Thứ Hai, 20 tháng 6, 2022

TRÒ CŨ

Gần đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) liên tiếp bắt tạm giam để điều tra, xác minh nhiều đối tượng có liên quan đến hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán” theo quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự, trên nhiều trang mạng hải ngoại, các tổ chức và cá nhân chống phá lại “bệnh cũ tái phát”, đó là đưa ra nhiều bài viết nhằm cố tình đánh tráo bản chất các vụ án, hướng lái vụ án sang chiều hướng tiêu cực, sang vấn đề chính trị, từ đó thu hút các bình luận chỉ trích Đảng, Nhà nước và cuối cùng là kích động chống phá đòi xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Đáng chú ý có bài viết của đối tượng Thạch Hãn đăng trên trang blog Việt Nam Thời Báo ngày 24-5-2022 với tiêu đề “Thao túng thị trường là hệ lụy của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nội dung bài viết xuyên tạc đường lối, quan điểm của Đảng về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; vu cáo đường lối của Đảng đã “sinh ra lợi ích nhóm dẫn đến thao túng thị trường”; phủ nhận những thành tựu về kinh tế, xã hội mà Việt Nam đã đạt được…

Trên thế giới, mỗi quốc gia đều đưa ra những khái niệm riêng về vấn đề này. Tại Việt Nam, trong Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31-12-2020 định nghĩa thao túng thị trường chứng khoán là việc thực hiện hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán, gồm một, một số hoặc tất cả hành vi như sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo. đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung, cầu giả tạo. Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường. Giao dịch chứng khoán bằng hình thức câu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung, cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán. Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó. Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để tạo cung, cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.

Những hành vi nêu trên có cùng một mục đích là để thao túng thị trường, thao túng giá cả nhằm đem lại lợi ích cá nhân cho những người thực hiện, đó chỉ là những hiện tượng chứ không phải là bản chất của một nền kinh tế. Điều đáng nói ở đây, hành vi “thao túng thị trường chứng khoán” không phải do nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta mới có, mà bất kỳ một nền kinh tế thị trường nào trên thế giới đều tồn tại những hành vi vi phạm này. Tại Mỹ, năm 2018, Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ (SEC) đã khởi kiện CEO của Công ty sản xuất ôtô điện Tesla - tỷ phú Elon Musk - về việc đăng tải “những thông tin không đúng sự thật và gây nhầm lẫn cho các nhà đầu tư” trên mạng xã hội Twitter. Đầu năm 2021, các bên đóng vai trò chính yếu trong đợt giao dịch cổ phiếu công ty bán lẻ trò chơi điện tử GameStop phải điều trần trước Ủy ban Dịch vụ tài chính của Hạ viện Mỹ. Trong sự kiện lần này, các quỹ phòng hộ của phố Wall, vốn thường nắm giữ các vị thế bán khống đối với những cổ phiếu được cho là sẽ giảm giá sâu, phải đối đầu với một “cơn sốt giao dịch” do phía mạng xã hội thúc đẩy nhằm gây tổn hại cho các nhà đầu tư có tổ chức lớn. “Cơn sốt” đã dẫn tới sự biến động chưa từng có trên phố Wall - với mức tăng từng lên tới 400% đối với cổ phiếu GameStop. Gần đây nhất, vào ngày 24-3-2022, các công tố viên đã truy tố SMBC Nikko Securities và một số nhân viên do cáo buộc thao túng thị trường, vi phạm Đạo luật về sàn giao dịch và các công cụ tài chính, đồng thời bắt giữ một trong những phó chủ tịch của công ty. Đây là lần đầu tiên một công ty chứng khoán lớn của Nhật Bản bị cáo buộc thao túng thị trường, vi phạm nghiêm trọng nhất theo đạo luật nêu trên. Đây chỉ là những vụ vi phạm điển hình liên quan đến hành vi “thao túng thị trường chứng khoán”, hay nói cách khác, ở các nước đều xảy ra nhưng ở mức độ như thế nào mà thôi.

Thẳng thắn nhìn nhận rằng, thị trường chứng khoán ở Việt Nam trong những năm qua vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập, nhất là trong quản lý dẫn đến còn có tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng phải xử lý. Nhưng cũng không vì một số vụ án cụ thể mà khuếch đại rồi đổ lỗi cho cả nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, không vì “con sâu làm rầu nồi canh”. Những vụ án đó sẽ được các cơ quan chức năng điều tra, xét xử đúng người, đúng tội để làm trong sạch thị trường chứng khoán trong nước. Còn những “căn bệnh” lợi dụng các vụ án dư luận quan tâm để thổi phồng, bóp méo, xuyên tạc thành tựu phát triển của đất nước, chống phá chế độ thì chúng ta cần phải kiên quyết đấu tranh nhận diện./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét