Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2022

“Quân đội phải trung lập về chính trị” là đi ngược lại yêu cầu của sự nghiệp xây dựng CNXH

Quán triệt sâu sắc những quan điểm của Đảng về xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Quân đội ở nước nào bao giờ cũng luôn là lực lượng chính trị, mang bản chất chính trị của nhà nước đó. Không phải bây giờ chúng ta mới biết đến luận điệu “quân đội phải trung lập về chính trị”, bởi nó đã từng xuất hiện trong thời kỳ diễn ra cuộc cách mạng Nga lần thứ nhất. Khi đó, để đối phó với sự xung đột quyết liệt giữa tuyệt đại đa số nhân dân lao động Nga với Chính phủ Nga hoàng, bọn tôi tớ của nền chuyên chế Nga hoàng đã ra sức tuyên truyền về “tính trung lập của quân đội, về sự cần thiết phải giữ cho quân đội đứng ngoài chính trị”. Để phản bác sự lừa dối này, V.I. Lê-nin chứng minh cho tất cả binh sĩ và quần chúng lao động Nga đã được giác ngộ chính trị thấy rằng: “Cả Đảng Dân chủ - lập hiến lẫn chính phủ đều theo đuổi những lợi ích riêng trong vấn đề quân đội. Bọn sát nhân cần đến quân đội làm công cụ tàn sát. Bọn tư sản tự do chủ nghĩa cần đến quân đội để bảo vệ nền quân chủ tư sản…”. Từ thực tiễn đó, V.I. Lê-nin đã kết luận: “Quân đội không thể và không nên trung lập. Không lôi kéo quân đội vào chính trị - đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ giả nhân giả nghĩa của giai cấp tư sản..., bọn này trong thực tế bao giờ cũng đã lôi kéo quân đội vào chính trị phản động” nếu có ai hoặc lực lượng nào rêu rao về chủ trương: “quân đội phải trung lập về chính trị”, thì đó chỉ là sự “che giấu những nguyện vọng thật sự của giai cấp tư sản”. Ngày nay, ở các nước TBCN đang duy trì thể chế đa đảng, các đảng chính trị luôn đấu tranh với nhau để nắm chính quyền và thông qua chính quyền để lãnh đạo xã hội, nhưng trong thực tế, chỉ có các đảng chính trị được sự hậu thuẫn của các tập đoàn tư bản độc quyền mới có lực và cơ hội để nắm được chính quyền; vì thế, tính nhất nguyên về chính trị của nhà nước tư sản không bao giờ mất đi, cho dù đảng này hay đảng khác (đại diện cho các nhóm, tập đoàn khác nhau của giai cấp tư sản) giành được quyền lãnh đạo xã hội. Do vậy, dù đảng chính trị nào nắm chính quyền, quân đội của các nước này vẫn là công cụ chủ yếu để bảo vệ quyền lợi tối cao của giai cấp tư sản. Theo đó, quân đội ở đây là một bộ phận cấu thành của nhà nước tư sản, được nhà nước tư sản chu cấp nuôi dưỡng, quản lý và sử dụng, nên mục tiêu chiến đấu, chức năng, nhiệm vụ, cơ chế quản lý đối với các quân đội đó hoàn toàn phụ thuộc vào quan điểm và mục tiêu chính trị của giai cấp tư sản. Vì thế, quân đội ở các nước này bao giờ cũng luôn là lực lượng chính trị, mang bản chất chính trị của nhà nước tư sản. Trong thực tế lịch sử, quân đội của nhà nước tư sản không chỉ được sử dụng để bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc mình, mà còn được sử dụng để đàn áp sự phản kháng của nhân dân lao động ở ngay trong nước mình và nhất là ở các nước mà họ tiến hành chiến tranh xâm lược. Thực tiễn lịch sử cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta chống lại sự xâm lược, ách thống trị của thực dân Pháp, phát xít Nhật và đế quốc Mỹ đã chứng minh quá rõ bản chất chính trị của quân đội các nước này – thứ chính trị tư sản đặc sệt. Vậy là, trong thực tế đã không có và sẽ không thể có quân đội “trung lập về chính trị” như người ta đang rao giảng và ảo tưởng. Trở lại luận điểm đòi “Quân đội phải trung lập về chính trị”, chúng ta có thể khẳng định ngay rằng: đó là quan điểm sai trái, mà mục tiêu thật sự đằng sau luận điểm đó là nhằm chia rẽ Quân đội với Đảng, là nhằm tước bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội; để từ đó, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, tạo cơ hội ngàn vàng cho các thế lực có thâm thù với cách mạng tiến hành “cuộc chiến không đánh mà thắng”, hòng lái con đường phát triển của dân tộc ta sang con đường TBCN. Thủ đoạn này tuy không mới, nhưng lại được tiến hành dưới chiêu bài thực hiện quyền dân chủ, nên rất tinh vi, mà chúng ta phải hết sức cảnh giác để khỏi mắc mưu. Để vạch trần sự lừa bịp của các quan điểm sai trái về xây dựng quân đội, chúng ta cần nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nâng cao ý thức và trách nhiệm chính trị trong việc thực hiện quyền dân chủ và nghĩa vụ công dân; mặt khác, phải coi trọng xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, mà cốt lõi là thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội; chăm lo công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; đảm bảo cho Quân đội ta luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét