Sáng 27/7, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 77 năm ngày thương binh liệt sĩ.
Tham gia đoàn viếng có Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến.
Đoàn viếng còn có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; các nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Vương Đình Huệ và nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ban, bộ, ngành, đoàn thể.
Vòng hoa của Đoàn mang dòng chữ "Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại".
Đoàn lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước trước đó đến đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn. Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ "Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ".
Sáng cùng ngày, các đoàn Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an; Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Thành ủy, HĐND, UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội... cũng đến tưởng niệm anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm trên đường Bắc Sơn và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bộ Quốc phòng đề xuất lực lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ và được Liên Hợp Quốc tặng huân chương sẽ được thăng quân hàm, nâng lương trước niên hạn.
Tại dự thảo đang lấy ý kiến, Bộ Quốc phòng cũng đề xuất cá nhân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình được hưởng trợ cấp kinh phí đối ngoại, dân vận, tuyên truyền, trang thiết bị, trợ cấp chức vụ chỉ huy. Nữ giới được hưởng trợ cấp đặc thù. Bộ Quốc phòng, Công an có chính sách ưu tiên bố trí, sử dụng cá nhân sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về.
Người được tuyển chọn tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc cần đáp ứng nhiều tiêu chuẩn. Trước tiên, họ phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc Quân đội nhân dân hoặc sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, chuyên môn kỹ thuật, chiến sĩ thuộc Công an nhân dân, đáp ứng một loạt tiêu chí.
Đó là có nguyện vọng tham gia lực lượng; có khả năng hoạt động tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình (chủ yếu ở châu Phi); bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân, Đảng và Nhà nước; có phẩm chất đạo đức cách mạng, gương mẫu; có lý lịch rõ ràng; có tuổi đời, đảm bảo sức khỏe, có ngoại ngữ theo yêu cầu của Liên Hợp Quốc...
Hội đồng Quốc phòng và An ninh quyết định cử, điều chỉnh, rút lực lượng Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Thủ tướng - Phó chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, được ủy quyền rút lực lượng Việt Nam đang triển khai về nước trong trường hợp khẩn cấp.
Bên cạnh nội dung trên, dự luật cũng có các điều khoản về hợp tác quốc tế trong gìn giữ hòa bình; quy trình triển khai lực lượng; kế hoạch xây dựng, đào tạo lực lượng; trang phục, trang bị nhận biết lực lượng gìn giữ hòa bình...
Từ tháng 6/2014, Việt Nam chính thức cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Đến giữa năm 2024, Việt Nam đã cử 812 lượt sĩ quan đi thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ UNMISS (Nam Sudan), Phái bộ MINUSCA (Cộng hòa Trung Phi), Phái bộ UNISFA (khu vực Abyei), Phái bộ EUTM RCA (Phái bộ huấn luyện của Liên minh châu Âu tại Trung Phi) và Trụ sở Liên Hợp Quốc.
Các sĩ quan được điều phối thực hiện nhiệm vụ theo hình thức cá nhân như tham mưu quân sự, huấn luyện, trang bị; sĩ quan liên lạc; quan sát viên quân sự; sĩ quan điều phối quân - dân sự; sĩ quan truyền thông; sĩ quan quân lương, sĩ quan cảnh sát cá nhân tại Phái bộ. Hình thức đơn vị có Bệnh viện dã chiến cấp 2 với 63 quân nhân; Đội Công binh với 184 quân nhân.
Hiện nay, việc triển khai lực lượng làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình được thực hiện theo Nghị quyết 130/2020 của Quốc hội, nhưng quá trình thực hiện phát sinh nhiều hạn chế. Quy trình triển khai, tuyển chọn, đào tạo lực lượng chưa đầy đủ, chặt chẽ. Việc bảo đảm nguồn lực, tài chính; chế độ, chính sách đãi ngộ cho các sĩ quan chưa đáp ứng được tình hình thực tiễn. "Xây dựng Luật tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc là cần thiết", Bộ Quốc phòng khẳng định.
Dự kiến, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (giữa năm 2025) và thông qua tại kỳ họp thứ 10 (cuối năm 2025).
Tổng thống Timor Leste Jose Ramos-Horta sẽ thăm cấp nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Tô Lâm.
Chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Timor Leste Jose Ramos-Horta sẽ diễn ra từ ngày 31/7 tới 3/8, theo thông cáo hôm nay của Bộ Ngoại giao.
Việt Nam và Timor Leste có quan hệ hữu nghị lâu đời. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên công nhận Mặt trận Cách mạng vì một Timor Leste độc lập (FRETILIN) vào tháng 9/1975.
Kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước năm 2023 đạt 15,9 triệu USD, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Timor Leste đạt 15,5 triệu USD, nhập khẩu đạt gần 372 nghìn USD.
Việt Nam và Timor Leste đã ký bản ghi nhớ về thương mại gạo. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 15.320 tấn gạo sang Timor Leste, trị giá gần 8,8 triệu USD. Trong 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu 3.866 tấn gạo sang Timor Leste, trị giá gần 2,6 triệu USD.
Hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác và phối hợp lập trường tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Timor Leste đã ủng hộ Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Việt Nam và các nước ASEAN đang hỗ trợ Timor Leste trong quá trình chuẩn bị và tăng cường năng lực, tạo điều kiện thuận lợi để quốc gia này gia nhập ASEAN.
100 đoàn quốc tế đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Việt Nam, hơn 3.500 đoàn đến viếng tại các cơ quan đại diện Việt Nam trên thế giới, theo Bộ Ngoại giao.
Trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế, chính đảng và bạn bè quốc tế từ 103 nước, vùng lãnh thổ cùng 32 tổ chức quốc tế đã gửi gần 500 thư, điện, thông điệp chia buồn tới các lãnh đạo cùng nhân dân Việt Nam và gia quyến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, theo thông cáo hôm nay của Bộ Ngoại giao.
100 đoàn quốc tế đã đến viếng và gửi hoa chia buồn tại Việt Nam, hơn 3.500 đoàn đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại các cơ quan đại diện Việt Nam trên khắp thế giới.
Lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế, các chính đảng và bạn bè quốc tế đã bày tỏ niềm tiếc thương và sự kính trọng lớn lao đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôn vinh những đóng góp của Tổng Bí thư với sự phát triển của Việt Nam và quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác, bày tỏ mong muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trên tất cả lĩnh vực.
Các lãnh đạo Việt Nam đã gửi thư, điện cảm ơn tình cảm đặc biệt và những lời thăm hỏi, động viên của bạn bè quốc tế trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Lãnh đạo Việt Nam mong muốn cùng các nước, các đối tác tiếp tục thực hiện tâm nguyện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa quan hệ hữu nghị, hợp tác ngày càng phát triển, đáp ứng lợi ích của người dân mỗi nước và đóng góp vào hòa bình, hợp tác, thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần ngày 19/7 do tuổi cao bệnh nặng, hưởng thọ 80 tuổi. Tang lễ được tổ chức trọng thể theo nghi thức quốc tang trong ngày 25-26/7, sau đó ông được an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch.
Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu công tác tư pháp và cải cách tư pháp cần tiếp tục được đẩy mạnh với quyết tâm chính trị cao, lộ trình phù hợp, chống bảo thủ, cục bộ.
Chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương sáng 31/7, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá Ban chỉ đạo đã thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong đó đã chỉ đạo hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp; thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp trong nhiều đạo luật lớn về tư pháp; góp phần khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Chủ tịch nước Tô Lâm cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế của Ban Chỉ đạo thời gian qua. Một số đề án, báo cáo trình Ban Chỉ đạo chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng chưa cao; chưa kịp thời cho ý kiến chỉ đạo hoặc đề xuất với Bộ Chính trị cho ý kiến về cơ chế, chính sách giải quyết những khó khăn trong quá trình triển khai các nhiệm vụ cải cách tư pháp của cấp ủy, tổ chức Đảng có liên quan.
Theo Chủ tịch nước, cải cách tư pháp là một trong những nội dung quan trọng trong đường lối đổi mới của Đảng nhằm góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bảo đảm thực hiện nhất quán nguyên tắc quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, bảo vệ công lý, quyền con người, công dân, lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân. "Đây cũng là nhiệm vụ lâu dài, phức tạp, nhạy cảm, phạm vi ảnh hưởng rộng", Chủ tịch nước nói.
Ngoài ra, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ nảy sinh nhiều vấn đề mới, phức tạp, chưa có tiền lệ cả trong quan hệ dân sự, hành chính, thương mại, lao động và an ninh, trật tự. Đòi hỏi của người dân, xã hội với các cơ quan tư pháp, hoạt động tư pháp cũng ngày càng cao.
Chủ tịch nước yêu cầu thời gian tới cần đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hội nhập quốc tế sâu rộng. Công tác tư pháp và cải cách tư pháp cần phải tiếp tục được đẩy mạnh, với quyết tâm chính trị cao, có lộ trình phù hợp, chống bảo thủ, cục bộ, phát huy được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và toàn xã hội.
Ban nội chính Trung ương được Chủ tịch nước giao phối hợp cùng Văn phòng Trung ương Đảng để sớm trình Bộ Chính trị xem xét, thông qua đề án "Tổ chức, hoạt động của Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương". Đề án sẽ theo hướng tiếp tục duy trì tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo, với thành phần cơ bản giữ nguyên như nhiệm kỳ 2016-2021.
Ban Nội chính Trung ương cũng được yêu cầu phối hợp với các cơ quan có lãnh đạo là thành viên Ban chỉ đạo để xây dựng kế hoạch, chương trình công tác trọng tâm cải cách tư pháp từ nay đến hết nhiệm kỳ.
Thượng tá Nguyễn Thị Liên và trung tá Nguyễn Đức Doanh nhận quyết định của Chủ tịch nước đi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Abyei, ngày 26/7.
Thượng tá Nguyễn Thị Liên được cử đi làm Sĩ quan Điều phối quân - dân sự; trung tá Nguyễn Đức Doanh đảm nhiệm vị trí Sĩ quan Tham mưu tác chiến tại Phái bộ An ninh lâm thời Liên Hợp Quốc tại khu vực Abyei (UNISFA).
Hai sĩ quan đã hoàn thành khóa huấn luyện trong Chương trình đánh giá năng lực gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc; hoàn thành bài thi trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng và Diễn tập song phương với Ấn Độ về gìn giữ hòa bình.
Đây là nhiệm kỳ thứ 3 thượng tá Nguyễn Thị Liên tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Gần đây, chị công tác tại phái bộ UNISFA với vị trí sĩ quan phụ trách công tác quân - dân của Đội Công binh số 1 Việt Nam.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Quốc phòng, yêu cầu Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam chuẩn bị lực lượng thay thế, chủ động tạo nguồn những vị trí yêu cầu chuyên môn sâu, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho lực lượng.
Thượng tá Nguyễn Thị Liên cho biết đã sẵn sàng lên đường với quyết tâm cao nhất, đồng thời cam kết chủ động hợp tác với đồng nghiệp, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.
Abyei là khu vực tranh chấp giữa Sudan và Nam Sudan. Hai nước ký thỏa thuận ngày 20/6/2011, cam kết rút quân khỏi khu vực phi quân sự tại Abyei và thiết lập cơ chế hỗn hợp để giải quyết vấn đề nhưng đến nay chưa có nhiều tiến triển thực chất. Phái bộ An ninh lâm thời của Liên Hợp Quốc ở khu vực Abyei (UNISFA) được thành lập để duy trì, đảm bảo an ninh an toàn và ngăn chặn xung đột, tranh chấp giữa hai quốc gia này.
Tháng 5/2022, Việt Nam lần đầu tiên cử Đội Công binh tham gia gìn giữ hòa bình tại UNISFA. Đội số 2 đến Abyei tiếp quản nhiệm vụ của Đội số 1 từ tháng 8/2023.
Đến giữa năm 2024, Việt Nam đã cử hơn 800 lượt cán bộ, nhân viên tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình tại 3 phái bộ và Trụ sở Liên Hợp Quốc.
Chủ tịch nước Tô Lâm đến Lào và Campuchia trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên, thể hiện thông điệp "ưu tiên cao nhất" mối quan hệ với hai láng giềng.
Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ thăm cấp nhà nước Lào và Campuchia ngày 11-13/7, theo lời mời của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Lào Thoonglun Sisulith và Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni. Lãnh đạo Việt Nam dự kiến có các cuộc hội đàm, hội kiến và tiếp xúc với tất cả lãnh đạo cấp cao của hai nước.
Đây là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch nước Tô Lâm kể từ khi nhậm chức, "có ý nghĩa rất to lớn, thể hiện thông điệp rất quan trọng của Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng như của cá nhân Chủ tịch nước", theo nhận định từ Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt.
"Việt Nam luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào và quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài Việt Nam - Campuchia", ông Việt cho biết.
Chuyến thăm cũng là thông điệp khẳng định sự đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa ba nước, là dịp để các lãnh đạo rà soát các thỏa thuận cấp cao, các lĩnh vực hợp tác quan trọng và đề ra phương hướng hợp tác thời gian tới.
Thứ trưởng Ngoại giao nhấn mạnh chuyến thăm của Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ đánh dấu giai đoạn phát triển mới trong quan hệ Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, hợp tác hiệu quả, tôn trọng lợi ích của nhau, góp phần củng cố tin cậy chiến lược, tăng cường đoàn kết giữa Việt Nam - Lào - Campuchia và khối ASEAN.
Bình luận về điểm nhấn trong quan hệ giữa Việt Nam với Lào và Campuchia, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho biết hợp tác quốc phòng an ninh đang ngày càng trở thành trụ cột, góp phần vào việc giữ vững ổn định, an ninh, chính trị, xã hội ở mỗi nước, đặc biệt là tại khu vực biên giới.
Ba nước đều kiên định nguyên tắc không cho phép thế lực thù địch sử dụng lãnh thổ nước này để tiến hành các hành động chống phá nước kia. Ba nước cùng phát huy cơ chế hợp tác như hội nghị thường niên giữa các Bộ trưởng Công an - Bộ trưởng Nội vụ, cuộc gặp thường niên giữa các Bộ trưởng Quốc phòng và diễn tập chung giữa quân đội ba nước về cứu hộ, cứu nạn.
Hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại tiếp tục tiến triển. Việt Nam tiếp tục là một trong những nhà đầu tư, đối tác thương mại lớn nhất của Lào, hiện có 255 dự án đầu tư tại Lào với tổng vốn 5,5 tỷ USD.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ ba của Campuchia và lớn nhất của Campuchia trong ASEAN. Việt Nam có 205 dự án đầu tư ở Campuchia với tổng vốn đăng ký đạt 2,94 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và trong 5 nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia.
Lào và Campuchia đều là những quốc gia dẫn đầu danh sách 79 quốc gia và vùng lãnh thổ Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
Việt Nam luôn ưu tiên hỗ trợ Lào và Campuchia nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Số sinh viên trao đổi giữa Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia "ngày càng tăng với chất lượng ngày một cao", theo Thứ trưởng.
Hợp tác trên các lĩnh vực như giao thông - vận tải, văn hóa - xã hội, du lịch, khoa học - kỹ thuật cũng đang phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, công tác giải quyết giấy tờ pháp lý cho người gốc Việt tại Campuchia có bước tiến mới, là tiền đề cho việc tạo điều kiện ngày một tốt hơn cho cộng đồng người gốc Việt sinh sống, làm ăn ở Campuchia. Quốc vương Norodom Sihamoni gần đây đã ký Sắc lệnh cấp quốc tịch cho 3 trường hợp người gốc Việt.
"Chuyến thăm của Chủ tịch nước chắc chắn sẽ tạo xung lực mới, nhằm phát triển sâu sắc hơn, toàn diện hơn và mạnh mẽ hơn mối quan hệ Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia; cũng như thúc đẩy hợp tác trong các khuôn khổ đa phương như tại ASEAN, các cơ chế hợp tác tiểu vùng sông Mekong và Liên Hợp Quốc", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thường trực Ban Bí thư Lương Cường yêu cầu các cơ quan khi làm công tác nhân sự phải chặt chẽ, đúng quy trình, đặc biệt là "phải chọn đúng người".
"Việc này rất quan trọng nhằm khắc phục những cái sai, cái yếu vừa qua là đúng quy trình nhưng chọn người không đúng", Thường trực Ban Bí thư Lương Cường nói tại hội nghị toàn quốc sáng 9/7, quán triệt Quy định 144 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới và Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội 14 của Đảng.
Ông Lương Cường lưu ý các cấp khi làm nhân sự và bầu cử cấp ủy phải nghiên cứu kỹ chỉ thị 35, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy đảng và phát huy trách nhiệm người đứng đầu. Quá trình thực hiện phải đúng nguyên tắc, phát huy dân chủ, giữ vững kỷ luật trong lựa chọn, giới thiệu, bầu cử các cấp. Làm nhân sự "phải chú ý cả về tiêu chuẩn, độ tuổi, cơ cấu, số lượng, trong đó đặc biệt coi trọng chất lượng, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn".
Theo ông, những người được giới thiệu ứng cử vào khóa mới phải có bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng vững vàng, đạo đức, lối sống trong sáng, năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì công việc chung. Họ phải là những người thực sự tiêu biểu về đạo đức, trí tuệ, uy tín, có năng lực, được nhân dân tín nhiệm.
"Không để lọt cán bộ không đủ tiêu chuẩn vào cấp ủy, nhất là để lọt vào giữ cương vị chủ trì, chủ chốt ở các cấp. Một người không đủ điều kiện được bầu vào thì bộ sậu bên dưới phải làm theo ông ấy", Thường trực Ban Bí thư Lương Cường nói.
Ông lưu ý các cấp chú ý đến cán bộ nữ, cán bộ trẻ ở các cấp theo quy định và định hướng của Trung ương, phấn đấu đạt ít nhất 1/3 tổng số ủy viên trong nhiệm kỳ. Các cơ quan cần làm tốt công tác tư tưởng và chế độ chính sách cho cán bộ không đủ tuổi tái cử, đảm bảo đoàn kết, thống nhất trong nội bộ.
Nhằm chuẩn bị tốt cho đại hội đảng các cấp và hướng tới Đại hội 14 của Đảng, Thường trực Ban Bí thư đề nghị các cấp ủy đảng tập trung chỉ đạo giải quyết, kết luận những tồn đọng bức xúc trong dư luận, đảng viên. Trường hợp nào liên quan đến nhân sự trước đại hội thì phải giải quyết dứt điểm trong năm 2024.
Các cơ quan phải tăng cường bảo vệ chính trị nội bộ, thực hiện nghiêm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật Đảng. Mỗi cán bộ đảng viên cần nâng cao cảnh giác, kiên quyết đẩy lùi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch làm chia rẽ nội bộ. Ban Tổ chức Trung ương được yêu cầu chủ trì để sớm ban hành hướng dẫn công tác chuẩn bị Đại hội đảng các cấp.
Từ chức cần trở thành văn hóa
Thường trực Ban Bí thư cho hay việc ban hành Quy định 144 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới là thành công bước đầu, cốt lõi là cán bộ đảng viên phải thấm nhuần tư tưởng, tự giác thực hành các chuẩn mực đạo đức, coi đây "như cơm ăn nước uống hàng ngày". Như vậy, đạo đức sẽ trở thành nét đặc trưng của cán bộ đảng viên, trở thành "vũ khí sắc bén vượt qua mọi cám dỗ, đẩy lùi nguy cơ suy thoái".
Ông đề nghị từng chi bộ, chi ủy, người đứng đầu trong hệ thống chính trị phải đề cao trách nhiệm nêu gương; tăng cường kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, dựa vào nhân dân để xây dựng đảng. Mỗi cán bộ đảng viên phải tự giác học tập, tự soi theo chuẩn mực đạo đức, trung thành với Đảng, Nhà nước và "không ngừng đổi mới, sáng tạo, học tập suốt đời".
Theo Thường trực Ban Bí thư, cán bộ phải vững vàng trước thách thức để không bị cám dỗ trước tiền tài, vật chất, danh vọng, như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói "danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất". "Cán bộ bộ đảng viên lúc nào cũng phải đề cao danh dự, liêm sỉ, văn hóa công vụ, văn hóa từ chức để việc có lên, có xuống, có vào có ra trở thành văn hóa trong Đảng, coi đây là việc làm bình thường trong công tác cán bộ của ta", ông Cường nói.
Quy định 144 là bước cụ thể hóa Kết luận số 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Quy định nêu 5 chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới là yêu nước, tôn trọng nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc; bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm; gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời.
Hội nghị toàn quốc quán triệt Quy định số 144 và Chỉ thị số 35 do Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức trong một buổi sáng, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội) tới 15.644 điểm cầu trên toàn quốc. Trên 1,28 triệu cán bộ, đảng viên tham dự.
Tại hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phổ biến nội dung Quy định số 144 và hướng dẫn thực hiện Quy định; Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng phổ biến nội dung chủ yếu của Chỉ thị số 35.
Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đề nghị tăng cường thanh tra việc sử dụng tài chính công, đất hiếm, hoạt động sản xuất, mua bán vàng miếng.
"Đây là các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, gây bức xúc, dư luận quan tâm", ông Trạc nói tại hội nghị giao ban 6 tháng đầu năm của Ban Nội chính Trung ương, sáng 8/7.
Ngoài đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đất đai, đất hiểm, vonfram, quặng boxit, hoạt động sản xuất, mua bán vàng miếng, các cơ quan cũng được yêu cầu thanh kiểm trả việc kê khai, kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
Trưởng ban Nội chính Trung ương cho rằng một trong các nhiệm vụ 6 tháng cuối năm là đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo như Việt Á, AIC, FLC, Vạn Thịnh Phát, đăng kiểm.
Ngoài ra, các đơn vị "cần xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có sai phạm liên quan Tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An"; xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc liên quan đến cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Việc này nhằm góp phần phục vụ công tác nhân sự Đại hội đảng các cấp sắp tới và một mặt để thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Dứt khoát không để lọt vào cơ quan lãnh đạo những người đã phạm sai lầm, vướng vào tham nhũng, tiêu cực, bao che cho tội phạm, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng".
Ông Trạc còn yêu cầu các đơn vị triển khai có hiệu quả quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng. Ban Nội chính cấp tỉnh được giao nhiệm vụ khắc phục những hạn chế, tồn tại và tiếp tục xây dựng, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ.
Trưởng ban Nội chính Trung ương đánh giá trong 6 tháng đầu năm, các Ban chỉ đạo cấp tỉnh đã có nhiều "nỗ lực, khắc phục khó khăn để triển khai toàn diện công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý". Hiệu quả trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương đã khẳng định tinh thần "trên đã nóng, dưới cũng đang nóng".
Các ban chỉ đạo đã tăng cường thanh tra, giám sát lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng; chỉ đạo xử lý tổ chức đảng, đảng viên liên quan vụ án AIC, FLC, Vạn Thịnh Phát, Phúc Sơn, Thuận An.
Nửa đầu năm 2024, 24 người bị xử lý hình sự trong tổng số 66 người đứng đầu bị xử lý kỷ luật; cấp có thẩm quyền cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác khác với 172 cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút, trong đó có 2 trường hợp diện Trung ương quản lý, 34 trường hợp diện Ban thường vụ Tỉnh, Thành ủy quản lý.
Các cơ quan tố tụng địa phương đã khởi tố 444 vụ án mới trong 6 tháng qua với 1.242 bị can về tội tham nhũng, tăng 25 vụ so với cùng kỳ 2023. Tất cả 63 tỉnh, thành phố đều khởi tố án tham nhũng mới. Trong số này có nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng và nhiều vụ tồn đọng liên quan đến lãnh đạo các cấp.
Ban chỉ đạo các tỉnh đưa 107 vụ án, vụ việc vào diện theo dõi, chỉ đạo. Thành lập được 2 năm song các địa phương đã khởi tố mới hơn 1.440 vụ án, 3.950 bị can về tội tham nhũng.
Đến những ngày cuối mới thống nhất được phương án, chính sách tiền lương, đây là phần việc gian nan và khó khăn nhất của ngành, theo lãnh đạo Bộ Nội vụ.
Nội dung được Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nói tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai công việc 6 tháng cuối năm của ngành, sáng 8/7 tại TP HCM. Bộ Nội vụ đã tham mưu Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo lộ trình "từng bước hợp lý, thận trọng, bao trùm và hiệu quả".
"Phút 89 chúng ta vẫn chưa hiểu sẽ thực hiện cải cách tiền lương theo cách nào. Đến những ngày cuối mới thống nhất được phương án, chính sách mới", bà Trà nói và cho rằng đây là phần việc gian nan nhất, khó khăn nhất và cũng thành công ngoạn mục của ngành nội vụ trong 6 tháng đầu năm.
Theo lãnh đạo Bộ Nội vụ, chính sách tiền lương mới đã trở thành niềm vui lớn cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động trong lĩnh vực công. Trên 50 triệu người hưởng lương cơ sở và các đối tượng thụ hưởng chính sách chế độ an sinh, phúc lợi xã hội gắn với mức lương này.
Theo đó, từ 1/7, mức lương cơ sở tăng 30%, tương đương tăng từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng một tháng; lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội tăng 15%; trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn cũng tăng 35,7% từ 2,055 triệu lên 2,789 triệu đồng mỗi tháng; chuẩn trợ giúp xã hội tăng 38,9%, từ 360.000 lên 500.000 đồng mỗi tháng.
"Việc vượt thử thách cải cách tiền lương, thể hiện sự linh hoạt, sáng tạo của cán bộ ngành nội vụ, đáp ứng được kỳ vọng của tất cả nhóm thụ hưởng, không để ai chịu thiệt, bị bỏ lại phía sau", bà Trà nói, yêu cầu các địa phương cần quan tâm vấn đề quản lý và thu nhập, các nguồn để thực hiện cải cách tiền lương bền vững.
Theo người đứng đầu ngành nội vụ, cải cách tiền lương vẫn còn nhiều việc, đó là tiếp tục thực hiện theo lộ trình, trả lương theo vị trí việc làm. Muốn làm được, các cơ quan, đơn vị phải quản lý được biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Mục tiêu giai đoạn này là giảm được 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách và giảm 5% công chức.
Bên cạnh đó, bà Trà cho biết sắp tới Bộ Nội vụ sẽ tham mưu sửa đổi quy định về tinh giản biên chế bởi "công chức không còn chỗ để giảm, đã hết dư địa". Đối với viên chức, Bộ sẽ thúc đẩy cơ chế xã hội hóa, giảm hưởng lương từ ngân sách, đẩy mạnh cơ chế tự chủ chứ không phải giảm hay cắt số lượng. "Việc này không cầu toàn chất lượng ngay mà sẽ làm dần từng bước và tiếp tục hoàn thiện", bà Trà nói.
Tại hội nghị, ông Trương Hải Long, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho biết thời gian qua các bộ ngành, địa phương đã tích cực sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Có 10 chi cục, phòng và đơn vị tương đương thuộc UBND các tỉnh; 8 phòng và tổ chức tương đương thuộc UBND cấp huyện được tinh giảm.
Bộ Nội vụ cũng hướng dẫn các bộ ngành, địa phương thực hiện tinh giản biên chế gắn với phê duyệt vị trí việc làm với 3.853 người (107 nhân sự bộ ngành và 3.746 nhân sự địa phương). Đến nay, 100% cơ quan và địa phương hoàn thành phê duyệt đề án vị trí việc làm.