Sáng 1-6, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 86/NQ-ĐUQSTW ngày 29-3-2007 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về công tác giáo dục, đào tạo (GD-ĐT) trong tình hình mới (gọi tắt là Nghị quyết 86).
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì. Hội nghị đánh giá, GD-ĐT trong quân đội có nhiều đổi mới, chuyển biến tích cực về mọi mặt, cơ bản đạt mục tiêu đề ra. Đây là tiền đề quan trọng để tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhân lực cho toàn quân trong tình hình mới.
Phát huy vai trò của đội ngũ nhà giáo
Báo cáo tổng kết do Thiếu tướng Nguyễn Văn Oanh, Cục trưởng Cục Nhà trường (Bộ Tổng Tham mưu) trình bày đã đánh giá toàn diện kết quả thực hiện Nghị quyết 86 và khẳng định: Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 86, công tác GD-ĐT trong quân đội có nhiều đổi mới, chuyển biến tích cực về mọi mặt, cơ bản đạt mục tiêu đề ra. Hệ thống nhà trường xây dựng tinh, gọn, chính quy, vững mạnh toàn diện, mẫu mực, tiêu biểu. Chương trình, nội dung đào tạo được đổi mới, chuẩn hóa theo hướng hiện đại, sát thực tế. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục kiện toàn đủ số lượng, cơ cấu hợp lý, chất lượng nâng lên. Công tác tuyển sinh, tạo nguồn đào tạo thực hiện đúng quy chế, chất lượng giữ vững. Hoạt động nghiên cứu khoa học được quan tâm, chú trọng; nhiều đề tài khoa học đã ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo ngày càng hiện đại...
Ý kiến của các đại biểu tại hội nghị đều khẳng định, trong hoạt động GD-ĐT, đội ngũ nhà giáo là nhân tố then chốt. Thực hiện Nghị quyết 86, đội ngũ nhà giáo quân đội đã được quy hoạch, xây dựng căn bản, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm. Tuy nhiên có hai vấn đề lớn cần phải quan tâm khắc phục, đó là: Kinh nghiệm thực tiễn của giảng viên đang ngày càng ít; tỷ lệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong quân đội có trình độ cao (tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư) còn thấp.
Giảng viên Khoa Văn hóa, Ngoại ngữ (Trường Sĩ quan Chính trị) trao đổi nội dung bài học với học viên. Ảnh: VĂN HẢI |
Theo Thượng tướng Trần Việt Khoa, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng: Đội ngũ cán bộ, giảng viên có kinh nghiệm thực tiễn hiện nay chưa nhiều, thậm chí ngày càng ít đi, do đó quá trình giảng dạy còn nặng tính lý thuyết. Việc thu hút cán bộ quân đội có kinh nghiệm thực tiễn từ các đơn vị về nhà trường cũng khó khăn. Đây là vấn đề cần quan tâm giải quyết, nhất là việc tuyển chọn, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên cần được tiến hành một cách đồng bộ, đáp ứng yêu cầu thực tế công tác đào tạo tại các trường. Bên cạnh chú trọng bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị và trình độ chuyên môn cho đội ngũ giảng viên, giáo viên và tăng cường đi thực tế, cần có chính sách thu hút cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn, đặc biệt thu hút những nhà khoa học đầu ngành về các nhà trường quân đội.
Nhiều đại biểu cho rằng, bên cạnh việc chú trọng tuyển chọn nguồn đào tạo, bồi dưỡng toàn diện đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục, cần quan tâm nghiên cứu các chính sách để động viên, thu hút nhân lực chất lượng cao, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo quân đội phấn đấu cống hiến.
Để tăng số lượng giáo sư, phó giáo sư, Nhà giáo Ưu tú và nâng tầm cán bộ, giảng viên, Trung tướng Phạm Đức Dũng, Giám đốc Học viện Hậu cần kiến nghị Bộ Quốc phòng cần xem xét tăng cường các đề tài khoa học quân sự cho các nhà trường để không chỉ tạo điều kiện cho giảng viên tham gia nghiên cứu, nâng cao trình độ mà còn đáp ứng các tiêu chí, điều kiện phong hàm chức danh khoa học đòi hỏi ngày càng cao.
Tăng cường đổi mới nội dung, phương pháp dạy học
Một trong những vấn đề cốt lõi được đề cập nhiều là về đổi mới nội dung, phương pháp dạy học. 15 năm qua, các nhà trường quân đội đã xây dựng mới thêm 184 chương trình đào tạo và điều chỉnh, bổ sung gần 650 chương trình. Điều đó cho thấy sự quyết liệt trong đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, cập nhật liên tục những tri thức và kiến thức khoa học quân sự, sát hơn với thực tiễn tác chiến trong tình hình mới.
Về nội dung này, Thiếu tướng Đỗ Minh Xương, Giám đốc Học viện Lục quân cho rằng, việc đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo đang được các nhà trường đẩy mạnh. Mặc dù vậy, có chương trình vẫn chưa sát với đòi hỏi của thực tiễn. Học viện Lục quân luôn chú trọng đổi mới nội dung chương trình, thường xuyên tổ chức các buổi rút kinh nghiệm, trao đổi với các đơn vị trong toàn quân, cả các địa phương và đơn vị chủ lực ở nhiều địa bàn khác nhau để nắm bắt tình hình thực tiễn, liên tục bổ sung chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu.
Chia sẻ của Thiếu tướng Đỗ Minh Xương nhận được sự tán thành của nhiều đồng chí lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị sử dụng nhân lực. Theo Thiếu tướng Lê Tất Thắng, Phó tư lệnh Quân khu 4: Để đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, bảo đảm đầu ra tốt thì cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa nhà trường và đơn vị. Các nhà trường cần đổi mới theo hướng xây dựng chương trình đào tạo gắn với nhiệm vụ của cán bộ, học viên sau khi ra trường; thường xuyên cập nhật thực tế đơn vị vào chương trình đào tạo để học viên không bị bỡ ngỡ khi về nhận công tác tại đơn vị.
Trung tướng Nguyễn Văn Bạo, Giám đốc Học viện Chính trị cho rằng, những năm tới, các nhà trường cần tiếp tục đổi mới cho phù hợp, sát với đòi hỏi của tình hình mới với quan điểm lấy người học làm trung tâm. Kinh nghiệm của Học viện Chính trị là việc đổi mới dạy học trong những năm qua luôn bám sát phương châm “3 tính” (tính lý luận, tính tư tưởng, tính thực tiễn) và bảo đảm “3 sát” (sát đối tượng, sát nhiệm vụ, sát đơn vị).
Phát biểu kết luận hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương biểu dương kết quả các nhà trường quân đội đã đạt được trong thời gian qua và nhấn mạnh: Thành quả của quá trình đào tạo là học viên tốt nghiệp ra trường bảo đảm đủ số lượng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; có trình độ, kiến thức đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, hội nhập quốc tế và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương yêu cầu, việc xây dựng, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo trong nhà trường quân đội cần bảo đảm tính cơ bản, toàn diện, thiết thực, hiện đại... Phương pháp dạy học phải đổi mới theo hướng khoa học, phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, tư duy sáng tạo của người học...; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động GD-ĐT. Cùng với đó, hoàn thiện và triển khai thực hiện hiệu quả đề án xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong quân đội; tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo chuẩn mực về phẩm chất đạo đức, chất lượng cao, đạt chuẩn theo quy định...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét