Hội nghị Trung ươpng 4 khóa XII đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII nhấn mạnh thêm 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp là “xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; và kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm. Theo đó phải chú trọng nêu gương những người tốt, việc tốt; ngăn ngừa, cảnh báo, phê phán những việc làm sai trái”.
Xuất phát từ những lời dạy của Hồ Chí Minh và các giải pháp Trung ương nêu ra, xin nhấn mạnh, làm rõ mấy điểm như sau:
Thứ nhất, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và XIII đều đề cập công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Vấn đề đặt ra là phải xem lại chúng ta đã thực hiện nhiệm vụ, giải pháp này đến đâu? Như thế nào? Cái gì làm tốt, cái gì chưa tốt, nguyên nhân, giải pháp? Phải chăng công tác giáo dục chính trị tư tưởng vẫn chưa thật sự thấm sâu vào tim, óc của cán bộ, đảng viên. Cấp ủy đảng các cấp và cán bộ, đảng viên nhận thức và thực hiện nhiệm vụ này chưa thấu.
Trong những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh, có một điều rất quan trọng thể hiện tư cách của một Đảng chân chính cách mạng, xuyên suốt trong lãnh đạo của Đảng. Đó là “Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng”(9).
Nhiệm vụ, giải pháp hàng đầu và xuyên suốt là phải xem xét lại việc giáo dục chính trị tư tưởng để có biện pháp ráo riết, triệt để khắc phục những gì làm chưa được, chưa tốt. Bởi vì, có được giáo dục chính trị tư tưởng một cách thật sự mà cụ thể là giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên thì mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao hiểu biết và trình độ chính trị, mới chống được chủ nghĩa cá nhân, làm tốt công tác Đảng giao phó cho mình.
Không ít cấp ủy, cán bộ, đảng viên xem nhẹ, coi thường việc học tập chính trị tư tưởng. Họ không hiểu rằng nhận thức sai thì hành động sai; nhận thức lệch lạc, méo mó thì hành động lệch lạc, méo mó. Hiểu không thấu thì làm không đúng. Vấn đề là học để mà làm. Lý luận đi đôi với thực tiễn.
Thứ hai, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII nêu lại, nhấn mạnh việc phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của báo chí, của công luận. Đây là nhiệm vụ, giải pháp rất quan trọng và rất cần thiết được Hồ Chí Minh bàn tới rất sớm, sâu sắc, toàn diện. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và XII đã đề cập. Muốn nhân dân, báo chí, công luận thực hiện được vai trò giám sát thì điều quan trọng nhất là xây đắp, vun bồi nền dân chủ. Phát huy quyền làm chủ thật sự của nhân dân. Đây là cốt lõi của giải pháp hoàn thiện tính khoa học của bộ máy và cơ chế.
Dân giám sát là một điểm mới, điểm nhấn trong Đại hội XIII. Muốn thực hiện tốt điều này, không gì tốt hơn học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Trước hết, cán bộ, đảng viên phải hiểu thấu rằng “nhân dân trăm tai nghìn mắt vẫn có nhiều ý kiến thông minh có thể giúp cho các chú tiến bộ hơn… Công tác gì muốn làm tốt đều phải coi trọng ý kiến của nhân dân”(10). Dân chủ là dựa vào lực lượng quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng, khuyến khích, tạo điều kiện cho quần chúng nói. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Điều quan trọng nhất là để cho dân nói. Dân biết nhiều việc mà các cấp lãnh đạo không biết. Việc gì cũng phải bàn với dân; dân sẽ có ý kiến hay”(11). Theo Hồ Chí Minh, nhân dân kiểm soát là tốt nhất, đó là kiểm soát từ dưới lên. Người viết: “Một cách nữa là từ dưới lên. Tức là quần chúng và cán bộ kiểm soát sự sai lầm của người lãnh đạo và bày tỏ cái cách sửa chữa sự sai lầm đó. Cách này là cách tốt nhất”(12).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh, phải có “cái lồng nhốt” quyền lực. “Cái lồng” đó là vai trò, trách nhiệm của các tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát, cấp ủy. Nhưng nhất định phải dựa vào “cái lồng nhân dân” với nội dung cốt tủy là dân chủ thật sự.
Cơ chế, bộ máy, trong đó có khía cạnh tính nghiêm minh của pháp luật và kỷ luật đảng. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng thì hàng đầu, xuyên suốt là giải thích, thuyết phục, cảm hóa, giáo dục. Nhưng không phải là không xử phạt. Nếu không xử phạt thì mất hết kỷ luật, thì sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại. Theo Hồ Chí Minh, “pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”(13).
Thứ ba, ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nêu gương của cán bộ, đảng viên là hết sức quan trọng, vì “một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Mặt khác, tính xấu của môt người thường, chỉ có hại cho người đó; còn tính xấu của một đảng viên, cán bộ sẽ có hại đến Đảng, có hại đến nhân dân.
Bộ máy, cơ chế dù hoàn thiện đến đâu mà con người hư hỏng thì sẽ phá tan bộ máy. Trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Tư tưởng, đạo đức, phong cách, phương pháp của các đồng chí Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp có ảnh hưởng, tác động rất lớn tới quần chúng nhân dân và xã hội. Công cuộc đổi mới thuận lợi hay khó khăn, thành công nhiều hay ít đều do cán bộ tốt hay kém.
Hy vọng và tin tưởng rằng, nếu nhận thức và hành động đúng thì khía cạnh nhỏ sẽ đem lại kết quả lớn trong việc quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, góp phần vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét