùng nói tiếng đồng bào dân tộc thì hạn chế, vì ít cán bộ biết tiếng các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, việc xây dựng thành công kênh tuyên truyền “Toàn dân Podcast” đã giúp đội ngũ cán bộ phần nào thực hiện được “4 cùng” với đồng bào. Bởi chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet thì người dân trên địa bàn huyện Võ Nhai đều có thể nghe và hiểu về những chính sách, pháp luật hiện nay.

Có thể thấy, việc phổ biến, giáo dục, nâng cao kiến thức pháp luật cho đồng bào DTTS ở Võ Nhai có ý nghĩa quan trọng để thực thi hiệu quả chính sách dân tộc, từ đó không chỉ nâng cao trình độ, nhận thức của người dân mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Nỗ lực giảm nghèo ở Mường Lát

 

Mường Lát là huyện nghèo vùng cao biên giới của tỉnh Thanh Hóa với khoảng 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đời sống người dân rất khó khăn và lạc hậu.

Những năm qua, cùng với chính sách của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân trong triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đồng thời thực hiện nhiều chính sách dân tộc thiết thực, hiệu quả đã giúp Mường Lát từng bước vươn lên thoát nghèo.

Huyện Mường Lát có tổng diện tích đất hơn 81.200ha, trong đó, đất quy hoạch 3 loại rừng (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất) là gần 75.000ha, do vậy, đất sản xuất có nhiều hạn chế, người dân có tâm lý trông chờ, ỷ lại. Theo đồng chí Hoàng Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện Mường Lát, thực hiện các chính sách về phát triển kinh tế-xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 29-9-2022 về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, qua đó tạo cơ sở để Mường Lát vươn lên. Ngay sau đó, huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, cả hệ thống chính trị vào cuộc để tuyên truyền, vận động bà con thực hiện các chính sách ưu tiên phát triển nông-lâm nghiệp, phát triển chăn nuôi. Huyện cũng xác định phát triển lúa nếp Cay Nọi-một loại lúa nếp đặc sản, cũng là sản phẩm OCOP 3 sao-trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Đến nay, toàn huyện có khoảng 800ha trồng lúa nước, trong đó có 600ha trồng lúa nếp Cay Nọi. Đây là giống lúa nếp được trồng nhiều nhất ở xã Quang Chiểu, mặc dù mỗi năm chỉ trồng được một vụ, thời gian gieo trồng khá dài (khoảng 5 tháng) nhưng lúa cho năng suất cao. Đồng chí Hà Văn Hoàn, Bí thư Đảng ủy xã Quang Chiểu cho biết: “Lúa nếp Cay Nọi là giống lúa đặc trưng của địa phương, giá trị giống lúa này cao hơn so với các loại lúa khác, nhờ đó đã nâng cao thu nhập cho người dân. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết, bao tiêu sản phẩm, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, thương hiệu cho lúa nếp Cay Nọi, mở ra cơ hội thoát nghèo cho nhiều hộ dân”.

Để giúp bà con thoát nghèo, huyện Mường Lát cũng xác định vấn đề quan trọng nhất là thay đổi tư duy, nhận thức, nếp nghĩ, cách làm của bà con. Giờ đây, đa số người dân không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà mỗi người dân đã tự lực vươn lên phát triển kinh tế. Như gia đình ông Hà Văn Kim ở bản Xim, xã Quang Chiểu trước đây rất khó khăn, nhưng nhờ sự tuyên truyền, hướng dẫn của chính quyền địa phương, ông đã triển khai mô hình kinh tế trang trại để tăng thêm thu nhập. Ban đầu chỉ là nuôi vài con gà, con vịt, giờ đây, ông đã có đàn gia cầm hàng trăm con, 6-7 con bò và trồng nhiều loại cây có giá trị. Ông Kim cho biết: “Nhờ phát triển mô hình trang trại đã giúp gia đình tôi có thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm. Mong ước lớn nhất của tôi là có thể tiếp tục mở rộng hơn nữa diện tích đồi trống, tạo thành những thửa ruộng bậc thang để trồng lúa”.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong việc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới mà tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Mường Lát giảm theo từng năm. Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo ở Mường Lát còn khoảng 39% (giảm 16,8% so với năm 2021), trong đó, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 25 triệu đồng/năm. Sản xuất công nghiệp, xây dựng cơ bản và dịch vụ thương mại trên địa bàn từng bước phát triển; kết cấu hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa... được quan tâm đầu tư. Cùng với đó là dịch vụ thương mại cũng phát triển đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân.

Hiệu quả phong trào cán bộ, đảng viên đỡ đầu hộ nghèo

 

Ở nước ta hiện nay, những nơi đặc biệt khó khăn chủ yếu vẫn tập trung ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vậy nên xóa đói, giảm nghèo là chủ trương lớn được Đảng, Nhà nước nỗ lực triển khai thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia. Đặc biệt tại nhiều địa phương, bằng sự sáng tạo, phát huy nội lực trong chính đội ngũ cán bộ, đảng viên, người có uy tín, nhiều phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đã và đang được triển khai thực sự hiệu quả.

Huyện Mèo Vạc (Hà Giang) là một trong những huyện nghèo của cả nước, nơi đây có 17 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào Mông chiếm 78% dân số. Là địa phương có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt... nên đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Trước thực trạng đó, để nâng cao đời sống người dân, ngoài những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, huyện Mèo Vạc đã triển khai phong trào cán bộ, đảng viên đi đầu giúp đỡ các hộ nghèo cũng như phát triển kinh tế một cách hiệu quả, thực chất.

Phong trào đảng viên giúp đỡ hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Mèo Vạc bắt đầu từ năm 2014, khi triển khai Kế hoạch số 127-KH/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy về việc thực hiện giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo, phân công cho từng cơ quan, đơn vị, cán bộ công chức, viên chức, đảng viên giúp đỡ, theo dõi trực tiếp từ 1 hộ nghèo trở lên. Theo đó, để phong trào “đỡ đầu” hộ nghèo đạt hiệu quả cao, thiết thực, bền vững thì tất cả các cấp, cơ quan, ban, ngành của huyện đều thực hiện quy trình giúp đỡ hộ nghèo bài bản, cụ thể từ khâu khảo sát đến trao vốn, theo dõi quá trình sản xuất, làm ăn của từng hộ.

Cùng với đó, cán bộ, đảng viên đến từng hộ để khảo sát thực tế nhu cầu của các hộ nghèo để có phương hướng giúp đỡ thiết thực. Đến nay, tại huyện Mèo Vạc đã có hơn 6.000 hộ dân thoát nghèo nhờ phong trào cán bộ, đảng viên giúp đỡ hộ nghèo. Gia đình anh Châu Văn Bình, người dân tộc Mông, ở thôn Nà Tiềng, xã Niêm Sơn, từ một hộ nghèo trước đây, nhờ được sự giúp đỡ của cán bộ xã, bí thư chi bộ thôn, cùng sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của bản thân mà giờ đây cuộc sống gia đình anh đã thay đổi rất nhiều. Anh Bình cho biết: “Đồng chí Hoàng Thế Diện, Bí thư chi bộ thôn đã hướng dẫn gia đình tôi vay vốn ngân hàng chính sách xã hội để mua trâu, lợn sinh sản, thường xuyên đến hướng dẫn gia đình cách chăn nuôi. Nhờ đó, mỗi năm gia đình tôi có thu nhập 50-60 triệu đồng và đến nay đã thoát nghèo”.

