Thứ Hai, 20 tháng 6, 2022

NHỮNG KẺ LƯƠN LẸO

Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra từ ngày 4 đến 10-5-2022 đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng. Một trong những nội dung trọng tâm là tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới chính sách pháp luật liên quan đến vấn đề đất đai. Lợi dụng vấn đề này, các đối tượng chống phá lại giở giọng xuyên tạc, kích động hòng phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với các quy định của Luật Đất đai.

Quá trình hội nghị diễn ra cho đến khi nghị quyết mới về đất đai được ban hành cũng là lúc một số kênh truyền thông “bẩn” có trụ sở ở nước ngoài như: BBC tiếng Việt, đài Á Châu tự do RFA, VOA tiếng Việt… cùng bọn phản động lưu vong ở hải ngoại như: Việt Tân, Chân trời mới Media… ra rả giọng điệu phản đối, xuyên tạc theo kiểu “bổn cũ soạn lại”. Trong đó, chiêu trò chủ yếu được chúng sử dụng vẫn là đào sâu những bất cập, hạn chế liên quan đến quản lý, thổi phồng những vi phạm về đất đai được phát hiện, xử lý gần đây thu hút sự chú ý của nhân dân. Đơn cử như Việt Tân đã đăng nhiều bài viết lấy lại vụ việc tại Đồng Tâm (Hà Nội), Khánh Hòa, Bình Dương… để quy chụp. Chúng bịa đặt trắng trợn rằng đất đai thuộc sở hữu toàn dân chẳng khác gì chính quyền công khai cướp đất, cướp tài sản của dân. Hay như tờ BBC tiếng Việt đã vơ đũa cả nắm khi cho rằng Luật Đất đai là vấn đề căn cơ của nạn tham nhũng. Ngoài ra, chúng còn đưa ra nhiều luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật, kích động mâu thuẫn trong nhân dân với chính quyền các địa phương. Chẳng hạn như trên nhiều fanpage của các tổ chức phản động đã rêu rao thông tin: 8 tổ chức, vài chục cá nhân các nhà khoa học, nghệ sĩ, thường dân đã gửi tới kỳ họp bản kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai hiện hành, kêu gọi thực hiện cải cách ruộng đất lần hai, chuyển đổi hình thức sở hữu đất đai do người dân tự quản lý, sử dụng giống như nhiều nước khác.

Ông cha ta thường có câu: “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo, Miệng không vành méo mó tứ tung”. Câu này ám chỉ những người ăn nói trước sau không thống nhất, hàm hồ gây ra hiểu lầm, chia rẽ, làm ảnh hưởng đến người khác. Những kẻ “lưỡi không xương” như Việt Tân, BBC tiếng Việt, RFA, VOA… xưa nay vẫn vậy, lúc xuyên tạc thế này, khi nói xấu thế kia. Bản chất của chúng không hề thay đổi, vẫn là những luận điệu nói xấu Đảng, nói xấu chế độ tại Việt Nam. Luật pháp Việt Nam hiện nay quy định đất đai cũng là tài sản, quyền sử dụng đất là một trong những quyền sử dụng tài sản đặc biệt. Bởi vậy, tổ chức, cá nhân chỉ được quyền sử dụng đất chứ không được quyền định đoạt. Pháp luật Việt Nam cũng quy định đất đai là tài sản thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Vì lý do quốc phòng, an ninh, vì lợi ích quốc gia, phát triển kinh tế, xã hội, Nhà nước sẽ thu hồi đất. Nhưng trước khi thu hồi, tổ chức, cá nhân có liên quan vẫn được hỗ trợ, bồi thường, tái định cư ổn định cuộc sống. Bởi thế, không có tổ chức, cá nhân nào khác tốt hơn ngoài Nhà nước là chủ thể quản lý đất đai và bảo đảm quyền lợi tối đa cho người dân. Bản chất, mục đích sở hữu đất của Nhà nước Việt Nam khác hoàn toàn với kiểu đơm đặt: “sở hữu toàn dân chẳng khác gì chính quyền công khai cướp đất, cướp tài sản của dân”.

Xuyên suốt lịch sử cách mạng Việt Nam, vấn đề đất đai luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam đặc biệt quan tâm. Trong tác phẩm Đường kách mệnh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc yêu cầu phải giải quyết vấn đề đất đai cho dân cày. Nghị quyết đại hội Đảng các nhiệm kỳ đã vạch rõ những đường hướng trong quản lý nhà nước về đất đai, làm cơ sở để Chính phủ ban hành Luật Đất đai. Năm 1987, Luật Đất đai đầu tiên của Việt Nam được ban hành, đây được coi là dấu mốc quan trọng của hệ thống pháp luật về đất đai. Đến nay, luật được ban hành và sửa đổi 3 lần vào các năm 1993, 2003 và 2013 cho phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước. Luật Đất đai và các văn bản dưới luật năm 2013 đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước trong quản lý đất đai. Là một trong những văn bản luật hoàn thiện, chặt chẽ và đầy đủ giúp Nhà nước quản lý, sử dụng và khai thác nguồn tài nguyên đất một cách hiệu quả nhất. Luật Đất đai năm 2013 ra đời đã góp phần cân đối đất cho sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực; các loại hình đất cho phát triển đô thị, quốc phòng, an ninh được phân bổ hợp lý; hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai được nâng cao. Tuy nhiên, từ khi ban hành đến nay, Luật Đất đai hiện hành đã gần tròn 10 năm tuổi, xã hội đã phát triển rất nhiều so với năm 2013. Vì vậy, luật đã bắt đầu bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập cần được tháo gỡ. Tất cả bộ luật đều phải bắt kịp xu hướng phát triển của thời đại, trong đó không ngoại trừ Luật Đất đai. Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, những vấn đề căn cốt về đất đai đã được nhìn thẳng, phân tích, đánh giá toàn diện, chỉ đạo sát sao, quyết liệt.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về các chủ trương, chính sách liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất đai sẽ là tiền đề, cơ sở quan trọng để sửa đổi, điều chỉnh Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản có liên quan. Đất đai là lĩnh vực cơ bản nhưng rộng lớn, hết sức phức tạp, nhạy cảm, đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định và phát triển bền vững đất nước. Chính vì lý do đó, trên tinh thần chỉ đạo của Đảng, Luật Đất đai sắp tới sẽ được Quốc hội thảo luận với tinh thần trách nhiệm, thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng và ban hành. Chính sách, pháp luật mới về đất đai chắc chắn sẽ phát huy tối đa nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng vùng. Nó là động lực quan trọng để phát triển đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng hơn của Việt Nam. Đồng thời, nó cũng là một “cái tát” thẳng vào những kẻ có “lưỡi không xương”, “miệng không vành”./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét