Thứ Hai, 13 tháng 6, 2022

QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG VỀ XÂY DỰNG NỀN AN NINH NHÂN DÂN

             Tư tưởng phát huy sức mạnh tổng hợp tạo thành một thế trận chung để bảo vệ an ninh, trật tự đã được thể hiện trong đường lối lãnh đạo, chỉ đạo cuộc đấu tranh chống phản cách mạng của Đảng ta trước đây và có sự phát triển mới cả về nhận thức và trong chỉ đạo thực tiễn từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI. Cùng với “nền quốc phòng toàn dân” và “thế trận quốc phòng toàn dân”, lần đầu tiên cụm từ “nền an ninh nhân dân” và “thế trận an ninh nhân dân” đã được nêu trong Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng. “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội”, Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị (1998) về “Chiến lược an ninh quốc gia”, Nghị quyết các kỳ Đại hội VIII, IX, X, XI, XII, XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đều khẳng định phải xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, kết hợp chặt chẽ với xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

            Luật An ninh quốc gia năm 2004 xác định: “Nền an ninh nhân dân là sức mạnh về tinh thần, vật chất, sự đoàn kết và truyền thống dựng nước, giữ nước của toàn dân tộc được huy động vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, trong đó lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia làm nòng cốt[1].

            Như vậy, nói đến nền an ninh nhân dân là nói đến sức mạnh về tinh thần và vật chất của một quốc gia, dân tộc, làm cơ sở cho việc triển khai các hoạt động bảo vệ an ninh, trật tự của đất nước. Nội dung nền an ninh nhân dân bao gồm nhiều yếu tố, như: Lòng yêu nước, ý chí quyết tâm chống giặc ngoại xâm để bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam đã được hun đúc từ hàng nghìn năm lịch sử; lòng tự hào, tự tôn dân tộc của các thế hệ người Việt Nam về những truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của cha ông; tinh thần đoàn kết, ý chí vượt khó vươn lên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tạo thành nền tảng tinh thần trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; vai trò, uy tín, năng lực lãnh đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp; hiệu quả trong thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xã hội có tác động trực tiếp tới đời sống mọi mặt của Nhân dân; chất lượng, hiệu quả của các phong trào cách mạng, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

            Sự vững mạnh của nền an ninh nhân dân phụ thuộc vào các giá trị tinh thần đã được hun đúc trong suốt chiều dài lịch sử và sức mạnh về mọi mặt (kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại…) trong hiện tại và tương lai của dân tộc. Nền an ninh nhân dân là nền tảng để xây dựng thế trận an ninh nhân dân, tạo tiền đề quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Trước khi triển khai xây dựng thế trận an ninh nhân dân, phải củng cố, tạo dựng được nền an ninh nhân dân thật vững chắc.

PHAO

[1] Điều 3, Luật An ninh quốc gia năm 2004

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét