Đám cưới, cô dâu nào cũng mặc váy tầng lộng lẫy hoặc áo dài truyền thống, chị Hà Thị Kim Phúc (điều dưỡng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quân y 175) lại phủ kín thân bằng bộ đồ bảo hộ cấp bốn, bít bùng khẩu trang, tấm chắn giọt bắn. Chị, cô dâu F0. “Vậy thì có sao đâu, tôi thấy mình đặc biệt mà”, Phúc nhớ lại lúc chồng dìu mình bước xuống từ xe cứu thương trong lễ cưới tập thể đặc biệt do bệnh viện tổ chức mới đây.
Gần nửa năm, phải đến ngày cưới chị Phúc mới mặc lại bộ đồ bảo hộ nhưng không hiểu sao vẫn thấy quen thuộc. Chắc do lúc dịch kéo dài, mặc riết thành quen chứ bộ đồ nóng lắm, khó chịu lắm. Ngồi trên xe cứu thương với đôi tay đeo găng y tế, vợ chồng chị Phúc - anh Huy vẫn dành cho nhau những cử chỉ ngọt ngào. Huy hay siết chặt tay vợ, nói điều gì đó khiến cô dâu đặc biệt của mình cười nghiêng ngả. Bó thạch thảo tím mà đạo diễn chương trình lễ cưới đặc biệt hôm ấy nói “tượng trưng cho sự thủy chung, son sắt” cứ đong đưa trong bốn bàn tay trắng xóa luôn siết chặt lấy nhau. Bên ngoài, nhạc phủ kín không gian cổ tích, nơi 19 cặp đôi là đồng nghiệp của vợ chồng Phúc đang tận hưởng ngày vui trong niềm vui chung của Sài Gòn - bình thường mới.
Tháng 7/2021, chị Phúc nhận được tin nhắn của chồng “Anh đang chuẩn bị cho chuyến di cư lớn nhất đời mình”. Đó là ngày 18/7/2021, ngày dự cưới của cặp đôi. Mọi thứ đã sẵn sàng. Cho đến khi đám cưới phải hoãn vì Covid-19. Cả hai dừng hết những dự định cỗ bàn, lao vào khu điều trị. “Đáng lẽ anh sẽ mặc vest, nắm tay vợ trong lễ thành hôn thì cong lưng đẩy giường, khiêng bàn, chuẩn bị dụng cụ cùng mọi người vào Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 của bệnh viện. Mấy ngày sau, tôi cũng vào bệnh viện cắm trại phục vụ công tác. Hai vợ chồng làm chung đơn vị nhưng cả đợt dịch khủng khiếp đó có được gặp nhau đâu, chỉ nhắn vài cái tin để mấy giờ sau nhận về phản hồi. Lúc đó, thương thành phố lắm, người bị Covid-19 toàn trở nặng, chỗ nào cũng quá tải”, chị Phúc kể, giọng vẫn phảng phất buồn.
Trời thương, mấy tháng ròng rã chống dịch, nhiều lúc mệt muốn kiệt sức nhưng chị cùng nhiều đồng nghiệp may mắn vẫn an toàn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Mãi tới nửa năm sau, gần Ngày Thầy thuốc Việt Nam, vợ chồng Huy - Phúc mới có đám cưới trọn vẹn cùng các cặp đôi cùng hoàn cảnh hoãn cưới. Thế nên, cả khi hai vợ chồng đều đang là F0, phải mặc bộ đồ bảo hộ kín mít trao nhẫn, họ vẫn thấy ấm áp. Chỉ khác là tới phần đãi tiệc thì cô dâu, chú rể phải vắng mặt do yêu cầu cách ly, chỉ có ba mẹ hai bên tới cảm ơn mọi người có mặt. Phúc nói, cái xui kéo tới đúng ngày lại thành kỷ niệm khó phai. Mấy ai cô dâu được mặc đồ bảo hộ, được xe cứu thương đưa rước như vậy. Với Phúc, ánh mắt yêu thương mọi người dành tặng anh chị trong ngày trọng đại đã là món quà to lớn. Được bình an sau đại dịch với người làm y tế, hạnh phúc nào sánh bằng.
Vừa thắp nén nhang lên bàn thờ trong ngày cưới tập thể, bác sĩ Nguyễn Cảnh Chung quay sang nhìn vợ mình là bác sĩ Hoàng Thị Lâm bằng ánh mắt trìu mến. Chung nở nụ cười thật tươi, cứ nhìn chằm chằm vào chiếc lúp trắng vợ gắn trên tóc, nói lời cảm ơn trước khi nhẹ nhàng dìu chị bước xuống bậc tam cấp. Sau giây phút ấy, anh cứ siết chặt tay vợ trong tay mình, mắt rưng rưng. Anh xúc động khi nghĩ về chặng đường mà hai vợ chồng vừa trải qua cùng thành phố. Có lo âu, tủi thân, nhung nhớ nhưng đọng lại vẫn là rất nhiều thương yêu. Chị Lâm vợ anh vừa sinh em bé, người còn yếu nhưng vẫn quyết định tham gia lễ cưới này vì không muốn bỏ lỡ ngày đặc biệt của cuộc đời.
Nếu dịch bệnh không bùng phát tại TP Hồ Chí Minh thì bác sĩ Chung cùng vợ đã có một tiệc cưới ấm áp trong lời chúc phúc rộn ràng của gia đình, bạn bè. Nhưng khi dịch tới, họ gác lại niềm vui riêng, quên mình cho việc chung. Lễ cưới định sẵn được chuyển sang lệnh chờ, anh chị cùng nhau đăng ký kết hôn rồi trở thành vợ chồng từ đó. Giữa tháng 6/2021, khi TP Hồ Chí Minh giãn cách, anh nhận nhiệm vụ vào Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 của bệnh viện. Ngày anh đi, chị báo tin mang thai đứa con đầu lòng.
Tình hình dịch bệnh sau đó ngày càng căng thẳng, mỗi lúc xuống ca, câu đầu tiên anh hỏi vợ qua màn hình điện thoại bao giờ cũng là “Em ổn không?”. Thương vợ lắm nhưng đâu thể tự tay chăm sóc, anh đành nhắn gửi đồng nghiệp mua thêm thức ăn, thuốc thang tẩm bổ cho chị. Cả thai kỳ của chị, anh được bên vợ vỏn vẹn 20 ngày trước lúc sinh. “Lúc khó khăn nhất khi thấy quá nhiều người đứng trước lằn sinh tử vì Covid-19, tôi nghĩ đến vợ, nghĩ đến mầm sống em đang dưỡng nuôi trong mình mà cố gắng hết sức. Những ngày dịch bùng phát dữ dội, anh em chúng tôi được chợp mắt 30 phút đã mừng. Mọi thứ cam go lắm nên giờ đây được tay trong tay với vợ, được nhận về bao lời chúc mừng của mọi người, tôi thấy gia đình mình quá may mắn”, vẫn đôi mắt đầy yêu thương ấy, bác sĩ Chung quay nhìn vợ hồi lâu sau mấy lời sẻ chia thân tình.
Khi dịch bùng phát, họ gác chuyện riêng lên đường làm nhiệm vụ. Ngày thành phố dần hồi sinh, họ đứng cạnh nhau đón chờ hạnh phúc trong ngày chung đôi.
“Trong nỗi hân hoan phố phường mở cửa. Nhìn kìa, khói bếp. Đến lúc phố thưa lại đầy như xưa. Một cuộc sống mới, khắp lối tái sinh rạng ngời yên vui…”. Khi những câu hát trong tác phẩm “Bài ca tôi viết lần này” của thầy giáo trẻ Nguyễn Thái Dương vang lên tại chương trình “Mạch sống” để tri ân lực lượng tuyến đầu và lễ cưới tập thể cho 20 cặp đôi tại sân khấu ngay khuôn viên Bệnh viện Quân y 175, nhiều người rơi nước mắt. Họ là cha mẹ, người thân của các cô dâu, chú rể đặc biệt ấy, những người hoãn cưới đi chống dịch hẹn nhau ngày sum vầy khi thành phố hồi sinh. Trong số đó còn có cả những bệnh nhân, những người từng vượt qua giai đoạn hiểm nguy khi chống chọi với Covid-19. Tất cả rạng ngời niềm vui.
Cứ mải vuốt tóc vợ và hỏi “Em có vui không?”, anh Trần Tấn Lộc (giảng viên Trường cao đẳng Điện lực TP Hồ Chí Minh) chưa bao giờ thấy mình bối rối đến vậy. Anh chị yêu nhau ngót 10 năm, có phải mới gặp gỡ đâu mà bẽn lẽn, ngại ngùng. Thế nhưng, trong niềm vui thành phố mở cửa, được về chung mái ấm, tự dưng anh thấy mình lạ ghê. Thấy tim rộn ràng như ngày mới yêu. Hôm đó là ngày anh Lộc cười nhiều nhất trong cuộc đời mình. Anh đang vui bù cho quãng thời gian chẳng thể chợp mắt vì âu lo, thương nhớ. Đứng cạnh, khoác trên mình chiếc áo dài trắng tinh, vợ anh - chị Lê Thị Huỳnh Như (công tác tại Ban Quản lý chất lượng, Bệnh viện Quân y 175) nở nụ cười rạng rỡ.
Tháng 5/2021, vợ chồng chị Thư làm lễ đính hôn, đang chuẩn bị mọi thứ cho lễ cưới thì dịch bùng phát đợt thứ tư. Khi thành phố bị dịch bệnh bủa vây, chị Như bàn với chồng tạm gác chuyện hạnh phúc rồi tham gia đội lấy mẫu xét nghiệm tại quận 8. Mỗi ngày xong việc, chị quay về cắm trại luôn tại bệnh viện theo quy định để bảo toàn lực lượng. Gửi thức ăn qua hàng rào bệnh viện chăm vợ được vài ngày thì thành phố giãn cách, anh Lộc chỉ còn biết trò chuyện qua điện thoại, tin nhắn để bớt lo.
Nếu không có dịch Covid-19, chưa bao giờ vợ chồng anh xa nhau lâu đến thế. Nếu không có dịch Covid-19, chưa bao giờ anh sống trong lo âu nhiều đến thế. Mà làm gì có chữ “nếu” vì dịch bệnh đã xuất hiện, đã khiến thành phố nhiều lúc muốn kiệt sức, hụt hơi, khiến nhiều người tưởng chừng không vượt qua nổi. Thời điểm đó, ngày ngày theo dõi tin tức, anh Lộc chỉ biết cầu nguyện cho vợ và các đồng nghiệp được khỏe mạnh để giúp người dân qua cơn khổ cực này.
Niềm vui khi đó của anh đơn giản chỉ là mấy dòng tin nhắn của vợ báo mình vẫn ổn, vẫn cảm nhận rõ mùi vị thức ăn. Giờ thì tay trong tay rồi, ấm áp thương yêu rồi. Chị Thư kể: “Cảm ơn chặng đường gian nan đó giúp chúng tôi thấu hiểu nhau và gắn kết với nhau nhiều hơn dù chẳng được gặp mặt, cuộc gọi nào cũng vội vàng mấy câu”. Trải qua những gian nan, tình yêu vẫn là điều bền bỉ nhất còn ở lại. Vì là có tình yêu, mọi thứ rồi sẽ lại sinh sôi./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét