Triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ
Hội nghị làm việc với Đoàn kiểm tra, khảo sát của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ năm 2022 (Ảnh: Trần Huấn) |
Ngày 30/5, tại Hà Nội, Ban Cán sự Đảng bộ Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị làm việc với Đoàn kiểm tra, khảo sát của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ năm 2022. Dự buổi làm việc có các đồng chí: Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Tạ Quang Đông, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy Bộ VHTTDL, Thứ trưởng Bộ VHTTDL.
Báo cáo tại Hội nghị cho biết, Bộ VHTTDL đã triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận của ngành và của toàn xã hội. Bộ VHTTDL luôn nhận thức sâu sắc phát triển văn hóa là nội dung trọng tâm, xuyên suốt, vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là nhiệm vụ cơ bản và lâu dài. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, Ban Cán sự Đảng đã không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, kết luận, văn bản của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; tham mưu, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, đề án, kế hoạch, chương trình. Chỉ đạo các cơ quan giúp việc thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, định kỳ kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại các tổ chức cơ sở Đảng và trong toàn Đảng bộ.
Tại Hội nghị, đại diện các cơ quan đơn vị thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương như Vụ Văn hóa – Văn nghệ, Vụ Báo chí – Xuất bản, Vụ Tổng hợp, Vụ Thông tin đối ngoại và Hợp tác quốc tế, Hội đồng lý luận phê bình VHNT Trung ương... ghi nhận việc triển khai các chỉ thị, nghị quyết, kết luận, hướng dẫn của Đảng trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ của Bộ VHTTDL đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tư tưởng, đạo đức và lối sống đã có những chuyển biến tích cực. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong cả nước ngày càng tiến bộ về chất lượng nghệ thuật, năng lực tổ chức, góp phần cho sự phát triển văn hóa – kinh tế - xã hội.
Công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa đạt được kết quả quan trọng, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng, ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ. Nhiều di tích trở thành sản phẩm văn hóa – du lịch hấp dẫn, thúc đẩy phát triển du lịch, tạo việc làm cho cộng đồng dân cư nơi có di sản. Công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở được tổ chức và thực hiện hiệu quả. Công tác phát triển văn hóa đọc đã có đóng góp tích cực trong việc hình thành môi trường, nâng cao kỹ năng học tập của người dân trong thời đại công nghệ số.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, gắn kết với việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, phát huy vai trò phong trào thi đua yêu nước rộng lớn, tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và cả nước. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của đồng bào các dân tộc thiểu số được bảo tồn, phát huy. Nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của gia đình và sự phối hợp liên ngành trong công tác gia đình giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền và xã hội đã có bước chuyển biến tích cực...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những vấn đề đang được xã hội quan tâm: Hiện tượng suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội; hệ giá trị của con người Việt Nam có nhiều biến đổi, trong đó có những hiện tượng theo chiều hướng tiêu cực; nhận thức xã hội về di sản văn hóa chưa thật sự đồng đều sâu sắc và toàn diện; nguồn lực đầu tư cho tu bổ, giữ gìn di sản văn hóa còn thấp; các đơn vị nghệ thuật, đặc biệt đối với nghệ thuật truyền thống, điện ảnh nhà nước gặp nhiều khó khăn từ cơ sở vật chất cho tới việc tổ chức, trong đó có việc sáp nhập các đơn vị nghệ thuật vào trung tâm văn hóa nghệ thuật ở nhiều địa hương đã nảy sinh nhiều bất cập, dẫn tới nhiều loại hình nghệ thuật đang phải đối diện với bài toán tồn tại hay không tồn tại, hoặc mất đi tính chuyên nghiệp.
Đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Trần Huấn) |
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho biết, Ban Cán sự Đảng Bộ VHTTDL sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp và tiếp tục tập trung vào những giải pháp để tháo gỡ những khó khăn của ngành. Chủ động, nghiêm túc, chú trọng công tác thể chế về văn hóa, gia đình, thể thao, du lịch để các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về văn hoá đi vào cuộc sống, trong đó tập trung triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030. Củng cố, đổi mới hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật ở Trung ương và địa phương nhằm nâng cao khả năng tập hợp, phát huy, giải phóng mạnh mẽ năng lực, tiềm năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Xây dựng, thực hiện chính sách hỗ trợ về vật chất, bảo trợ và đặt hàng các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Đề xuất cơ chế chính sách đẩy mạnh công tác xã hội hóa, đề xuất cơ chế đặc thù đối với các lĩnh vực hoạt động của ngành.
Kết luận Hội nghị, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm đánh giá cao những ý kiến trao đổi đầy tâm huyết và trách nhiệm của các đại biểu, là cơ sở để Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ VHTTDL phối hợp tốt hơn trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển văn hóa xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, được nhân dân quan tâm. Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Bộ VHTTDL tiếp tục chỉ đạo, định hướng quán triệt thực hiện Kết luận số 76-KL/TW, Nghị quyết số 23-NQ/TW, Chỉ thị số 06 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới và Kế hoạch số 2074/QĐ-TTg ngày 10/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, đặc biệt là Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng...
Đồng thời, đồng chí Trần Thanh Lâm đề nghị tăng cường phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ VHTTDL trong việc xây dựng và hoàn thiện Bộ tài liệu xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới; Tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước; Củng cố đổi mới hoạt động của các Hội VHNT ở trung ương và các địa phương nhằm nâng cao khả năng tập hợp, phát huy, giải phóng mạnh mẽ năng lực, tiềm năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật... "Bộ VHTTDL cần bám sát các nhiệm vụ triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh; tiếp tục triển khai học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với nhiều cách làm thiết thực, sáng tạo, nhất là việc cụ thể hoá những tấm gương qua các tác phẩm VHNT", Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét