Thủ tướng Phạm Minh Chính kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Nhật Bản, đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới
Diễn ra trong bối cảnh quan hệ song phương đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất từ trước tới nay, chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đạt được những kết quả có ý nghĩa chiến lược, toàn diện với những dấu ấn quan trọng, hứa hẹn những bước phát triển vượt bậc trong quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản thời gian tới. Các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp giữa hai nước ký kết và trao đổi hơn 50 văn kiện, thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có các thỏa thuận hợp tác về các dự án trị giá hàng chục tỷ USD. Chuyến đi một lần nữa khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Tối ngày 25/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 22-25/11 theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, đưa quan hệ Việt Nam-Nhật Bản lên tầm cao mới.
Đây là chuyến thăm chính thức Nhật Bản đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng cũng là vị khách quý nước ngoài đầu tiên của Chính phủ mới tại Nhật Bản.
Tham gia đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; Lãnh đạo các bộ, ban, ngành, tỉnh, thành phố và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam.
Trong thời gian thăm chính thức Nhật Bản, với lịch trình làm việc dày đặc của gần 50 hoạt động, Thủ tướng đã hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio; gặp nhiều lãnh đạo chủ chốt của Nhật Bản như Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện, các Bộ trưởng trong chính quyền, các cựu Thủ tướng, lãnh đạo Đảng Cộng sản, Đảng Công Minh trong liên minh cầm quyền, lãnh đạo các địa phương, các trường đại học, lãnh đạo các tổ chức kinh tế lớn và các tập đoàn hàng đầu Nhật Bản; dự Hội nghị hợp tác giữa các địa phương của hai nước và Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam-Nhật Bản; thăm Đại sứ quán và gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam, tiếp các trí thức, nhà khoa học Việt Nam tại Nhật Bản. Các thành viên của đoàn đại biểu Việt Nam cũng có gần 20 cuộc gặp với đối tác để trao đổi sâu về các lĩnh vực hợp tác chuyên ngành.
Chuyến thăm đã đạt được những kết quả toàn diện, vừa cụ thể, thiết thực, vừa có ý nghĩa chiến lược, tạo ra những dấu ấn lớn giúp tăng cường, củng cố quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng với Nhật Bản. Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã góp phần nâng tầm và thúc đẩy các mặt quan hệ hợp tác giữa hai nước đi vào thực chất hơn, hiệu quả hơn, xứng tầm với quan hệ đối tác chiến lược trên các lĩnh vực, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, doanh nghiệp và địa phương hai nước, nhất là trong bối cảnh cả hai nước đang phải khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19.
Thứ nhất, hai bên đã xác định được những định hướng lớn và biện pháp hết sức cụ thể để làm sâu sắc quan hệ vốn đã rất chặt chẽ và sâu rộng giữa hai nước, ra Tuyên bố chung “Hướng tới một giai đoạn mới của quan hệ Đối tác Chiến lược Sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản vì Hoà bình và Thịnh vượng ở châu Á”.
Hai bên hoan nghênh sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất của quan hệ Việt Nam-Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực; tin tưởng quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản còn nhiều tiềm năng to lớn để phát triển sâu sắc hơn nữa. Qua nhiều thăng trầm của lịch sử và những duyên nợ với nhau, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản phát triển vượt bậc những năm gần đây và đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất từ trước tới nay, nhưng có thể tin tưởng rằng quan hệ hai nước sẽ còn tốt đẹp hơn nữa trong tương lai.
Hai bên đã thống nhất các phương hướng lớn để tiếp tục đẩy mạnh các lĩnh vực hết sức quan trọng, thiết yếu như hợp tác phòng, chống đại dịch COVID-19; tăng cường quan hệ chính trị và hợp tác quốc phòng - an ninh; hợp tác thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19; hợp tác phát triển nguồn nhân lực; hợp tác phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp; hợp tác chuyển đổi năng lượng; hợp tác kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam…
Hai bên sẽ phối hợp để Nhật Bản giúp hỗ trợ Việt Nam thực hiện 3 đột phá chiến lược, hướng tới các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội đã đề ra; đưa hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư bước vào giai đoạn phát triển mới sâu hơn, hiệu quả hơn, thực chất hơn. Hai bên sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mà hai nước có nhu cầu, phát huy những thế mạnh bổ sung cho nhau giữa hai nước, quan tâm thúc đẩy triển khai những dự án lớn, cụ thể, phù hợp với xu thế chung của thế giới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hạ tầng chiến lược, nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thực hiện các cam kết mà hai bên đã công bố với mục tiêu giảm phát thải về 0 vào năm 2050.
Trên các lĩnh vực hợp tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị các đối tác Nhật Bản tập trung hỗ trợ Việt Nam về: Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; xây dựng các chiến lược, quy hoạch phát triển; cung cấp nguồn tài chính, nhất là tài chính xanh; hỗ trợ về công nghệ, nhất là công nghệ xanh; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có thể đáp ứng môi trường làm việc toàn cầu…
Hai bên cũng nhất trí sẽ tích cực thúc đẩy các chương trình hợp tác sử dụng vốn viện trợ phát triển chính thức của Nhật Bản trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19 nhằm đáp ứng các nhu cầu mới phát sinh và lợi ích của hai nước, tương xứng với tiềm năng to lớn của quan hệ Đối tác Chiến lược sâu rộng hướng tới tương lai, với trọng tâm hướng đến 4 lĩnh vực: Hạ tầng giao thông, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, y tế và chuyển đổi số, vì mục tiêu phục hồi kinh tế hậu đại dịch, cần tính đến tầm quan trọng của các ưu đãi, thủ tục tinh giản tối đa và linh hoạt trong quá trình thực hiện.
Hai bên đạt nhiều nhận thức chung về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, nhất trí tăng cường phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, tiếp tục hợp tác chặt chẽ nhằm duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.
Thứ hai, kế thừa những thành quả được nhiều thế hệ lãnh đạo hai nước dày công tạo dựng, chuyến thăm đã giúp củng cố niềm tin, thắt chặt tình cảm, sự chân thành và nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước, hai dân tộc, khẳng định Việt Nam và Nhật Bản là những người bạn, đối tác chiến lược thân thiết, tin cậy của nhau trên nhiều lĩnh vực.
Thông điệp xuyên suốt của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến thăm lần này là: Trong quan hệ song phương, Việt Nam nhất quán coi Nhật Bản là bạn, đối tác chiến lược tin cậy, thân thiết, quan trọng hàng đầu và lâu dài, chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược chung. Nhân dân Việt Nam luôn dành tình cảm, sự trân trọng, quý mến và tin cậy lớn dành cho đất nước và con người Nhật Bản. Việt Nam ủng hộ Nhật Bản phát huy vai trò xứng đáng ở khu vực và trên thế giới; và sẵn sàng cùng Nhật Bản đóng góp cho việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.
Tại các cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giới thiệu những nét lớn về tình hình đất nước, những định hướng chính sách quan trọng, những ưu tiên chính của Việt Nam trước mắt, trung hạn và dài hạn. Trong 5 năm, 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam đặt ra mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, gắn kết với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; tập trung thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực.
Trong các cuộc tiếp xúc, hai bên thống nhất cho rằng, sự tương đồng và lịch sử quan hệ lâu đời trong lĩnh vực văn hóa, chan hòa tình cảm hữu nghị, tin cậy, hiểu biết của hai dân tộc, của Nhân dân hai nước là giá trị quý báu hai bên cần khai thác và phát triển; mối quan hệ của Nhật Bản và Việt Nam càng sâu sắc và gắn bó trong những lúc khó khăn và thách thức, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Đơn cử, ngay trong chuyến thăm này, tập đoàn SMBC đã đóng góp 1 triệu USD cho công tác phòng chống COVID-19 của Việt Nam.
Các lãnh đạo cấp cao của Chính phủ, Quốc hội, các đảng phái, các địa phương và nhân dân Nhật Bản đã đón tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn cấp cao Việt Nam hết sức trọng thị, thân tình, thể hiện tình cảm trân trọng, thân thiết, sự tin cậy và chân thành với đất nước và con người Việt Nam, nhất quán quan điểm ủng hộ thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam.
Phía Nhật Bản cũng tin tưởng vào tiềm năng phát triển của Việt Nam, kỳ vọng Việt Nam trở thành trung tâm phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch, đồng thời trở thành một hình mẫu trong các nước đang phát triển về chuyển đổi sang tăng trưởng xanh, bền vững, giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu.
Thứ ba, chuyến đi đã đạt được kết quả hết sức cụ thể, thúc đẩy hợp tác, giao lưu các cơ quan, địa phương và doanh nghiệp của hai nước. Các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp giữa hai nước ký kết và trao đổi hơn 50 văn kiện, thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có các thỏa thuận hợp tác về các dự án trị giá hàng chục tỷ USD. Đặc biệt, phía Nhật Bản đã viện trợ thêm hơn 1,5 triệu liều vaccine cho Việt Nam, nâng tổng số vaccine viện trợ Việt Nam lên 5,6 triệu liều.
Hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ triển khai các dự án lớn như xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam, phát triển đô thị thông minh, phát triển cơ sở hạ tầng, tăng cường chuỗi cung ứng, triển khai Sáng kiến Chuyển đổi số và Sáng kiến Đối tác hợp tác đổi mới công nghệ và sớm triển khai Sáng kiến Đa dạng hóa chuỗi cung ứng giữa hai nước.
Hai bên cũng thống nhất sớm mở lại đường bay giữa hai nước; triển khai hộ chiếu vaccine; tăng cường và mở rộng tiếp nhận lao động Việt Nam sang Nhật Bản, xử lý các vấn đề liên quan tới thực tập sinh, lưu học sinh Việt Nam; tháo gỡ vướng mắc trong triển khai một số dự án sử dụng vốn viện trợ phát triển chính thức của Nhật Bản tại Việt Nam; Nhật Bản sẽ hỗ trợ toàn diện quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam thông qua “Sáng kiến Chuyển đổi năng lượng châu Á” với tổng trị giá 10 tỷ USD…
Nhân chuyến thăm của Thủ tướng, các hoạt động xúc tiến đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản được nối lại sau thời gian gian đoạn do đại dịch COVID-19. Trong các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo hàng trăm tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản, Thủ tướng Phạ Minh Chính đã giới thiệu về một Việt Nam đang nỗ lực kiểm soát hiệu quả đại dịch, phục hồi phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng; cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi, ưu đãi nhất để các tập đoàn mở rộng quy mô đầu tư, yên tâm đầu tư và kinh doanh lâu dài tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp Nhật Bản đều cho rằng, thời điểm chuyến thăm rất có ý nghĩa trong việc thúc đẩy giao lưu, hợp tác phát triển kinh tế sau đại dịch; đánh giá tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn; khẳng định niềm tin vào môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng được cải thiện của Việt Nam. Các nhà đầu tư đánh giá cao Việt Nam về sự ổn định chính trị, việc triển khai các khâu đột phá chiến lược và yếu tố con người với quyết tâm và khát vọng vươn lên phát triển mạnh mẽ. Nhiều doanh nghiệp bày tỏ quan tâm tới thị trường Việt Nam, các tập đoàn lớn của Nhật Bản cam kết mở rộng, làm ăn lâu dài, bền vững ở Việt Nam.
Thứ tư, chuyến công tác của Thủ tướng tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò ngày càng quan trọng của đất nước trên trường quốc tế.
Có thể khẳng định, trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tranh thủ được mọi cơ hội, phát huy tối đa hiệu quả của các hoạt động, thuyết phục được các nhà lãnh đạo, chính giới, các đảng phái, giới trí thức, doanh nghiệp và nhân dân Nhật Bản. Các nhà lãnh đạo Nhật Bản nhấn mạnh đặc biệt coi trọng quan hệ với Việt Nam và đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội, vị thế, vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới.
Dư luận quốc tế và Nhật Bản rất quan tâm, đánh giá rất cao chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam. Báo chí quốc tế quan tâm nhiều tới chuyến đi, tiếp tục ấn tượng với sự mạnh mẽ, nhiều năng lượng, sự chủ động, linh hoạt, hiệu quả và tầm nhìn chiến lược của Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, đem lại thêm những cơ hội lớn để phát triển đất nước. Trước chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã trả lời phỏng vấn hàng loạt vấn đề đang quan tâm của các hãng thông tấn, báo chí hàng đầu của Nhật Bản như Kyodo, NHK, Asahi Shimbun, Yomiuri Shimbun...
Cùng với các hoạt động đối ngoại gần đây của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta, chuyến công tác của Thủ tướng tiếp tục khẳng định Việt Nam tự tin tiếp tục đẩy mạnh công cuộc hội nhập và phát triển đất nước, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế một cách vững chắc. Chuyến công tác góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đối ngoại, củng cố niềm tin của bạn bè, đối tác quốc tế và nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài về chủ trương, đường lối, chính sách và tương lai phát triển của Việt Nam. Chuyến thăm một lần nữa khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; là bạn tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét