Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2022

THÀNH LẬP BAN CHỈ ĐẠO PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG CẤP TỈNH LÀ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CỦA THỰC TIỄN

 

Đại hội XIII của Đảng, Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Quy định số 32-QĐ/TW ngày 16/9/2021 của Bộ Chính trị và nhiều Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo Trung ương) thời gian gần đây đã nhấn mạnh trọng tâm phải đẩy mạnh phòng và đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực trong cả hệ thống chính trị. Trong đó, tập trung gắn phòng, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực với phòng và chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của các cấp ủy, tổ chức đảng trong hệ thống chính trị. Đi liền cùng đó là phải tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phát hiện, xử lý tham ô, tham nhũng, tiêu cực tại địa phương, cơ sở; khắc phục tình trạng trên nóng, dưới lạnh…
Sau 5 năm thực hiện Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí (Kết luận 10), công tác phòng, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực đã có những bước tiến tích cực; tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn… Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, tình trạng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp vẫn chưa được ngăn chặn kịp thời. Tại các cấp, vẫn còn những vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, những biểu hiện tiêu cực trá hình có tổ chức, rất tinh vi, phức tạp, không chỉ gây bức xúc trong dư luận mà còn đe dọa vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Trong khi đó, một số nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Kết luận số 10-KL/TW tuy đã được triển khai thực hiện, song vẫn còn chậm và hiệu quả chưa cao…
Vì thế, ngày 6/4/2022, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Thông báo Kết luận số 12-KL/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Kết luận 12). Trong đó, những yêu cầu được nêu trong Kết luận 12 là phải khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; cơ chế kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; các quy định và chế tài xử lý đối với tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… Đồng thời, cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt, đi đầu, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác phòng, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; đảng viên phải gương mẫu hơn quần chúng, cán bộ phải gương mẫu hơn nhân viên, cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Đi liền cùng đó là sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Thanh tra, Luật Thực hành dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Luật Tiếp công dân và các dự án luật khác liên quan trực tiếp đến phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực… để tiếp tục đẩy mạnh, tạo chuyển biến rõ rệt hơn nữa trong phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở; để xử lý nghiêm những trường hợp nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Vì thế, trên tinh thần vừa kế thừa kinh nghiệm của Ban Chỉ đạo Trung ương, vừa xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương và nhất là để bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, thống nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương đối với việc thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo cấp tỉnh) không chỉ được xem là “cánh tay nối dài của Trung ương” để sâu sát hơn, kịp thời hơn trong việc giải quyết những vấn đề còn tồn đọng, bức xúc trong dân ở các địa phương mà còn thiết thực làm cho công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực được chỉ đạo, tiến hành thống nhất, liền mạch, chặt chẽ theo hệ thống từ Trung ương đến địa phương.
Việc Trung ương quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh mà Bí thư tỉnh ủy, thành ủy làm Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh theo Quy định 67-QĐ/TW ngày 2/6/2022 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là thể hiện chủ trương đẩy mạnh chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt, không ngừng, không nghỉ; là thể hiện quyết tâm không khoan nhượng, không bao che với các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực; đồng thời, bảo đảm cho công tác phòng, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện thông suốt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương trên tinh thần "trên dưới đồng lòng, dọc ngang sáng suốt” để đạt được hiệu quả cao nhất.
Theo TS. Nguyễn Đình Quyền - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thì chủ trương lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là cần thiết và thực tế đã và đang được triển khai trên cả nước. Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những thiết chế rất đặc thù của hệ thống chính trị Việt Nam. Việc từ Trung ương đến địa phương đều có cơ quan thực thi nhiệm vụ phòng và đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ góp phần làm tốt hơn việc kiểm soát quyền lực chính trị, kiểm soát trách nhiệm công vụ đối với hoạt động phòng, đấu tranh chống tham nhũng của các cơ quan/tổ chức/đơn vị và những người có chức vụ/quyền hạn trong hệ thống chính trị, trong bộ máy Nhà nước, mà còn góp phần kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập về mặt thể chế, chủ trương, đường lối để tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên thực tế.
Thống nhất trong chủ trương và quyết liệt trong xử lý các vụ án tham nhũng, các hành vi tiêu cực là thiết thực phòng, chống, ngăn chặn, đầy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; là để làm trong sạch Đảng, để Đảng xứng đáng với vai trò tiền phong.
Việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là một minh chứng cho thấy, chưa bao giờ công tác phòng và đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực lại được chỉ đạo mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả như hiện nay. Cũng chưa bao giờ, những chủ trương đúng đắn, những chỉ đạo sát sao và những dấu ấn nổi bật trong công tác phòng, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam lại tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội; lại góp phần củng cố và tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân đối với Đảng, Nhà nước như hiện nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét