Thứ Năm, 28 tháng 7, 2022

CÓ PHẢI CHỈ VÌ TIỀN?


Trong những tháng ngày qua, dân ta bàn tán nhiều chuyện có liên quan đến giáo dục – bao gồm các nhà quản lý ngành giáo dục; các nhà soạn sách giáo khoa; tình trạng đạo đức xuống cấp của một số nhà giáo; chất lượng dạy và học của học sinh và nhà trường; thái độ của một số phụ huynh với nhà trường, với thầy cô và trách nhiệm bản thân.
Nhiều vấn đề quá nhỉ? Trong phạm vi một bài viết, làm sao tải cho hết những vấn đề trên. Tóm lại một câu – nền giáo dục của nước nhà đang có vấn đề, tuy chưa là phổ biến nhưng là mầm mống làm ảnh hưởng không tốt đến xã hội.
Về các nhà quản lý giáo dục – phải chăng người ta đang lợi dụng cơ chế kinh tế thị trường mà làm suy yếu, thậm chí là biến mất phần “định hướng XHCN”? Tôi xin nêu một câu hỏi, cũng là một vấn đề mà nhiều người muốn được giải thích. Rằng, có nước nào nghèo như nước ta trong hai cuộc chiến tranh? Ấy thế mà, miền bắc vào thời kỳ đó, các cháu từ tuổi nhà trẻ đến tuổi vào trường đại học, các bậc phụ huynh đều không phải đóng học phí. Hiện tại ở nước Cộng hòa Cuba cũng thế. Vậy đó có phải là XHCN, và tại sao khi đó chúng ta làm được mà ngày nay giàu có hơn lại không làm được thế? Và khi nào nước Việt Nam XHCN lại làm được như ngày xưa?
Và đã gọi là trường công lập, tức là mọi khoản đầu tư của loại trường này, kể cả lương giáo viên, đều được cung cấp từ ngân sách quốc gia. Nếu học sinh phải đóng học phí, thì có gì khác với các trường tư thục? Già đầu như tôi mà chỉ một vấn đề như thế mà không hiểu đó. Ai hiểu xin có đôi lời chỉ bảo!
Vấn đề thứ hai, là sách giáo khoa. Có lẽ trong vấn đề này người ta chỉ nhấn mạnh một mặt của chủ trương “xã hội hóa”. Tức là, thay vì chỉ có một cơ quan soạn sách như trước đây thì bây giờ mở rộng cho nhiều người tham gia. Theo tôi hiểu, trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục là kiểm tra coi chủ trương “xã hội hóa” có đem lại chất lượng (nội dung) sách tốt hơn, giá thành có thấp hơn trước không? Qua dư luận, hình như hai tiêu chí này chưa đạt được. Vậy trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý giáo dục là đúng rồi. Thanh minh làm gì để người ta cười cho!
Vấn đề thứ ba, đạo đức các nhà giáo, thì vẫn cần nói rằng, đại đa số các nhà giáo rất mô phạm, tuy nhiên không tránh khỏi việc một số nhà giáo rất coi trọng đồng tiền. Phụ huynh nào đóng góp nhiều tiền thì em học sinh đó được thầy cô ưu tiên nhiều thứ. Nhiều lắm, song đều là chuyện vặt, không nên nói nhiều làm ảnh hưởng đến tư cách nhà giáo.
Đã có ý kiến nên bỏ câu “Tiên học lễ hậu học văn đi”, theo tôi như vậy là không phù hợp với truyền thống và văn hóa của dân tộc Việt Nam. Những người lớn tuổi đã từng được dạy rằng, “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Chính vì nhiều trường không coi trọng điều này nên chẳng những đạo đức học sinh xuống cấp mà ngay đạo đức của giáo viên cũng xuống cấp. Quan hệ thầy trò, đôi khi thể hiện “dân chủ quá trớn” và “cá mè một lứa”. Thậm chí, có những trò còn coi thường thầy cô vì cha mẹ chúng đã dùng tiền để “xử lý” mối quan hệ trong trường rồi. Trách ai bây giờ đây?
Câu khẩu hiệu: “Tất cả vì học sinh thân yêu!”, có lẽ cũng đang có sự phân hóa, yêu đứa nào và không yêu đứa nào có lẽ cũng có tiêu chí để phân loại, tuy chẳng có văn bản nào hướng dẫn, song chúng ta cũng có thể hiểu. Có khi nào cái sự yêu ghét cũng lại dựa trên đồng tiền?
Muốn cho nền giáo dục của nước nhà phát triển lành mạnh, có khi phải tiến hành giáo dục lại cơ quan làm giáo dục, đó là việc “cần làm ngay và làm trước hết”. Đừng để đồng tiền chi phối tất cả - từ nhà trường tới thầy cô, tới phụ huynh và học sinh. Tôi nói vậy, chắc sẽ có rất nhiều người không thích, thậm chí phản đối nữa. Song đó là suy nghĩ của riêng tôi./.
Hình trong bài: Học sinh giao tiếp với thầy cô.
ST
Có thể là hình ảnh về 5 người, mọi người đang ngồi, mọi người đang đứng và trong nhà
16
3 bình luận
2 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét