Việt Nam có bề dày văn hóa truyền thống hàng nghìn năm. Ngày nay, điều được thừa nhận này có ý nghĩa quy định sự phát triển tiếp theo của đất nước. Quán tính lịch sử, khuôn mẫu văn hóa, bản lĩnh dân tộc, thói quen tư duy, cách thức kiếm sống, phương thức ứng xử,…với tất cả thế mạnh và những hạn chế của nó, chắc chắn sẽ không tách rời hiện tại và tương lai. Những hạn chế thuộc về tập quán văn hóa sẽ rất khó loại bỏ hoặc vượt qua, trong khi đó, những thế mạnh của truyền thống đầy tiềm năng lại không dễ để phát huy tác dụng. “Sức mạnh mềm” là điều có thật. Và, sự phát triển tối ưu hay hợp lý sẽ đến với chủ thể nào biết phát huy thế mạnh về văn hóa, nhận ra được những khuyết tật cố hữu của mình để nắm bắt và khống chế cơ hội trong thế giới toàn cầu hóa.
Nhìn lại lịch sử, có thể thấy các thế hệ trước đã xử lý rất hiệu quả nhân tố đặc thù văn hóa địa - chính trị ngặt nghèo này. Những bài học kinh nghiệm phong phú về việc khơi dậy và phát huy tiềm năng “sức mạnh mềm” đã một phần được ghi lại trong sử sách. Việc tìm kiếm những gợi ý thông minh cho hiện tại và tương lai là trách nhiệm phải đúc kết của thế hệ hôm nay.
Bài học kinh nghiệm về việc khơi dậy và phát huy tiềm năng “sức mạnh mềm”, gợi ý tìm phương thức phát triển cho tương lai, mà thế hệ hôm nay có trách nhiệm phải đúc kết, trước hết và cũng rất căn bản là bài học về phương diện văn hóa. Cùng với vị thế địa chiến lược quan trọng, Việt Nam còn có cả một bề dày văn hóa đã được tạo dựng và tôi luyện qua hàng nghìn năm lịch sử và cũng vừa mới sử dụng trong gần trọn thế kỷ XX. Bài học từ quá khứ còn nóng hổi. Chủ nghĩa yêu nước sâu sắc, bền bỉ, ý chí “không có gì quý hơn độc lập, tự do”(Hồ Chí Minh), tư tưởng “vì Dân” (Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh), tinh thần “lấy nhân nghĩa thắng hung tàn” (Nguyễn Trãi), sách lược “dĩ bất biến ứng vạn biến” (Hồ Chí Minh),... là những sức mạnh văn hóa có thực nếu thế hệ hôm nay biết tôn trọng, khai thác và vận dụng.
Với tính cách là thành phần quan trọng của “sức mạnh mềm”, những nét đặc thù văn hóa nói trên có khả năng thúc đẩy sự phát triển. Ở những phẩm chất lớn của con người, tinh thần hiếu học, lòng yêu nước, khả năng sáng tạo, đức tính cần cù, yêu lao động,… là những phẩm chất như vậy. Bài học kinh nghiệm từ những năm đầu thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế là bài học về phát huy tiềm năng văn hóa còn tiềm ẩn trong xã hội, giải phóng con người, mạnh dạn xóa bỏ những khuôn thước cứng nhắc, lấy dân - hợp lòng dân, hạnh phúc của người dân làm gốc, coi thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, lấy hiệu quả thực tiễn làm thước đo cho hành động.
Trong bối cảnh phức tạp của sự nghiệp bảo vệ chủ quyền đất nước hiện nay, những nét đặc trưng của tinh thần dân tộc cần phải tính đến là sức mạnh của nhân dân, là ý chí của dân tộc, là lòng yêu nước của mỗi người, là tính chính nghĩa của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc,... Đó chính là “sức mạnh mềm” trong chiến lược bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bên cạnh sức mạnh quân sự, chính trị. Bài học về “sức mạnh mềm” đầu tiên của các cuộc kháng chiến anh dũng của dân tộc là, nhân tố con người bao giờ cũng mạnh hơn vũ khí.
Với vị thế địa - chính trị đặc biệt của mình, cùng với những kinh nghiệm văn hóa đối ngoại đầy bản lĩnh, Việt Nam hôm nay được coi là đối tác quan trọng của nhiều cường quốc và của cộng đồng quốc tế. Nhân tố Việt Nam được tính đến trong chiến lược của tất cả các cường quốc.
Tinh thần dân tộc được đúc rút từ kinh nghiệm máu xương của những cuộc chiến tranh vệ quốc thiêng liêng, lòng khát khao hòa bình và phát triển của Việt Nam hôm nay chắc chắn sẽ là sức mạnh to lớn để bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước, độc lập dân tộc, góp phần giữ gìn hòa bình và an ninh ở khu vực và thế giới./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét