Thứ Hai, 13 tháng 6, 2022

NƯỚC MỸ VỚI NHỮNG TOAN TÍNH, LỢI ÍCH TẠI BIỂN ĐÔNG VÀ CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG

 

Mỹ là cường quốc biển hàng đầu của thế giới, nằm bên bờ của hai đại dương lớn là Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Mỹ đánh giá Biển Đông có vị trí quan trọng trong chiến lược an ninh Thái Bình Dương của họ; là con đường chiến lược của Mỹ từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương, là con đường thương mại chính của Mỹ với khu vực Châu Á; xung quanh Biển Đông có nhiều đồng minh chính trị mà Mỹ phải bảo vệ. Từ năm 1945, Mỹ đã kiên trì tạo ảnh hưởng ở khu vực Biển Đông. Tại diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) 7/2010, Mỹ tuyên bố về lợi ích lâu dài trong việc duy trì hòa bình và ổn định, bảo vệ quyền tự do hàng hải trên Biển Đông.

 Dưới thời Tổng thống Trump, để tiếp tục theo đuổi tham vọng bá chủ toàn cầu, thực hiện bao vây, kiềm chế Trung Quốc, chính quyền Mỹ triển khai chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” thay cho chiến lược “xoay trục về châu Á-Thái Bình Dương” từ thời Obama. Mỹ chỉ trích mạnh mẽ hành động tôn tạo, quân sự hoá các đảo... của Trung Quốc; đẩy mạnh củng cố quan hệ chính trị, quân sự, an ninh với các đồng minh (Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc…), với đối tác (Xinh-ga-po, In-đô--xi-a…); gia tăng sự hiện diện và hoạt động quân sự tại Biển Đông... Về pháp lý, Mỹ điều chỉnh quan điểm về Biển Đông theo hướng tán thành phán quyết của Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) năm 2016 (trong vụ kiện của Phi-líp-pin đối với Trung Quốc); 6/2020, Mỹ đã chính thức gửi Công hàm lên Liên hợp quốc, bác bỏ yêu sách của Trung Quốc vì không phù hợp với luật pháp quốc tế dựa trên Công ước về Luật Biển 1982...

Hiện nay, châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục được xác định là một khu vực trọng tâm trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. Chính sách của Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden đối với châu Á - Thái Bình Dương nói chung, Biển Đông nói riêng sẽ không thay đổi, cho dù phương pháp tiếp cận và biện pháp triển khai thực hiện có thể có sự điều chỉnh theo hướng tiếp cận cạnh tranh quyết liệt, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; coi trọng xây dựng mạng lưới đồng minh ở khu vực nhằm ngăn chặn Trung Quốc và bảo vệ lợi ích sống còn của Mỹ. Trên Biển Đông, Mỹ có thể tiếp tục gia tăng sự hiện diện lực lượnghoạt động tự do hàng hải (FONOP); đẩy mạnh hoạt động của “Bộ tứ” (Mỹ, Ấn Độ, Úc, Nhật Bản); hỗ trợ các thể chế quốc tế trừng phạt các thực thể Trung Quốc mà Mỹ cáo buộc thực hiện chính sách của Bắc Kinh tại Biển Đông; tiếp tục chuyển giao hoặc bán vũ khí và trang thiết bị quốc phòng cho các nước trong khu vực... Tuy nhiên, Mỹ cũng cần sự hợp tác với Trung Quốc để giải quyết các vấn đề toàn cầu trong khuôn khổ Liên hợp quốc. Vì vậy, Mỹ có thể sẽ kiềm chế các hành động để tránh phức tạp hóa mối quan hệ kinh tế với Bắc Kinh và tránh va chạm, đối đầu trực diện với Trung Quốc, nhất là đối đầu về quân sự.

PHAO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét