Thứ Hai, 6 tháng 1, 2025

Giảm tối thiểu 20% công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước

 

Các bộ, ngành, địa phương phải giảm tối thiểu 20% công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước để giảm biên chế theo phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Chính phủ, vừa có công văn gửi các cơ quan, đơn vị của Đảng ở Trung ương, Ban Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, TAND tối cao, VKSND tối cao, Kiểm toán nhà nước và các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các địa phương về việc thực hiện Nghị định số 178/2024 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025).

Giảm tối thiểu 20% công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước - 1

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (Ảnh: Thanh Tuấn).

Để tổ chức triển khai thực hiện chính sách có hiệu quả, Ban Chỉ đạo của Chính phủ đề nghị các bộ, ban, ngành và các địa phương tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang, nhất là những người bị tác động, ảnh hưởng do sắp xếp tổ chức bộ máy phát huy tinh thần trách nhiệm, vì lợi ích chung, hy sinh lợi ích cá nhân (nếu có) để thực hiện chủ trương của Đảng.

Cùng với đó phải kịp thời khen thưởng, động viên các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích, đóng góp cho cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Khẩn trương ban hành các tiêu chí cụ thể, giao trách nhiệm cho người đứng đầu 

Ban Chỉ đạo đề nghị khẩn trương xây dựng và ban hành các tiêu chí cụ thể phù hợp với đặc điểm, tình hình và thực tiễn của bộ, ban, ngành và địa phương gắn với đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và giao trách nhiệm cho cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyết định đối tượng phải nghỉ việc do sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.

Cụ thể, Ban Chỉ đạo nêu rõ phải giảm tối thiểu 20% công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước để giảm biên chế theo phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của bộ, ban, ngành và địa phương phù hợp với lộ trình thực hiện chính sách nêu tại Nghị định số 178/2024, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị được cấp có thẩm quyền giao.

Định kỳ thứ 4 hàng tuần, báo cáo kết quả thực hiện và kịp thời đề xuất các giải pháp để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn (nếu có) gửi về Bộ Nội vụ - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo của Chính phủ, để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Nghị định 178/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, có hiệu lực từ 1/1, đưa ra 8 chính sách lớn để triển khai sắp xếp bộ máy.

Chính sách thứ nhất, áp dụng đối với người nghỉ hưu trước tuổi. Trường hợp có tuổi đời đủ 10 năm trở xuống so với tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường và đủ 5 năm trở xuống so với tuổi nghỉ hưu trong điều kiện làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn và đủ thời gian đóng BHXH bắt buộc để nghỉ hưu thì được hưởng 3 chế độ sau: Được hưởng trợ cấp hưu trí một lần cho thời gian nghỉ sớm; được hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi; được hưởng trợ cấp theo thời gian công tác có trên 20 năm đóng BHXH bắt buộc.

Trường hợp có tuổi đời còn dưới 2 năm đến tuổi nghỉ hưu quy định và có đủ thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc để được hưởng lương hưu, thì được hưởng chế độ hưu trí theo quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.

Cán bộ, công chức, viên chức được nghỉ hưu trước tuổi thuộc đối tượng khen thưởng quá trình cống hiến mà còn thiếu thời gian công tác giữ chức vụ lãnh đạo tại thời điểm nghỉ hưu thì được tính thời gian nghỉ hưu sớm tương ứng với thời gian còn lại của nhiệm kỳ bầu cử hoặc thời gian bổ nhiệm của chức vụ hiện đảm nhiệm để xét khen thưởng quá trình cống hiến.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức không thuộc đối tượng xét khen thưởng quá trình cống hiến thì được cấp có thẩm quyền xem xét các hình thức khen thưởng phù hợp với thành tích đạt được.

Chính sách thứ hai áp dụng nghỉ thôi việc đối với cán bộ, công chức (Điều 9). Theo đó, cán bộ, công chức có tuổi đời còn hơn 2 năm đến tuổi nghỉ hưu và không đủ điều kiện hưởng chính sách, chế độ nghỉ hưu trước tuổi, nếu nghỉ thôi việc thì được hưởng 4 chế độ: Được hưởng trợ cấp thôi việc; được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng BHXH bắt buộc; được bảo lưu thời gian đóng BHXH hoặc hưởng BHXH một lần theo quy định của pháp luật về BHXH; được trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm.

Chính sách thứ ba về nghỉ thôi việc đối với viên chức và người lao động (Điều 10). Viên chức và người lao động nghỉ thôi việc được hưởng 4 chế độ như cán bộ, công chức nghỉ thôi việc, chỉ khác chế độ thứ 4 là viên chức và người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp do quỹ Bảo hiểm thất nghiệp chi trả do tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Chính sách 4 đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ hoặc được bầu cử, bổ nhiệm vào chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý thấp hơn (Điều 11), thì được bảo lưu mức lương chức vụ hoặc phụ cấp chức vụ lãnh đạo cũ đến hết nhiệm kỳ bầu cử hoặc thời hạn bổ nhiệm.

Chính sách 5 đối với người đi công tác ở cơ sở (thời gian 3 năm), gồm 5 chế độ: Được tiếp tục hưởng tiền lương (bao gồm cả phụ cấp) theo vị trí việc làm trước khi được cơ quan cử đi; được hưởng trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm nhận công tác; trường hợp đơn vị công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được hưởng chính sách tại Nghị định 76/2019; sau khi hoàn thành tốt nhiệm vụ được tiếp nhận trở lại cơ quan, đơn vị nơi cử đi hoặc được cơ quan có thẩm quyền bố trí công tác phù hợp không thấp hơn vị trí việc làm trước khi đi tăng cường; được nâng lương vượt 1 bậc và được bộ, ngành và tỉnh xem xét khen thưởng theo quy định.

Chính sách 6 về trọng dụng người có phẩm chất, năng lực nổi trội, gồm: Được nâng lương vượt 1 bậc; hưởng tiền thưởng do thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định trong tối đa 50% quỹ tiền thưởng của cơ quan, tổ chức, đơn vị; được quan tâm, ưu tiên quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí vào vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả vượt cấp; hưởng chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện.

Chính sách 7 về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ, công chức sau khi sắp xếp.

Chính sách 8 về chính sách, chế độ đối với đối tượng thuộc lực lượng vũ trang trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy như đối với cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng trong cơ quan nhà nước.

Ngành ngoại giao phải phục vụ đắc lực cho mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8%

 

Mọi hoạt động đối ngoại, ngoại giao trong năm nay phải phục vụ đắc lực, hiệu quả cho mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% và phấn đấu cao hơn trong điều kiện có thể, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Ngày 6/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị tổng kết công tác ngành ngoại giao năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.

Ngành ngoại giao có vai trò rất quan trọng

Về kết quả công tác đối ngoại năm 2024, Thủ tướng đánh giá, trong các thành tựu chung của cả nước có sự đóng góp rất quan trọng của ngành ngoại giao với nhiều kết quả nổi bật, có thể khái quát ở 3 khía cạnh là giữ vững, củng cố và tăng cường.

Thủ tướng đánh giá cao công tác xây dựng Đảng, xây dựng ngành ngoại giao trong năm vừa qua và việc Bộ Ngoại giao đã xây dựng Chiến lược xây dựng và phát triển ngành đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 theo hướng chuyên nghiệp, chính quy, hiện đại.

Ngành ngoại giao phải phục vụ đắc lực cho mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ngoại giao phải phục vụ đắc lực, hiệu quả mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% (Ảnh: Nhật Bắc).

Người đứng đầu Chính phủ mong muốn ngành ngoại giao chủ động, kịp thời, hiệu quả hơn nữa trong nắm bắt tình hình thế giới, khu vực và sở tại để tham mưu Đảng, Nhà nước có phản ứng chính sách linh hoạt, phù hợp, hiệu quả.

Đồng thời, ngành ngoại giao cần phát huy hơn nữa vai trò xung kích để khai thác hiệu quả những cam kết, thỏa thuận với các đối tác, biến thành nguồn lực, của cải vật chất phục vụ phát triển đất nước, đặc biệt là vai trò của các đại sứ; xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp hơn, "vừa hồng vừa chuyên".

Thủ tướng nhấn mạnh 3 bài học quan trọng. Một là kiên trì đường lối độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Hai là nắm chắc tình hình trong nước, ngoài nước, phản ứng kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, tham mưu đúng, trúng, không để Đảng, Nhà nước bị động, bất ngờ về đối ngoại, đối tượng, địa bàn.

Ba là xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên, có lòng tự tôn dân tộc, hoài bão lớn, nghĩ sâu làm lớn, nhìn xa trông rộng, nhạy cảm về chính trị, nhạy bén về kinh tế, sâu sắc về khoa học công nghệ và có tính chuyên nghiệp cao.

Sắp xếp bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả

Thủ tướng nêu rõ, năm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, chúng ta vừa phải "tăng tốc, bứt phá", hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra theo Nghị quyết Đại hội XIII; đồng thời "vừa chạy vừa xếp hàng" để thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Để góp phần thực hiện các mục tiêu năm nay của cả nước, Thủ tướng đề nghị toàn ngành ngoại giao tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, mọi hoạt động đối ngoại, ngoại giao phải phục vụ đắc lực, hiệu quả cho mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% và phấn đấu cao hơn trong điều kiện có thể.

Thứ hai, giữ vững, củng cố, tăng cường cục diện đối ngoại thuận lợi, môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển, thúc đẩy quan hệ với tất cả các nước đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, đặc biệt là các nước lớn, nước láng giềng và các nước bạn bè truyền thống.

Thứ ba, hoạt động ngoại giao phải góp phần thúc đẩy lực lượng sản xuất mới trong bối cảnh mới như chip bán dẫn, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, công nghiệp internet và internet vạn vật, công nghệ chuỗi khối, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, công nghiệp y sinh học, năng lượng mới, vật liệu mới…

Thứ tư, hoàn thành việc tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ từ Ban Đối ngoại Trung ương và Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, sắp xếp bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; củng cố, tăng cường và đẩy mạnh hơn nữa 3 trụ cột, gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân.

Thứ năm, xây dựng và thực hiện đề án cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, củng cố, tăng cường tiềm lực cơ sở vật chất trong và ngoài nước của ngành ngoại giao.

Cùng với đó, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên, đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, quảng bá hình ảnh quốc gia, xây dựng nền ngoại giao hiện đại và chuyên nghiệp.

Ngoài ra, theo Thủ tướng, ngành ngoại giao cần chú trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, đảng viên; đẩy mạnh chống tiêu cực, lãng phí…

Các bến xe lớn sẵn sàng phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

 Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 sắp tới gần, nhu cầu tham gia giao thông của người dân dự báo sẽ tăng cao. Nhiều bạn đọc muốn biết bến xe trung tâm tại một số thành phố lớn có kế hoạch phục vụ ra sao?

Tại Hà Nội:

Theo kế hoạch của Công ty cổ phần bến xe Hà Nội, với số ngày nghỉ kéo dài từ 25/1 đến 2/2 (tức ngày 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến ngày mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ), nhu cầu đi lại sẽ tập trung cao hơn trong các ngày 20, 22/1 và 24 đến 27/1.

Dự kiến lượng khách qua bến xe trong thời gian cao điểm sẽ tăng 250-350% so với ngày thường. Một số tuyến có thể xảy ra tình trạng ùn cục bộ vào từng thời điểm nên lượng xe dự phòng tăng cường cho cả đợt là 2.486 xe.

Tại bến xe Giáp Bát, lượt khách trong các ngày cao điểm khoảng 20.000 lượt/ngày, tăng 350% so với ngày thường; lượt xe dự kiến 850-900/ngày, chủ yếu ở các tuyến Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hoá…

Tại bến xe Gia Lâm, lượt khách trong các ngày cao điểm khoảng 5.000 lượt/ngày, tăng khoảng 250% so với ngày thường, lượt xe dự kiến là 400 lượt/ngày, tập trung ở các tuyến như Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang…

Bến xe Mỹ Đình có lượng khách trong các ngày cao điểm khoảng 22.000 lượt/ngày, tăng lên hơn 350% so với ngày thường, lượt xe dự kiến hơn 950 lượt/ngày, chủ yếu ở các tuyến Hòa Bình, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Quảng Ninh, Cao Bằng…

Trong thời gian trước Tết, lượng khách tập trung đông chủ yếu ở các tuyến đường ngắn. Sau thời gian nghỉ Tết, lượng khách lại tăng trên các tuyến đường dài như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Gia Lai, Buôn Mê Thuột… tập trung tại bến xe Giáp Bát.

“Bến xe sẽ phối hợp cùng các đơn vị vận tải bố trí, bảo đảm số lượng phương tiện vận chuyển khách theo biểu đồ hoạt động đã đăng ký và tăng cường giải tỏa khách khi có yêu cầu phát sinh. Công ty đã đề nghị Sở Giao thông vận tải Hà Nội cấp 300 phù hiệu xe tăng cường. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và Công an thành phố chỉ đạo phân luồng giao thông khu vực xung quanh bến xe, cho phép xe có phù hiệu xe tăng cường được phép đi trong nội thành để đến các bến, kịp thời giải toả khách”, ông Phạm Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần bến xe Hà Nội cho biết.

Tại TP Hồ Chí Minh: Theo ông Đỗ Phú Đạt, Phó Tổng Giám đốc bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh), trong 10 ngày trước Tết (từ 19 - 28/1), đơn vị ước tính phục vụ khoảng 139.000 hành khách và hơn 5.000 chuyến xe, tăng 101% so với cùng kỳ. Thời gian sau tết (từ 29/1 đến 7/2), sẽ đón 42.350 hành khách trở lại sau kỳ nghỉ, tương đương gần 4.300 chuyến xe. Như vậy, trong dịp Tết Nguyên đán 2025, dự kiến có khoảng 181.450 khách ra vào bến, tăng 1.747 khách với năm 2024.

Hiện bến xe Miền Đông chủ yếu phục vụ các tuyến đi Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Dương, Bình Phước. Cùng với việc khuyến khích doanh nghiệp không tăng giá vé quá 40-60% tùy cự ly trong các ngày cao điểm, đơn vị cũng yêu cầu đơn vị vận tải đảm bảo việc xuất vé điện tử đúng quy định: Không được chở quá số lượng hành khách, không bán quá giá cước đã đăng ký kê khai, đảm bảo hành khách đi xe đều có vé và được bố trí chỗ ngồi đúng số thứ tự ghi trên vé.

Tại bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức), dịp này sẽ tập trung phục vụ trong vòng 20 ngày (10 ngày trước tết và 10 ngày sau tết). Riêng các tuyến di chuyển ra miền Bắc sẽ phục vụ sớm hơn từ ngày 9/1. Năm nay, bến xe ước phục vụ khoảng 138.369 lượt khách, tăng hơn 4.000 khách so với năm trước.

Về giá vé, trong trường hợp cần điều chỉnh để bù chi phí quay đầu, kịp giải tỏa hành khách trong dịp cao điểm sẽ tăng không quá 40-60% tùy chặng và thời điểm. Do lượng khách dự kiến tăng cao nên Tổng Công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn TNHH MTV (Samco) sẽ phát hành, bán vé trên các tuyến có nhu cầu đi lại tăng đột biến mà các đơn vị vận tải không có phương tiện đưa vào phục vụ.

Tại Đà Nẵng, Sở Giao thông Vận tải có kế hoạch chi tiết nhằm đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, ý thức trách nhiệm của người thi hành công vụ và và ý thức tự giác chấp hành nghiêm túc pháp luật của đội ngũ lái phụ xe, các đơn vị kinh doanh vận tải và các đơn vị có liên quan…

 Bến xe trung tâm Đà Nẵng sẵn sàng phục vụ khách dịp Tết Ất Tỵ 2025 (Ảnh: Phú Nam)

Theo đó, thời gian cao điểm từ ngày 20/1 (tức ngày 21 tháng Chạp âm lịch) đến hết ngày 7/2 (mùng 10 tháng Giêng Âm lịch), Sở đã thành lập Ban chỉ đạo phục vụ vận tải Tết và Tổ giúp việc, thiết lập đường dây "nóng" gồm điện thoại cố định: 0236.3774666 và di động: 0901.123679 để tiếp nhận, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.

Yêu cầu doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định xây dựng kế hoạch tổng thể trên các tuyến đang khai thác bao gồm: danh sách xe trong tuyến và ngoài tuyến, kế hoạch điều chuyển xe tăng cường và cung cấp tên miền, tên và mật khẩu đăng nhập thiết bị GPS và camera, thông tin người điều khiển phương tiện, nhân viên phục vụ trên xe.

Trong thời gian phục vụ Tết, thường xuyên cử người kiểm tra chất lượng kỹ thuật của xe trước khi vận chuyển khách và theo dõi qua GPS, camera của từng phương tiện nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm và đình chỉ tay lái đến hết thời gian phục vụ Tết đối với người điều khiển phương tiện trong tình trạng có nồng độ cồn hoặc chất kích thích, chạy vượt quá tốc độ, sai hành trình, lái xe quá thời gian liên tục, chở quá số người quy định...; nghiêm cấm lái phụ xe không vận chuyển hàng lậu, hàng cấp, hàng giả, gia súc gia cầm, vật dễ cháy, dễ nổ trên xe; lập hồ sơ đăng ký, kê khai giá vé (nếu có tăng giá) theo quy định và chậm nhất đến ngày 9/1 (tức ngày 10 tháng Chạp) gửi về Sở để tổng hợp, theo dõi…

Đối với các doanh nghiệp vận chuyển khách theo hợp đồng, du lịch, xe buýt, taxi: tập trung phương tiện đủ tiêu chuẩn để hoạt động đúng quy định về loại hình kinh doanh vận chuyển khách không được đưa xe chạy hợp đồng, du lịch, xe buýt, taxi ra chạy tuyến cố định khi chưa được Ban chỉ đạo cấp phép; nhắc nhở đội ngũ lái xe phải có thái độ phục vụ văn minh lịch sự; tăng cường kiểm soát, giám sát mọi hoạt động của phương tiện qua GPS và camera để kịp thời chấn chỉnh, xử lý những trường hợp điều khiển vi phạm theo quy định…

Đáng chú ý, đại diện các bến xe nói trên đều khẳng định sẵn sàng phối kết hợp với lực lượng Công an, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải để giữ gìn an ninh trật tự trong khu vực bến xe; trang trí tại bến xe, nhất là các nơi bán vé đi xe và phòng chờ cho khách với hình thức đẹp và sạch sẽ, văn minh, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ; tổ chức tốt các dịch vụ phục vụ hành khách; đảm bảo hệ thống thông tin loa đài, có đầy đủ các bảng thông báo về luồng tuyến, chuyến lượt, giờ xe chạy, giá vé để hành khách biết….

Bên cạnh đó, kiểm tra giấy tờ của xe và lái xe khi xe ra vào bến đón, trả khách để trên cơ sở đó từ chối, không cho xuất bến đối với các phương tiện không bảo đảm các điều kiện quy định; chủ động phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong việc điều động xe để hạ tải, sang khách của các xe quá tải do các lực lượng tuần tra kiểm soát đưa về bến để sang xe khách giải tỏa hành khách một cách kịp thời…

Đặc biệt, tập trung tối đa nguồn lực không để tồn khách tại bến trong đêm Giao thừa, không để cho bất cứ hành khách nào vì không có vé hoặc thiếu xe về quê ăn Tết./.


Cuối năm, đề phòng hỏa hoạn!

 Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hóa phục vụ Tết tăng cao. Cùng với đó, việc tiêu thụ điện, nhiên liệu cũng rất lớn. Hơn nữa, thời điểm cuối năm, thời tiết lại thường hanh khô, do đó, rất dễ dẫn đến nguy cơ cháy nổ.

Cháy nhà trọ ở TP Thủ Đức ngày 27/12 khiến 2 người tử vong và nhiều người bị thương 

Chỉ ngay trong tháng cuối năm 2024 này, hàng loạt vụ cháy lớn, nhỏ đã xảy ra trên cả nước trong đó, riêng tại địa bàn TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã xảy ra nhiều vụ cháy từ cháy nhà dân, quán ăn, khách sạn, quán bar cho tới cháy nhà xưởng, kho hàng...để lại hậu quả nặng nề, thiệt hại về người.

Chỉ tính riêng trong ngày 27/12 vừa qua, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã liên tiếp xảy ra 3 vụ cháy, trong đó có 2 vụ ở TP Thủ Đức và 1 vụ ở quận Bình Thạnh, khiến 2 người tử vong và 7 người bị thương phải nhập viện cấp cứu.

Trước đó, vào ngày 26/12, tại huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh)  cũng đã xảy ra vụ hỏa hoạn, thiêu rụi nhiều tài sản trong gia đình và làm 2 cha con bị ngạt khói nặng, phải chuyển vào bệnh viện cấp cứu.

Được biết, ngay sau khi xảy ra vụ hỏa hoạn tại TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) vào ngày 27/12, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký Công điện số 141/CĐ-TTg ngày 27/12/2024. Trong Công điện đã yêu cầu: Bộ trưởng Bộ Công an, lãnh đạo các bộ ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành khẩn trương rà soát, chỉ đạo, bảo đảm triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, hiệu quả, thực chất các chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng cháy, chữa cháy; xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm của các cơ quan, đơn vị; nghiên cứu, cụ thể hóa ngay trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng cá nhân trong quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để có biện pháp kiểm điểm, xử lý nghiêm khắc nếu để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng trên địa bàn.

Có thể thấy, phòng chống cháy nổ là yêu cầu cấp thiết và vô cùng quan trọng trong cuộc sống. Mặc dù đã được các cơ quan chức năng tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức, trên khắp mọi phương tiện khác nhau, song dường như cứ vào thời điểm cuối năm, chúng ta lại chứng kiến nhiều vụ hỏa hoạn đau lòng. Theo các cơ quan chức năng, đây cũng là thời điểm có sự tập trung lớn của vật tư, hàng hóa tích trữ để phục vụ sản xuất kinh doanh, kết hợp với nhu cầu sử dụng nhiều thiết bị điện, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã,… sẽ rất dễ gây ra các sự cố cháy nổ mất an toàn.

Để đảm bảo phòng chống cháy nổ, đảm bảo an toàn cho Nhân dân, hiện nay, các địa phương, lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an các địa phương đang tích cực phối hợp với Công an các quận, huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường ra quân kiểm tra, hướng dẫn điều kiện an toàn.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, các lực lượng chức năng cũng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm về đất đai, quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng, phòng cháy, chữa cháy theo đúng thẩm quyền và quy định pháp luật; kiên quyết xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm về đất đai, quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng, phòng cháy, chữa cháy mà không kịp thời phát hiện, xử lý; rà soát, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm, tuyệt đối không để các trường hợp vi phạm mà không được xử lý kịp thời, không hợp thức hóa sai phạm.

Cháy quán cơm niêu tại quận Hà Đông, TP Hà Nội cũng trong ngày 27/12 

Tuy nhiên, thiết nghĩ, các biện pháp cần phải phối hợp đồng bộ và điều quan trọng chính là ở chính ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong công tác phòng cháy chữa cháy.

Nhằm giảm nguy cơ cháy nổ tại các hộ gia đình, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an TP Hồ Chí Minh) khuyến nghị người dân cần chú ý một số nội dung:

-Khóa van bình gas, tắt bếp khi không sử dụng

-Không tàng trữ, buôn bán chất dễ cháy nổ tại nhà

-Không lắp đặt "chuồng cọp" trong căn hộ để bịt lối thoát hiểm

-Mỗi gia đình cần có phương án thoát nạn

-Không dùng nước chữa cháy khi chưa ngắt nguồn điện

-Nếu bị mắc kẹt trong đám cháy, bắt buộc phải băng qua lửa thì dùng khăn, mền thấm nước vấn quanh người để bảo vệ cơ quan hô hấp

-Kiểm tra các mối nối điện trong nhà phải đảm bảo kỹ thuật

-Không câu móc, đấu nối điện tùy tiện trong nhà

-Không sử dụng các thiết bị điện công suất lớn vào một ổ cắm

-Không sạc pin điện thoại, máy tính, xe điện qua đêm

-Trước khi ra đi ngủ hoặc ra khỏi nhà cần kiểm tra, tắt hết các thiết bị điện, bếp gas

-Khi đun nấu, đốt vàng mã cần phải có người trông coi để tránh cháy lan

-Khi có cháy xảy ra, người dân cần báo động cho người khác biết, tắt nguồn điện, dùng bình chữa cháy tại chỗ dập lửa.

Đồng thời, nguy cơ cháy nổ hiện nay cũng đang tiềm ẩn tại các khu thương mại, cơ sở kinh doanh xăng dầu, hóa chất, các nhà hàng, quán ăn, karaoke, vũ trường, khách sạn, khu vui chơi tập trung đông người, các chung cư (nhất là chung cư cũ)… Do đó, để đảm bảo an toàn, chủ các cơ sở cần tăng cường công tác kiểm tra và tự kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy để ngăn chặn các nguy cơ cháy nổ phát sinh.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Tập trung tham mưu, chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống lãng phí

 Chiều 31/12, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng và hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2024, kết nối trực tuyến tới các điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước.

 Tổng Bí thư Tô Lâm dự Hội nghị triển khai công tác ngành Nội chính Đảng năm 2025. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Cùng dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương.

Góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội

Báo cáo kết quả công tác tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương cho biết, năm 2024, Ban Nội chính Trung ương đã hoàn thành xây dựng, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư và hai Ban Chỉ đạo Trung ương 10 đề án lớn về nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp; kịp thời tham mưu sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh để chỉ đạo cả công tác phòng, chống lãng phí, đưa nhiệm vụ phòng, chống lãng phí tương đương với nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ban đã hoàn thành việc rà soát, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy; hoàn thành đề tài khoa học trọng điểm về công tác tham mưu của các cơ quan Đảng Trung ương trên lĩnh vực nội chính qua 40 năm đổi mới; tổ chức thành công 2 hội thảo quốc tế, 13 đề tài, đề án nghiên cứu khoa học cấp ban Đảng và cấp cơ sở; biên soạn, phát hành cuốn sách “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” với nhiều giá trị lý luận và thực tiễn phong phú, phục vụ công tác nghiên cứu, tham mưu của ngành Nội chính Đảng.

 Tổng Bí thư Tô Lâm và lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương chủ trì hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Ngành Nội chính đã tham mưu, tổ chức tốt 3 phiên họp, 2 cuộc họp của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và hơn 600 phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh; đã phối hợp tham mưu, chỉ đạo xử lý nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm theo đúng quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, vừa nghiêm khắc, vừa nhân văn, đúng quy định pháp luật; tham mưu Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện công việc của 6 đoàn kiểm tra, góp phần nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực. Ngành cũng đã tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; tham mưu, tổ chức hơn 1.000 cuộc tiếp, đối thoại với công dân của đồng chí Bí thư tỉnh ủy, thành ủy; tiếp nhận, xử lý gần 60.000 đơn, thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo và tham mưu, chỉ đạo xử lý hơn 200 vụ khiếu kiện đông người, phức tạp, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhiệt liệt hoan nghênh và biểu dương sự nỗ lực, cố gắng và những kết quả đạt được của ngành Nội chính Đảng và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh trong năm 2024. Kết quả này đã góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Bí thư cũng chỉ rõ một số hạn chế và đề nghị ngành Nội chính Đảng và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh nghiên cứu, làm rõ nguyên nhân, đề ra các giải pháp khắc phục, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động trong thời gian tới.

Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

 Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Tổng Bí thư lưu ý, năm 2025 có ý nghĩa quan trọng quyết định việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Với vị trí, vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp, ngành Nội chính Đảng và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh phải tham mưu cho Đảng lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những cán bộ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Tổng Bí thư yêu cầu, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, đề xuất những quan điểm, chủ trương, định hướng lớn của Đảng về nội chính, về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp. Nhất là, tập trung nghiên cứu, tham mưu, đề xuất hoàn thiện và nâng cao chất lượng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ các cấp và dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng. Tham mưu, chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, khắc phục những sơ hở, bất cập, tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn về thể chế, pháp luật nói chung và trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nói riêng, tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tham mưu tổ chức tốt Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, đánh giá toàn diện những kết quả, hạn chế và nguyên nhân, dự báo đúng tình hình, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp mạnh mẽ, đột phá, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đáp ứng yêu cầu giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN 

Tổng Bí thư nhấn mạnh, tập trung tham mưu, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đột phá công tác phòng, chống lãng phí trong toàn xã hội. Ngành Nội chính Đảng và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh tham mưu, chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra các lĩnh vực, địa bàn và cán bộ lãnh đạo các cấp có nhiều thông tin, dư luận về tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; điều tra, xử lý dứt và điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc liên quan đến nhân sự các. Đồng thời, tham mưu, chỉ đạo nâng cao hơn nữa hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, với phương châm phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài, phát hiện, xử lý là trọng tâm, đột phá; kịp thời nhắc nhở, cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm từ sớm, từ xa, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Phối hợp làm tốt công tác thẩm định nhân sự phục vụ Đại hội Đảng các cấp; kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những cán bộ suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, kê khai tài sản không trung thực, để người nhà, người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn trục lợi.

Tổng Bí thư chỉ rõ, tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp “hiệp đồng tác chiến” giữa các cơ quan nội chính; chủ động theo dõi, nắm tình hình, kịp thời tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư và tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp, nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Nhất là tham mưu, chỉ đạo làm tốt công tác tiếp dân, đối thoại với dân, lắng nghe và giải quyết tốt các tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; giải quyết dứt điểm, thấu lý, đạt tình các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân ngay từ cơ sở; xử lý dứt điểm các vụ, việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài, không để phát sinh "điểm nóng", bị động, bất ngờ.

 Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Tổng Bí thư yêu cầu, khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, tinh gọn bộ máy theo đúng kế hoạch của Ban Chỉ đạo về tổng kết Nghị quyết 18 của Trung ương; tăng cường các biện pháp để xây dựng đội ngũ cán bộ nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải thật sự bản lĩnh "Chắc - Sắc - Đắc" (Pháp luật chắc, nghiệp vụ sắc, đắc nhân tâm). Các Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ theo Quy định 199-QĐ/TW, ngày 20/11/2024 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; bổ sung, hoàn thiện quy chế, quy trình làm việc, duy trì nền nếp chế độ sinh hoạt, không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu hoạt động.

Tổng Bí thư đề nghị, các tỉnh ủy, thành ủy tiếp tục quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy, có cơ chế thu hút cán bộ để ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy thực hiện ngày càng có hiệu quả hơn nữa chức năng, nhiệm vụ được giao./.