Thời gian qua, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng vấn đề “quyền của người bản địa” bằng nhiều luận điệu để tuyên truyền kích động đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Nam đòi quyền “tự trị”, hướng đến “ly khai”. Những luận điệu tinh vi và nguy hiểm này cần được nhận diện rõ nhằm kiên quyết đấu tranh phản bác, góp phần bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo vệ sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Nhận diện âm mưu, thủ đoạn đánh tráo khái niệm “quyền dân tộc tự quyết” và “quyền của người bản địa”.
Khái niệm “quyền dân tộc tự quyết” và “quyền của người bản địa” tuy có quan hệ nhưng rất khác nhau về nội hàm, đặc biệt là ý nghĩa chính trị. Trên bình diện quốc tế, “quyền dân tộc tự quyết” là việc một quốc gia - dân tộc có quyền tự chủ đối với vận mệnh của dân tộc mình, quyền quyết định về thể chế chính trị và con đường phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội...
Trong khi đó, “quyền của người bản địa” là quyền của các dân tộc thiểu số (DTTS) hoặc nhóm sắc tộc, chủ yếu là những quyền về văn hóa - xã hội của một bộ phận dân cư trong lòng một quốc gia - dân tộc có chủ quyền. Khái niệm quyền của người DTTS được chính thức ghi nhận tại Điều 27 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR 1966): “Ở những quốc gia tồn tại các nhóm thiểu số về sắc tộc, tôn giáo hoặc ngôn ngữ, những người thuộc các nhóm thiểu số đó sẽ không bị từ chối quyền, trong cộng đồng với các thành viên khác trong nhóm của họ, được hưởng nền văn hóa của họ, tuyên xưng và thực hành tôn giáo của họ, hoặc sử dụng ngôn ngữ riêng của họ”. Như vậy, khi nói đến “quyền của người bản địa” thì chủ yếu là những quyền thuộc nhóm quyền kinh tế, văn hóa - xã hội.
Pháp luật quốc tế không công nhận một DTTS ở một quốc gia được ly khai, thành lập một quốc gia độc lập với quốc gia được quốc tế công nhận mà họ là công dân trong quốc gia đó. Tuyên bố về trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa, được thông qua theo Nghị quyết số 1514 (XV), ngày 1-4-1960, của Đại Hội đồng Liên hợp quốc khẳng định: Bất kỳ cố gắng nào nhằm gây phá vỡ toàn bộ hay một phần sự thống nhất quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của một đất nước là trái với các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc. Tại Điều 46, Tuyên ngôn về quyền của các dân tộc bản địa (năm 2007) cũng ghi rõ: Không một điểm nào trong Tuyên ngôn này được giải thích để hàm ý cho bất kỳ nhà nước, dân tộc, nhóm người hay người nào có quyền tham gia vào bất kỳ hoạt động nào hoặc thực hiện bất kỳ hành vi nào trái với Hiến chương Liên hợp quốc hoặc được giải thích để ủy quyền hay khuyến khích bất kỳ hành vi nào làm chia cắt hay suy yếu toàn bộ hay một phần sự thống nhất về lãnh thổ hay đoàn kết về chính trị của các nhà nước độc lập và có chủ quyền.
Như vậy, “quyền tự quyết” của dân tộc, sắc tộc nào đó trong một quốc gia - dân tộc có chủ quyền không được phép vượt ra ngoài khuôn khổ “quyền dân tộc tự quyết”, không được xâm phạm quyền của cả quốc gia - dân tộc. Những đòi hỏi về “quyền tự quyết” được cho là dựa trên Tuyên ngôn về quyền của các dân tộc bản địa là cách hiểu sai lệch, trái với Hiến chương Liên hợp quốc và pháp luật quốc tế về quyền con người.
Thuật ngữ “dân tộc bản địa” xuất hiện cùng với quá trình tìm kiếm thị trường, truyền bá tôn giáo và xâm lược thuộc địa từ khoảng thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX của các nước tư bản châu Âu đối với các quốc gia ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ La-tinh. Theo đó, những người đã sinh sống lâu đời trên vùng đất bị xâm chiếm - họ coi mình là “người bản địa”. Trong lịch sử hình thành các quốc gia - dân tộc, nhất là sau mỗi cuộc chiến tranh xâm lược, quá trình di dân từ “chính quốc” đến thuộc địa đã hình thành những quốc gia - dân tộc mới. Ngay từ khi mới hình thành, ở các quốc gia này vẫn luôn tồn tại hai nhóm xã hội: Nhóm người di cư và nhóm người bản xứ. Những nhóm xã hội này thường vẫn muốn duy trì phong tục, tập quán, ngôn ngữ, lối sống riêng của mình. Ở những quốc gia này, khái niệm “người bản địa” vẫn tồn tại và có ý nghĩa nhất định. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có một khái niệm “người bản địa” được mọi người thống nhất và thừa nhận. Vì vậy, hiện nay, nhiều chủ thể (quốc gia, tộc người, nhóm xã hội) buộc phải thừa nhận “người bản địa” là một khái niệm “mở”, theo nghĩa: Một nhóm xã hội, một dân tộc nào đó có thể tự nhận hoặc phủ nhận mình là “người bản địa” nếu quan niệm đó phù hợp với lợi ích của họ. Mặt khác, một nhà nước, một chính phủ hoàn toàn có quyền thừa nhận hoặc phủ nhận một nhóm, một bộ phận dân cư, một dân tộc, sắc tộc nào đó là “người bản địa”, nếu điều ấy phù hợp với lợi ích của quốc gia - dân tộc họ.
Ở Việt Nam, thuật ngữ “dân tộc bản địa” gắn liền với thời kỳ nước ta bị đô hộ, xâm lược. Thời kỳ Pháp thuộc, tên nước Việt Nam bị xóa trên bản đồ thế giới, bị chia cắt thành ba kỳ trong xứ Đông Dương thuộc Pháp; thuật ngữ “người bản xứ” (hoặc “người bản địa”) được dùng để chỉ tất cả các cộng đồng dân tộc Việt Nam. Khi ấy, tất cả người dân nước ta không phân biệt dân tộc, tôn giáo đều bị gọi tên An-nam-mít (Annammit). Như vậy là, khái niệm “người bản địa” chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam từ khi nước ta trở thành thuộc địa của chủ nghĩa thực dân và nó chỉ tồn tại với chế độ đó. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, người dân Việt Nam làm chủ đất nước của mình, không còn là “dân bản địa” hay “người bản xứ” nữa. “Ngày nay, khi đất nước độc lập, thống nhất, Nhà nước Việt Nam là của dân, do dân, vì dân với chính sách đại đoàn kết dân tộc, thì khái niệm “người bản địa” và “quyền của người bản địa” đã lùi về quá khứ. Thay vào đó là “quyền công dân” - quyền của tất cả mọi người Việt Nam”. Năm 1946, Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Điều 6) khẳng định: Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa. Đây là sự thật lịch sử không ai có thể bác bỏ!
Để “chứng minh bằng thực tiễn” cái gọi là “quyền tự trị của người bản địa” nhằm kích động “ly khai”, đòi “tự trị” dân tộc, các đối tượng còn cho rằng trong lịch sử Việt Nam, chính quyền đương đại đã từng thừa nhận “quyền” này và cho thành lập các “khu tự trị”, như “Hoàng triều cương thổ” hay Khu Tự trị Việt Bắc.
Trước hết, phải nhận thức rằng, không thể đặt ra so sánh giữa cái gọi là “Hoàng triều cương thổ” và Khu tự trị Việt Bắc, bởi bối cảnh ra đời, ý nghĩa và “sứ mạng” lịch sử, chính trị, xã hội của những thể chế, đơn vị hành chính này khác nhau. Tuy nhiên, có điểm chung là các thể chế đó chỉ hiện diện ở giai đoạn nhất định và quan trọng hơn, mặc dù có “cơ chế tự trị” nhưng chính quyền trung ương lúc bấy giờ luôn có các quy định để kiểm soát, quản lý chặt chẽ. Sau khi thực dân Pháp thất bại tại Việt Nam, ngày 10-8-1954, quy chế “Hoàng triều cương thổ” bị xóa bỏ. Do đó, “Hoàng triều cương thổ là chính sách “một quốc gia trong lòng một quốc gia” - một âm mưu chính trị thâm độc mới của chủ nghĩa thực dân Pháp tại Tây Nguyên, nhằm chia rẽ, gây tị hiềm lâu dài giữa dân tộc Kinh với các DTTS khác, ngăn cản đồng bào các dân tộc Việt Nam chung tay xây dựng đất nước, ngăn chặn việc người Kinh lên Tây Nguyên sinh cơ lập nghiệp. Chính sách trên đã gặp phải sự chống đối quyết liệt của nhân dân Việt Nam bởi nó đi ngược lại ý nguyện thống nhất của toàn dân tộc”.
Đối với Khu tự trị Việt Bắc, ngày 1-7-1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 268-SL thành lập Khu tự trị Việt Bắc. Điều 1 Sắc lệnh nêu rõ: “Để tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc và tạo điều kiện cho các dân tộc ở Việt Bắc tiến bộ mau chóng về mọi mặt, nay lập Khu tự trị Việt Bắc”. Tiếp đó, ngày 10-8-1956, Bác Hồ gửi thư căn dặn đồng bào Khu tự trị Việt Bắc và một lần nữa khẳng định: “Mục đích lập Khu tự trị là để làm cho các dân tộc anh em toàn khu cùng nhau tự quản lý công việc của mình, phát huy khả năng của mình, tiến bộ mau chóng về mọi mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội...”. Trong Quy định thành lập, Khu tự trị Việt Bắc được thực hiện một số quyền tự trị về chính trị, quân sự, kinh tế, tài chính, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, những đặc quyền này luôn có sự ràng buộc bởi các quy định mang tính nguyên tắc, như: “Khu tự trị Việt Bắc là một bộ phận của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chính quyền Khu tự trị là một cấp chính quyền địa phương, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chính phủ trung ương. Chính quyền và nhân dân Khu tự trị đều tuân theo đường lối, chính sách và pháp luật chung của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà quản lý những việc trong Khu tự trị” (Điều 3). Về quyền tự trị chính trị: “Chính quyền Khu tự trị được quyền quy định những luật lệ riêng”, nhưng phải “Dựa trên luật pháp chung của Nhà nước và căn cứ vào tình hình đặc biệt ở địa phương”, đồng thời “Những luật lệ riêng này sau khi được Chính phủ Trung ương chuẩn y mới thi hành” (Điều 8 ). Hay về quân sự: “Chính quyền Khu tự trị được tổ chức bộ đội địa phương, dân quân và công an Khu tự trị, để bảo vệ an toàn của Khu tự trị và giữ gìn trật tự trong Khu”; tuy nhiên, “Bộ đội địa phương và dân quân trong Khu tự trị là những bộ phận trong quân đội nhân dân Việt Nam, thuộc quyền chỉ huy tối cao của Bộ Quốc phòng Tổng Tư lệnh. Công an Khu tự trị là một bộ phận trong tổ chức công an toàn quốc thuộc quyền chỉ đạo chung của Bộ Công an” (Điều 9). Sau giải phóng miền Nam, đất nước thống nhất, ngày 27-12-1975, Khu tự trị Việt Bắc giải thể (cùng với Khu tự trị Tây Bắc); đồng thời, những quy định trong Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1959 về cấp khu tự trị cũng được bãi bỏ theo Quyết định của Quốc hội khóa V, tại Kỳ họp thứ 2.
Như vậy, lịch sử đã chứng minh, ở Việt Nam, xu hướng chủ đạo, hợp quy luật là hòa hợp, thống nhất dân tộc; đoàn kết, tương trợ nhau giữa các dân tộc là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Sự hình thành, tồn tại, thống nhất và phát triển của quốc gia gắn liền với sự tồn tại và phát triển trong sự đa dạng và phong phú của các dân tộc. Và thực tế lịch sử này một lần nữa khẳng định: Không thể có nhân quyền cao hơn chủ quyền quốc gia! “Quyền tự quyết” của dân tộc, sắc tộc nào đó trong một quốc gia - dân tộc có chủ quyền không được phép vượt ra ngoài khuôn khổ “quyền dân tộc tự quyết”!
Đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định quan điểm nhất quán về vấn đề dân tộc: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển...” và để thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc, Đảng ta xác định: “Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào DTTS. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các DTTS phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng DTTS. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Với quan điểm đó, việc thực hiện chính sách dân tộc đã đạt được thành tựu nổi bật, đem lại những hiệu quả tích cực về đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các DTTS ở nước ta. Từ năm 2003 đến năm 2020, Nhà nước đã tập trung bố trí đầu tư, hỗ trợ kinh phí nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, với tổng kinh phí theo các giai đoạn ngày càng tăng (gấp 4 lần: từ 250.000 tỷ đồng, năm 2003 lên 998.000 tỷ đồng, năm 2020), ưu tiên lĩnh vực kinh tế và đầu tư xây dựng cơ bản. Theo đó, đến nay, 100% số huyện có đường đến trung tâm huyện; 98,4% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% số xã và 97,2% số thôn, bản có điện lưới quốc gia; 93,9% số hộ gia đình được sử dụng điện; 100% số xã có trường tiểu học và trung học cơ sở; 99,7% số xã có trường mầm non; 99,3% số xã có trạm y tế; 65,8% số xã và 76,7% số thôn có nhà văn hóa/nhà sinh hoạt cộng đồng. Báo cáo Kết quả thực hiện công tác dân tộc năm 2023 cũng cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo DTTS còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.
Bên cạnh đó, đồng bào các DTTS thực hiện quyền dân chủ trong việc tham gia hệ thống chính quyền các cấp từ Trung ương đến cơ sở ngày càng tăng. Đến hết năm 2019, có 605.582 đảng viên là người DTTS, chiếm 11,98% tổng số đảng viên cả nước. Kết quả bầu nhân sự cấp ủy tại 67 đảng bộ trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2020 - 2025, có 389 người DTTS là cấp ủy viên (đạt 11,68%, cao hơn nhiệm kỳ trước 0,72%). Tại Đại hội XIII của Đảng, có 13 Ủy viên Trung ương là người DTTS. Số lượng đại biểu Quốc hội là người DTTS trong 4 nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua đều tăng, Quốc hội khóa XV (2021 - 2026) có 89 đại biểu là người DTTS (chiếm 17,83%, cao hơn tỷ lệ người DTTS trên tổng số dân là 14,35%). Cả nước hiện có 68.781 biên chế là người DTTS (chiếm 11,68% tổng biên chế toàn quốc); công chức, viên chức người DTTS được ưu tiên trong quy hoạch, tuyển dụng, sử dụng và bổ nhiệm vào hệ thống cơ quan nhà nước.
Những thành tựu này là minh chứng sống động cho tính đúng đắn, hiệu quả về quan điểm, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta và không ai có thể phủ nhận. Chính vì vậy, thời gian qua, mặc dù đời sống của đồng bào các DTTS vẫn còn khó khăn, nhưng đại đa số đồng bào các DTTS luôn đoàn kết một lòng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, phát huy truyền thống yêu nước, tích cực tham gia các phong trào cách mạng, bảo vệ an ninh, trật tự. Thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân và thế trận lòng dân được củng cố, tăng cường, góp phần ổn định, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.
Để đấu tranh với âm mưu, hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc cũng như phản bác luận điệu lợi dụng vấn đề “quyền của người bản địa” để kích động “ly khai”, “tự trị”, thời gian tới, cần chú trọng một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng về công tác dân tộc, nhất là ở vùng đồng bào DTTS trong tình hình mới. Xác định công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách; là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của hệ thống chính trị.
Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước đến mọi cán bộ, đảng viên và người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS. Quá trình tuyên truyền, giáo dục cần lồng ghép nội dung phản bác các luận điệu lợi dụng, xuyên tạc vấn đề “quyền của người bản địa” giúp đồng bào hiểu rõ bản chất. Chú trọng kiện toàn, củng cố hệ thống chính trị cơ sở; làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng, bố trí hợp lý cơ cấu cán bộ DTTS vào các chức danh chủ chốt; phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS; phân công cán bộ có hiểu biết về phong tục, tập quán, tiếng nói, chữ viết của đồng bào về công tác ở vùng DTTS.
Ba là, phát huy mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS một cách bền vững. Tập trung giải quyết hiệu quả những vấn đề bức thiết về đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào. Rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách; nâng cao hiệu quả các chương trình, dự án; tăng cường hợp tác quốc tế, đa dạng hóa và xã hội hóa nguồn lực để đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS; thúc đẩy đào tạo nghề, tạo việc làm, có chính sách ưu đãi đối với các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh của đồng bào DTTS.
Bốn là, quan tâm xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc ở vùng đồng bào DTTS; chủ động nắm chắc tình hình, giải quyết mâu thuẫn ngay từ cơ sở, không để xảy ra các “điểm nóng” về an ninh, trật tự, đặc biệt ở các địa bàn trọng điểm, khu vực biên giới.
Năm là, tích cực đấu tranh ngoại giao trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, nhất là các vấn đề liên quan đến dân tộc, tôn giáo. Chủ động truyền thông để dư luận quốc tế hiểu rõ các thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam. Tiếp tục thúc đẩy cải cách tư pháp, củng cố thể chế, chính sách, pháp luật về quyền con người phù hợp với các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên.