Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sáng 14/6, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, dân chủ phải gắn với sinh kế, dân trí, dân sinh để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, đồng thời gắn với việc xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh.
Tiếp thu, giải trình một số ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại hội trường, Bộ trưởng Nội vụ nêu rõ, đây là một dự án luật khó, có đối tượng tác động rộng, đa dạng, nhiều chủ thể, mang tính đặc thù trong thể chế chính trị, pháp luật của Việt Nam.
Đồng thời, đây cũng là một dự án Luật hết sức quan trọng, có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc, được xây dựng nhằm góp phần thể chế hóa quan điểm của Đảng cũng như tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, là mục tiêu và động lực để phát triển xã hội, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.
Về nguyên tắc xây dựng dự thảo Luật, Bộ trưởng cho biết, dự thảo Luật đã thể chế hóa phương châm dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng; đặt việc thực hiện dân chủ cơ sở trong tổng thể cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội là trung tâm để nhân dân làm chủ; giải quyết được mối quan hệ giữa thực hành dân chủ với tăng cường pháp chế và bảo đảm kỷ cương xã hội.
Bộ trưởng khẳng định, dân chủ phải gắn với sinh kế, dân trí, dân sinh để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, đồng thời gắn với việc xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh và bảo đảm được sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét