Tri thức là chìa khóa mở ra nhiều cánh cửa quan trọng trong cuộc đời. Vậy nên, các bậc cha mẹ luôn mong muốn lựa chọn được môi trường giáo dục tốt nhất cho con mình.
Trong xu thế phát triển của xã hội hiện nay, cha mẹ ngày càng quan tâm và định hướng tương lai cho con cái sớm hơn. Việc xác định cho các con học trường gì, sau thi đại học nào và làm nghề gì được các bậc cha mẹ tính toán rất cẩn thận, rất sớm, có khi ngay từ lúc các em bước vào ngưỡng cửa phổ thông trung học (cấp 3).
Suốt một thời gian dài, tâm lý ăn sâu vào suy nghĩ của các bậc cha mẹ là con cái cần phải vào trường điểm, lớp chọn hoặc trường công lập, thì sau này cơ hội thi đỗ các trường đại học tốt mới rộng mở, tương lai mới tươi sáng. Chưa kể áp lực tâm lý đè nặng các gia đình rằng “con cái không thi vào đâu được thì mới vào trường tư thục, trường dạy nghề, học tốn kém mà chất lượng lại không đảm bảo”…
Chính vì vậy, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hằng năm luôn là cuộc đua nóng bỏng. Học sinh quay cuồng với ôn tập thi cử, phụ huynh căng thẳng lo âu. Áp lực của kỳ thi vào lớp 10 công lập luôn là những ký ức khó quên của những gia đình từng cùng con vượt vũ môn. Sức nóng của kỳ thi lớp 10 đặt biệt rõ nét tại các thành phố lớn, những nơi có “tỷ lệ chọi” thậm chí còn cao hơn cả thi đại học. Như tại Hà Nội, trong năm học 2021-2022, có tổng cộng khoảng 106.000 thí sinh đăng ký dự thi lớp 10 công lập, song chỉ tiêu chỉ khoảng 77.000.
Tuy nhiên, quan điểm này có lẽ đã không còn phù hợp với xu thế hiện nay. Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam hiện có một nền kinh tế năng động, đa lĩnh vực, với rất rất nhiều ngành nghề mới phát triển “nóng” và thiếu hụt lực lượng lao động. Nếu không đỗ lớp 10 công lập, các em học sinh vẫn còn rất nhiều cơ hội ở các con đường khác để hướng tới thành công. Thực tế hiện nay, ngoài công lập có rất nhiều trường có kết quả học tập tốt, môi trường lý tưởng đáng mơ ước, tính cạnh tranh cũng rất cao. Những năm gần đây, giáo dục nghề nghiệp cũng được nhiều học sinh lựa chọn, thay vì tiếp tục học lên cấp 3.
Nhiều quốc gia phát triển trên thế giới như Đức hay Nhật Bản từ lâu đã đẩy mạnh công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ bậc trung học cơ sở. Nếu được định hướng đúng đắn ngay từ lớp 9, các em sẽ có bước chạy đà chắc chắn hơn cho tương lai của mình, lựa chọn đúng đắn hơn về nghề nghiệp. Sau khi khi tốt nghiệp trung học cơ sở, các em sẽ lựa chọn được cho mình môi trường phù hợp với khả năng, ước mơ, đáp ứng được yêu cầu phát triển toàn diện để từ đó chủ động xây dựng lộ trình phát triển bản thân trong tương lai. Tại Mỹ, học sinh được hướng nghiệp và tạo điều kiện bộc lộ năng lực bản thân từ đầu cấp 2. Các em được khuyến khích chọn các ngành nghề yêu thích, phù hợp với bản thân và khả năng tài chính của gia đình, chứ thi vào đại học không phải là con đường duy nhất.
Chúng ta cũng cần thay đổi quan niệm của xã hội về nghề nghiệp, theo hướng không có nghề nào tốt, nghề nào xấu, cũng như không cứ phải học phổ thông là tốt hơn học nghề, trường công là giỏi hơn trường tư thục. Khi quan niệm thay đổi, thì việc học sinh lựa chọn đi học trường nghề, lựa chọn thi vào trường THPT dân lập thay vì cố thi vào công lập, sẽ trở thành điều bình thường. Và quan trọng hơn cả, các bậc phụ huynh xin đừng thay con chọn nghề theo xu hướng xã hội, theo ý thích của ba mẹ, vì danh lợi hay uy tín của gia đình. Việc định hướng sớm sẽ giúp học sinh tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí, sớm thạo nghề, sớm có thu nhập để lo cho bản thân, gia đình và đầu tư cho tương lai. Đó cũng là một hướng đi tốt.
Đối với học sinh lớp 9, dù có không đỗ lớp 10 công lập, cũng đâu có sao. Con đường học tập, con đường hướng tới thành công vẫn rất rộng mở. Gia đình và xã hội nên sát cánh cùng các em, giúp các em nhanh chóng vượt qua những cảm xúc thất vọng, tự ti. Thay vì tuyệt vọng về điểm thi không như ý, các em hãy nỗ lực hết mình, sẵn sàng chuẩn bị cả về tinh thần, sức khỏe và kiến thức cho chặng đường phía trước, dù học ở môi trường nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét