Thứ Tư, 15 tháng 6, 2022
“Bệnh thành tích” - báo cáo không trung thực, hết sức nguy hại, kìm hãm sự phát triển, gây bất bình trong nhân dân, giảm lòng tin với Đảng.
Ngày xưa, Khổng Tử dạy các học trò: “Ai khen ta, khen không đúng là kẻ thù của ta. Ai chê ta, chê đúng là thầy ta”. Hãy nghiêm túc nhớ lời Bác Hồ dạy: “Một Đảng mà giấu khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
Hiện nay, “bệnh thành tích” và tệ báo cáo không trung thực là căn bệnh nặng, phổ biến trong công tác Đảng, công tác chính trị và trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội ở nước ta. Đây là một căn bệnh hết sức nguy hại. Đáng tiếc là rất ít cán bộ, đảng viên (CBĐV) nhận thức được tác hại lớn của tệ nạn này, hoặc cố tình không biết, chứ chưa nói là đã phê phán nghiêm túc trong sinh hoạt Đảng nói chung, và trong công tác của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng, nói riêng.
“Bệnh thành tích” và tệ báo cáo không trung thực - mà hầu hết là báo cáo chỉ nêu thành tích, “tô hồng” hiện thực của cấp dưới lên cấp trên, đã gây trì trệ cho sự phát triển kinh tế- xã hội và đời sống chính trị của đất nước, gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng. Điển hình “cực đại” là vụ Tập đoàn Vinashin trước đây đã làm thất thoát, phá sản gần mười nghìn tỉ đồng. Các “yếu nhân” của Vinashin bây giờ đang ngồi “bóc lịch”! Thế mà, trước đó, ở Tập đoàn Vinashin thường xuyên báo cáo “thành tích”, rồi được báo chí ca ngợi …hết lời, nào là “Anh cả đỏ của nền kinh tế quốc gia”, một trong những “trụ cột” của kinh tế đất nước, nào là một tập đoàn kinh tế hùng mạnh, đáng tự hào ! Rồi, tiếp theo là Vinalines và v. v…
Ở nhiều địa phương, từ cấp phường xã, quận huyện, tỉnh, thành phố cho đến các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở trung ương, “bệnh thành tích” và tệ báo cáo không trung thực đã trở thành căn bệnh phổ biến, kinh niên, lây lan khó chữa. Nơi nào cũng tràn đầy các “thành tích”, “thành tích” và “thành tích”. Nơi nào cũng hùng hồn khẳng định: “Thành phố (hay quận, huyện, xã, đơn vị, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, ...) năm nay đã thu được nhiều thắng lợi to lớn hơn năm qua, đã tiến thêm một bước”; nhưng nhiều nơi do báo chí điều tra, phản ánh, mới lộ ra là những “thành tích giấy”, những doanh nghiệp, tổng công ty lãi giả, lỗ thật và liên tục xin cấp vốn, xóa nợ xấu, bù lỗ…!
Có một thực tế đang diễn ra: Nơi nào cũng Đảng bộ, chi bộ “trong sạch, vững mạnh”, với 100% đảng viên đạt danh hiệu “Đảng viên hoàn thành xuất sắc (hoặc hoàn thành tốt) nhiệm vụ”, “Đảng viên đủ tư cách”. Đâu đâu cũng thấy những cái biển sáng rực: “Khu Dân cư văn hóa”, tổ dân cư nào cũng 100% “Gia đình văn hóa”, “Gia đình kiểu mẫu”. Nhan nhản các “Con đường kiểu mẫu”, các bệnh viện “Không phong bì”; các trường học “điển hình tiên tiến”, đạt “chuẩn quốc gia”; v. v... và v. v.... Trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ, thì hầu hết đều báo cáo với Chính phủ là “Chưa phát hiện tham những”, “Không vi phạm quyền dân chủ của nhân dân”! Ấy thế mà các vụ tham những, các tệ nạn xã hội, các vụ đâm chém, cướp của giết người tàn bạo, lừa đảo, ăn nói thô tục, tình trạng bát nháo giao thông, nạn thực phẩm bẩn, ô nhiễm môi trường, yếu kém chất lượng trong các mặt công tác ... lại đang xuất hiện ngày càng nhiều. Phải chăng các bản báo cáo đã không trung thực, không dám nói thẳng vào sự tồn tại của các mặt trái, phải chờ cho đến lúc nói bùng phát đến mức không thể che dấu được nữa?
Những báo cáo không trung thực nguy hại thêm ở chỗ: Nó làm cho nhiều người dân, nhiều CBĐV ngộ nhận về hiện thực xã hội, tức là không nhận thức đúng đắn về sự thật, cho nên dễ sa vào lối sống ảo, thỏa mãn với những thành tích đã có và cả những “thành tích” ảo, hả hê ngủ ngon trên “vòng nguyệt quế ảo”, giảm sút ý chí phấn đấu vươn lên. “Bệnh thành tích” và những báo cáo không trung thực dễ bịt mắt những người lãnh đạo quan liêu, sống xa dân, dẫn đến sự mơ hồ khi đề ra các chủ trương và biện pháp chỉ đạo cấp dưới, tức là dẫn đến tình trạng làm nghèo nàn và lạc hậu đất nước, kìm hãm sự phát triển của quốc gia và hơn thế nữa- nó gây bất bình trong nhân dân và giảm lòng tin với Đảng.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét