Con đường thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Theo Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam phải trải qua các giai
đoạn cách mạng gắn bó mật thiết với nhau: giai đoạn đấu tranh giành độc lập dân
tộc và giai đoạn xây dựng CNXH. Nhìn một cách tổng quát, có thể hiểu mô hình
phát triển xã hội Việt Nam theo quan điểm của Hồ Chí Minh là: Tổ quốc bị đô hộ
thì phải đấu tranh giải phóng dân tộc; không giành được độc lập dân tộc sẽ
không có gì hết; nhưng, nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng tự do, hạnh
phúc, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì. Như vậy, thực chất là giải quyết mối
quan hệ giữa Tổ quốc được giải phóng và nhân dân được tự do, hạnh phúc; giữa độc
lập dân tộc và CNXH.
Xuất phát từ một người dân thuộc địa, Hồ Chí Minh đã nhận rõ
mâu thuẫn đối kháng giữa thực dân đế quốc và dân tộc thuộc địa; còn ách nô lệ,
còn áp bức dân tộc thì không thể nói tới phát triển. Nói cách khác, giành cho
được độc lập là tiền đề, điều kiện tiên quyết cho sự phát triển dân tộc.
Có độc lập dân tộc rồi thì phải đi lên CNXH mới thực hiện được
mục tiêu phát triển, mới làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Nhưng, nhận thức thế nào về
triết lý phát triển Việt Nam khi bàn về CNXH?
Phát triển là một quá trình từ thấp đến cao, từ đơn giản đến
phức tạp và không bao giờ là một con đường thẳng tắp, bằng phẳng cho mọi dân tộc,
trong mọi thời đại. Lịch sử loài người là một quá trình lịch sử - tự nhiên, vì
vậy phát triển không bao giờ là sự phát triển theo ý muốn chủ quan duy ý chí của
con người, mà phát triển dựa trên năng lực nhận thức, tôn trọng và hành động
theo các quy luật khách quan của con người. Phát triển, bao giờ cũng phải xuất
phát từ thực tế. Phát triển từ thấp đến cao, từ ít đến nhiều, từ yếu đến mạnh,
nhưng không có nghĩa là chỉ theo một đường thẳng, ngược lại bao hàm trong đó một
số giai đoạn phát triển có cả đường cong, đường dích dắc; vừa liên tục, vừa đứt
đoạn; vừa tuần tự, vừa có bước nhảy vọt; vừa có tính phổ biến, vừa mang tính đặc
thù. Đó là một quá trình tích lũy và chuyển hóa không ngừng giữa lượng và chất,
thông qua sự đấu tranh giữa các mặt đối lập theo con đường phủ định của phủ định.
Trong quá trình phát triển xã hội, cần nhận thức đúng đắn,
phân biệt giữa phương tiện, những nấc thang và tiêu chuẩn của sự phát triển.
Không thể phủ nhận vai trò của lực lượng sản xuất. Bởi vì, “do có được những lực
lượng sản xuất mới, loài người thay đổi phương thức sản xuất của mình... Cái cối
xay quay bằng tay đưa lại xã hội có lãnh chúa, cái cối xay chạy bằng hơi nước
đưa lại xã hội có nhà tư bản đại công nghiệp”; “những thời đại kinh tế khác
nhau không phải ở chỗ chúng sản xuất ra cái gì, mà là ở chỗ chúng sản xuất bằng
cách nào, với những tư liệu lao động nào”. Sản xuất bằng cách nào là xét về mặt
lực lượng sản xuất, gắn rất chặt với toàn bộ sự phát triển xã hội. Nhưng, đó là
cơ sở khách quan, khoa học đánh giá sự phát triển của từng giai đoạn lịch sử.
Cũng như vậy, yếu tố con người - lực lượng sản xuất quan trọng nhất, năng suất
lao động đều liên quan đến sự phát triển xã hội, nhưng đó chưa phải là tiêu chuẩn
của sự phát triển. Phải chăng, khoa học công nghệ, quan hệ sản xuất, trình độ
quản lý, kể cả luật pháp, là tiêu chuẩn, mục đích của phát triển? Phải coi đó
là những nấc thang của sự phát triển và tiến đến mục đích của sự phát triển. Rốt
cuộc, chất lượng dân sinh, hạnh phúc mới là tiêu chuẩn của sự phát triển. C.Mác
viết: “Trong thời đại chúng ta, mọi sự vật đều tựa hồ như bao hàm mặt đối lập của
nó... những máy móc có sức mạnh kỳ diệu trong việc giảm bớt lao động của con
người và làm cho lao động của con người có kết quả hơn, thì lại đem nạn đói và
tình trạng kiệt quệ đến cho con người. Những nguồn của cải mới, ... dường như
do một sức mạnh thần kỳ nào đó, lại đang biến thành nguồn gốc của sự nghèo khổ.
Những thắng lợi của kỹ thuật dường như đã được mua bằng cái giá là sự suy đồi về
mặt tinh thần... Tất cả những phát minh của chúng ta và tất cả sự tiến bộ của
chúng ta tựa hồ như đang dẫn tới chỗ là những lực lượng vật chất thì được ban
cho một đời sống tinh thần, còn đời sống của con người vốn đã bị tước mất cái mặt
tinh thần rồi thì nay lại bị hạ thấp xuống trình độ những lực lượng vật chất
đơn thuần”. Như vậy, cơ sở vật chất, khoa học công nghệ, gắn với nó là năng suất
lao động là những nấc thang của sự phát triển. Sự phát triển của lực lượng sản
xuất xã hội, trước hết và quan trọng nhất phải đạt được “phát triển sự phong
phú của bản chất con người, coi như là một mục đích tự thân”.
Trên cơ sở kế thừa và phát triển sáng tạo những quan điểm của
các nhà kinh điển Mác - Lênin, Hồ Chí Minh quan niệm CNXH vừa là phương tiện, nấc
thang, vừa là mục tiêu của sự phát triển, trong đó điều quan trọng nhất: CNXH
là mục tiêu của toàn bộ tiến trình cách mạng. Hồ Chí Minh rất quan tâm tới khoa
học công nghệ, tăng trưởng kinh tế, sự giàu có, quản lý nhà nước, năng suất lao
động..., nhưng tất cả những điều đó chỉ là phương tiện và nấc thang cho chất lượng
dân sinh và hạnh phúc của con người - mục tiêu cao nhất của sự phát triển.
Cần nhìn nhận tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH như là mục tiêu
phát triển xã hội Việt Nam ở ba phương diện: phương diện vật chất - kinh tế;
phương diện chính trị; phương diện văn hóa - xã hội. Trên thực tế, đi tới CNXH
là một quá trình lâu dài, trải qua một một thời kỳ quá độ với nhiều bước trung
gian quá độ. Cách mạng XHCN chứa đựng nhiều cuộc cách mạng, phản ánh các mặt của
đời sống tư tưởng, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Vì vậy, quá trình xây dựng
CNXH ở Việt Nam cũng cần đạt được mục tiêu trong các lĩnh vực đó.
Trong lĩnh vực chính trị, đó là chế độ chính trị dân chủ,
nhân dân là chủ và làm chủ. Người khẳng định: Nước ta là nước dân chủ; bao
nhiêu lợi ích đều vì dân; bao nhiêu quyền hạn đều của dân; chính quyền từ xã đến
Chính phủ trung ương đều do dân cử ra; Nhà nước là của nhân dân, do nhân dân và
vì nhân dân; mọi công dân đều có quyền bầu cử và ứng cử vào các cơ quan nhà nước,
có quyền kiểm soát đối với đại biểu của mình; v.v.. Chế độ chính trị do nhân
dân làm chủ thì người dân phải có nghĩa vụ đối với Nhà nước. Người chủ thì phải
chăm lo việc nước như việc nhà, tự mình lo toan, gánh vác, không ỷ lại, không
ngồi chờ. Là người chủ, nên mọi người phải có nghĩa vụ lao động, nghĩa vụ bảo vệ
Tổ quốc; tôn trọng và chấp hành pháp luật; tôn trọng và bảo vệ của công; có
nghĩa vụ học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt; v.v..
Chế độ chính trị do nhân dân làm chủ vừa là mục tiêu của
CNXH, vừa là động lực của sự phát triển. Dân chủ và thực hành dân chủ thật sự,
rộng rãi là cái chìa khóa vạn năng thúc đẩy xã hội tiến bộ và phát triển. Hồ
Chí Minh cho rằng, để một xã hội phát triển nhanh, lành mạnh, bền vững phải có
sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Nhưng, nhân tố có ý nghĩa quyết định
là con người. Bởi vì, như Hồ Chí Minh đã chỉ ra, mọi việc đều do người làm ra;
mọi sự thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Vì vậy, để hiện thực
mô hình phát triển Việt Nam, Hồ Chí Minh hết sức chú trọng nhân tố con người,
nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đó chính là động lực
của sự phát triển.
Trong lĩnh vực kinh tế, chế độ chính trị XHCN phải dựa trên
nền kinh tế phát triển cao, với lực lượng sản xuất hiện đại, công nghiệp và
nông nghiệp hiện đại, khoa học và kỹ thuật tiên tiến... Trên cơ sở kinh tế XHCN
ngày càng phát triển, đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân ngày càng được
cải thiện và nâng cao. Cùng với phát triển lực lượng sản xuất, Hồ Chí Minh cũng
quan tâm đến chế độ sở hữu. Theo Người, trong thời kỳ quá độ tồn tại bốn hình
thức sở hữu chính: “- Sở hữu của Nhà nước tức là của toàn dân. - Sở hữu của
hợp tác xã tức là sở hữu tập thể của nhân dân lao động. - Sở hữu của người lao
động riêng lẻ. - Một ít tư liệu sản xuất thuộc sở hữu của nhà tư bản”.
Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội: Cách mạng tư tưởng - văn
hóa là một cuộc cách mạng trong cách mạng XHCN. Hồ Chí Minh chú trọng xây dựng
và phát triển nền văn hóa mới với đầy đủ các yếu tố về tri thức, tâm lý, luân
lý, lối sống... Nền văn hóa đó phải dựa trên nền tảng kinh tế, nhưng đồng thời
lại tác động tích cực trở lại kinh tế. Không những thế, tiếp cận theo quan điểm
phát triển, văn hóa có sứ mệnh to lớn, “soi đường cho quốc dân đi”. Theo Hồ Chí
Minh, văn hóa phải để lên hàng đầu để biến nước Việt Nam lạc hậu thành một nước
tiên tiến, văn minh. Ở đây, vai trò của văn hóa được đặt trong công tác đào tạo
nguồn nhân lực, mà hàng đầu là nhanh chóng đào tạo cán bộ cho tất cả các lĩnh vực
của đời sống xã hội. Bởi vì, muốn xây dựng CNXH, trước hết phải có con người
XHCN; muốn có con người XHCN phải có tư tưởng XHCN. Người chỉ rõ, văn hóa phải
làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà
quên lợi ích riêng mình. Văn hóa phải làm cho mỗi người và mọi người hiểu nhiệm
vụ của mình và biết hưởng hạnh phúc của mình cùng với hạnh phúc chung của dân tộc.
Văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở.
Cùng với văn hóa, các chính sách xã hội cũng được Hồ Chí
Minh đặc biệt chú trọng. Người quan tâm tới việc chăm lo hạnh phúc của đồng bào
nói chung, trong đó đặc biệt lo toan cho người nghèo, “làm cho người nghèo thì đủ
ăn và ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”; quan tâm đến sự bình đẳng
và tiến bộ của phụ nữ, đến thiếu niên nhi đồng, thương binh, các gia đình liệt
sĩ, gia đình và người có công với cách mạng, đồng bào các dân tộc ít người, đồng
bào tôn giáo.
Theo quan điểm Hồ Chí Minh, CNXH là giai đoạn phát triển cao
hơn chủ nghĩa tư bản về mặt giải phóng con người, trước hết khỏi sự bất công.
Vì vậy, Người rất quan tâm tới quyền con người, đạo đức, lối sống, tâm hồn,
nhân cách. Nền văn hóa trong xã hội XHCN phải lấy hạnh phúc của đồng bào, của
dân tộc làm cơ sở. Vì vậy, văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng,
phù hoa, xa xỉ; làm cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do.
Hồ Chí Minh quan tâm xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam có
tính chất dân tộc, khoa học, đại chúng, trong đó yếu tố hàng đầu là tính chất
dân tộc. Dân tộc phải có ý thức độc lập, tự cường và mỗi người phải biết hy
sinh mình làm lợi cho xã hội thì mới xứng đáng hưởng độc lập, tự do. Về mặt
chính trị, nền văn hóa Việt Nam đề cao dân quyền, về mặt xã hội là quan tâm tới
phúc lợi của nhân dân. Đó chính là nội dung mới của nền văn hóa và vì vậy nền
văn hóa đó đậm tính nhân văn, tính dân tộc.
Cốt lõi và hạt nhân của văn hóa là con người. Con người là
chủ thể, là sản phẩm của văn hóa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát
triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến sự nghiệp “trồng
người”. Bản chất của mô hình xã hội mới là phải xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp
giữa con người với con người. Đó phải là những con người có lòng yêu nước, có đạo
đức, trí tuệ, bản lĩnh, tinh thần và năng lực làm chủ, có kiến thức khoa học kỹ
thuật, nhạy bén với cái mới, có tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, có tinh
thần trách nhiệm vì nước, vì dân, hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ
nhân dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét