Thứ Năm, 9 tháng 6, 2022

Sự phát triển và tác động đa chiều của mạng xã hội ở Việt Nam

 Khoản 22 Điều 3 Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng quy định: mạng xã hội là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin, bao gồm: dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các dịch vụ khác. Mạng xã hội có nhiều dạng thức và tính năng khác nhau, song đều ứng dụng nền tảng Internet, nội dung do người dùng tự sáng tạo, chia sẻ.

 Mạng xã hội bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ đầu những năm 2000 và phát triển với tốc độ nhanh chóng, dần trở thành nhu cầu thiết yếu của xã hội. Hiện nay, không chỉ những người trẻ tuổi, có trình độ công nghệ thông tin mới sử dụng mạng xã hội như một công cụ làm việc, kết nối liên lạc, giải trí, cập nhật tin tức, quảng cáo, bán hàng online… mà ngay cả người già, thậm chí trẻ em cũng vào mạng xã hội để tìm kiếm thông tin, kết nối bạn bè và giải trí. Sự phổ biến nhanh chóng của mạng xã hội đưa đến cả tác động tích cực và tiêu cực, bên cạnh những lợi ích không nhỏ là những hệ lụy khôn lường nếu không biết cách sử dụng, quản lý. Điều này đặt ra vấn đề cấp thiết trong công tác quản trị, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, khi các thế lực thù địch ra sức lợi dụng mạng xã hội để thực hiện nhiều chiêu trò và phương thức tinh vi, nguy hiểm nhằm chống phá cách mạng Việt Nam.

 Trên thực tế, một số người thiếu ý thức và trách nhiệm với cộng đồng đã sử dụng mạng xã hội để đưa thông tin sai sự thật, lôi kéo những người dân nhẹ dạ cả tin, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến ổn định xã hội. Một số trang mạng sử dụng các chiêu trò xuyên tạc, thổi phồng sự việc, bóp méo bản chất vấn đề, kích thích trí tò mò của công chúng, gây chia rẽ nội bộ, hoài nghi trong dư luận. Một số tổ chức, cá nhân đưa thông tin sai lệch, lợi dụng các tiện ích của mạng xã hội để thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng, từ đó định hướng dư luận, thậm chí truyền bá lối sống ích kỷ, bạo lực, lừa đảo trên mạng, khiến một bộ phận thanh niên lệch chuẩn trong lối sống. Nếu trước kia, người dân tôn vinh những anh hùng dân tộc, anh hùng trong lao động sản xuất, chiến đấu hoặc là các danh nhân văn hóa… thì hiện nay một số người trẻ tuổi lại mất phương hướng, thần tượng những người vi phạm pháp luật, với những hành vi sai trái, lệch chuẩn trên mạng xã hội. Một tội phạm như Ngô Bá Khá (Khá Bảnh) khi ra hầu tòa lại được chào đón như một “người hùng”, là “thần tượng” của một bộ phận giới trẻ với những phát ngôn lệch lạc, kiếm tiền bằng các hành vi vi phạm pháp luật, sử dụng bạo lực để thể hiện sức mạnh... Sự hâm mộ cuồng nhiệt của một số bạn trẻ được thể hiện qua những con số khó tin: kênh Youtube của Ngô Bá Khá có tới hàng triệu người theo dõi. Mới đây, thêm một “hiện tượng mạng xã hội” nữa vướng vòng lao lý, khi Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên án vụ chứa chấp sử dụng ma túy, tàng trữ trái phép chất ma túy, không tố giác tội phạm liên quan đến Trần Ngọc Phúc (Phúc XO) và 12 đồng phạm. Phúc XO cũng là một “thần tượng” của giới trẻ khi thể hiện sự giàu có, lối sống xa hoa trên mạng xã hội và nhận được sự ngưỡng mộ của nhiều người. Đó là những biểu hiện đáng lo ngại của sự lệch lạc về nhận thức của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Rõ ràng, giới trẻ chịu tác động không nhỏ từ những thông tin trên mạng xã hội và rất dễ bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông, thiếu định hướng. Nói rộng hơn, sự lệch chuẩn thần tượng có thể dẫn đến những hành động cổ súy cho tư duy cực đoan, định hướng sai lầm trong phát triển nhân cách, gây ra những nguy hại khó lường, bắt nguồn từ chính mạng xã hội.

 

Trên không gian ảo, người dùng có thể ẩn danh và dễ dàng thể hiện bản thân, đây cũng là môi trường tồn tại nhiều thông tin giả mạo, sai sự thật, thiếu trách nhiệm, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân, xâm phạm quyền, lợi hợp pháp của các tổ chức. Tình trạng nhiễu loạn thông tin, tung tin đồn thất thiệt, giật gân nhằm thu hút sự chú ý trên mạng xã hội ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng. Mạng xã hội đang trở thành công cụ để các đối tượng phạm tội hình sự, kinh tế, ma túy lợi dụng tạo tài khoản ảo, kết bạn, làm quen sau đó lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đánh cắp mật khẩu, chiếm giữ quyền kiểm soát tài khoản trái phép nhằm trục lợi. Không ít người bị dẫn dắt bởi các thông tin độc hại trên mạng xã hội, tin theo những luận điệu của chúng và bị mua chuộc, trở thành công cụ phục vụ cho mưu đồ của các thế lực phản động. Chúng thiết lập và sử dụng các trang mạng xã hội nhằm tuyên truyền phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, bôi nhọ chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta. Chúng đăng tải những bài viết xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, khiến một bộ phận người dân hoang mang, dao động, mất niềm tin vào chế độ. Nhiều trang mạng xã hội đã lợi dụng những sai sót của một số cán bộ, đảng viên trong quản lý kinh tế để kích động dư luận, hình thành tư tưởng chống đối, kêu gọi biểu tình chống chế độ, làm xuất hiện các điểm nóng chính trị - xã hội. Một số trang mạng đã đăng tải thông tin không đúng sự thật, kích động người dân bạo loạn, cung cấp các tài liệu sai lệch, tạo diễn đàn xuyên tạc, nói xấu chính quyền.

 Với mưu đồ đen tối, các thế lực thù địch tìm cách chống phá bằng mọi thủ đoạn, vừa công khai, vừa bí mật, kết hợp bên trong và bên ngoài hòng làm thay đổi quan điểm, lập trường chính trị của Đảng, làm cho Đảng ta suy yếu về tư tưởng và tổ chức, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Nhiều nội dung của tư tưởng đa nguyên, xóa bỏ độc quyền lãnh đạo được ráo riết tuyên truyền dưới nhiều hình thức nhằm xâm nhập vào xã hội và nội bộ Đảng ta. Một số đối tượng cơ hội chính trị, mặc dù đang hưởng thụ những thành quả cách mạng nhưng lại mưu cầu lợi ích cá nhân, tiếp nhận, tán phát tài liệu có nội dung xấu, viết bài bôi nhọ chế độ, chống phá Nhà nước Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét