Một trong những bài học kinh nghiệm mà Đại hội XIII của Đảng đã
khẳng định là: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt
sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy
quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân
bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung
tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Muốn vậy,
mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu,
nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, phải hiểu rõ
lòng dân và thắt chặt mối quan hệ với nhân dân, hết lòng tin cậy và dựa vào
nhân dân để xây dựng Đảng; tất cả mọi chính sách, mọi hoạt động của hệ thống
chính trị đều phấn đấu cho mục tiêu cao nhất là vì hạnh phúc, ấm no thật sự cho
nhân dân; chỉ có như vậy, mới giữ vững, củng cố và tăng cường lòng tin cậy của
nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Tư tưởng “dân là gốc” là tư tưởng tiến bộ của nhân loại, được
Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu trong tác phẩm “Đường cách mệnh” (năm 1927), là
sợi chỉ đỏ xuyên suốt và được vận dụng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ từng giai
đoạn lịch sử cụ thể. Đại hội XIII của Đảng khẳng định lại tư tưởng này và đặt
ra yêu cầu cho giai đoạn hiện nay của nước ta. Nhân dân được xác định là trung
tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có
nghĩa là nhân dân có quyền lợi và nghĩa vụ cao nhất trong sự nghiệp to lớn,
vinh quang này và điều đó cũng chính là thực hiện quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí
Minh: Mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân. Sự ra đời và mọi hoạt động của hệ
thống chính trị nước ta (bao gồm Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và
các tổ chức chính trị - xã hội), xét về bản chất, đều là thực hiện sự ủy quyền
của nhân dân. Nhân dân ủy quyền cho hệ thống chính trị, nhưng giữ lại quyền
giám sát và phản biện xã hội để kiểm soát việc thực hiện sự ủy quyền đó. Việc
thực hiện quyền làm chủ của nhân dân là một quá trình tất yếu và phụ thuộc vào
điều kiện chủ quan và khách quan ở từng lúc, từng nơi, từng con người cụ thể.
Giám sát và phản biện xã hội là một con đường để thực hiện dân
chủ, một công cụ có hiệu quả để thực hiện vai trò làm chủ của nhân dân, thể
hiện quan điểm “dân là gốc”. Nó tồn tại một cách khách quan trong phát triển xã
hội và có tác dụng, hiệu quả góp phần thúc đẩy quá trình dân chủ.
Từ khi trở thành chính đảng tiên phong lãnh đạo cách mạng nước
ta, nhất là từ khi trở thành đảng cầm quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhất
quán quan điểm coi dân chủ là bản chất của chế độ và quán triệt quan điểm đó
trong đường lối, chủ trương và trong hoạt động lãnh đạo đất nước của mình. Sự
ra đời của đường lối đổi mới và thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công
cuộc đổi mới là sản phẩm của quá trình thực hiện dân chủ; trong đó, hàm chứa
quá trình không ngừng giám sát và phản biện của các lực lượng xã hội. Mặc dù
trong các nghị quyết của Đảng khi bắt đầu quá trình đổi mới chưa dùng khái niệm
“giám sát, phản biện xã hội”, cũng như chưa thực hiện đầy đủ việc giám sát,
phản biện xã hội theo đúng nghĩa hiện nay, nhưng những yếu tố của hoạt động
giám sát, phản biện xã hội đã được thực hiện trên thực tế, mang lại hiệu quả và
tác động tích cực, góp phần đưa công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc không
ngừng vượt qua những khó khăn, thách thức, khắc phục dần những hạn chế, khuyết
điểm để đi đến thành tựu của ngày hôm nay.
Đại hội X của Đảng lần đầu tiên chính thức đặt vấn đề giám sát
của quần chúng nhân dân đối với hoạt động của Đảng, Nhà nước và cán bộ, đảng
viên để thực hiện dân chủ, và coi đó là nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
và các tổ chức chính trị - xã hội. Nhà nước cần tạo cơ chế để thực hiện tốt
nhiệm vụ đó. Kế thừa kinh nghiệm của quá khứ, thực hiện chủ trương của Đại hội
X của Đảng và các văn bản quy định của Đảng, Nhà nước, các lực lượng xã hội
tiếp tục thực hiện giám sát, phản biện xã hội với những bước phát triển mới. Ở
nước ta hiện nay, có các lực lượng xã hội đông đảo tham gia hoạt động giám sát,
phản biện xã hội dưới các hình thức đối với chủ trương, đường lối của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước; các chương trình, kế hoạch, chiến lược phát
triển, quy hoạch, dự án... của các ngành, các địa phương, kể cả công tác tổ
chức cán bộ. Những lực lượng đó là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp,
các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp,
các hiệp hội doanh nghiệp, truyền thông, báo chí, tổ chức, cá nhân độc lập và
các chủ thể chính thức, phi chính thức, trong đó cần nhấn mạnh là Hội đồng Lý
luận Trung ương và Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ... Đó là một lực lượng đa
dạng, thể hiện tính quần chúng, tính xã hội rộng rãi của hoạt động giám sát,
phản biện xã hội.
Hiến pháp và luật pháp của Nhà nước ta công nhận quyền và nghĩa
vụ công dân, bảo đảm quyền tự do, bình đẳng, đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thực
hiện giám sát, phản biện xã hội của công dân. Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 đã
quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích
hợp pháp, chính đáng của nhân dân và tạo địa vị pháp lý, trách nhiệm và quyền
hạn giám sát, phản biện xã hội cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ngày 12-12-2013,
Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW, “Ban hành Quy chế giám sát và
phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã
hội”; và Quyết định số 218-QĐ/TW, “Ban hành Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng
Đảng, xây dựng chính quyền”. Những văn bản quan trọng đó đã thể hiện quyết tâm
chính trị của Đảng và Nhà nước, với quan điểm và định hướng đúng đắn cho hoạt
động giám sát, phản biện xã hội, nhằm khơi dậy và thúc đẩy động lực dân chủ từ
trong nhân dân, để từng bước hình thành môi trường thuận lợi cho hoạt động giám
sát, phản biện xã hội.
Thực tiễn cho thấy, hoạt động giám sát, phản biện xã hội nhằm
đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân trong thời
gian qua đã có hiệu quả tích cực, cụ thể là:
- Góp phần nâng cao chất lượng các chủ trương, đường lối của
Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đại hội VIII của Đảng đã khẳng định:
Chính những ý kiến, nguyện vọng và sáng kiến của nhân dân là nguồn gốc hình
thành đường lối đổi mới của Đảng.
- Tăng cường trách nhiệm của Đảng, Nhà nước; gắn bó hơn nữa quan
hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; giúp Đảng, Nhà nước hiểu rõ hơn tâm tư,
nguyện vọng của nhân dân.
- Tăng cường tính năng động, nhạy bén, nâng cao hơn nữa tinh
thần trách nhiệm đối với nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
- Góp phần kiểm soát các xung đột ngôn luận, không để chuyển các
xung đột này trở thành xung đột xã hội, giữ vững ổn định chính trị.
Trên con đường phát huy dân chủ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp,
chính đáng của người dân, các yếu tố của giám sát, phản biện xã hội đã từng
bước hình thành. Tuy mới chỉ là bước đầu, nhưng kết quả này đã nhanh chóng được
đông đảo nhân dân hưởng ứng và có tác động nhất định trong việc tạo dựng nền
dân chủ xã hội chủ nghĩa phù hợp với nước ta, góp phần tích cực vào thành công
của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, củng cố lòng tin của nhân dân với
Đảng, Nhà nước, với chế độ chính trị. Có thể nói rằng, quá trình đổi mới, xét
về thực chất, là quá trình không ngừng dân chủ hóa các mặt của đời sống xã hội,
bắt đầu từ lĩnh vực kinh tế cho đến mọi lĩnh vực khác, trong đó có sự đóng góp
tích cực bởi hiệu quả của hoạt động giám sát, phản biện xã hội.
Tuy nhiên, hiệu quả của giám sát, phản biện xã hội trong việc
bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân vẫn còn nhiều hạn
chế, cụ thể là:
- Phạm vi hoạt động giám sát, phản biện còn hạn hẹp, nhiều nội
dung liên quan đến các vấn đề “quốc kế dân sinh”, đến quyền và lợi ích hợp
pháp, chính đáng của người dân vẫn chưa được giám sát, phản biện, bảo vệ. Việc
giám sát mới chỉ tiến hành với cá nhân, chưa được tiến hành với đơn vị, tổ
chức.
- Không ít hoạt động giám sát, phản biện xã hội còn chưa đáp ứng
yêu cầu về chất lượng, còn mang tính hình thức, phần nhiều mới dừng ở sự góp ý
một chiều, mang tính phản ánh tình hình, mà chưa đi sâu làm rõ bản chất của sự
việc, hiện tượng theo đúng yêu cầu của giám sát, phản biện xã hội.
- Hoạt động giám sát, phản biện xã hội chưa được thực hiện và
phối hợp giữa những chủ thể có liên quan, còn mang tính riêng lẻ, nên chưa tạo
được sức mạnh tổng hợp và đồng bộ.
Nhìn chung, hiệu quả của giám sát, phản biện xã hội nhằm bảo vệ
quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân chưa được như mong muốn,
một số nơi chưa tạo được niềm tin của nhân dân đối với các chủ thể giám sát,
phản biện; quyền làm chủ thực sự của người dân còn có những hạn chế nhất định.
Nguyên nhân của thực trạng đó có thể tìm thấy trên cả hai mặt
chủ quan và khách quan. Về khách quan, do những tàn dư của lịch sử
để lại, đó là một nền dân chủ tuy ngày càng tiến bộ rõ rệt nhưng vẫn còn
nhiều bất cập và mang dấu ấn tư tưởng gia trưởng phong kiến, chịu ảnh hưởng tàn
dư tập quán tiểu nông, dễ an phận, ngại đối diện, biện luận; trong khi
đó, về chủ quan, việc thể chế hóa chủ trương giám sát, phản biện xã
hội còn nhiều hạn chế, thiếu cụ thể, thiếu chế tài ràng buộc quyền và trách
nhiệm giữa các bên có liên quan, nhất là thiếu sự đồng bộ giữa các chỉ thị,
nghị quyết của Đảng với hệ thống văn bản pháp luật của Nhà nước. Sự hạn chế đó
đã chẳng những không thúc đẩy được việc thực hiện một cách nghiêm túc giám sát,
phản biện xã hội, mà còn làm suy giảm lòng tin của nhân dân với hoạt động này.
Trên thực tế, việc thực hiện giám sát, phản biện xã hội với phương châm rất
sáng tạo được đề ra từ hai thập niên trước, nay được bổ sung, phát triển thành
“dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” còn phụ
thuộc vào phẩm chất, năng lực của từng con người, từng chủ thể, mà trước hết là
người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị. Trong môi trường xã hội nước ta, cơ
chế và con người còn bất cập là hai yếu tố cơ bản chưa thuận lợi cho việc giám
sát, phản biện xã hội. Đó chính là nguyên nhân chủ yếu làm cho hiệu quả của
giám sát, phản biện xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình và sự mong
mỏi của nhân dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét