Thứ Ba, 5 tháng 7, 2022

BẢO VỆ TỔ QUỐC TỪ SỚM, TỪ XA; GIỮ NƯỚC TỪ KHI CHƯA LÂM NGUY

 

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, ông cha ta luôn đề ra kế sách “sâu rễ, bền gốc” giữ yên bờ cõi, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc. Kinh nghiệm lấy dân làm gốc, giữ nước từ khi nước chưa nguy, chiến tranh nhân dân trở thành nghệ thuật, chiến lược xuyên suốt lịch sử cách mạng dân tộc. Kế thừa tư tưởng này, Đảng ta tiếp tục có sự phát triển về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Quán triệt sâu sắc vấn đề bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa vào nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, môi trường hòa bình, ổn định để phát triển nhanh, bền vững là nội dung đặc biệt hệ trọng, mang tính cấp bách và chiến lược lâu dài. Bài viết tập trung làm rõ một số vấn đề lý luận – thực tiễn về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước khi nước chưa nguy.
1. Một số vấn đề mang tính lý luận về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy
Dựng nước đi đôi với giữ nước là kết tinh kinh nghiệm quý báu lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta. Nói về giữ nước từ sớm, từ xa, Trần Quang Khải (1241 – 1294) nhà chính trị, quân sự thời Trần đã từng nói: “Thái bình tu trí lực. Vạn cổ thử giang san” (Thái bình nên tu dưỡng trí lực, vận lực. Đất nước vững nghìn thu). Hay Vua Lê Thái Tổ (1385 – 1433) căn dặn con cháu, muôn dân trăm họ: “Biên phòng hảo vị trù phương lược. Xã tắc ung tu kế cửu an” (Biên phòng cần có phương án, chiến lược tốt. Đất nước phải có kế lâu dài), “Lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy”. Cùng với đó, tổ tiên ta đã thực hiện nhiều chính sách làm cho “quốc phú, binh cường”, khi đất nước thanh bình thì khuyến khích nhân dân tích cực tham gia lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, chuẩn bị tốt các điều kiện, có lực lượng đánh giặc, bảo vệ đất nước khi lâm nguy, coi trọng nuôi dưỡng lòng dân, “lấy dân làm gốc”. Cũng chính vì vậy, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn từng nói: “Thời bình, phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước…”. Tư tưởng, triết lý, kinh nghiệm quý báu của cha ông kết tinh từ lịch sử được kế thừa, vận dụng trong tiến hành chiến tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo nên giá trị văn hóa, nghệ thuật dựng nước, giữ nước Việt Nam. Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là mối quan hệ gắn bó “máu thịt”, phát triển đất nước về mọi mặt không tách rời với nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc.
Các nhà kinh điển mácxít, đặc biệt là V.I. Lênin đã đặt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc phải đi đôi với nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngay sau khi Cách mạng tháng Mười thắng lợi, Người yêu cầu: “Một khi chúng ta bắt tay vào công cuộc hòa bình kiến thiết thì chúng ta phải đem hết sức mình để tiến hành công cuộc đó không ngừng. Đồng thời, hãy chăm lo đến khả năng quốc phòng của chúng ta như chăm lo con ngươi của mắt mình”[1]. Người nhấn mạnh, giành được chính quyền đã khó, giữ được chính quyền càng khó hơn, giai cấp bóc lột, các lực lượng thù địch với giai cấp công nhân không bao giờ tự nguyện rút khỏi vũ đài lịch sử; ngược lại, chúng tìm mọi cách, điên cuồng phản kích để khôi phục lại “thiên đường” đã mất. Đúng như V.I. Lênin đã kết luận: “Không có và không thể có cách mạng mà lại không có phản cách mạng”[2]. Vì vậy, lãnh đạo cuộc đấu tranh trấn áp các hoạt động chống phá của các thế lực phản cách mạng, bảo vệ thành quả của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của đảng cộng sản cầm quyền. Hàm ý của Người là hết sức tranh thủ thời gian hòa bình, tận dụng mọi điều kiện thuận lợi, ra sức xây dựng các tiềm lực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, tinh thần, khoa học – kỹ thuật, tiềm lực quân sự…chuẩn bị để đất nước sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc.
Trong thời đại Hồ Chí Minh, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy tiếp tục được kế thừa và phát triển lên một tầm cao mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi” và căn dặn toàn dân, toàn quân ta: “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”; “Bất kỳ hòa bình hoặc chiến tranh, ta cũng phải nắm vững, chủ động, phải thấy trước, chuẩn bị trước”. Tư tưởng này được vận dụng góp phần làm nên cách mạng giải phóng dân tộc, đất nước ta giành được những thắng lợi to lớn, dân tộc được độc lập, nhân dân tự do, có cuộc sống hòa bình, ấm no, tự do, hạnh phúc; là nguồn cảm hứng thôi thúc, cổ vũ phong trào giải phóng các dân tộc bị áp bức, bóc lột trên toàn thế giới.
Trong thời kỳ đổi mới, kế thừa bài học kinh nghiệm quý báu lịch sử dân tộc, thấm nhuần chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn vận dụng sáng tạo, linh hoạt vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không để bị động, bất ngờ. Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX, XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị về quốc phòng, an ninh đã xác định những vấn đề cơ bản về bảo vệ Tổ quốc. Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục phát triển, hoàn thiện đường lối về bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa, từ khi “nước chưa nguy”, trở thành tư tưởng chỉ đạo, phương châm hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đẩy mạnh công cuộc đối mới đưa đất nước vào giai đoạn phát triển mới: “Chủ động ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa”, “có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến”[3]; “Thực hiện dĩ bất biến, ứng vạn biến, trong đó lợi ích quốc gia – dân tộc là bất biến, kiên định mục tiêu, nguyên tắc chiến lược, vận dụng sách lược mềm dẻo, linh hoạt;… giữ trong ấm, ngoài êm, giữ nước “từ sớm, từ xa”, từ khi nước chưa nguy”. Thực tế công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước ta đã thực hiện phương châm trên. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên, tư duy, lý luận về bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” được Đảng ta hoàn thiện, phát triển mới, chính thức đưa vào văn kiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc.
Về bản chất bảo vệ Tổ quốc: là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nội hàm bảo vệ Tổ quốc không chỉ có bảo vệ sự tấn công từ bên ngoài biên giới quốc gia lãnh thổ, mà còn giữ ổn định bên trong; không chỉ bảo vệ khi có kẻ thù xâm lược, mà phải tổ chức phòng thủ, phòng ngừa từ trước, chủ động về mọi mặt ngay từ trong thời bình; ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh từ bên ngoài; xử lý, giải quyết các vấn đề bên trong với phương châm “trong ấm, ngoài êm”, “giữ vừng bên trong là chính” với hàm ý giữ vững chính trị ổn định, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển, quốc phòng, an ninh giữ vững, đối ngoại không ngừng được mở rộng xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Về bảo vệ Tổ quốc từ “sớm”: “Sớm” là trước thời điểm quy định, rất lâu trước đó (về thời gian). Bảo vệ Tổ quốc từ “sớm” là sớm về tư duy, nhận thức, sớm có quan điểm chỉ đạo, phương châm hành động, sớm trong nhận diện nguy cơ uy hiếp, sớm có phương án, lực lượng, phương tiện bảo vệ. Quá trình xây dựng, củng cố, phát triển cũng là quá trình triển khai các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ, tự bảo vệ từ trước. Nói “bảo vệ Tổ quốc từ sớm” có nghĩa là phải có chiến lược bảo vệ, tự bảo vệ bên trong, từ bên trong; ngăn ngừa, triệt tiêu các nhân tố xâm lược, phá hoại, mất ổn định bên trong lẫn bên ngoài.
Về bảo vệ Tổ quốc từ “xa”: là bao hàm về không gian và cả thời gian, chủ động, cảnh giác, sớm phát hiện, triệt tiêu các nhân tố bất lợi từ xa về không gian địa lý, ngay trong lòng địch; xa về thời gian, phát hiện, triệt tiêu ngay từ nguyên nhân, điều kiện hình thành nguy cơ đe dọa, uy hiếp. Chủ động phân tích, dự báo, đấu tranh, làm thất bại từ bên ngoài, từ bên trong mọi âm mưu, hành động xâm phạm độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia – dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa có mối quan hệ chặt chẽ, không tách rời, chuyển hóa lẫn nhau. Bảo vệ Tổ quốc từ sớm là điều kiện, tiền đề để bảo vệ Tổ quốc từ xa; bảo vệ Tổ quốc từ xa là để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, bảo đảm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Về nội dung bảo vệ Tổ quốc: Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Nội dung bảo vệ Tổ quốc bao hàm:
(1) Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
(2) Bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.
(3) Bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
(4) Bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. (5) Bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa.
(6) Giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Về lực lượng bảo vệ Tổ quốc: Bảo vệ Tổ quốc không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng của cả hệ thống chính trị, của mỗi người dân. Nghị quyết 28-NQ/TW xác định: “Đảng lãnh đạo trực tiếp, tuyết đối về mọi mặt đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc”. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân…”. Theo đó, Đảng lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; Nhà nước thống nhất quản lý, củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, nòng cốt là lực lượng vũ trang nhân dân; nhân dân làm chủ, phát huy sức mạnh tổng họp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới. Lực lượng vũ trang làm nòng cốt, được xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Như vậy, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy đã được nâng lên một tầm tư duy mới, không chỉ giới hạn ở bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Bảo vệ Tổ quốc từ xa, từ sớm, từ khi nước chưa nguy để bảo đảm có kế sách, chuẩn bị tốt các điều kiện bảo vệ đất nước ngay trong thời bình, khi chưa xảy ra chiến tranh; chủ động các phương án, lực lượng để bảo vệ Tổ quốc ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột, hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; chủ động, ứng phó kịp thời, hiệu quả, đảm bảo giành thắng lợi trong trong mọi tình huống; đồng thời đảm bảo ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, giữ vững quốc phòng, an ninh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
vubao29-st

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét