Lợi dụng khuynh hướng “giải thiêng” trong sáng tác văn học-nghệ thuật, một số thành phần cực đoan, bất mãn, có tư tưởng chống đối Đảng, Nhà nước đã tạo cớ xuyên tạc lịch sử, xúc phạm các anh hùng liệt sĩ và những người có công với đất nước. Đáng tiếc, vì thiếu hiểu biết, non kém bản lĩnh, một số người đã bám theo những quan điểm sai trái đó, lên mạng xã hội phát ngôn nhằm câu view, câu like... với thái độ cợt nhả, gây tổn hại đến niềm tôn kính thiêng liêng của đồng bào, chiến sĩ. Để góp phần vun đắp truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, chúng ta cần lên án, tẩy chay những hành vi sai trái, phản cảm, phản văn hóa đó...
Lấy cớ “giải thiêng”, xúc phạm các anh hùng liệt sĩ
Năm nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kỷ niệm 75 năm Ngày
Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947 / 27-7-2022). Đây là ngày lễ có ý nghĩa thiêng
liêng, là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và kiều bào yêu nước bày tỏ
lòng thành kính tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ, thương binh, người có công
với đất nước, thể hiện sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Hướng về ngày lễ
quan trọng này, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Bộ Lao động-Thương
binh và Xã hội đã ban hành Kế hoạch số 1766/KH-LĐTBXH ngày 31-5-2022 về việc tổ
chức các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ.
Theo đó, các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị và toàn dân
cùng tham gia tổ chức thực hiện đồng bộ chính sách, pháp luật về ưu đãi người
có công với cách mạng, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh
hùng cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ
trẻ. Đẩy mạnh Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” huy động nguồn lực trong xã hội góp
phần thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật
của Nhà nước về công tác ưu đãi người có công với cách mạng. Các hoạt động kỷ
niệm được tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực
tế; phân công rõ trách nhiệm các cơ quan, đơn vị...
Tuy nhiên, bên cạnh dòng chủ lưu, tích cực của toàn Đảng, toàn
dân, toàn quân ta, trên không gian mạng tiếp tục xuất hiện nhiều hình thức,
chiêu trò xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ ý nghĩa thiêng liêng của Ngày Thương
binh-Liệt sĩ với thái độ bỡn cợt, phản cảm. Đơn cử, trên một số tài khoản mạng
xã hội và một số phương tiện truyền thông phát tiếng Việt ở hải ngoại có tư
tưởng thù địch với Việt Nam tiếp tục chia sẻ, bình luận về những nội dung liên
quan đến đoạn clip ghi lại cảnh một số văn sĩ, trí thức có lời nói bỡn cợt, xúc
phạm nữ anh hùng Võ Thị Sáu. Họ cho rằng, đây là những chi tiết, thông tin
“đáng quan tâm” cho giới sáng tác theo khuynh hướng “giải thiêng”. Thực chất,
đoạn clip này đã xuất hiện trên không gian mạng khoảng 4-5 năm trước.
Ngay thời điểm đó, hành vi xúc phạm nữ anh hùng Võ Thị Sáu của
nhóm văn sĩ, trí thức này đã bị dư luận xã hội lên án gay gắt. Cùng với việc
tẩy chay, lên án những hành vi thiếu ý thức, phản cảm nêu trên, nhiều người
dùng mạng xã hội đã tâm huyết nghiên cứu, sưu tầm, bổ sung những hình ảnh, tư
liệu quý về sự hy sinh dũng cảm, can trường của người con gái vùng đất đỏ.
Những bằng chứng, nhân chứng lịch sử xác thực đã giúp công chúng nhận rõ hơn âm
mưu xuyên tạc lịch sử của các thành phần bất mãn, phủ nhận công lao to lớn của
các anh hùng liệt sĩ đối với sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc. Những
người cầm bút chân chính đã lên tiếng phản bác luận điệu xuyên tạc, đòi “giải
thiêng” nhân vật lịch sử của các thành phần bất mãn, cực đoan, chống đối. Tuy
nhiên, vào dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, những sản phẩm truyền
thông độc hại dạng này lại được các thế lực thù địch tiếp tục đào bới, khai
thác.
Đằng sau cái gọi là “giải thiêng”
“Giải thiêng”, hiểu một cách khái quát thì đó là sự xóa bỏ tính
chất thiêng liêng của đối tượng, làm cho hình tượng ấy mất đi tính chất huyền
thoại, thiêng liêng, trang nghiêm; mất đi giá trị thần tượng, khiến dư luận
không còn sùng bái, ngưỡng mộ đối tượng đó nữa.
Trong văn học-nghệ
thuật, “giải thiêng” được xem là một khuynh hướng sáng tác thời kỳ hậu hiện
đại. Không ít nhân vật nổi tiếng trong lịch sử đã bị một bộ phận tác giả trong
giới sáng tác “giải thiêng”. Khuynh hướng sáng tác này đến nay vẫn đang tạo dư
luận đa chiều trong giới phê bình và công chúng. Sự thành công hay thất bại của
một khuynh hướng sáng tạo phụ thuộc vào nhu cầu, thái độ đón nhận của công
chúng và sức sống của nó trong sự bào mòn của thời gian. Tuy nhiên, cho dù theo
khuynh hướng nào thì đặc trưng của tác phẩm văn học-nghệ thuật vẫn là hư cấu.
Lợi dụng tính hư cấu của sáng tác văn học-nghệ thuật để thực hiện “giải thiêng”
các anh hùng liệt sĩ... là âm mưu đen tối, thâm độc của các thế lực thù địch.
Để thực hiện mưu đồ chống phá Đảng, Nhà nước, phá hoại nền tảng
tư tưởng của Đảng, những thế lực thù địch coi việc chĩa mũi nhọn công kích vào
các giá trị thiêng liêng của dân tộc là một phương thức ưu tiên. Lấy cớ “giải
thiêng” để xuyên tạc sự thật lịch sử, hạ bệ thần tượng, xúc phạm anh hùng dân
tộc, lãnh tụ, danh nhân, liệt sĩ... các đối tượng phản động và thế lực thù địch
không từ bất cứ thủ đoạn nào. Để phục vụ ý đồ “giải thiêng”, họ lòe bịp dư luận
bằng kiểu lập ngôn võ đoán, rằng để hiểu rõ mặt trái của các nhân vật, sự kiện
trong thời kỳ chiến tranh thì cần phải khai thác thông tin đa chiều, nhất là từ
những nhân chứng bên kia chiến tuyến. Rằng, giới trẻ hiện nay không nên tin
theo kiểu tuyên truyền “tô vẽ”, “thần tượng hóa” anh hùng của Cộng sản Việt
Nam? Từ đó, họ kêu gọi khoa học lịch sử phải độc lập với chính trị, giới nghiên
cứu lịch sử phải có tư duy độc lập, bất tuân sự lãnh đạo của Đảng, kêu gọi tự
do sáng tác, tự do “giải thiêng”...
Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7) có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng,
cao quý đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Là một dân tộc “rũ bùn đứng
dậy sáng lòa”, mỗi người dân Việt Nam đều mang trong mình niềm tự hào to lớn,
thấu hiểu sâu sắc cái giá của hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc đã phải trả
bằng máu xương của các thế hệ ông cha. Lòng yêu nước của nhân dân ta được hun
đúc từ chính đạo lý ngàn đời của dân tộc. Chính vì vậy, xương máu của ông cha
không phải và không thể là thứ để cho các thế lực thù địch lấy cớ “giải thiêng”
xúc phạm, hạ bệ, nhằm mục tiêu chống phá đất nước. Nhận thức rõ đằng sau cái
gọi là “giải thiêng”, hiểu rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn nham hiểm của các thế
lực thù địch để có thái độ đấu tranh, lên án, chấn chỉnh những suy nghĩ, hành
vi lệch lạc trong đời sống xã hội là trách nhiệm, bổn phận của mỗi cán bộ, đảng
viên và công dân yêu nước. Đó cũng là một thái độ tri ân với tinh thần lấy xây
để chống!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét