Thứ Hai, 4 tháng 7, 2022

 

NHẬN DIỆN HÀNH VI LỢI DỤNG QUYỀN LỰC



Theo từ điển Tiếng Việt[3] lợi dụng là dựa vào điều kiện thuận lợi nào đó để mưu lợi riêng không chính đáng. Theo đó, lợi dụng quyền lực do chức vụ và vị trí làm việc trong HTCT là hành vi thực hiện công vụ nhưng không hướng tới phục vụ lợi ích công, mà ưu tiên thực hiện mục tiêu riêng. Về bản chất, lợi dụng quyền lực chính trị là hành vi sai trái, phục vụ lợi ích không chính đáng của CBCC. Vì lợi ích của mình, gia đình mình, của nhóm lợi ích, mà CBCC lợi dụng quyền lực chính trị có thể hành động một cách tinh vi, xảo quyệt để đạt tới lợi ích riêng ngoài những lợi ích mà họ được hưởng theo quy định của pháp luật. Khi thực thi quyền lực, CBCC có thể lái các tác động của công vụ theo hướng có lợi cho cá nhân hoặc người thân, quen của mình, không chú ý tìm cách làm lợi cho lợi ích công cộng một cách vô tư. Vì thế, công vụ có thể được điều chỉnh theo hướng tận dụng các cơ hội không có lợi cho lợi ích chung, nhưng có lợi cho cá nhân, gia đình, nhóm của họ mà không vi phạm quy định, chính sách một cách nghiêm trọng như hành vi lộng quyền. Nếu có quyền ra quyết định, thay vì lựa chọn phương án tối ưu cho lợi ích công, CBCC lựa chọn phương án có lợi hơn cho lợi ích của họ và nhóm họ dù cho lợi ích công không đạt mức tối ưu. Khi đi kiểm tra, CBCC lợi dụng quyền lực có thể báo cáo không trung thực để che dấu cho người thân, quen, cánh hẩu với họ hoặc nhấn mạnh các tình tiết sai phạm nhẹ thành nặng để trừng phạt người chống đối mình… Nhìn chung, những kẻ lợi dụng quyền lực thường sử dụng quyền lực trái nguyên tắc liêm chính, vô tư. Một số dấu hiệu nhận diện hành vi lợi dụng quyền lực:

Lợi dụng quyền hạn ban hành chính sách có lợi cho nhóm lợi ích nào đó, làm giảm hiệu quả chung của nền kinh tế hoặc gây ra tình trạng không công bằng. Ví dụ, sử dụng quyền lực và ảnh hưởng trong Quốc hội, Chính phủ ban hành chính sách có lợi cho một số doanh nghiệp, ngành, địa phương không thuộc danh mục được ưu tiên; sử dụng quyền lực gây áp lực để phê chuẩn các quyết định có tính chất cục bộ, địa phương làm tổn hại lợi ích quốc gia…

Nhận lợi ích (tiền bạc, dịch vụ, danh tiếng) vượt quá khung khổ cho phép của pháp luật từ người thụ hưởng dịch vụ công. Nếu lợi ích là tiền bạc thì hành vi lợi dụng quyền lực đó là hành vi nhận hối lộ. Ví dụ, cán bộ Hải quan nhận học bổng cấp cho người thân từ doanh nghiệp mà họ phục vụ bất kể họ có thực hiện sai quy định quản lý hải quan hay không. Bởi vì các doanh nghiệp có thể hối lộ chỉ để cán bộ hải quan thực hiện đúng quy định của pháp luật. Họ sợ nếu không hối lộ, cán bộ hải quan sẽ lợi dụng các sơ hở của pháp luật gây khó dễ cho họ. Thủ trưởng nhận hối lộ để tuyển dụng người quen, người thân. Thủ trưởng nhận hối lộ để bổ nhiệm một người nào đó không có tên trong quy hoạch hoặc có tên trong quy hoạch, nhưng yếu hơn người khác về phẩm chất và năng lực. Người có quyền phê duyệt nhận hối lộ để phê duyệt dự án nhanh hơn. Nếu lợi ích là dịch vụ thì hành vi lợi dụng quyền lực bị che dấu bởi quan hệ mua bán với giá thấp, mua theo danh mục ưu tiên trước, mua độc quyền, mua theo giá thông thường với dịch vụ hậu mãi đặc biệt. Nếu lợi ích là danh tiếng hoặc địa vị thì đó là danh tiếng được áp đặt một cách khiên cưỡng cho CBCC khiến dư luận bất bình…

Thúc đẩy hoặc cản trở người khác làm chậm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm có lợi cho CBCC hoặc người thân, quen. Ví dụ, cán bộ cấp trên tác động vào cấp dưới để điều chỉnh công vụ (bổ nhiệm cán bộ là người thân; phê duyệt dự án của cánh hẩu; miễn giảm thuế, giá tiền thuê…) theo hướng có lợi cho họ; đe dọa cán bộ thanh tra, điều tra, kiểm toán cung cấp thông tin sai lệch; chỉ đạo tạm dừng cuộc kiểm tra, thanh tra; gây áp lực để cán bộ quản lý chi tiêu sai; gây áp lực để chỉ định thầu cho doanh nghiệp sân sau…

Lợi dụng quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà họ có trách nhiệm quản lý (tức tham ô). Có rất nhiều cách thức tham ô. Tham ô che dấu là sử dụng nghiệp vụ quản lý để che dấu các khoản biển thủ công quỹ bằng cách khai khống chi phí, khai khống danh sách được nhận tài sản do mình phụ trách sau đó biến chúng thành tài sản tư; che dấu doanh thu của ngân sách nhà nước để chi tiêu riêng; lập quỹ đen để chi tiêu ngoài sổ sách… Tham ô trắng trợn là câu kết với nhau lập hợp đồng giả, hồ sơ giả để rút tiền công quỹ chia nhau. Ngoài ra, những cán bộ thoái hóa còn tham ô bằng cách rút bớt nguyên, vật liệu, phụ kiện, thời gian, nhân lực dẫn đến hiện tượng cung cấp dịch vụ kém chất lượng. Phần kinh phí dôi ra để chia nhau. Một số cán bộ hải quan, thuế vụ còn có thể câu kết với doanh nghiệp khai khống hồ sơ xuất khẩu hàng hóa để tham ô tiền hoàn thuế giá trị gia tăng của Nhà nước. Công an giao thông tham ô tiền phạt hành chính vi phạm luật giao thông bằng cách cưa đôi tiền phạt với người vi phạm…

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác. CBCC lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác thường áp dụng các thủ đoạn: Cung cấp thông tin sai lệch nhằm uy hiếp tinh thần người có tài sản, qua đó lừa gạt họ; lợi dụng lòng tin, hứa hẹn giúp đỡ hoàn thành thủ tục hành chính; câu kết với cán bộ khác lợi dụng sơ hở của pháp luật và người ủy quyền chuyển tài sản của người ủy quyền cho người khác; lợi dụng quyền hạn gây áp lực xử án có lợi về tài sản cho mình; làm sai lệch hồ sơ để chiếm đoạt tài sản của người khác. 

Lợi dụng và lạm dụng là hai thuật ngữ khác nhau, mặc dù có mục đích chung như vụ lợi, vi phạm nguyên tắc đạo đức của người đại diện cho lợi ích chung. Lợi dụng thể hiện tính vụ lợi cao hơn, đôi khi dẫn đến kết quả lợi ích riêng lấn át lợi ích công. Lạm dụng có mức độ và phạm vi sai trái hẹp hơn. Khi lạm quyền, CBCC thường kèm lợi ích riêng với lợi ích chung, không đến mức lấn át lợi ích công. Lạm quyền đòi hỏi lợi ích công cộng phải được thực hiện nhưng kèm theo đó là lợi ích cá nhân cũng vượt mức đáng được hưởng. Lợi dụng quyền lực được thúc đẩy bằng động cơ thực hiện hành vi sai trái mạnh mẽ hơn lạm dụng quyền lực. Tuy nhiên, trên thực tế, ranh giới giữa hành vi lợi dụng quyền lực với hành vi lạm dụng quyền lực không phải bao giờ cũng được phân biệt một cách rạch ròi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét