Thứ Hai, 13 tháng 6, 2022

THẾ TRẬN AN NINH NHÂN DÂN TRONG TÌNH HÌNH MỚI

             Từ điển Bách khoa Công an nhân dân năm 2005 định nghĩa: “Thế trận an ninh nhân dân là hình thái tổ chức và bố trí lực lượng theo một ý đồ chiến lược để phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ an ninh, trật tự. Thế trận an ninh nhân dân được xây dựng từ đơn vị cơ sở, có liên hệ phối hợp chặt chẽ với nhau trên từng địa bàn, từng khu vực và trong phạm vi cả nước”[1].

            Luật An ninh quốc gia quy định: “Thế trận an ninh nhân dân là việc tổ chức, bố trí lực lượng bảo vệ an ninh quốc gia và các nguồn lực cần thiết để chủ động bảo vệ an ninh quốc gia”[2].

            Các khái niệm trên đã phản ánh những vấn đề mang tính bản chất của thế trận an ninh nhân dân theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về phát huy sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ an ninh, trật tự; đồng thời nhấn mạnh đến vấn đề tổ chức, bố trí lực lượng.

            Trên cơ sở kế thừa và phát triển các quan niệm về thế trận an ninh nhân dân, có thể hiểu thế trận an ninh nhân dân là hình thái tổ chức, bố trí lực lượng và các nguồn lực theo một ý đồ chiến lược để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, nòng cốt là lực lượng Công an nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của Nhà nước, nhằm chủ động bảo vệ vững chắc an ninh, trật tự.

            Khi nói đến “thế trận” là nói đến “bày binh, bố trận”, nên thế trận an ninh nhân dân trước hết cũng phải là hình thái tổ chức, bố trí lực lượng và các nguồn lực (Vật lực, tài lực) theo một ý đồ chiến lược nhất định. Đây được coi là nghệ thuật tổng hợp sức mạnh gồm ba nhân tố cơ bản cấu thành:

            Một là, sự tham gia bảo vệ an ninh, trật tự một cách tự giác, được tổ chức của đông đảo quần chúng nhân dân và các cơ quan, ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể quần chúng - đó là sức mạnh quần chúng.

            Hai là, các lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh, trật tự được tổ chức, bố trí một cách hợp lý, kết hợp với phong trào quần chúng, trong đó lực lượng Công an nhân dân giữ vai trò nòng cốt trong tham mưu, hướng dẫn và tổ chức triển khai thế trận an ninh nhân dân; trực tiếp tiến hành các biện pháp bảo vệ an ninh, trật tự - đó là sức mạnh của lực lượng tham mưu, nòng cốt.

            Ba là, sự lãnh đạo của cấp ủy đảng và sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của chính quyền nhà nước các cấp từ Trung ương đến cơ sở đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự - đó là sức mạnh lãnh đạo, chỉ đạo.

            Mỗi nhân tố đều có vai trò riêng, thiếu một trong ba nhân tố này không thể tạo ra được sức mạnh tổng hợp, do đó không thể hình thành được thế trận an ninh nhân dân. Trong đó, nhân dân tích cực, tự giác tham gia bảo vệ an ninh, trật tự là nhân tố cơ bản; Đảng, Nhà nước giữ vai trò hạt nhân lãnh đạo, quản lý, điều hành, là nhân tố quyết định; lực lượng Công an nhân dân với vai trò tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền; hướng dẫn các cơ quan, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể; quần chúng nhân dân tham gia thế trận an ninh nhân dân là nhân tố nòng cốt.

            Ba nhân tố này được kết hợp một cách chặt chẽ, nhuần nhuyễn, sáng tạo, linh hoạt, trở thành nghệ thuật tạo ra sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự. Tuy nhiên, trên thực tế có tạo được sức mạnh tổng hợp và tạo ra hiệu quả của thế trận an ninh nhân dân hay không còn phụ thuộc vào vai trò, năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền; khả năng phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Công an nhân dân; đặc biệt là ý thức giác ngộ, sự tự giác, tính tích cực và có tổ chức của đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự.

            Ngoài ba nhân tố cơ bản nêu trên còn có các nguồn lực về hậu cần (Phương tiện, trang thiết bị, vũ khí...), tài chính, sự ủng hộ, giúp đỡ về vật chất, tinh thần và phối hợp từ bên ngoài... được huy động tạo ra thế trận an ninh nhân dân làm nên sức mạnh tổng hợp của tất cả các yếu tố bên trong và bên ngoài để bảo vệ vững chắc an ninh, trật tự.

            Mục đích của thế trận an ninh nhân dân là nhằm kết hợp và phát huy sức mạnh tổng hợp, trên cơ sở tổ chức bố trí lực lượng, phương tiện, triển khai các biện pháp theo một ý đồ chiến lược thống nhất trên các địa bàn, tuyến, lĩnh vực, tạo ra thế chủ động và có hiệu quả cao nhất trong bảo vệ an ninh, trật tự; qua đó góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân, giữ vững sự ổn định chính trị - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng cao vị thế của đất nước.

Mục tiêu tổng quát: Là phải xây dựng được thế trận an ninh nhân dân trên toàn quốc và ở các địa bàn, tuyến, lĩnh vực cần thiết phải xây dựng. Qua đó đảm bảo phát huy được cao nhất sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của Nhà nước để chủ động phòng ngừa, chủ động đấu tranh bảo vệ vững chắc an ninh, trật tự trong mọi tình huống, góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách, chiến lược về an ninh, trật tự, bảo vệ Tổ quốc; phục vụ có hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập và phát triển đất nước.

PHAO

[1] Từ điển Bách khoa Công an nhân dân Việt Nam năm 2005, Nxb Công an nhân dân, tr.1082

[2] Điều 3, Luật An ninh quốc gia năm 2004

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét