VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ LIÊM VÀ CHÍNH TRONG PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC HIỆN NAY
Trước hết, tư tưởng Hồ Chí Minh về Liêm và Chính hay nói đầy đủ là Liêm khiết và Chính trực là hai đức rõ ràng, nên khi triển khai phải bảo đảm cả đức Liêm và đức Chính. Hiện nay có chỗ ghép Liêm với Chính thành một chuẩn mực đạo đức Liêm chính, hiểu theo nghĩa trong sạch, không tham nhũng là không đầy đủ. Tách từng đức Liêm và Chính còn có ý nghĩa ở chỗ xây Liêm thì phải chống bất liêm; xây Chính thì phải chống bất chính. Tư tưởng Hồ Chí Minh về Liêm và Chính vẹn nguyên giá trị, mở đường đổi mới, soi sáng tương lai, trường tồn cùng dân tộc và nhân loại. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Phải kiên trì giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về đức tính liêm khiết, chính trực; xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực”(33).
Hai là, các văn kiện của Đảng, đặc biệt Đại hội XIII nhấn mạnh rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí. Văn kiện Đại hội nói đến “chống tha hóa quyền lực”(34). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường nói “tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực”(35). Cả hai ý này là một cách trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh khi Người chỉ rõ quyền lực là cần thiết, ở nơi dân, do dân ủy thác, nên cán bộ phải gắng sức làm phục vụ nhân dân, để khỏi phụ lòng tin của nhân dân. Quyền hành không có tội. Vấn đề ở chỗ cán bộ có quyền mà không có đạo đức, thiếu lương tâm là dễ trở nên hủ bại. Đây là một điểm nhấn trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay khi tham nhũng quyền lực là tham nhũng gốc.
Phải kiểm soát quyền lực như Hồ Chí Minh chỉ ra và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói về “lồng” cơ chế để “nhốt” quyền lực, bảo đảm quyền lực vận hành đúng không bị tha hóa. “Lồng” cơ chế bằng các quy định, kiểm tra, giám sát, trách nhiệm giải trình, v.v.. là cần thiết, quan trọng, nhưng phải đặc biệt chú trọng “lồng” cơ chế dân chủ. Phát huy dân chủ thật sự trong Đảng và xã hội là một biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực.
Ba là, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII, Quy định 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 hệ thống hóa các chuẩn mực đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, được hiểu là đạo đức và tư cách mà mỗi cán bộ, đảng viên phải có, phải giữ cho đúng, phải theo, phải thực hiện theo tinh thần “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Cán bộ, đảng viên phải có đạo đức cách mạng, không có thì không còn là cán bộ, đảng viên. Đây là gốc, là sức mạnh của người gánh nặng đường xa; là “vốn” của Đảng. Vun bồi đạo đức là vun gốc để cây khỏi héo; “có vốn mới làm ra lãi”(36). Điều 3 của Quy định 144-QĐ/TW ghi rõ Cần, Kiệm, Liêm, Chính, chí công vô tư là trở về đúng với tư tưởng Hồ Chí Minh.
Bốn là, quy định, quy chế là cần thiết nhưng chưa đủ. Phải có biện pháp “hai chân” - quy định, cơ chế và con người. Như Hồ Chí Minh đã chỉ ra, điều có ý nghĩa quan trọng nhất trong thực hành Liêm và Chính là vấn đề con người. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại: “Cuối cùng, xét tới ngọn ngành mọi sự trên đời này đều là vấn đề con người, do con người, vì con người mà ra”(37). Trong đội ngũ cán bộ, đảng viên thì cán bộ chiến lược, nhất là người đứng đầu là tầng lớp “tinh hoa” của đất nước. Vì vậy phải tránh tình trạng: “Chân mình còn lấm bê bê/Lại cầm bó đuốc đi rê chân người”; “Thượng bất chính, hạ tắc loạn!”; “Cấp trên ở chẳng chính ngôi/ Cho nên ở dưới chúng tôi hỗn hào!”(38).
Cùng với quy định, cơ chế, cán bộ, đảng viên tự giác rèn luyện, tu thân chính tâm, tự soi, tự sửa, tự vượt lên chính mình, phải chiến thắng lòng tà trong mình, giữ liêm sỉ, trọng danh dự là biện pháp có ý nghĩa quyết định nhất trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay./.