Không chỉ gia đình anh Châu Văn Bình, ở Mèo Vạc còn có rất nhiều gia đình được hưởng lợi từ phong trào cán bộ, đảng viên giúp đỡ hộ nghèo. Theo đồng chí Hồng Mí Sinh, Phó chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, ngoài việc tuyên truyền về các chính sách của Đảng và Nhà nước, cán bộ, đảng viên được giao nhiệm vụ còn phải giúp đỡ người dân về cách thức làm ăn để các hộ dân biết cách phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có chính sách phân công cán bộ, đảng viên giúp đỡ hộ nghèo nên tính đến hết năm 2023, tổng số hộ nghèo toàn huyện là 9.035 hộ, giảm 1.171 hộ so với năm 2022, vượt 6,7% kế hoạch đề ra.

Bắt “bệnh” lười học tập lý luận chính trị

 

Giáo dục lý luận chính trị (LLCT) là một phần quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự nghiệp cách mạng.

Thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục LLCT vẫn còn một số tồn tại, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, chất lượng và hiệu quả còn thấp so với yêu cầu mới trong giai đoạn hiện nay.

Có thể nhận thấy, tuy đã được đổi mới ở các mức độ khác nhau nhưng nhìn chung, nội dung, chương trình giáo dục LLCT vẫn nặng về lý thuyết, kinh viện, tính ứng dụng còn hạn chế. Tình trạng phổ biến hiện nay là giảng dạy LLCT chỉ nhằm mục đích phục vụ cho thi, kiểm tra, ít gắn với nhận thức của người học và giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn. Tính ứng dụng của kiến thức hạn chế nên cán bộ, đảng viên chưa cảm nhận sâu sắc lợi ích, vai trò quan trọng của việc học tập LLCT.

Tình trạng ngại học, lười học LLCT đã, đang diễn ra và có nguy cơ trở thành một “căn bệnh” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay. Chính điều này là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc một số cán bộ, đảng viên khi đối diện với những quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch thì tỏ ra lúng túng, hiểu nửa vời, thiếu lý lẽ để lý giải cho mình và không có lý luận, phương pháp để đấu tranh phản bác lại. Việc nhận thức không đúng về vai trò của lý luận và LLCT, lười học LLCT chính là biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị. Sự suy thoái này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc hằng ngày của mỗi cán bộ, đảng viên mà còn khiến họ gặp khó khăn trong công tác vận động quần chúng; thậm chí không giữ được lập trường trước những cám dỗ vật chất tầm thường.

Xét trên mọi khía cạnh, nguyên nhân sâu xa dẫn đến căn bệnh lười học tập LLCT xuất phát trước hết từ chính người học. Hiện nay, một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa xác định đúng và rõ ràng mục tiêu, động cơ học tập LLCT của bản thân. Bên cạnh đó, một số cấp ủy có lúc, có nơi chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn công tác giáo dục LLCT, có hiện tượng khoán trắng cho cơ quan tham mưu; buông lỏng kiểm tra, giám sát, nhất là về thời gian, nội dung, chương trình, số lượng và kết quả học tập. 

Một nguyên nhân nữa không thể không nhắc đến đó là sự mâu thuẫn giữa lý tưởng và hiện thực, những hiện tượng trái ngược giữa lý thuyết và thực tiễn nhưng chưa được lý giải thỏa đáng, dẫn đến nhiều nội dung giáo dục LLCT trở nên xa vời, thiếu hấp dẫn, trở thành lý thuyết suông và không đi vào cuộc sống. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Do kém về lý luận, hoặc khinh lý luận, hoặc lý luận suông, nhiều cán bộ, đảng viên của ta mắc phải bệnh chủ quan, gặp mọi việc không biết xem xét cho rõ, cân nhắc cho đúng, xử trí cho khéo; không biết nhận rõ điều kiện, hoàn cảnh khách quan, ý mình nghĩ thế nào, làm thế ấy. Kết quả thường thất bại”. Thực tế cho thấy, chỉ khi lý luận góp phần giải quyết những vấn đề mới và khó đặt ra từ thực tiễn, cũng như vận dụng trong giải quyết công việc cụ thể của từng cá nhân thì lúc đó mới thuyết phục được người học tham gia học tập với tinh thần, thái độ thực sự nghiêm túc.