Thứ Hai, 13 tháng 6, 2022

ĐÔI NÉT VỀ UNCLOS 1982

Từ giữa Thế kỷ XX, cuộc đấu tranh vì chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển đã diễn ra hết sức quyết liệt, giữa một bên là số ít các cường quốc biển với một bên là các nước đang phát triển chiếm đa số. Qua hai hội nghị về luật biển (năm 1958 và 1960) do Liên hợp quốc triệu tập, các nước đang phát triển đã nhận ra âm mưu của các nước đế quốc muốn thu hẹp lãnh hải của các nước ven biển và lợi dụng ưu thế về khoa học công nghệ để chiếm trước những khu vực rộng lớn của đại dương nên đã đẩy mạnh hơn cuộc đấu tranh nhằm đạt tới sự phân chia, sử dụng biển và đại dương thế giới một cách công bằng.

Hội nghị quốc tế về luật biển lần thứ ba, sau 5 năm trù bị (1967-1972) và 9 năm thương lượng (1973-1982), ngày 10/12/1982, với 119 đoàn đại biểu quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã chính thức ký kết “Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982” và có hiệu lực kể từ ngày 16/11/1994 (sau đây gọi là “Công ước về Luật Biển 1982”). Sự ra đời Công ước về Luật Biển 1982 được đánh giá là kết quả của cuộc đấu tranh đòi thay đổi trật tự pháp lý cũ trên biển của các nước thuộc thế giới thứ ba. Công ước được coi là Hiến pháp đại dương, bảo đảm việc sử dụng, khai thác biển và đại dương một cách công bằng; đồng thời, bảo vệ được môi trường, giữ gìn nguồn tài nguyên biển cho sự phát triển bền vững của các thế hệ mai sau. Tuy nhiên, Công ước về Luật Biển 1982 không thể thỏa mãn đòi hỏi của mọi quốc gia do điều kiện địa lý biển và những yêu cầu khác nhau của từng quốc gia.

Công ước về Luật Biển 1982 đã tạo ra sự thay đổi lớn về địa - chính trị trên biển và đại dương thế giới, hầu hết các quốc gia ven biển phải vẽ lại bản đồ hành chính của mình, phải xác định lại biên giới quốc gia và ranh giới vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa. Nhiều nước phải điều chỉnh, bổ sung, thậm chí phải thay đổi hàng loạt chiến lược và chính sách (kinh tế, đối ngoại, quốc phòng, an ninh, khoa học, công nghệ, giáo dục...) cho phù hợp với sự thay đổi về địa lý biển. Đối với nhiều nước có tiềm lực kinh tế và khoa học công nghệ mạnh, chiến lược biển của họ là phải bảo đảm được hai lợi ích: lợi ích trên các vùng biển, thềm lục địa quốc gia và lợi ích trên đại dương của thế giới; nên đối với họ, một vùng đặc quyền về kinh tế rộng 200 hải lý và một thềm lục địa rộng 200 hoặc 350 hải lý là quá nhỏ hẹp. Trong cuộc tiến quân ra biển, các nước mạnh về kinh tế và khoa học công nghệ vẫn đang chiếm ưu thế. Công ước về Luật Biển 1982 có những điều khoản mà những nước này có thể tận dụng, như: Quyền tự do đánh cá, tự do nghiên cứu  khoa học ở biển cả; khai thác đáy đại dương...

Công ước về Luật Biển 1982 cũng quy định trình tự và thủ tục giải quyết các tranh chấp trên biển giữa các quốc gia bằng biện pháp hòa bình và thông qua cơ quan tài phán của Liên hợp quốc. Trong đó, bao gồm giải quyết các tranh chấp biển, đảo đã nảy sinh từ trước, cũng như các tranh chấp, bất đồng (kể cả tranh chấp những hòn đảo nhỏ bé, thậm chí cả những bãi đá chưa nhô lên khỏi mặt nước) giữa các nước khi vận dụng Công ước về Luật Biển 1982 để xác định ranh giới vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa quốc gia. Tuy vậy, các tranh chấp này phần lớn vẫn tồn tại đến ngày nay với tính chất ngày càng quyết liệt do trên thế giới vẫn đang tồn tại những thế lực muốn giải quyết tranh chấp bằng sức mạnh quân sự; vì họ cho rằng, đây là cơ hội cuối cùng để mở rộng biên giới ra phía biển. Ngoài ra, trên biển và đại dương thế giới đang ẩn chứa những kho vũ khí hạt nhân khổng lồ, tạo ra mối uy hiếp thường xuyên đối với sự tồn tại của loài người. Các nước lớn đang tiếp tục tăng cường đầu tư cho phát triển hải quân để thực hiện chiến lược đại dương của họ trong Thế kỷ XXI, đang sử dụng biển và đại dương như những con đường thuận lợi nhất để tiến hành các hoạt động xâm lược và can thiệp ở khắp nơi trên thế giới.

Công ước về Luật Biển 1982 được đánh giá là đã quan tâm bảo vệ quyền lợi của các nước yếu về biển. Song, để Công ước thực sự đi vào cuộc sống của nhân loại, Nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới còn phải trải qua cuộc đấu tranh lâu dài và quyết liệt, nhằm chống lại các thế lực xâm lược và bành trướng, bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia đã được luật pháp quốc tế thừa nhận
PHAO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét