Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2022

THẤM THÍA VỀ BÀI HỌC TỰ CƯỜNG Ở UKRAINE.

 

Từ quốc gia giàu tài nguyên, có tiềm năng phát triển hàng đầu ở khu vực Đông Âu, Ukraine đã suy sụp để rồi giờ đây đứng bên bờ vực của một cuộc chiến gây ra bởi sự giằng xé giữa Đông và Tây. Người Ukraine đang thấm thía bài học về sự tự cường hơn bao giờ hết…

Trong con mắt chúng tôi, những sinh viên từng được nhà nước cử đi du học tại Liên Xô, Ukraine là đất nước rất giàu có và tươi đẹp. Có thể nói trong thành phần Liên Xô trước đây, Ukraine là nước cộng hòa phát triển thứ hai chỉ sau Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Liên bang Nga, với tiềm lực kinh tế mạnh mẽ, xã hội phát triển, văn minh. Ai từng ghé thăm những thành phố Kyiv, Kharkiv, Odessa, hay Lviv xinh đẹp, lang thanh trên những nẻo đường ở bán đảo Crimea mùa Hè, ăn lê, táo, anh đào “mệt nghỉ” trên đường như thời chúng tôi thực tập hẳn sẽ cảm nhận rõ về Ukraine.

Chính vì vậy sự hụt hơi “bạc nhược” và thụt lùi của quốc gia Đông Âu này, đặc biệt là sau cuộc Cách mạng Nhân phẩm năm 2014, khiến nhiều cựu sinh viên chúng tôi cũng như những bậc đàn anh không khỏi tiếc nuối và buồn lòng.

Sức mạnh của Ukraine có thể thấy rõ qua các số liệu kinh tế năm 1991, thời điểm Ukraine tách khỏi Liên Xô trở thành quốc gia độc lập. Vào thời điểm đó, GDP bình quân đầu người (tính theo sức mua tương đương – PPP) của quốc gia Đông Âu này là 6.900 USD, xếp thứ 52 trên thế giới, cao hơn nhiều so với mức trung bình ở các nước Trung Âu. Ngày nay GDP bình quân đầu người của Ukraine là 13.341 USD, xong xếp thứ 97 thế giới.

Tính ra, GDP bình quân đầu người của Ukraine tăng hơn 90%, nhưng trong cùng kỳ con số này ở Ba Lan, Hungary và CH Séc tăng từ 4 -6 lần. Ngay Belarus cũng tăng 278%. Hiện GDP bình quân đầu người của Ukraine không chỉ thua Ba Lan mà còn thua cả Belarus, quốc gia có điều kiện và nguồn lực phát triển kém nhất.

Có thể nói nếu những năm 90 của thế kỷ trước nước láng giềng Ba Lan mơ ước được như Ukraine thì nay người Ukraine lại mơ được như người Ba Lan và nhiều người Ukraine đang sang Ba Lan để tìm kiếm công việc hậu hĩnh hơn. Một phân tích cho thấy đồng tiền hryvnia của Ukraine trong 25 năm tồn tại đã giảm giá 15 lần so với đồng USD, và kể từ thời điểm độc lập, đồng tiền quốc gia Ukraine đã giảm giá 90.000 lần, một con số rất bất ngờ. Về nợ công, đầu năm 1994, nợ nhà nước của Ukraine là 4,8 tỷ USD (nợ nước ngoài chiếm 75%). Tính đến tháng 6/2018, nợ công của Ukraine tăng gấp 15 lần mức trên, lên 76,3 tỷ USD. Nợ nước ngoài cao gấp 2,6 lần dự trữ ngoại hối và để trang trải nợ công, mỗi người Ukraine phải gánh 1.800 USD.

Chính vì phụ thuộc vào tiền vay nước ngoài, Ukraine buộc phải tuân theo các điều kiện của Quĩ Tiện tệ Quốc tế (IMF) để có thể nhận các khoản vay mới. Một trong các điều kiện đó là tăng giá bán khí đốt. Không chỉ được nghe từ chính người dân Ukraine mà mới đây một Việt kiều cũng cho tôi biết tiền khí đốt hàng tháng ở thành phố Odessa của nước này lên tới 2.500 hryvnia, trong khi đó lương hưu trí chỉ ở mức 2000 hryvnia, không đủ để trả tiền khí đốt.

Giá khí đốt tăng cao đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều lĩnh vực kinh tế của Ukraine. Đáng chú ý là nhiều chuyên gia đã đặt câu hỏi tại sao Ukraine không mua khí đốt giá rẻ của Nga như trước kia mà lại phải mua giá cao lòng vòng từ các nước EU, liệu đây có phải sai lầm trong chính sách đối ngoại?

Chính sách đoạn tuyệt với Nga cũng gây nhiều tác hại, đặc biệt là đối với các tỉnh miền Đông, vốn trước đây là những trung tâm công nghiệp chính của Ukraine. Các nhà máy ở miền Đông Ukraine từng chế tạo máy móc, thiết bị, kể cả động cơ tên lửa và động cơ máy bay, để xuất khẩu chủ yếu sang Liên bang Nga. Nay do chính sách “không quan hệ” với Nga, những nhà máy này ngừng làm ăn với các đối tác Nga khiến cho các xí nghiệp hoạt động cầm chừng, người lao động mất việc, các thành phố công nghiệp miền Đông như Dnipropetrovsk, Kharkiv, Zaporoze … trở nên ảm đạm, không còn sức sống. Chính sách không thân thiện với Nga là một trong những nguyên nhân kìm hãm phát triển kinh tế, đặc biệt là ở các tỉnh ở miền Đông.

Cuộc cách mạng Nhân phẩm năm 2014 cho đến nay vẫn là điều gây tranh cãi khi Liên bang Nga luôn cho rằng đây là cuộc đảo chính Tổng thống Viktor Yanukovych trước sự làm ngơ, âm thầm hậu thuẫn của các nước phương Tây, và cũng chưa đem lại điều tốt đẹp gì. Liên tiếp các Tổng thống sau cách mạng – Oleksandr Turchynov, Petro Poroshenko, hay như Tổng thống đương nhiệm Volodymyr Zelensky – đều chưa thể chấn hưng kinh tế, tạo ra môi trường hòa bình, ổn định để Ukraine để phát triển.

Trước cuộc Cách mạng trên, Ukraine được xem như chia làm 2 phe Đông và Tây, với các tổng thống hoặc được miền Đông ủng hộ và thân Nga hoặc được miền Tây ủng hộ và có xu hướng nghiêng về Liên minh châu Âu (EU) lên cầm quyền. Sau Cách mạng, Ukraine quyết chỉ chọn con đường hướng tới EU, NATO và xa rời nước Nga láng giềng. Tuy nhiên có lẽ nước Ukraine hướng tới châu Âu tươi đẹp lại không được tươi đẹp và sáng sủa như nước Ukraine Đông-Tây trước kia.

Những tưởng Ukraine, với 45 triệu dân, sẽ trở thành một quốc gia trung lập, làm cầu nối giữa Nga và châu Âu, để có thể lợi dụng các lợi thế kinh tế của cả 2 khu vực này làm giàu cho mình thì nay ý tưởng đó hoàn toàn biến mất. Ukraine trở thành nước nghèo ở châu Âu, một vùng đệm tranh chấp giữa Đông và Tây với những khúc mắc chưa biết lúc nào có thể giải quyết.

Việc Ukraine khó có thể trở thành thành viên NATO chúng tôi đã biết từ thời điểm đưa tin về sự kiện Maidan năm 2014. Điểm vướng chính đó là Điều 5 Hiệp ước NATO. Điều này quy định rằng “bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào một hay một số thành viên liên minh đều được coi là tấn công vào toàn bộ liên minh” và tất cả các thành viên sẽ hỗ trợ nạn nhân của cuộc tấn công như vậy. Với điều khoản này, đương nhiên một khi Ukraine ra nhập NATO, như Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói rõ thì nó cũng đồng nghĩa với việc tất cả các nước thành NATO phải giúp Ukraine lấy bán đảo Crimea, nghĩa là chiến tranh với Nga, điều mà NATO không hề muốn. Như vậy có thể thấy những tuyên bố hùng hồn của các nước phương Tây về quyền được lựa chọn của Ukraine thực chất cũng không phải là thực chất.

Cuộc cách mạng Nhân phẩm năm 2014 chưa thể đem lại những thành quả tích cực cho người dân và hơn thế nó chính là nguyên nhân khiến bán đảo Crimea sáp nhập vào LB Nga cũng như làm nổ ra cuộc chiến ở Donbass. Cuộc chiến này giống như một cơn bão tràn qua các tỉnh miền Đông Ukraine, quét sạch những triển vọng kinh doanh, kể cả của người Việt Nam ở đó, làm bần cùng miền Đông một thời phát triển.

Năm 2014, khi tôi và một số phóng viên Việt Nam khác đến Donetsk để đưa tin về người Việt còn mắc kẹt trong xung đột tại đó, chúng tôi, cũng như những người Việt Nam sống ở đây mong mỏi xung đột sẽ mau chóng kết thúc để người dân có thể ổn định làm ăn, mưu cầu cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên giờ đây, sau gần 8 năm, xung đột tại Donbass vẫn chưa có hồi kết, mà thay vào đó ở phương Tây còn đang lan truyền về một cuộc “chiến tranh” quy mô hơn giữa Nga và Ukraine. Những thông tin này theo quan điểm của tôi là không chắc chắn. Tuy nhiên về mặt nào đó nó cho thấy sự xấu đi của tình hình, về cuộc khủng hoảng còn trầm trọng hơn ở Ukraine, ấn giấu sau đó có thể là những hậu quả kinh tế lớn lao, gây thêm áp lực cho người dân.

Tóm lại có thể thấy nước Ukraine vẫn bế tắc trong cuộc khủng hoảng cả về quân sự và kinh tế mà chưa tìm được đường hướng thích hợp để giải quyết những khó khăn này. Nếu trước đây, Ukraine có được những thế hệ lãnh đạo kiên định, quyết tâm đi theo con đường tự lực tự cường, không nghiêng sang Tây hay ngả sang Đông, để trông mong vào các khoản tiền viện trợ thì có lẽ, sau 30 năm, đất nước này đã không rơi vào tình cảnh như hiện nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét