Đại hội XIII của Đảng đánh dấu sự phát triển sang một thời kỳ
mới trong đường lối lãnh đạo đất nước của Đảng, đòi hỏi tăng cường phát huy sức
mạnh nội lực của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thông qua con đường hữu hiệu
nhất là thực hiện tốt hơn, mạnh mẽ hơn quyền làm chủ của mỗi người dân Việt Nam
yêu nước và tiến bộ. Để góp phần thực hiện định hướng đó, cần tối ưu hóa hiệu
quả giám sát, phản biện xã hội nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính
đáng của nhân dân, coi đó là một công cụ thiết thực để thực hiện quyền làm chủ
của nhân dân một cách thực chất.
Tối ưu hóa hiệu quả của giám sát, phản biện xã hội được hiểu là
làm sao để hiệu quả của giám sát, phản biện xã hội đạt đến mức tốt nhất trong
hoàn cảnh cho phép. Muốn vậy, trước hết cần xác định hệ tiêu chí để đánh giá
hiệu quả của giám sát, phản biện xã hội. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của nước
ta hiện nay, có thể nêu lên một số tiêu chí sau đây:
- Lựa chọn đúng vấn đề để tiến hành giám sát, phản biện xã hội là
những vấn đề bức thiết của nhân dân, đòi hỏi phải được can thiệp để bảo vệ
quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
- Xác định đúng chủ thể giám sát, phản biện xã hội, tạo điều
kiện cần và đủ để bảo đảm hiệu quả giám sát, phản biện xã hội tối ưu nhất.
- Lựa chọn phương thức giám sát, phản biện xã hội phù hợp với
khách thể giám sát, phản biện.
- Kết luận của giám sát, phản biện xã hội phải có tính thuyết
phục cao.
- Hoạt động giám sát, phản biện xã hội phải bảo đảm tăng cường
đồng thuận và đoàn kết xã hội, đoàn kết quốc tế, được nhân dân đồng tình, ủng
hộ.
Những tiêu chí trên đây thể hiện bản chất và yêu cầu của hoạt
động giám sát, phản biện xã hội, phân biệt rõ sự khác nhau của hoạt động này
với việc đóng góp ý kiến, phản ánh, kiến nghị, khuyến cáo... mà lâu nay vẫn
thường được thực hiện và thường ngộ nhận rằng đó chính là giám sát, phản biện
xã hội.
Muốn đạt hiệu quả tối ưu, cần phải tạo những điều kiện tối ưu để
thực hiện giám sát, phản biện xã hội. Từ kinh nghiệm thực tế, để đáp ứng yêu
cầu nhiệm vụ phát huy dân chủ mà Đại hội XIII của Đảng đề ra, cần có những điều
kiện sau đây:
Thứ nhất, điều kiện quan
trọng hàng đầu là đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, nhằm quán triệt sâu sắc quan
điểm, chủ trương của Đảng về phát huy vai trò trung tâm, chủ thể của nhân dân,
khẳng định về sự cần thiết khách quan của giám sát, phản biện xã hội trong toàn
Đảng, trong hệ thống chính trị và trong nhân dân; khắc phục sự chần chừ, ngần
ngại, đề phòng và bác bỏ những quan điểm sai lệch, tiêu cực; bảo đảm tính tự
nguyện của chủ thể và khách thể giám sát, phản biện xã hội.
Thứ hai, xây dựng hệ
thống thể chế pháp luật đồng bộ và nhất quán, bảo đảm tính công khai, minh bạch
trong thông tin có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người dân cho các chủ thể
phản biện; chú trọng đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã
hội, các phương tiện thông tin đại chúng và người dân.
Thứ ba, tạo ra những hình thức
và giải pháp để gắn bó quan hệ giữa hệ thống lãnh đạo, quản lý các cấp với các
tầng lớp nhân dân, để hiểu đầy đủ, sâu sắc hơn về tâm tư, nguyện vọng của nhân
dân. Hiểu thấu lòng dân là điều kiện quan trọng để giám sát, phản biện xã hội
có hiệu quả; trong đó, chú trọng đến các hình thức, như thăm dò dư luận xã hội,
trưng cầu dân ý, đối thoại và tiếp xúc với nhân dân một cách thực chất.
Thứ tư, bảo đảm tự do ngôn luận,
tự do báo chí theo quy định của pháp luật. Thực hiện cơ chế để tôn trọng những
ý kiến khác nhau khi không trái với lợi ích chung.
Thứ năm, tạo cơ chế tự chủ
trong hoạt động của các chủ thể giám sát, phản biện xã hội, nhằm bảo đảm tính
khách quan của giám sát, phản biện xã hội.
Tạo ra những điều kiện trên đây là một quá trình chuyển động
không đơn giản, đòi hỏi sự chuyển đổi từ quan điểm, nhận thức đến cơ chế vận
hành và tổ chức cán bộ. Vấn đề không dừng ở những nội dung tác nghiệp, những
khâu nghiệp vụ của hoạt động giám sát, phản biện xã hội, mà là sự đổi mới tư duy
và hành động thực hành dân chủ. Bao trùm lên tất cả là cần xuất phát từ động cơ
trong sáng, một lòng vì nước, vì dân, bằng mọi cách bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp, chính đáng của nhân dân. Mặc dù chủ trương giám sát, phản biện xã hội là
đúng đắn, hợp lòng dân, nhanh chóng được xã hội hưởng ứng, nhưng hiệu quả của
chủ trương này chưa được như mong muốn, do vẫn cần tiếp tục hoàn thiện một số
điều kiện cần và đủ cho hoạt động này.
Người dân trở thành trung tâm, chủ thể của công cuộc đổi mới,
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc - đó là vinh dự và trách nhiệm to lớn; song, nhân
dân mong muốn được giám sát, phản biện một cách thực chất để những chủ trương,
chính sách, pháp luật đi vào được cuộc sống, để quyền và lợi ích hợp pháp,
chính đáng của người dân được bảo đảm và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
HAIVAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét