Tự nguyện đi theo con đường cách mạng, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta luôn sẵn sàng hy sinh vì mục tiêu, lý tưởng đã chọn. Đúng như Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương đã chỉ ra một trong những nét đặc trưng nổi bật của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ là “chấp nhận hy sinh, vượt qua khó khăn, gian khổ, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ”.
1. Trong muôn vàn sự lựa chọn, có lẽ chọn sự hy sinh là cao cả và thiêng liêng nhất. Bởi hy sinh là chấp nhận khó khăn, gian khổ, thiệt thòi, thậm chí mất mát. Nhưng không có sự hy sinh nào là vô nghĩa, nhất là hy sinh cho mục tiêu, lý tưởng cách mạng; hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì đồng đội, gia đình. Với quân nhân, lời thề danh dự thiêng liêng, cao quý đầu tiên chính là “Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam!”. Thế nên những người lính khi đã cất bước “ra đi đầu không ngoảnh lại”, nguyện một lòng một dạ “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, “vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”. Có những câu chuyện, những tấm gương hy sinh sẽ mãi được lịch sử ghi lại, các thế hệ đời đời nhớ ơn.
Mỗi khi nói đến sự hy sinh thì câu chuyện về những đồng đội ở đơn vị tôi vẫn luôn nhắc nhớ về bài học tri ân. Tôi vẫn nhớ như in một ngày giữa tháng 6-2016, trời chang chang nắng. Cái nắng lửa như thiêu đốt ruột gan thêm cồn cào, nhức nhối. Tôi cùng rất nhiều đồng đội dõi mắt lên bầu trời và đợi chờ. Thời gian như ngưng đọng, những gương mặt đăm chiêu mong ngóng người trở về. Nhưng không, máy bay Casa số hiệu 8983 thực hiện nhiệm vụ bay cứu hộ-cứu nạn đã nằm lại giữa biển khơi. Cả 9 người con ưu tú của Lữ đoàn 918 (Quân chủng Phòng không-Không quân) đã ra đi mãi mãi. Biển biếc quê hương đã ôm trọn các anh vào lòng. 9 con người ra đi để lại phía sau là hậu phương, gia đình. Có vợ liệt sĩ đang mang bầu, có con liệt sĩ mới chập chững biết đi, có bố mẹ liệt sĩ mái đầu bạc trắng nhớ thương. Sự hy sinh, mất mát là rất lớn, để lại niềm tiếc thương cho đồng chí, đồng bào cả nước. Những cánh chim quả cảm đã hóa thân vào bầu trời Tổ quốc. Chuyến bay dở dang, ước nguyện chưa thành. Thế nhưng sự hy sinh của các anh đã truyền lửa tinh thần, tiếp thêm sức mạnh để đồng đội tiếp tục cất cao cánh bay giữ trời Tổ quốc.
Có thể thấy giá trị nhân cách Bộ đội Cụ Hồ được hun đúc bởi nhiều yếu tố, trong đó đức hy sinh có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Ấy là hành động nhận gian khó về mình để người khác được hưởng niềm vui, sẵn sàng hy sinh bản thân để người khác được hưởng bình yên, hạnh phúc. Trong xã hội, nếu “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?”. Trả lời câu hỏi ấy, bộ đội sẽ không hề do dự. Họ sẵn sàng xung phong dấn thân vào nơi gian khổ, hiểm nguy với tinh thần “Vui gì hơn làm người lính đi đầu” (Tố Hữu). Người lính nhận về mình sự thiệt thòi để mang lại những điều tốt đẹp cho xã hội. Tinh thần đó, lý tưởng đó, hành động đó thật đáng trân trọng biết bao!
Sự hy sinh của bộ đội đã tạc vào lòng nhân dân hình ảnh vô cùng đẹp đẽ. Mới đây, đại dịch Covid-19 quét qua là lúc người lính xông pha diệt “giặc” nguy hiểm này. Một lần nữa, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ lại tỏa sáng, truyền thêm niềm tin cho cộng đồng xã hội. Nhân dân nhìn thấy bộ đội là thấy an lòng. Khi các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, bộ đội đến từng nhà trao quà an sinh, chữa bệnh, giúp tiêm vaccine, tuần tra, bám chốt, lo hậu sự cho người dân qua đời vì Covid-19... Chính trong thời điểm khó khăn, gian khổ đó lại càng tỏa sáng đức hy sinh cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ. Biết bao cán bộ, chiến sĩ phải gác lại việc riêng, ngày đêm dầm mình trong sương gió canh gác, chốt chặn, phòng, chống dịch. Có nhiều đồng chí vì nhiệm vụ mà người thân ra đi không thể về chịu tang, đành vái vọng từ xa. Những sự hy sinh thầm lặng đó đâu dễ gọi tên.
2. Giữa thời bình, niềm vui ngập tràn trên từng nẻo đường, góc phố. Bình yên hiện hữu trên mỗi gương mặt người. Hạnh phúc nhân lên trong từng mái ấm. Thế nhưng xin hãy nhớ rằng, nơi biên cương, hải đảo, ở những đồn biên phòng, kho quân khí, trạm radar, nhà giàn xa xôi vẫn có những người lính ngày đêm lặng thầm thực hiện nhiệm vụ. Họ công tác, sinh hoạt trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, địa bàn xa xôi, phức tạp, cơ sở vật chất khó khăn, thiếu thốn. Nhiều đồng chí đã gắn bó cả thanh xuân nơi miền biên viễn hay ngoài trùng khơi. Đâu chỉ khó khăn về điều kiện công tác, họ còn thiếu thốn tình cảm, hơi ấm gia đình. Những khi mọi người sum họp bên người thân, họ chỉ biết đứng lặng dõi về quê hương; những khi mọi người được vui chơi, ca hát, họ phải dầm mình trong màn sương gió lạnh; những khi mọi người quần áo tinh tươm dạo bước nơi phố phường thì họ lặng lẽ hành quân giữ chắc tay súng...
Đôi khi niềm ước mong của bộ đội rất giản dị, chỉ là một bữa cơm bên gia đình, một cái ôm thật chặt với con yêu. Ở chiều ngược lại, nơi hậu phương là sự khắc khoải đợi chờ, con mong cha, vợ ngóng chồng ngày về sum họp. Thế nên, không những người lính hy sinh mà gia đình, người thân của họ cũng phải chịu thiệt thòi. Nói đến hy sinh đâu chỉ là mất mát, ra đi, mà sự hy sinh còn biểu hiện sinh động từ những điều rất nhỏ. Ấy thế nhưng nếu không đủ mạnh mẽ, chúng ta cũng không dễ hy sinh những điều nhỏ như thế.
3. Thời nay, khi cuộc sống xã hội phát triển, sự so sánh giữa cống hiến và hưởng thụ, giữa được và mất, thiệt và hơn càng rõ nét hơn, không phải ai cũng dễ dàng nhận lấy phần khó khăn, gian khổ. Bộ đội cũng không nằm ngoài những tác động từ đời sống xã hội, những áp lực vô hình ảnh hưởng đến tâm tư, nguyện vọng của mỗi người. Phía sau niềm vinh dự, tự hào vẫn còn những nỗi niềm trăn trở của người lính khi phải hy sinh những lợi ích bản thân vì nhiệm vụ chung. Bởi vậy, bộ đội rất cần sự quan tâm và chia sẻ từ xã hội. Sự động viên thể hiện ở các chính sách hỗ trợ thiết thực đối với bộ đội, nhất là chế độ về đất ở, nhà ở, tiền lương, nghỉ phép, trợ cấp... để quân nhân và gia đình họ có cuộc sống vật chất, tinh thần ngày càng tốt hơn.
Trong cuộc sống hiện đại, mỗi quân nhân cũng ít nhiều chịu sự chi phối bởi các mối quan hệ. Hậu phương là một trong những nỗi lo của người lính khi xa nhà. Cha mẹ, vợ con bộ đội đang cần những sự quan tâm thiết thực như bao gia đình khác, nhưng vì điều kiện công tác xa nhà mà không phải lúc nào quân nhân cũng lo toan chu đáo, vẹn tròn. Thế nên, để bộ đội yên tâm công tác, để mỗi tổ ấm của người lính thực sự là bến neo đậu bình yên của họ, mong sao có sự chăm lo nhiều hơn nữa từ các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể quần chúng ở địa phương. Thật ý nghĩa biết bao khi gia đình quân nhân khó khăn được kịp thời giúp đỡ, tổ ấm quân nhân hạnh phúc được tôn vinh, con em bộ đội được khuyến khích, tạo điều kiện trong học tập, công tác. Mỗi hành động, việc làm ý nghĩa từ xã hội sẽ là động lực để cán bộ, chiến sĩ quân đội và gia đình họ có thêm niềm tin vượt mọi khó khăn, tiếp tục phấn đấu, cống hiến, hy sinh vì Tổ quốc và nhân dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét