Để có thể vượt qua những khó khăn, thách thức và đạt được những kết quả vượt bậc, cần có những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; dám đột phá, sáng tạo, thậm chí là dám “xé rào” vì lợi ích chung.
Chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022 vào ngày 4/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đánh giá bên cạnh những kết quả đạt được, nước ta vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan là một số cơ quan, đơn vị, người đứng đầu chưa thực sự quyết liệt, chủ động giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.
Thủ tướng yêu cầu với các khó khăn, thách thức này, cần bám sát tình hình, thẳng thắn, nhận diện kịp thời, có giải pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả. Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ Nội vụ xây dựng văn bản để thể chế hóa chủ trương của Đảng về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Thời gian qua, Đảng ta đã có kết luận và xử lý nghiêm nhiều vụ việc với nhiều đảng viên, cán bộ sai phạm. Điều này rất cần thiết, nhưng cũng đã khiến nhiều cán bộ, đảng viên có tâm lý “e dè”. Thực tế hiện hay, để “an toàn”, một số cán bộ đã có tâm lý đùn đẩy trách nhiệm, không dám quyết những công việc nằm trong chức trách của mình dẫn đến tình trạng công việc đình trệ hay có việc cấp dưới đùn đẩy công việc cho cấp trên, cấp trên lại đùn đẩy cho cấp trên nữa…
Chẳng hạn mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phải đốc thúc các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bởi công tác này được các đơn vị triển khai rất chậm. Theo đó, ngoài lý do khách quan là hệ thống văn bản pháp lý còn bất cập, chồng chéo thì không thể phủ nhận rằng năng lực điều hành của một bộ phận cán bộ chưa tốt; nhiều trường hợp không ít cán bộ chọn giải pháp an toàn là “xin ý kiến cấp trên” dù vấn đề hoàn toàn thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp mình.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà không có những cán bộ, đảng viên năng động, có những cách làm hay, sáng tạo, đột phá vì lợi ích chung trong những thời điểm, thời khắc khó khăn nhất. Tại Hội nghị quán triệt, triển khai và thực hiện Kế hoạch của Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh về thực hiện Kết luận số 14 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 124 của Thành ủy về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, nhiều địa phương cũng nêu lên những sáng kiến, sáng tạo trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua.
Chẳng hạn như thành phố Thủ Đức đã chủ động xây dựng tháp theo dõi bệnh nhân khi chưa có hướng dẫn của ngành y tế; lãnh đạo Quận 7 và huyện Củ Chi đã tiên phong đi đầu trong kiểm soát dịch bệnh bằng nhiều biện pháp sáng tạo; hay từ khó khăn trong đại dịch, ngành y tế TP Hồ Chí Minh đã thực hiện chủ trương đưa y, bác sĩ trẻ về trạm y tế… Những sáng tạo này đã giúp TP Hồ Chí Minh phần nào vượt qua được những khó khăn trong thời khắc đại dịch COVID-19 diễn ra khốc liệt.
Trước đó, Bộ Chính trị (khóa XIII) đã ban hành Kết luận số 14-KL/TƯ, ngày 22/9/2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Bên cạnh đó, Kết luận số 21-KL/TƯ ngày 25/10/2021 của Hội nghị lần thứ Tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cũng đã yêu cầu thực hiện tốt chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung.
Mặc dù Đảng đã có chính sách bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm nhưng không có nghĩa là bảo vệ người làm liều, làm không báo cáo hay lợi dụng đổi mới, sáng tạo để mang lại lợi ích cho cá nhân và lợi ích nhóm…
Theo đó, để được bảo vệ, đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ phải báo cáo với người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác; được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm, bảo đảm không trái với Hiến pháp và Điều lệ Đảng. Các cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị quan tâm hỗ trợ nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ triển khai thực hiện.
Kết luận số 14-KL/TƯ cũng nên rõ: Khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm; đồng thời xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Nghiêm khắc nhưng cũng linh hoạt, đó là cách mà Đảng ta khuyến khích và bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm đi liền với dám chịu trách nhiệm, hy sinh lợi ích cá nhân để đóng góp công sức của mình cho sự nghiệp phát triển của đất nước.
Và đất nước hiện đang rất cần nhiều những cán bộ như vậy, nhất là trong giai đoạn “bình thường mới” sau dịch COVID-19 để có thể đưa đất nước sớm phục hồi, sớm có thể “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” như lời căn dặn của Bác./.
Yêu nước ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét