Thứ Hai, 13 tháng 6, 2022

NHẬN DIỆN TỘI PHẠM SỬ DỤNG CÔNG NGHỆ CAO HIỆN NAY

             Tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng thời gian qua diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, chuyên nghiệp, có tổ chức và gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.Thủ đoạn chủ yếu của loại tội phạm này này là tìm cách đánh cắp tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo,...), sử dụng để lừa đảo các nạn nhân thông qua việc nhờ nạp thẻ điện thoại, thẻ game, chuyển tiền; mạo danh cơ quan, cán bộ thực thi pháp luật gọi điện yêu cầu công dân nộp tiền để chiếm đoạt; lập các website giả mạo website của các doanh nghiệp, tổ chức để lừa đảo; lập các website rao bán hàng chính hãng giảm giá nhưng gửi hàng kém chất lượng; thỏa thuận mua bán hàng hóa qua mạng xã hội, yêu cầu chuyển tiền trước vào tài khoản nhưng không chuyển hàng hoặc bán hàng giả, hàng kém chất lượng; xâm nhập, chiếm đoạt tài khoản email của doanh nghiệp để theo dõi các giao dịch kinh doanh rồi thay đổi thông tin người nhận tiền để chiếm đoạt số tiền trong hợp đồng kinh tế do đối tác của doanh nghiệp gửi; sử dụng SIM khuyến mãi dịch vụ 3G, 4G, 5G để phát tán tin nhắn lừa đảo.

Làm giả thẻ tín dụng để chiếm đoạt tài sản: Các đối tượng chủ yếu thuộc các nước Đông Âu, Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và một số quốc gia châu Phi, hình thành những đường dây gồm nhiều đối tượng cả trong lẫn ngoài nước và có sự phân công thực hiện từng giai đoạn trong quá trình phạm tội. Các đối tưởng sử dụng các thủ đoạn xâm nhập bất hợp pháp vào các website bán hàng, thanh toán trực tuyến để trộm cắp thông tin thẻ tín dụng, sau đó sử dụng trái phép thông tin thẻ tín dụng đó để đặt mua hàng hóa trực tuyến có giá trị cao chuyển về Việt Nam tiêu thụ; sử dụng thiết bị lấy cắp thông tin thẻ tín dụng và thiết bị làm thẻ giả để làm thẻ tín dụng giả, thực hiện các giao dịch khống qua POS.

Lợi dụng các dịch vụ thanh toán trực tuyến để chiếm đoạt tài sản: Các đối tượng thường xuyên sử dụng các dịch vụ thanh toán trực tuyến quốc tế như Liberty Reserve, Paypal, E-gold, E-pasport, U-kash, Webmoney… và các dịch vụ thanh toán trực tuyến của ngân hàng, doanh nghiệp viễn thông trong nước như Internet banking, Mobi banking, Saving Pay, QR Code để phạm tội. Chúng thường sử dụng thủ đoạn thuê mở tài khoản, mua lại tài khoản ngân hàng, tài khoản thẻ, tài khoản ghi nợ quốc tế để nhận, chuyển tiền có được do hành vi lừa đảo trên mạng; tổ chức đánh bạc, cá độ, quảng cáo trái phép. Trong khi đó, nhiều cổng thanh toán thẻ cào, cổng thanh toán điện tử do doanh nghiệp tự phát hành phục vụ trò chơi trực tuyến, cá cược hoạt động công khai với doanh số, giá trị cao nhưng chưa có quy định để quản lý, giám sát, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý tội phạm. Thời gian gần đây, các đối tượng đã lập và tạo nhiều sàn giao dịch các loại tiền “ảo” như Onecoin, Bitcoin, Ilcoin, Gemcoin… để thu hút các nhà đầu tư nhằm chiếm đoạt tài sản.

Hoạt động “tín dụng đen” qua mạng diễn biến phức tạp, nổi lên là hình thức cho vay ngang hàng (P2P Lending), lãi suất trung bình 90% - 100%/tháng, thậm chí lên tới 700-1000%/tháng. Hàng chục công ty, hàng trăm ứng dụng cho vay trực tuyến,có yếu tố người nước ngoài đứng sau quản lý.

Tội phạm có tổ chức hoạt động trong lĩnh vực thanh toán thẻ, thanh toán điện tử, tài chính, ngân hàng tiếp tục được phát hiện với nhiều thủ đoạn mới tinh vi hơn. Xuất hiện thủ đoạn “hủy đảo giao dịch”, lợi dụng hoạt động thanh toán hàng hóa, dịch vụ qua POS của một số ngân hàng thương mại có lỗi để thực hiện giao dịch khống, chiếm đoạt tài sản.Hoạt động thanh toán xuyên biên giới chưa được quản lý chặt chẽ, tiềm ẩn nguy cơ lợi dụng vào hoạt động phạm tội, gây mất an ninh tài chính tiền tệ.Hoạt động lắp đặt thiết bị skimming tại các máy ATM nhằm trộm cắp thông tin, làm giả thẻ ngân hàng để rút tiền giảm mạnh thời gian qua.

Hoạt động thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến diễn biến phức tạp và gia tăng trong khi dịch bệnh Covid-19.Việc sử dụng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để chào bán sản phẩm hàng giả, hàng nhái ngày càng nhiều. Quy mô kinh doanh trực tuyến các hàng hóa vi phạm pháp luật ngày càng lớn.

Các sàn giao dịch tiền ảo, vàng, ngoại hối, chứng khoán quốc tế bất hợp pháp có số vốn huy động lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi tháng. Thủ đoạn chủ yếu là tổ chức các buổi giới thiệu sản phẩm, đưa ra lợi nhuận lên tới hàng trăm % để thu hút nhà đầu tư, sau đó tác động vào hệ thống làm thay đổi tỉ lệ chênh lệch giữa lệnh mua và bán nhằm chiếm đoạt tài sản.

Sử dụng dịch vụ điện thoại trên nền Internet (VOIP) để lừa đảo: Đối tượng chủ yếu là người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, sử dụng thủ đoạn thuê địa điểm và đường truyền Internet tốc độ cao, thiết lập và sử dụng hệ thống dịch vụ cuộc gọi thoại trên nền Internet (VOIP) để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tình trạng trộm cắp cước viễn thông quốc tế tiếp tục gây ra những thiệt hại lớn. Các đối tượng thường thiết lập hệ thống đường truyền viễn thông từ nước ngoài về Việt Nam, sau đó bán lưu lượng đường truyền cho các đối tượng ở nước ngoài để các đối tượng ở nước ngoài thực hiện các cuộc gọi quốc tế về Việt Nam với giá cước rẻ hơn so với quy định, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các doanh nghiệp viễn thông trong nước.

Sử dụng không gian mạng để cá độ, đánh bạc và tổ chức đánh bạc: Các đối tượng trong và ngoài nước móc nối với nhau hình thành các đường dây tổ chức đánh bạc, cá độ bóng đá trực tuyến dưới nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi. Đối tượng trong nước câu kết với đối tượng nước ngoài xây dựng mạng lưới hoạt động đánh bạc rộng khắp các tỉnh, thành phố thu hút số lượng lớn người tham gia.Số tiền chuyển ra nước ngoài lên đến hàng nghìn tỷ đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, tác động tiêu cực đến sự ổn định, phát triển của đất nước, nhất là an ninh tài chính, tiền tệ.

PHAO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét