Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2022

Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - mô hình tổng quát phát triển Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh

 Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - mô hình tổng quát phát triển Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Có thể khái quát nội dung cơ bản nhất của mô hình phát triển Việt Nam do Hồ Chí Minh khởi xướng là độc lập dân tộc và CNXH. Nghiên cứu toàn bộ di sản của Người có thể thấy: con đường cách mạng của Hồ Chí Minh là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Người nói rõ: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Khi nói chuyên với các nhà báo, Hồ Chí Minh chia sẻ: cả đời Người “chỉ có một “đề tài” là: chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.

Theo Hồ Chí Minh, trước hết phải làm cách mạng giải phóng dân tộc, giành được độc lập, tiếp đó là xây dựng CNXH; nước có độc lập thì dân phải được hưởng tự do, hạnh phúc, vì tự do, hạnh phúc là thước đo giá trị của độc lập dân tộc. Muốn có tự do, hạnh phúc thì độc lập dân tộc phải gắn liền với CNXH. Người nhấn mạnh: chỉ có trong chế độ XHCN thì mỗi người mới có điều kiện để cải thiện đời sống riêng của mình, phát huy tính cách riêng và sở trường riêng của mình, chăm lo cho con người và con người có điều kiện phát triển toàn diện. Khi Hồ Chí Minh xác định giành độc lập theo con đường cách mạng vô sản tức là đã khẳng định độc lập dân tộc đi tới CNXH.

Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, CNXH không phải là mong muốn chủ quan, không tưởng, mà là sự vận động lịch sử tất yếu, hiện thực, xuất phát từ thực tiễn khách quan, từ đặc điểm Việt Nam và xu thế của thời đại.

Theo Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là con đường duy nhất đúng của cách mạng Việt Nam để đạt được mục tiêu độc lập, tự do, hạnh phúc. Đó cũng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tư tưởng Hồ Chí Minh, xuyên suốt đường lối và thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Người cho rằng, CNXH là chế độ xã hội làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, ai cũng có việc làm, được tự do, ấm no và hạnh phúc; giải phóng nhân dân lao động khỏi nghèo nàn, lạc hậu, xóa bỏ chế độ người bóc lột người, xây dựng một xã hội bình đẳng, nghĩa là ai cũng phải lao động và có quyền lao động, ai làm nhiều thì hưởng nhiều, ai làm ít thì hưởng ít, ai không làm không hưởng.

Tự do, hạnh phúc - theo quan điểm Hồ Chí Minh - là người dân được hưởng đầy đủ đời sống vật chất và tinh thần do chủ CNXH đem lại. Đời sống vật chất là, trên cơ sở một nền kinh tế phát triển dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Người dân từ chỗ có ăn, có mặc, có chỗ ở đến chỗ ăn ngon, mặc đẹp, đời sống sung túc; người đủ ăn thì vươn lên khá giàu; người khá giàu thì giàu thêm. CNXH là cùng với việc không ngừng nâng cao đời sống vật chất, phải không ngừng nâng cao đời sống tinh thần. Trong điều kiện nước ta, nhiều khi đời sống tinh thần, văn hóa phải đi trước. Trả lời câu hỏi của phóng viên báo L’Humanité về nhân tố nào biến nước Việt Nam lạc hậu thành một nước tiên tiến, Hồ Chí Minh trả lời: “Có lẽ cần phải để lên hàng đầu những cố gắng của chúng tôi nhằm phát triển văn hóa. Chủ nghĩa thực dân đã kìm hãm nhân dân chúng tôi trong vòng ngu muội để chúng dễ áp bức. Nền văn hóa nảy nở hiện thời là điều kiện cho nhân dân chúng tôi tiến bộ”. Từ rất sớm, ngay khi còn phải tập trung vào nhiệm vụ hàng đầu là giành độc lập dân tộc, Hồ Chí Minh đã nhìn thấu ý nghĩa và sức mạnh của văn hóa, của đời sống tinh thần. Người cho rằng, con người cần có đời sống văn hóa tinh thần, vì đó là lẽ sinh tồn và mục đích cuộc sống.

Trong đời sống tinh thần, yếu tố quan trọng hàng đầu là phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Bởi vì, CNXH là do quần chúng nhân dân tự xây dựng lấy, là công trình tập thể của quần chúng lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng, Trong điều kiện đó, chỉ có phát huy quyền làm chủ của nhân dân mới có sáng kiến và động lực. Hồ Chí Minh khẳng định “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Trong bộ máy cách mạng, từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ tịch một nước đều là phân công làm đầy tớ cho dân”. Đảng cầm quyền, Nhà nước quản lý, nhưng nhân dân là chủ và để nhân dân làm chủ. Theo Hồ Chí Minh, dân chủ là giá trị lớn nhất mà cách mạng do Đảng lãnh đạo đem lại cho người dân. Vì vậy, dân chủ trong chế độ dân chủ nhân dân đến chế độ XHCN vừa là động lực, vừa là mục tiêu của cách mạng.

Xã hội XHCN là giai đoạn phát triển cao hơn chủ nghĩa tư bản về mặt giải phóng con người khỏi mọi áp bức, bóc lột, đem lại cho con người tự do, hạnh phúc thật sự. Vì vậy, Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò của tư tưởng, văn hóa, đạo đức, lối sống. Văn hóa nói chung, văn hóa trong CNXH nói riêng, không dừng lại ở trình độ học vấn, ở bề nổi, mà đó là “chất người”, “trình độ người” trong các mối quan hệ giữa con người với con người, con người với xã hội, con người với thiên nhiên. Văn hóa là lối sống, là quyền con người, là cái chân, thiện, mỹ giữa người với người. Thống nhất với cách tiếp cận của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh rất chú trọng phát triển sản xuất, chú trọng kinh tế, coi đó là nhân tố quyết định thắng lợi của CNXH. Nhưng, điều đặc biệt trong tư tưởng của Người là chú trọng tiếp cận chủ CNXH về phương diện đạo đức. Con người có hạnh phúc trong chế độ XHCN phải là những con người được giáo dục và có đạo đức. Chế độ XHCN mang lại hạnh phúc cho con người phải là chế độ xa lạ với chủ nghĩa cá nhân, với những gì phản văn hóa và đạo đức. Hồ Chí Minh chỉ rõ, chủ nghĩa cá nhân là trái với đạo đức cách mạng, là trở lực trên con đường xây dựng CNXH. Vì vậy, thắng lợi của CNXH không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét