Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2022

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng hệ thống chính trị theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng

 Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng hệ thống chính trị theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo công tác xây dựng Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể quần chúng với tư cách là ba thành tố trụ cột của hệ thống chính trị nước ta. 

Trước hết, Hồ Chí Minh khẳng định vai trò to lớn của Đảng: “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”; muốn cách mạng thắng lợi, Đảng phải giác ngộ, tổ chức và giáo dục nhân dân thành một đội quân thống nhất ý chí và hành động, phấn đấu cho sự nghiệp của Đảng, của dân tộc. Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, sau khi cách mạng thắng lợi, Đảng trở thành Đảng cầm quyền “quần chúng vẫn cần có Đảng lãnh đạo” để xây dựng xã hội mới, đồng thời xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là vấn đề hàng đầu, có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng thật sự vững mạnh phải thường xuyên chú ý xây dựng Đảng về tư tưởng lý luận, chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ.

Thứ hai, Hồ Chí Minh khẳng định vị trí quan trọng của việc xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân; nhà nước hoạt động theo nguyên tắc phục vụ nhân dân một cách vô tư, các cơ quan của Chính phủ là đầy tớ của nhân dân. Theo quan điểm của Hồ Chí Minh: “Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ”. Nhà nước của dân và do dân lập nên, vì vậy phải làm cho dân hiểu biết về địa vị của mình để nhân dân đề cao trách nhiệm làm chủ trong xây dựng Nhà nước. Nhà nước vì dân là nhà nước mà mọi hoạt động đều vì lợi ích chính đáng của nhân dân, là nhà nước mà việc gì lợi cho dân, phải hết sức làm; việc gì hại cho dân, phải hết sức tránh. Mọi chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đều hướng tới làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, làm cho dân được học hành.

Để có Nhà nước trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phải xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ đức và tài, vì muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém; phải phòng, chống những khuyết điểm trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước, đặc biệt là nạn đặc quyền, đặc lợi và bệnh “quan cách mạng”; phải tăng cường giáo dục phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ, công chức.

Thứ ba, Hồ Chí Minh yêu cầu xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất vững chắc, rất rộng rãi và thiết thực; chính sách Mặt trận phải phù hợp với nguyện vọng thiết tha của toàn thể đồng bào. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đại đoàn kết dân tộc là quan điểm xuyên suốt, là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, nhất quán, quyết định thành công tiến trình cách mạng và xây dựng xã hội mới vì hạnh phúc của nhân dân. Để Mặt trận có thể đoàn kết rộng rãi và thiết thực phải tin tưởng, tôn trọng nhân dân, phải yêu dân, tin dân, dựa vào dân.

Vận dụng những quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng hệ thống chính trị, bài viết đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, trong xây dựng hệ thống chính trị phải đặc biệt coi trọng xây dựng mối quan hệ mật thiết với nhân dân 

Cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần quan điểm: “rời xa dân chúng là cô độc. Cô độc thì nhất định thất bại”; sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước là lấy tài dân, sức dân để làm những công việc có lợi cho dân. Hồ Chí Minh cho rằng: “Ta được lòng dân thì ta không sợ gì cả. Nếu không được lòng dân thì ta không thể làm tốt công tác” và “dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”. Do đó, việc xây dựng mối quan hệ mật thiết với nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh có ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với xây dựng hệ thống chính trị.

Đại hội XIII của Đảng yêu cầu: “Mọi hoạt động của hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải phục vụ lợi ích của nhân dân”(15). Để phục vụ tốt nhân dân, các thành viên của hệ thống chính trị phải liên hệ chặt chẽ với nhân dân. Đại hội XIII chủ trương đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan đảng, nhà nước và cả hệ thống chính trị; xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân; tăng cường phối hợp, thực hiện quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân; cụ thể hóa phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng(16). Theo đó, phương hướng là cần tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng; khắc phục triệt để bệnh quan liêu, mệnh lệnh cửa quyền trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. 

Mặt khác, để tăng cường mối quan hệ giữa hệ thống chính trị với nhân dân, phải bồi dưỡng nhận thức cho nhân dân về Đảng cầm quyền, về Nhà nước, về vai trò, vị trí, chức năng và nguyên tắc hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Theo quan điểm Hồ Chí Minh, Đảng phải giúp nhân dân nhận thức rõ quyền lợi và nghĩa vụ đối với đất nước, hiểu rõ đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chính sách của Mặt trận; phải định hướng nhân dân xác lập niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, đồng lòng thực hiện sự nghiệp của Đảng và xây dựng Nhà nước vững mạnh.

Đại hội XIII đúc kết bài học kinh nghiệm quý báu là: Trong mọi công việc, Đảng và Nhà nước phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm "dân là gốc"; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng"; thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân; tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.

Hai là, trong xây dựng hệ thống chính trị phải đặc biệt chú trọng xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng vững mạnh thì mới lãnh đạo được Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng một cách hiệu quả. Xây dựng Đảng vững mạnh có ý nghĩa quyết định đối với xây dựng hệ thống chính trị. Sự vững mạnh của Đảng “là do mỗi một chi bộ mạnh. Chi bộ mạnh là do mỗi một đảng viên ra sức làm tròn nhiệm vụ”.

Tại Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định nhiệm vụ “xây dựng Đảng là then chốt” trong chiến lược phát triển tổng thể của đất nước. Đại hội XIII đề ra yêu cầu: Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị; tập trung xây dựng Đảng về đạo đức; tích cực đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; ngăn chặn tình trạng suy thoái "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu.

Là hạt nhân lãnh đạo của hệ thống chính trị, Đảng phải đổi mới phương thức lãnh đạo, trước hết là đổi mới phương thức lãnh đạo trong hệ thống tổ chức của Đảng; đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở; đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn xã hội thông qua tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ của Đảng, do đó phải đổi mới bộ máy của Đảng và đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ để đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Văn kiện Đại hội XIII khẳng định, “Với một đảng cách mạng chân chính, trong sạch, vững mạnh, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín lãnh đạo như Đảng ta, được nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ, chúng ta sẽ có một sức mạnh to lớn, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, không thế lực nào ngăn cản nổi dân tộc ta đi lên, lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước”.

Ba là, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước - thành tố trung tâm của hệ thống chính trị   

Nhà nước là thành tố trung tâm của hệ thống chính trị. Sự lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, thể hiện trực tiếp nhất bằng Nhà nước và thông qua Nhà nước. Vì vậy, xây dựng Nhà nước mạnh là sự phản ánh quan trọng nhất hiệu quả lãnh đạo của Đảng cầm quyền đối với hệ thống chính trị. 

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, việc thường xuyên phải làm là: “Kiện toàn tổ chức và lề lối làm việc; nâng cao tính tổ chức, tính kỷ luật và đạo đức cách mạng của toàn thể cán bộ” việc đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước phải gắn với đổi mới phương thức làm việc: “Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hay thất bại của chính sách đó là do nơi tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”.

Đại hội XIII của Đảng đề ra quan điểm chỉ đạo là “xây dựng Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân là những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”; định hướng của Đại hội XIII là xây dựng và hoàn thiện Nhà nước trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước; tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; tăng cường kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức.

Bốn là, tăng cường vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội

Trong hệ thống chính trị nước ta, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có vai trò hiện thực hóa đường lối, chủ trương của Đảng, xây dựng khối đại đoàn kết, đồng thuận xã hội; có chức năng giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.   

Đại hội XIII của Đảng chủ trương: tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động; nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; hướng mạnh hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội về cơ sở, địa bàn dân cư. Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội chú trọng thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, tích cực tham gia xây dựng Đảng.

Như vậy, để xây dựng hệ thống chính trị theo mục tiêu của Đại hội XIII cần quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét