Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2022

Về quan điểm sai trái, thù địch cho rằng chủ nghĩa Mác - Lê-nin du nhập vào Việt Nam là sai lầm lịch sử

 

Về quan điểm sai trái, thù địch cho rằng chủ nghĩa Mác - Lê-nin du nhập vào Việt Nam là sai lầm lịch sử

Để chống phá chủ nghĩa Mác - Lê-nin, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị tung ra rất nhiều quan điểm, luận điệu khác nhau, bằng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau. Có quan điểm cho rằng chủ nghĩa Mác - Lê-nin không phải là sản phẩm của Việt Nam, nó là “ngoại lai”, “ngoại nhập” từ phương Tây, không phù hợp với Việt Nam là một xã hội phương Đông, kinh tế lạc hậu; thậm chí có ý kiến nói “du nhập chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Việt Nam là một sai lầm lịch sử”, do đó “cần phải từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lê-nin”.

Đây là quan điểm sai lầm, cố tình hạ thấp, phủ nhận Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, vì không hiểu được sức mạnh của sự trừu tượng hóa, khái quát hóa của lý luận Mác - Lê-nin. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin là lý luận khoa học nên cũng giống như các khoa học khác (kể cả khoa học tự nhiên) có giá trị phổ quát, vượt biên giới quốc gia - dân tộc, còn khi áp dụng nó đương nhiên phải chú ý đến điều kiện lịch sử cụ thể của từng quốc gia - dân tộc để tránh giáo điều, máy móc. Mặc dù chủ nghĩa Mác có nguồn gốc lý luận trực tiếp từ các nước phương Tây, như Đức (về triết học), Anh (về kinh tế chính trị), Pháp (về lý luận chủ nghĩa xã hội), nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng “không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được”, không thể cấm bổ sung chủ nghĩa Mác bằng dân tộc học phương Đông. Nhưng khi nói vậy, Người vẫn khẳng định “chủ nghĩa Mác sẽ còn đúng cả ở đó”- tức ở phương Đông. Những quy luật của chủ nghĩa Mác vạch ra không chỉ đúng với các nước phát triển mà còn đúng cả với các nước kém phát triển. Vì, về mặt phương pháp luận như C.  Mác đã từng chỉ ra, trong cái phát triển cao chứa đựng cái phát triển ở trình độ thấp hơn dưới dạng lọc bỏ.

Mặt khác, nếu thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý thì những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam từ khi chủ nghĩa Mác  - Lê-nin được truyền bá vào Việt Nam - một nước vốn là thuộc địa nửa phong kiến, lạc hậu, kém phát triển nhưng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng sáng tạo, đưa đến thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thắng lợi của kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, tiến hành đổi mới mạnh mẽ, toàn diện đất nước.

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam có nhiều đổi mới về tư duy lý luận, đã nhận thức lại chủ nghĩa Mác - Lê-nin theo tinh thần khẳng định sức sống, giá trị bền vững của những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đồng thời loại bỏ những nhận thức không đúng, ấu trĩ, giáo điều về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, về chủ nghĩa xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin cho phù hợp với điều kiện lịch sử mới trên một loạt vấn đề, như mục tiêu, đặc trưng và phương hướng cơ bản của xây dựng chủ nghĩa xã hội, vấn đề phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân,... đó là những vấn đề không có sẵn trong di sản kinh điển mác-xít. Không có sự vận dụng, phát triển sáng tạo đó thì không có được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà nhân dân Việt Nam đạt được trong 35 năm đổi mới toàn diện đất nước./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét