Đại hội XIII của Đảng xác định: “phải thấm
nhuần sâu sắc quan điểm công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của công tác
xây dựng Đảng, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ;
cán bộ là cái gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của
cách mạng. Vì vậy, phải đặc biệt coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp,
nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu thật sự có đức, có tài, có uy tín
trong Đảng và nhân dân”.
Thời gian qua, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa
cá nhân, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng
bước đầu đạt được kết quả quan trọng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân.
Tuy nhiên, đây là cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt, lâu dài và gian khổ, bởi
chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù ẩn nấp trong những vỏ bọc rất tinh vi, “ăn sâu bám
rễ” trong tư tưởng, hành động của mỗi cá nhân. Vì thế, xây dựng đội ngũ cán bộ,
kiên quyết phòng, chống chủ nghĩa cá nhân cũng là để không ngừng xây dựng,
chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến
đấu của Đảng ngang tầm nhiệm vụ của tình hình mới.
Để xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng, nhất là
đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu, cần chú trọng hơn nữa đến
những giải pháp sau:
Một là, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân
chủ trong công tác cán bộ.
Việc quán triệt, thực hiện nghiêm nguyên tắc
tập trung dân chủ là yêu cầu quan trọng để thực hiện Đảng thống nhất lãnh đạo
công tác cán bộ và quản lý cán bộ, phát huy trách nhiệm của các tổ chức và
người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị; bảo đảm công tác cán bộ
được thực hiện dân chủ, khách quan, công tâm, lựa chọn đúng người có đủ phẩm
chất, năng lực theo tiêu chuẩn quy định.
Việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ
trong công tác cán bộ phải là sự kết hợp đúng đắn chế độ tập thể lãnh đạo với
phát huy trách nhiệm cá nhân, thực hiện dân chủ với tập trung; nâng cao nhận
thức, trách nhiệm của cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp; thể chế hóa, cụ thể hóa
mạnh mẽ nguyên tắc tập trung dân chủ thành quy chế, quy định nhằm bảo đảm thực
hiện chặt chẽ quy trình của công tác cán bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát;
phát huy cao độ, thực chất dân chủ, đoàn kết trong Đảng...
Hai là, đổi mới phương pháp đánh giá, nhận xét
cán bộ.
Đánh giá, nhận xét cán bộ là khâu tiền đề, có
ý nghĩa đặc biệt quan trọng để làm tốt và nâng cao chất lượng các khâu khác
trong công tác cán bộ. Theo đó, đòi hỏi phải công tâm, khách quan, đoàn kết,
nhất trí cao trong tổ chức; phải lấy kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao làm
thước đo chính gắn với sản phẩm cụ thể, bảo đảm khách quan, cụ thể, khoa học,
chính xác; phải được cấp ủy thảo luận dân chủ, kiên quyết khắc phục tình trạng
chuyên quyền để quyết định.
Việc đánh giá cán bộ phải toàn diện cả đức và
tài, chú trọng phẩm chất chính trị và năng lực công tác chuyên môn, đặt trong
môi trường, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể; khắc phục tình trạng đánh giá chung
chung, cảm tính, chủ quan, coi bằng cấp, học vị cao hơn phẩm chất, năng lực.
Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định, bên
cạnh mặt tích cực là cơ bản thì tình hình tư tưởng, tâm trạng trong cán bộ,
đảng viên vẫn còn có những biểu hiện đáng lo ngại, nhất là tình trạng suy thoái
về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực
trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức mới chỉ bước đầu được ngăn chặn,
đẩy lùi. Bởi vậy, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính
trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là vấn đề mang tính quy luật trong
xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; trong đổi mới toàn diện cán bộ
và công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong hình mới.
Ba là, thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào
tạo và bồi dưỡng cán bộ.
Quy hoạch cán bộ là một nội dung trọng yếu của
công tác cán bộ, bảo đảm cho công tác cán bộ được chủ động, đáp ứng cả nhiệm vụ
trước mắt và lâu dài; làm căn cứ để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ vững vàng về
chính trị, trong sáng về đạo đức, thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ, có trình
độ và năng lực, nhất là năng lực trí tuệ và thực tiễn công tác chuyên môn.
Công tác quy hoạch cán bộ phải xuất phát từ
nhiệm vụ chính trị và từ thực trạng đội ngũ cán bộ để xây dựng quy hoạch, bảo
đảm tính khoa học, tính kế thừa liên tục và vững chắc. Công tác quy hoạch phải
gắn với đào tạo, bồi dưỡng toàn diện, thiết thực cả về lý luận và thực tiễn;
chú trọng đào tạo chuyên sâu, kết hợp nhiều hình thức, biện pháp; gắn đào tạo,
bồi dưỡng với sử dụng cán bộ.
Tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức của cấp
ủy, tập thể lãnh đạo và cán bộ, đảng viên về công tác quy hoạch cán bộ, tạo cơ
sở thực hiện tốt các quan điểm của Đảng về công tác cán bộ; xây dựng kế hoạch
đào tạo, bồi dưỡng gắn với quy hoạch bảo đảm đồng bộ, thiết thực. Thực hiện đầy
đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với cán bộ; quan tâm đến cơ chế thu hút
người tài...
Bốn là, đổi mới công tác bố trí, sử dụng cán
bộ.
Việc bố trí, sử dụng cán bộ phải đúng người,
đúng việc, đúng sở trường nhằm phát huy tốt nhất năng lực của cán bộ; lấy ý
kiến rộng rãi, đa chiều làm cơ sở để quyết định trong bố trí và sử dụng cán bộ;
bảo đảm cơ cấu hợp lý giữa các chức danh lãnh đạo, quản lý với trình độ chuyên
môn, lĩnh vực công tác; mạnh dạn bổ nhiệm cán bộ trẻ để họ được rèn luyện, thử
thách, trưởng thành và có điều kiện tham gia cấp ủy.
Các cấp ủy, cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch
và thực hiện luân chuyển cán bộ theo quy hoạch; xác định số lượng và dự kiến
danh sách cán bộ luân chuyển trong cả nhiệm kỳ và từng năm. Đối tượng luân
chuyển phải thực sự có năng lực và triển vọng phát triển. Cần làm tốt công tác
tư tưởng cho cán bộ luân chuyển cả nơi đi và đến; xây dựng kế hoạch sử dụng cán
bộ đến luân chuyển và sau khi luân chuyển về.
Năm là, không ngừng trau dồi, rèn luyện bản
lĩnh, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới.
Bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách
mạng là yêu cầu cơ bản của người cán bộ, đảng viên. Theo đó, nhiệt tình cách
mạng phải đi liền với tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật cao; cán
bộ cấp chiến lược, người đứng đầu phải công minh, khách quan, trung thực, “thấu
lý đạt tình”; kiên quyết bảo vệ cái đúng, đấu tranh với những quan điểm sai
trái, lệch lạc; tác phong làm việc khoa học, sâu sát, cụ thể, không chủ quan,
kiêu ngạo, qua loa.
Cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu phải
luôn có quan điểm toàn diện, khách quan, lịch sử cụ thể, loại bỏ động cơ cá
nhân hoặc chạy theo tình cảm riêng tư và đặc biệt không bị chi phối bởi bất cứ
áp lực nào. Nếu cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu không trong sáng, liêm
khiết về nhân cách, không làm gương để mọi người noi theo thì khó mà hoàn thành
được nhiệm vụ. Do đó, phải không ngừng rèn luyện về mọi mặt, luôn nêu cao ý
thức cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, không vì lợi ích cá nhân mà vi
phạm kỷ luật làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của đội ngũ cán bộ cấp chiến lược,
người đứng đầu.
Phải có tinh thần đoàn kết, xây dựng và tình
cảm cách mạng sâu sắc. Đoàn kết phải trên cơ sở thống nhất về đường lối chính
trị, nguyên tắc tổ chức và vì lợi ích chung của Đảng; trên cơ sở tình cảm cách
mạng và tình thương yêu đồng chí; luôn nêu cao ý thức đấu tranh tự phê bình và
phê bình./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét