Ông bước ra phía sau những hàng mộ trắng. Đồng đội qua bao dặm đường trường chinh để rồi cùng về đây tập hợp. Không khẩu lệnh mà tất cả đều xếp hàng ngay ngắn, thẳng tắp. Tất cả đều lặng im, chỉ một mình ông điểm danh gọi tên từng người.

Nghĩa tình đồng đội chẳng mờ phai
Ảnh minh họa: Báo QĐND 

Mùa xuân năm ấy, khi chiến trường rực lửa, những chiến sĩ trẻ quân phục xanh tươi, thơm mùi hồ mới, hăng hái lên đường. Sức trẻ hừng hực, hào khí ngút trời. Những chàng trai nơi miền quê nghèo đồng tâm quyết chí "Ra đi giữ trọn lời thề/ Đánh tan giặc Mỹ mới về quê hương". Các anh có chung ngày nhập ngũ nhưng ngày trở về chẳng thể hẹn cùng nhau. Những tờ giấy báo tử, những kỷ vật chiến trường cứ lặng lẽ gửi về hậu phương.

Ông trở về sau cùng. Còn đâu không khí rộn ràng buổi đầu tòng quân. Ông một mình lặng bước về căn nhà cũ. Người thân không còn, chỉ có bà con làng xóm đến thăm. Cứ vậy ông lủi thủi một mình, dằn lòng không muốn kết duyên với ai sợ người ta khổ vì mình thương tật, mang nỗi đau da cam ứa máu.

Ông sống với những hoài niệm, quá khứ. Khi buồn lòng, ông lên với những đồng đội đã hy sinh để tâm tình chuyện trò. Thế rồi ông báo cáo địa phương để được trông nom những mộ phần trong nghĩa trang liệt sĩ quê nhà. Tự tay ông dâng hương, dâng hoa, thắp nến nguyện cầu. Có những chiều ông ngồi hát bên hàng mộ trắng như ngày đồng đội chung một chiến hào. Tất cả chìm trong thương nhớ vấn vương!

Tiếng hát trầm đục của ông như lời ru vọng mãi đất trời: “Về đây! Các anh ơi hãy về đây! Về nghe mẹ ru, về nghe em hát. Về thăm cánh đồng trĩu nặng. Về thăm lũy tre làng quê hương...”. Bóng tối đã giăng giăng trên rặng phi lao, ông lặng lẽ thắp hương trên từng mộ phần. Gió từ trên ngàn thổi xuống ràn rạt, những đốm đỏ lập lòe như một rừng sao. “Đồng đội hãy yên nghỉ trong lòng đất mẹ. Tôi sẽ canh giấc ngủ cho các anh”. Lời thỉnh cầu của người cựu chiến binh sẽ theo khói hương về cuối chân trời. Trong gió ru, trong lời hát, trong trập trùng ký ức sẽ còn mãi nghĩa tình đồng đội chẳng mờ phai. 

Nguồn: QĐND.