Có lẽ, không ít người vẫn còn bất ngờ về việc ông Nguyễn Thanh Long bị khởi tố, bắt tạm giam vì liên quan đến công ty Việt Á. Trước sự việc này, dư luận có đặt ra nhiều câu hỏi: Người lãnh đạo cần năng lực quản lý giỏi hay chuyên môn giỏi? Kết cục “đau lòng” này là do năng lực quản lý kém hay chuyên môn kém?
“Quả b.om” Việt Á cực kỳ chấn động, hơn 60 cán bộ, lãnh đạo “gãy cánh” chỉ vì tiếp tay cho Việt Á trục lợi 4000 tỷ đồng. Cay đắng nhất vẫn là người đứng đầu Bộ Y tế cũng dính vào vụ việc. Đáng nói, ông Nguyễn Thanh Long là người có chuyên môn rất giỏi, từng là bác sỹ đa khoa, học vị GS.TS. Với việc kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo của Bộ Y tế thì ít nhiều cũng đánh giá được phần nào năng lực quản lý của ông. Nhưng sai phạm của ông Long không nằm ở lý do vì chuyên môn hay năng lực quản lý mà xuất phát từ chính lòng tham, bản chất tư lợi.
Trong lý do khai trừ ra khỏi Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nêu rõ, ông Nguyễn Thanh Long có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đồng thời, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Nguyên nhân rất dễ thấy là ông Nguyễn Thanh Long đã đứng trước phần “lại quả” lên đến hàng tỷ đồng. Trong khi, bản thân thiếu tu dưỡng đạo đức, thiếu sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư nên việc bị cuốn vào vòng xoáy tư lợi là hệ quả tất yếu.
Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim cũng đã từng khẳng định: “Không phải do quản lý cũng không phải do chuyên môn, mà cũng không phải do một lúc nào đó xao lòng mà do có động cơ, có đạo đức không được rèn luyện thường xuyên. Chỉ rèn luyện một giai đoạn nào thôi, còn sau đó cứ nghĩ là tích cóp gia đình, bản thân, anh em dòng họ. Những tư tưởng đó có thể phát sinh ra trong một giai đoạn nào đó trong cuộc đời cán bộ chứ không phải tất cả”. Trước đây, ông Nguyễn Thanh Long đã chứng tỏ được năng lực quản lý và chuyên môn của mình trong ngành Y nhưng ở thời điểm đứng trước sự cám dỗ vật chất quá lớn, bản lĩnh chính trị của ông không đủ thắng nổi lòng tham.
Năng lực quản lý và chuyên môn là tố chất cần có của một người lãnh đạo. Tuy nhiên, nếu chỉ có năng lực quản lý và chuyên môn giỏi thôi thì chưa đủ. Một người lãnh đạo cần phải có phẩm chất đạo đức tốt, giống như Bác Hồ dạy “nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm”, để hết lòng vì lợi ích của đất nước và nhân dân. Dù ở giai đoạn nào, cũng phải giữ được bản lĩnh chính trị, lập trường vững vàng như một bông sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
“Quả b.om” Việt Á thực sự chấn động và có sức lan tỏa rất mạnh mẽ đối với đội ngũ cán bộ, lãnh đạo hiện nay. Họ buộc phải quan tâm, chú ý, không phút giây nào lơi lỏng rèn luyện./.
Yêu nước ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét