Khẳng định trọng tội rước voi giày mả tổ của Nguyễn Ánh và công lao to lớn thống nhất đất nước của Quang Trung.
CÔNG HAY TỘI
ĐỀU CẦN ĐƯỢC GHI NHẬN ĐẦY ĐỦ, RÕ RÀNG
Gần đây tôi có đọc một số bài trên tạp chí Xưa & Nay thấy có vài bài viết về nhân vật Nguyễn Ánh-Gia Long và vấn đề Nguyễn Huệ hay Nguyễn Ánh có công thống nhất đất nước. Các bài viết có nhiều điều không ổn nhưng trước mắt có hai vấn đề cần bàn:
1. Phải xét tội của Nguyễn Ánh trong chủ trương cầu viện nước ngoài nặng, nhẹ thế nào cho thỏa đáng.
2. Giữa Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh trong thành quả thống nhất đất nước phải ghi nhận sao cho công bằng, thấu tình đạt lý.
Cá nhân tôi hoàn toàn thống nhất với những ý kiến phân tích của tác giả trong bài báo. Và để làm căn cứ cho quan điểm của mình, tôi xin được phép ghi lại một đoạn văn sau đây của cố Giáo sư Ca Văn Thỉnh, nhà sử học có uy tín cùng thời với các nhà sử học bậc thầy kỳ cựu: Trần Huy Liệu, Phạm Thiều, Đặng Thai Mai… được viết trong quyển “Hào khí Đồng Nai”, xuất bản năm 1983, từ trang 36 đến 38:
“Vào thế kỷ XVIII, tập đoàn phong kiến họ Nguyễn ra sức biến xứ Đàng Trong (từ sông Gianh ở Quảng Bình trở vào) thành một “quốc gia” riêng biệt, gia tăng thế lực ở Đàng Trong để chống lại tập đoàn phong kiến họ Trịnh phản động và mục nát ở Đàng Ngoài. Đó cũng là lúc mà phong trào đấu tranh của nhân dân Đàng Trong, trong đó có Sài Gòn và Nam bộ xưa, nổi lên liên tục, mạnh mẽ.
Nổi bật hơn cả trong thời gian này là phong trào khởi nghĩa Tây Sơn được đông đảo nông dân hưởng ứng, nổi lên từ mùa Xuân năm 1771. Từ trước đến nay, sử sách nước ta đã nói nhiều về thành tích của phong trào Tây Sơn nhưng người ta biết nhiều về chiến công hiển hách đánh tan quân đội nhà Thanh trận Đống Đa hơn là những điều làm được ở Đàng Trong.
Thực ra, trong hơn 8 năm (1776 – 1783), phong trào Tây Sơn đã 5 lần đánh bọn phong kiến phản động Đàng Trong, đứng đầu là Nguyễn Ánh, đã 5 lần Nguyễn Ánh đều bị thất bại và bị đánh bật ra khỏi đất liền. Được giai cấp đại địa chủ ủng hộ, có lần Nguyễn Ánh đã quay lại chiếm Gia Định nhưng cuối cùng Nguyễn Ánh và tàn quân của hắn lại bị đánh bật ra ngoài và chạy sang cầu viện quân Xiêm. Trong bước đường cùng, tập đoàn Nguyễn Ánh đã đi đến chỗ phản bội Tổ quốc, đặt quyền lợi của chúng lên trên quyền lợi dân tộc. Chúng đã rước 5 vạn quân Xiêm, do hai cháu của vua Xiêm là Chiêu Tăng, Chiêu Sương chỉ huy, theo hai đường thủy bộ tiến đánh Gia Định.
Cần phải nói rõ rằng cuộc tiến quân tháng 7-1774 của quân Xiêm về thực chất là một cuộc xâm lược và hành động của Nguyễn Ánh là hành động rước voi giày mả tổ. Ngược lại, quân đội Tây Sơn, do tướng Trương Văn Đa chỉ huy, tuy lực lượng không nhiều nhưng lại được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân đã kháng chiến rất anh dũng, bảo vệ bờ cõi của đất nước. Vấp phải sự đánh trả của quân khởi nghĩa Tây Sơn, đến cuối năm 1774, tức là sau 5 tháng xâm lược, quân Xiêm chỉ chiếm được quá nửa đất phía Tây Gia Định (Nam bộ). Thành Mỹ Tho, thành Gia Định và nửa phần phía Đông vẫn được giữ vững.
Trong những cuộc chiến đấu chống bọn phản động Nguyễn Ánh và chống quân xâm lược Xiêm do Nguyễn Ánh rước về, quân đội Tây Sơn đã giành được 3 chiến thắng đáng kể:
Trận năm 1777, tiêu diệt bọn đầu sỏ chúa Nguyễn là Tân Chính Vương và Thái Thượng Vương (trận này Nguyễn Ánh thoát chết).
Trận năm 1782, đại phá hàng trăm chiến thuyền của Nguyễn Ánh ở Ngã Bảy (Cần Giờ) diệt cả tên Pháp đánh thuê là Mạn Hòe (Manuel) do giám mục Bá Đa Lộc đề cử chỉ huy chiến hạm của Pháp.
Trận năm 1785, đại phá thủy quân Xiêm xâm lược ở Rạch Gầm – Xoài Mút, giải phóng miền Tây Gia Định, đuổi quân giặc về nước. Trận đánh này làm nức lòng người Đồng Nai – Gia Định. Chính những nhà viết sử của triều Nguyễn, những người thù ghét phong trào Tây Sơn đến xương tủy cũng phải thừa nhận rằng sau trận này “người Xiêm sợ quân Tây Sơn như sợ cọp”.
Đến giai đoạn này, có thể nói là phong trào Tây Sơn dưới sự lãnh đạo tài tình của anh hùng Nguyễn Huệ, đã làm sụp đổ chế độ thống trị trên 200 năm của tập đoàn chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Đối với tập đoàn phong kiến họ Trịnh ở Đàng Ngoài, sau khi đánh thắng quân Xiêm xâm lược và quân bán nước Nguyễn Ánh, tháng 6-1786, Nguyễn Huệ tiến quân ra Thuận Hóa, đánh lui quân Trịnh, giải phóng toàn bộ đất Đàng Trong, tiến luôn ra Đàng Ngoài, đánh tan quân Trịnh, giải phóng Thăng Long ngày 21-7-1786.
Thế là phong trào cách mạng nông dân Tây Sơn, từ cuộc khởi nghĩa ở Quy Nhơn, đã thực sự trở thành phong trào quật khởi của nhân dân cả nước, quét sạch các tập đoàn phong kiến Trịnh, Nguyễn phân tranh, cát cứ hơn hai thế kỷ, thống nhất lại đất nước từ Nam chí Bắc.
Đây là thành tựu vĩ đại trong lịch sử dân tộc mà vinh quang thuộc về phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn và thủ lãnh kiệt xuất Nguyễn Huệ”.
Thiết nghĩ, nhà sử học khi viết mỗi sự kiện của lịch sử thì quan trọng hàng đầu là cách đánh giá, nó thể hiện sự công tâm và lương tâm của nhà viết sử, không thể xu thời mà tiền hậu bất nhất. Về điểm này thì cho phép tôi được đặt nghi vấn với nhà sử học Phan Huy Lê về thái độ “trở cờ” khi nhìn nhận các vấn đề có liên quan đến tội trạng phản bội Tổ quốc của Nguyễn Ánh và công lao thống nhất Đất nước của Quang Trung. Động cơ của sự “trở cờ” này là gì, chuyện này chỉ có Phan Huy Lê mới tự hiểu mình để có thể tự trả lời với lương tâm mình./.
Ảnh : Vua Quang Trung.
Yêu nước ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét