TCCS -
Một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống
của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có đảng viên giữ vị trí
lãnh đạo, quản lý mà Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương
Đảng (khóa XI) chỉ rõ là tham nhũng. Phòng, chống tham nhũng là một vấn đề được
Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, tệ tham nhũng vẫn đang là nỗi
bức xúc của xã hội và là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ
ta.
Tham
nhũng không phải là hiện tượng mới xuất hiện. Nó ra đời và gắn liền với sự tồn
tại, phát triển của nhà nước. Tham nhũng thực ra là một căn bệnh cố hữu của nhà
nước. Mỗi khi đội ngũ cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất, quyền lực nhà
nước bị tha hóa thì những kẻ tham nhũng trở thành thế lực thao túng đời
sống xã hội. Cho đến nay, trên toàn thế giới, chưa phát hiện được quốc gia nào
không có tham nhũng. Nghĩa là, nó đang hiện diện ở mọi quốc gia không phân biệt
sắc tộc, văn hóa và chế độ xã hội. Tuy nhiên, tính chất, mức độ, loại hình tham
nhũng ở mỗi quốc gia, mỗi khu vực là rất khác nhau và phụ thuộc vào những điều
kiện kinh tế, văn hóa, xã hội và chế độ chính trị.
Tham
nhũng dù tiếp cận dưới góc độ nào thì vẫn là hành vi bất hợp pháp của người có
trọng trách trong bộ máy công quyền nhằm trục lợi cá nhân. Rõ ràng, chủ thể
tham nhũng phải là người có chức, có quyền, có vị thế trong hệ thống quyền lực
công; mục đích tham nhũng là nhằm mang lại lợi ích cho bản thân; hành vi tham
nhũng là lợi dụng vị thế, quyền lực của mình để nhận hối lộ, đưa hối lộ, tham
ô, chiếm đoạt hay sử dụng trái phép tài sản chung, gây ảnh hưởng, tạo áp lực,
nhũng nhiễu, cửa quyền, bao che, cản trở, can thiệp...
Với
mục đích và hành vi như thế, tham nhũng gây ra những hậu quả hết sức nghiêm
trọng cho mọi quốc gia không chỉ về kinh tế, đạo đức mà còn cả về chính trị, xã
hội, an ninh; nhất là những nước nghèo. Vì vậy, nhiều quốc gia coi tham nhũng
là một loại tội phạm nguy hiểm, một quốc nạn trực tiếp tàn phá sự phát triển kinh
tế, văn hóa, xã hội, gây mất ổn định xã hội, đe dọa sự tồn vong của chế độ.
Ở Việt
Nam, ngay từ những ngày đầu xây dựng chế độ mới, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh
đã quan tâm nhiều tới công tác phòng, chống tham nhũng và lãng phí. Vì vậy,
trong nhiều thập niên, tệ tham nhũng chưa trở thành mối lo của xã hội ta. Tuy
nhiên, thời gian gần đây, tham nhũng đang trở thành nỗi bức xúc của toàn xã
hội. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, các diễn đàn của Quốc hội, tại
các kỳ đại hội Đảng các cấp, nhiều người đã chỉ rõ sự phổ biến của tệ tham
nhũng và phê phán gay gắt tệ tham nhũng, gọi tham nhũng là quốc nạn.
Nhận thức đúng những nguy cơ
dẫn đến làm mất niềm tin của nhân dân, bất ổn định xã hội và đe dọa sự tồn vong
của chế độ xã hội chủ nghĩa, kịp thời phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhân dân,
Đại hội IX (tháng 4-2001) của Đảng vạch rõ: “Hiện nay, cán bộ, đảng viên và
nhân dân ta hết sức quan tâm đến cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Nạn tham
nhũng diễn ra nghiêm trọng, kéo dài gây bất bình trong nhân dân và là một nguy
cơ đe dọa sự sống còn của chế độ ta. Phải tăng cường về tổ chức và cơ chế, tiếp
tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong bộ máy nhà nước và toàn bộ
hệ thống chính trị, ở các cấp, các ngành, từ trung ương đến cơ sở... Xử lý
nghiêm minh theo pháp luật và Điều lệ Đảng những cán bộ, đảng viên, công chức ở
bất cứ cấp nào, lĩnh vực nào lợi dụng chức quyền để tham nhũng”, và “Nghiêm trị
những kẻ tham nhũng, vô trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; người lãnh đạo cơ
quan để xảy ra tham nhũng cũng phải bị xử lý về trách nhiệm. Bảo vệ những người
kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng; khen thưởng người phát hiện đúng những
vụ tham nhũng”(1).
Triển khai những tư tưởng quan
trọng của Đại hội IX của Đảng về chống tham nhũng, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa
XI đã thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng vào ngày 29-11-2005, được Chủ tịch
nước ký Lệnh và có hiệu lực từ ngày 1-6-2006. Luật Phòng, chống tham nhũng gồm
8 chương với 92 điều(2). Đây là bộ luật khá toàn diện, đầy đủ các khía cạnh pháp luật
xung quanh vấn đề phòng, chống tham nhũng ở nước ta; đồng thời, đã thể hiện
được những tư tưởng cơ bản và quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà
nước ta.
Mặc
dù, công tác phòng, chống tham nhũng đã có sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và sự
quan tâm của toàn xã hội nhưng tình trạng tham nhũng vẫn chưa được ngăn chặn,
không giảm mà có xu hướng tăng. Đặc biệt, một loạt vụ án tham nhũng lớn được
công luận phát hiện chưa được điều tra và xét xử kịp thời... Trước thực trạng
đó, dư luận trở nên hết sức bức xúc và hoài nghi. Nhiều ý kiến cho rằng, chống
tham nhũng chủ yếu mang tính hình thức, trên giấy tờ, trong các cuộc họp, hô
hào khẩu hiệu; xử lý tham nhũng thiếu nghiêm minh, bao che, chạy tội, nể nang,
mang tính nội bộ, không công khai, không minh bạch, không bình đẳng; thậm chí,
còn có “vùng cấm”, “vùng an toàn” cho “quan tham”...
Trước thực trạng cấp bách đó,
Đại hội X (tháng 4-2006) của Đảng chỉ rõ: “Tích cực
phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí là đòi
hỏi bức xúc của xã hội, là quyết tâm chính trị của Đảng ta, nhằm xây dựng một
bộ máy lãnh đạo và quản lý trong sạch, vững mạnh, khắc phục một trong những
nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta...
Sắp tới, phải thi hành một
cách kiên quyết và đồng bộ hệ thống các biện pháp phòng, chống tham nhũng, lãng
phí,... Khẩn trương và nghiêm chỉnh thực hiện Luật
Phòng, chống tham nhũng...; bổ sung, sửa đổi Luật
Khiếu nại và tố cáo. Xử lý kiên quyết, kịp thời, công khai
những người tham nhũng bất kể ở chức vụ nào, đương chức hay đã nghỉ hưu, tịch
thu, sung công tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng; những người bao che cho tham
nhũng, hoặc lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để vu khống, làm hại người khác,
gây mất đoàn kết nội bộ; có cơ chế khuyến khích và bảo vệ những người tích cực
đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực”(3). Đại
hội X khẳng định: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ
trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của cả
hệ thống chính trị và toàn xã hội. Các cấp ủy và tổ chức đảng phải nhận thức
sâu sắc tính cấp thiết, lâu dài, phức tạp và khó khăn của cuộc đấu tranh phòng,
chống tham nhũng, lãng phí; có quyết tâm chính trị cao, đấu tranh kiên quyết,
kiên trì, liên tục, có hiệu quả từ Trung ương đến cơ sở, trong Đảng, Nhà nước
và toàn xã hội”(4).
Cụ thể hóa những tư tưởng quan
trọng của Đại hội X về phòng, chống tham nhũng, Hội nghị Trung ương 3 (khóa X)
đã tập trung thảo luận và ra Nghị quyết Về tăng cường sự lãnh đạo của
Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Hội
nghị nhận định: “... cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí còn nhiều
hạn chế, khuyết điểm, hiệu quả thấp. Tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm
trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức
tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân, là một
trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”. Hội nghị chỉ rõ
4 nguyên nhân dẫn đến những yếu kém này; nêu rõ mục tiêu của phòng, chống tham
nhũng là: “Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; tạo bước chuyển
biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố
lòng tin của nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ
cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính”(5). Đồng
thời, Hội nghị cũng nêu rõ 5 quan điểm chỉ đạo và 10 chủ trương, giải pháp lớn
nhằm thúc đẩy cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí bước vào giai
đoạn mới quyết liệt và triệt để hơn.
Hiện thực hóa những tư tưởng
cơ bản của Đại hội X và triển khai Nghị quyết Trung ương 3 về phòng, chống tham
nhũng, lãng phí, ngày 28-8-2006, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị
quyết số 1039/2006/NQ-UBTVQHXI về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt
động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1009/2006 về nhân sự Ban Chỉ đạo. Theo
đó, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm Trưởng ban, Phó Thủ tướng là Phó trưởng
ban và các ủy viên gồm: Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo (thường trực), Tổng Thanh
tra Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối
cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, Phó
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Phó Ban Nội chính Trung ương, Thứ trưởng
Bộ Quốc phòng.
Tiếp đó, ngày 22-9-2006, Thủ
tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 107/2006, quy định
xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham
nhũng trong đơn vị do mình quản lý, phụ trách; ngày
5-10-2006, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số
1046/2006/NQ-UBTVQH XI phê chuẩn Quyết định số 121/QĐ-VKSNDTC/V9 của Viện
trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc thành lập các đơn vị mới của
Viện, trong đó có Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham
nhũng; ngày 31-10-2006, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1424/QĐ-TTg
thành lập Cục Chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ; ngày 13-11-2006, Bộ
trưởng Bộ Công an đã ký Quyết định số 1816 thành lập Cục Cảnh sát điều tra tội
phạm tham nhũng; ngày 1-2-2007, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham
nhũng đã công bố Quyết định số 13/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thành
lập Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham
nhũng...
Các tư
tưởng chỉ đạo và sự triển khai công tác phòng, chống tham nhũng như nêu trên đã
thể hiện quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước ta trong cuộc đấu tranh phòng,
chống tham nhũng thời gian qua. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mặc dù công tác
phòng, chống tham nhũng đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng tình trạng
tham nhũng vẫn mang tính phổ biến trong đời sống xã hội với rất nhiều biểu hiện
khác nhau. Nhiều vụ án lớn gây chấn động xã hội không được xử lý nghiêm minh,
dứt điểm đã gây nghi ngờ, mất lòng tin của nhân dân. Những vụ khiếu kiện đông
người, kéo dài chủ yếu là do người dân bức xúc bởi sự không công khai, minh
bạch và có dấu hiệu tham nhũng liên quan đến đất đai của một bộ phận không nhỏ
cán bộ lãnh đạo, quản lý ở địa phương mà chỉ có rất ít người bị xử lý kỷ luật;
thậm chí, có người còn được thuyên chuyển công tác với chức vụ và quyền lực cao
hơn. Tệ tham nhũng đã có nhiều biến thái tinh vi khác thường, nó không chỉ dừng
lại ở biến tài sản công thành tài sản tư, không chỉ đơn thuần ở nhận và đưa hối
lộ mà còn ở sự tham nhũng cả địa vị, chức vụ, quyền lực, vị thế, cơ hội và liên
kết tạo lập, bảo vệ lợi ích nhóm. Sự biến hóa và phổ biến của tham nhũng trong
xã hội ta thời gian qua đã không chỉ thực sự gây bức xúc trong xã hội mà còn
tạo ra nỗi bất bình và thất vọng của không ít người.
Nhận thức đúng tình trạng tham
nhũng và thẳng thắn chỉ rõ thực trạng công tác phòng, chống tham nhũng thời
gian qua, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (tháng 1-2011), Đảng
ta chỉ rõ: “Công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt được yêu cầu đề ra.
Quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh
vi, phức tạp, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, gây bức xúc xã hội”. Đại hội xác
nhận tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ
phận không nhỏ cán bộ, đảng viên gắn với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí là
nghiêm trọng; đồng thời cảnh báo “Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn
đến nhữngtổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội
chủ nghĩa và của Đảng” (6).
Nhận
rõ những hạn chế yếu kém trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua,
nhận diện thực trạng tham nhũng là nghiêm trọng và thấy rõ những hậu quả khôn
lường mà tham nhũng gây ra đối với đời sống xã hội và sự tồn vong của chế độ xã
hội chủ nghĩa của chúng ta hiện nay, Đảng ta nêu rõ: “Phòng và chống tham
nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài. Mọi
cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân từ
trung ương đến cơ sở và từng đảng viên, trước hết là người đứng đầu phải gương
mẫu thực hiện và trực tiếp tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng
phí.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế và
đẩy mạnh cải cách hành chính phục vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tập
trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí. Nghiên cứu phân cấp, quy
định rõ chức năng cho các ngành, các cấp trong phòng, chống tham nhũng... Thực
hiện chế độ công khai, minh bạch về kinh tế, tài chính trong các cơ quan hành
chính, đơn vị cung ứng dịch vụ công, doanh nghiệp nhà nước. Công khai, minh
bạch về cơ chế, chính sách, các dự án đầu tư, xây dựng cơ bản, mua sắm từ ngân
sách nhà nước, huy động đóng góp của nhân dân, quản lý và sử dụng đất đai, tài
sản công, công tác tiếp nhận, bổ nhiệm cán bộ. Thực hiện có hiệu quả việc kê
khai và công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức theo quy định. Cải cách
chính sách tiền lương, thu nhập, chính sách nhà ở bảo đảm cuộc sống cho cán bộ,
công chức để góp phần phòng, chống tham nhũng. Hoàn thiện các quy định trách
nhiệm của người đứng đầu khi để cơ quan, tổ chức, đơn vị xảy ra tham nhũng,
lãng phí. Xử lý đúng pháp luật, kịp thời, công khai cán bộ tham nhũng; tịch
thu, sung công tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng... Có cơ
chế khuyến khích và bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu
cực; đồng thời kỷ luật nghiêm những người bao che, cố tình ngăn cản việc chống
tham nhũng, lãng phí hoặc lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để vu khống, làm hại
người khác, gây mất đoàn kết nội bộ. Tôn vinh những cá nhân liêm chính. Tổng
kết, đánh giá cơ chế và mô hình tổ chức cơ quan phòng, chống tham nhũng để có
chủ trương, giải pháp phù hợp”(7).
Những
tư tưởng cơ bản của Đại hội XI nêu trên cho thấy, sự nhất quán và quyết tâm
chính trị cao độ của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn hiện
nay. Đặc biệt, Đảng ta đã chỉ rõ, do tính chất phức tạp và tinh vi của hành vi
tham nhũng nên phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài;
mọi cán bộ lãnh đạo của cả hệ thống chính trị và từng đảng viên đều phải tích
cực tham gia; người đứng đầu phải gương mẫu thực hiện và trực tiếp tham gia
cuộc đấu tranh này.
Để
cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả phải hoàn thiện thể chế và
cải cách hành chính theo hướng phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng. Quy
định rõ chức năng cho các ngành, các cấp trong đấu tranh phòng, chống tham
nhũng. Cải cách chế độ tiền lương, thu nhập, chính sách nhà ở phù hợp để góp
phần phòng, chống tham nhũng. Hoàn thiện các quy định trách nhiệm của người
đứng đầu cơ quan, đơn vị xảy ra tham nhũng. Xây dựng các chế tài xử lý những tổ
chức, cá nhân gây thất thoát, lãng phí lớn tài sản của Nhà nước, của nhân
dân;...
Để kịp
thời phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng cần: Chú trọng các biện pháp phòng ngừa
tham nhũng; thực hiện chế độ công khai, minh bạch về kinh tế, tài chính trong
các cơ quan hành chính, đơn vị cung ứng dịch vụ công, doanh nghiệp nhà nước;
công khai, minh bạch về cơ chế, chính sách, các dự án đầu tư, xây dựng cơ bản,
mua sắm từ ngân sách nhà nước…; công khai, minh bạch trong công tác cán bộ,
tiếp nhận và bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo; thực hiện có hiệu quả việc kê khai và
công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức…
Cùng
với các giải pháp nêu trên, cần thực hiện những biện pháp quyết liệt trong quá
trình đấu tranh phòng, chống tham nhũng: Truy xét trách nhiệm của thủ trưởng cơ
quan, đơn vị xảy ra tham nhũng; xử lý đúng pháp luật, kịp thời, công khai cán
bộ tham nhũng; tịch thu, sung công tài sản tham nhũng và có nguồn gốc từ tham
nhũng; kỷ luật nghiêm những người bao che, cố tình ngăn cản việc chống tham
nhũng; kỷ luật nghiêm những người lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để vu khống,
làm hại người khác, gây mất đoàn kết nội bộ...
Đồng
thời, với những quan điểm, giải pháp và biện pháp nêu trên để cuộc đấu tranh
phòng, chống tham nhũng trong điều kiện hiện nay ngày càng đi vào chiều sâu và
đạt hiệu quả xã hội, cần: Có cơ chế khuyến khích và bảo vệ những người đấu
tranh chống tham nhũng; tôn vinh những tấm gương liêm chính; tiến hành tổng
kết, đánh giá cơ chế và mô hình tổ chức cơ quan phòng, chống tham nhũng để có
chủ trương, giải pháp phù hợp...
Có thể
khẳng định, với những nội dung nêu trên, Đại hội XI của Đảng đã cho thấy sự
nhất quán trong kế thừa, sự sáng tạo trong đề xuất những giải pháp và biện pháp
mới, phù hợp, và sự đúc kết một cách sâu sắc các quan điểm, tư tưởng về công
tác phòng, chống tham nhũng của Đảng thời gian qua. Điều này không chỉ thể hiện
quyết tâm chính trị sắt đá của Đảng, mà còn cho thấy những phương hướng, giải
pháp và biện pháp được nêu ra là hết sức cụ thể, quyết liệt nhằm vừa phòng
ngừa, ngăn chặn, vừa đấu tranh, xử lý kiên quyết và nghiêm khắc đối với mọi
hành vi, mọi biểu hiện tham nhũng. Sự biện chứng của các giải pháp và biện pháp
vừa phòng, vừa chống tham nhũng là vì phòng là để chống và chống là để phòng.
Thực tế là, trong xã hội ta hiện nay tham nhũng đã trở nên phổ biến và đang đe
dọa sự tồn vong của chế độ, là nỗi bức xúc của cả xã hội, vì vậy, hơn lúc nào
hết, vấn đề chống tham nhũng phải được đặt lên hàng đầu. Do đó, những giải
pháp, biệp pháp quyết liệt, những chỉ dẫn cụ thể trong xử lý nghiêm khắc các
đối tượng tham nhũng, bao che tham nhũng là phù hợp, kịp thời và hết sức cần
thiết.
Thực
hiện nghiêm túc, đạt hiệu quả cao những quan điểm, biện pháp phòng, chống tham
nhũng được Đại hội XI của Đảng nêu ra chắc chắn sẽ tạo ra một bước ngoặt trong
công tác phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, tìm hiểu quan điểm của Đảng về
phòng, chống tham nhũng thời gian qua, cũng cho thấy, mặc dù Đảng đã nhận diện
đúng hiện tượng tham nhũng, đã chỉ ra đúng thực trạng, nguyên nhân và những
nguy hại mà nó gây ra cho xã hội và chế độ; đã đề ra và thực hiện nhiều chương
trình, kế hoạch, nhiều biện pháp phù hợp và kiên quyết để kịp thời ngăn chặn và
từng bước đẩy lùi tham nhũng; quyết tâm chính trị của Đảng là rất cao, chỉ đạo
của Đảng là quyết liệt và hành động của Đảng là kiên quyết, không khoan nhượng,
thế nhưng, như Đảng ta khẳng định, công tác phòng, chống tham nhũng cho đến nay
vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm
trọng...
Thực
tế là, hiện tượng tham nhũng gắn liền với những con người cụ thể, mà chỉ những
người có chức, có quyền, có vị thế trong bộ máy công quyền mới có điều kiện
thực hiện hành vi tham nhũng. Trong xã hội ta hiện nay, những người có chức, có
quyền đa số là cán bộ, đảng viên, vì vậy, để phòng, chống tham nhũng có hiệu
quả phải bắt đầu từ công tác cán bộ, từ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Vấn
đề tham nhũng không nên chỉ khu biệt ở hành vi của cá nhân mà nó gắn chặt với
đội ngũ cán bộ, công chức (nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý), gắn với
các tổ chức, đơn vị công quyền cụ thể. Vì lẽ đó, tệ tham nhũng sẽ không được
giải quyết một cách hiệu quả và triệt để nếu chúng ta chỉ dừng lại ở việc xử lý
các cá nhân có hành vi tham nhũng riêng lẻ mà phải xem xét, xử lý cá nhân đó,
hành vi đó từ chính tổ chức, đơn vị nơi cá nhân đó là một thành viên, một đại
diện, thậm chí là người lãnh đạo. Vấn đề tham nhũng không phải là vấn đề chỉ
của cá nhân người có hành vi tham nhũng mà nó liên quan đến tài sản công và
quyền lực công, vì vậy nó cần được tiếp cận và xử lý dưới góc độ các quan hệ
công quyền, dưới góc độ tổ chức, tập thể.
Triển khai và phát triển những
tư tưởng cơ bản của Đại hội XI về công tác cán bộ, công tác xây dựng Đảng và
phòng, chống tham nhũng, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng
(khóa XI) đã ra Nghị quyết: Một số vấn đề cấp bách về xây
dựng Đảng hiện nay. Nghị quyết chỉ rõ thực trạng và
nguyên nhân của những vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.
Nghị quyết khẳng định: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có
những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về
sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy
theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy
tiện, vô nguyên tắc…”(8). Cùng với mục tiêu, phương châm, Nghị quyết cũng đề ra 4 nhóm
giải pháp cơ bản.
Các
nhóm giải pháp đó là: Nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tinh
thần tiên phong, gương mẫu của cấp trên; nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ,
sinh hoạt đảng; nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; nhóm giải pháp về công
tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Các nhóm giải pháp này gắn bó chặt chẽ với
nhau và tạo thành một hệ thống đồng bộ nhằm trực tiếp hướng tới giải quyết
những vấn đề cấp bách đang đặt ra đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay. Các
giải pháp này đều rất quan trọng nhưng trong đó đáng lưu ý nhất là nhóm giải
pháp về tổ chức cán bộ, sinh hoạt đảng. Bởi vì trong đó bao hàm nhiều nội dung
rất thiết thực gắn liền với công tác phòng, chống tham nhũng. Đó là vấn đề phát
huy dân chủ trong sinh hoạt đảng, trong đấu tranh tự phê bình và phê bình; đó
là vấn đề công tác cán bộ, như quy hoạch cán bộ, đánh giá, xử lý cán bộ yếu
kém, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ; đó là vấn đề kiểm tra, giám sát cán bộ; đó là vấn
đề phòng, chống quan liêu, mệnh lệnh, tham nhũng, lãng phí, đặc quyền, đặc
lợi...
Với những nội dung nêu trên,
rõ ràng, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành
Trung ương Đảng (khoá XI), sẽ chẳng những “... tạo được sự chuyển biến rõ rệt,
khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, nhằm xây
dựng Đảng ta thật sự là đảng cách mạng chân chính, ngày càng trong sạch, vững
mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố
niềm tin trong Đảng và nhân dân, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực
hiện thắng lợi chủ trương, nghị quyết của Đảng”(9) mà
còn thực sự tạo ra một sự đột phá mạnh mẽ, một bước ngoặt mang ý nghĩa quyết
định trong công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay./.
PGS, TS. Nguyễn Linh
Khiếu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét