Thứ Hai, 13 tháng 6, 2022

GIÁ TRỊ TO LỚN CỦA BIỂN ĐÔNG ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN CỦA ĐẤT NƯỚC

Việt Nam nằm trên bờ phía Tây của Biển Đông. Biển Đông gắn bó mật thiết với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Vùng biển nước ta có diện tích hơn 1.000.000km2, rộng gấp ba lần diện tích lãnh thổ đất liền. Nước ta có chủ quyền gần 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ; trong đó có 2 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa; có bờ biển dài khoảng 3.260km, đứng thứ 27 về chiều dài bờ biển trong tổng số 157 quốc gia và vùng lãnh thổ ven biển của thế giới.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều thuận lợi về điều kiện địa lý biển, tỷ lệ diện tích đất liền và chiều dài bờ biển là 100km2/1km (tỷ lệ đó trên thế giới khoảng 600km2/1km). Tài nguyên vùng biển và ven biển nước ta rất phong phú và đa dạng, phân bố rộng khắp ven biển, ven bờ, các hải đảo và các vùng biển khơi. Ven bờ, ven biển nước ta có khoảng 110 cửa sông (trung bình khoảng 30km bờ biển có một cửa sông), khoảng 49 cảng biển... Cả nước có 28 tỉnh, thành có biển; trong đó, có 11 huyện đảo và thành phố đảo Phú Quốc. Trên 50% số dân của nước ta sống ở các tỉnh ven biển. Đó là những điều kiện khách quan thuận lợi để chúng ta phát triển một cách đa dạng các ngành kinh tế biển, bao gồm kinh tế biển khơi, kinh tế ven biển và kinh tế hải đảo.

Để khai thác tiềm năng và lợi thế của biển, đáp ứng đòi hỏi khách quan của công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới, ngày 06/5/1993, Bộ Chính trị Ban Chấp thành Trung ương khóa VII đã ra Nghị quyết số 03-NQ/TW về một số nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong những năm trước mắt, trong đó xác định: “Trở thành một nước mạnh về biển là mục tiêu chiến lược xuất phát từ yêu cầu và điều kiện khách quan của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam”. Nghị quyết số 03-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nhanh chóng đi vào cuộc sống của đất nước, định hướng cho kinh tế biển và thúc đẩy kinh tế biển phát triển. Chỉ trong thời gian ngắn, kinh tế biển nước ta đã có sự phát triển đáng kể, đã chứng tỏ ưu thế so với các vùng kinh tế khác ở cả ba giá trị: Nhịp độ tăng trưởng, kim ngạch xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư của nước ngoài.

Ngày 22/9/1997, Bộ Chính trị Ban Chấp thành Trung ương khóa VIII ra Chỉ thị số 20-CT/TW về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trong đó đã chỉ rõ: “Vùng biển, hải đảo và ven biển là địa bàn chiến lược có vị trí quyết định đối với sự phát triển của đất nước ta; là tiềm năng và thế mạnh quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa”. Đại hội lần thứ IX của Đảng tiếp tục khẳng định: “phát triển tổng hợp kinh tế biển và ven biển, khai thác lợi thế của các khu vực cửa biển, hải cảng để tạo thành vùng phát triển cao, thúc đẩy các vùng khác. Xây dựng căn cứ hậu cần ở một số đảo để tiến ra biển khơi”[1]. Tại Đại hội lần thứ X của Đảng cũng chỉ ra, cần phải “xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; sớm đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển trong khu vực, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế”[2]. Kế thừa, phát triển các nghị quyết trên, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết số 36-NQ/TW khóa XII) đã xác định: Mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển... Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển.

Triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, kinh tế biển đang phát huy vai trò “đầu tàu” thúc đẩy các vùng kinh tế khác phát triển. Thu nhập của đất nước từ kinh tế biển càng ngày càng tăng, kinh tế biển đang góp phần ngày càng quan trọng hơn vào sự nghiệp xây dựng đất nước.

Trong thời gian tới, để kinh tế biển phát huy những thành quả đã đạt được và nhanh chóng vươn lên, bên cạnh việc khai thác có hiệu quả những nguồn lợi to lớn của biển, chúng ta cần phải khắc phục những hạn chế đã bộc lộ trong những năm qua về đầu tư cơ sở vật chất của các ngành kinh tế biển, năng lực khai thác tài nguyên biển; công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, cũng như việc hoạch định quy hoạch, kế hoạch và chính sách về biển; quản lý các hoạt động kinh tế biển...; cần có các giải pháp để đối phó có hiệu quả với môi trường tự nhiên rất khắc nghiệt và nhiều biến động ở vùng ven biển, ở trên biển... Vì vậy, Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục xác định: “Thực hiện tốt Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tài nguyên, môi trường biển; phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo”[3].

Biển Đông đã và đang cho chúng ta nhiều lợi ích để làm giàu cho Tổ quốc; đồng thời, cũng đang đòi hỏi chúng ta phải đầu tư lớn hơn nữa về tiền của, sức lực và trí tuệ của con người để Biển Đông có thể tiếp tục đóng góp ngày càng nhiều hơn vào sự nghiệp xây dựng thành công Chủ nghĩa xã hội, đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, có vị trí và tầm cao xứng đáng trong thời đại mới của loài người - thời đại biển.

PHAO

[1] Đảng Công sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, HN, 2001, tr. 182

[2] Đảng Công sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, HN, 2006, tr. 93

[3] Đảng Công sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQG, HN, 2021, tr. 125

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét