Yêu nước, thương người là sự cao quý của tư tưởng và tâm hồn Việt Nam, là giá trị nhân cách của con người Việt Nam, đó là truyền thống dân tộc trải qua bao biến thiên của lịch sử vẫn tồn tại một cách bền bỉ và tỏa sáng rạng rỡ trên gương mặt tinh thần của cả dân tộc. Đó cũng là một truyền thống văn hóa, văn hóa chính trị gắn liền với văn hóa đạo đức của dân tộc Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân văn truyền thống của Việt Nam được sản sinh và nuôi dưỡng trong lịch sử dựng nước và giữ nước hằng nghìn năm cho tới ngày nay vừa anh hùng vừa bi tráng. Cốt cách Việt Nam định hình trong thử thách khắc nghiệt chống thiên tai và chống ngoại xâm, đoàn kết và cố kết cộng đồng, nương tựa vào nhau để tồn tại và phát triển, bởi sức mạnh của hợp tác và đồng thuận. Sức mạnh ấy chẳng những được quy định thành văn mà còn được tổng kết thành triết lý sống và thành phương châm ứng xử, chỉ dẫn hành động, sự khẳng định các giá trị. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam truyền thống có trong mối liên kết giữa Nhà với Làng với Nước, là liên kết cộng đồng, lấy sức mạnh ở tổng thể, trong đó từng cái riêng, đơn lẻ và cá thể được tập hợp và hòa đồng trong cái chung của cộng đồng rộng lớn, lấy tương đồng, cố kết cộng đồng để khắc phục những khác biệt và những xung đột.
Nhà là biểu hiện đầu tiên, là điểm xuất phát và cũng là chỗ trở về trong mục đích hòa đồng để phát triển của Nước.
Làng là sự mở rộng của Nhà và Nước là sự mở rộng và tập hợp của các làng mà thành. Trong tâm thức con người Việt Nam, làng là quê hương, là cái nôi thiêng liêng. Tổ quốc cũng vậy. Nước là đất nước, là nhà nước.
Giá trị và sức mạnh cộng đồng là một nét nổi bật, là một đặc tính truyền thống Việt Nam, trước hết là trong chống thiên tai và sau đó là chống giặc ngoại xâm.
Trong thời hiện đại, trong bối cảnh mở cửa, hội nhập, giá trị và sức mạnh ấy cũng phải phát huy và đồng thời cũng cần khắc phục những hạn chế của chính giá trị này, sao cho cố kết cộng đồng không bao giờ buông lỏng mà tự do cá nhân cũng không thể xem thường. Hài hòa giữa những “cái tôi” với “cái chung” trong phát triển đòi hỏi những tác động sâu xa của dân chủ và sự công phu trong giáo dục văn hóa lối sống, để vừa phát triển hợp lý, chính đáng những cá thể, vừa phát triển lành mạnh cộng đồng xã hội – những tập thể chân chính chứ không phải những cộng đồng trừu tượng, hư ảo, những biến tướng “giả tập thể” của những phường hội, cục bộ, chủ nghĩa địa phương, cát cứ và bè phái.
Đó chính là sự khắc phục những hạn chế có trong “tính lưỡng diện văn hóa” của tâm lý, lối sống truyền thống mà cơ sở kinh tế – xã hội đã sản sinh ra nó chính là nền kinh tế nông nghiệp của xã hội nông thôn với cộng đồng nhưng tiểu nông tư hữu, sản xuất nhỏ. Di tồn này vẫn còn trong xã hội Việt Nam ngày nay vốn chưa được cải tạo hết, từ xã hội truyền thống sang xã hội hiện đại chưa hoàn thành. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống bao hàm cả xây dựng và cải tạo, cả kế thừa và loại bỏ, đổi mới để phát triển.
Cuộc đấu tranh giữa cái mới tiên tiến với cái lạc hậu, bảo thủ là một cuộc đấu tranh phức tạp và lâu dài. Theo V.I. Lê-nin, thói quen là điều đáng sợ nhất. Yêu nước, thương người, chủ nghĩa nhân đạo và chủ nghĩa nhân văn truyền thống là những giá trị văn hóa, những triết lý văn hóa bền vững và đặc sắc nhưng cũng biến đổi khi hoàn cảnh, điều kiện lịch sử đã thay đổi. Nội dung yêu nước ở thời hiện đại, trong bối cảnh quốc tế hiện nay đã có thêm những biểu hiện mới, yêu cầu mới. Tình cảm thương người, vị tha, nhân ái cũng vậy, nó không chỉ thể hiện trong quan hệ giữa người và người trong cộng đồng, trong sự gắn bó, chia sẻ với số phận chung của dân tộc khi gặp hoạn nạn với những thử thách mất – còn, tự do và nô lệ. Ngày nay, trong kinh tế thị trường, trong phát triển để vượt qua cái nghèo vươn tới giàu có, khi cá nhân và lợi ích cá nhân được đề cao, thậm chí phát triển thái quá thành chủ nghĩa cá nhân cực đoan… thì những giá trị trong văn hóa truyền thống nêu trên không tránh khỏi những thách thức. Quan niệm mới và cách thức giải quyết mới, nếu không rõ ràng, không được hướng dẫn và giáo dục thì những lệch lạc về định hướng giá trị và chuẩn mực giá trị sẽ có thể xảy ra. Nó biểu hiện thành hành vi ứng xử ở những đối tượng nào đó, những nhóm xã hội nào đó, cả thế hệ và lứa tuổi, có thể như một sự suy đồi văn hóa, suy đồi đạo đức.
Vì vậy, việc xây dựng quan niệm mới về giá trị, đổi mới nhận thức về giá trị văn hóa truyền thống, chú trọng giáo dục văn hóa, đặc biệt là giáo dục giá trị để hướng dẫn dư luận và thực hành trong lối sống, trong đời sống văn hóa là một đòi hỏi bức xúc, cần thiết. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống hướng tới phát triển có ý nghĩa như là hiện đại hóa truyền thống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét