Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2022

Siết chặt kỷ luật dể nâng cao sức mạnh của Đảng


Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư vừa ký ban hành Quy định số 69-QÐ/TW về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm (Quy định số 69). Theo ý kiến của nhiều cán lão thành cách mạng và đông đảo đảng viên, Quy định này có nhiều điểm mới, bảo đảm cho việc kỷ luật trong Đảng nghiêm minh và không có vùng cấm.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng cầm quyền, bên cạnh việc coi trọng giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, Bác cũng đặc biệt quan tâm đến kỷ luật Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi việc nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước là đạo đức cách mạng của người cộng sản. Người cho rằng, Đảng phải giữ kỷ luật rất nghiêm từ trên xuống dưới.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định: Kỷ luật của Đảng là kỷ luật sắt, nghĩa là nghiêm túc và tự giác. Kỷ luật đó phải từ ý chí của toàn Đảng nhằm bảo đảm cho sự thống nhất, tập trung cao trong Đảng; đồng thời, để phát huy dân chủ, phát huy tính tích cực và sáng tạo của toàn thể đảng viên và các tổ chức đảng.

Thực hiện lời day của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những năm qua, đặc biệt là trong những năm gần đây, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm đến công tác kỷ luật, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên. Khoản 1 Điều 30, Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam, thông qua tại Đại hội toàn quốc lần thứ XI, khẳng định "Kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng". Điều này có nghĩa vai trò lãnh đạo của Đảng sẽ khó thành công nếu thiếu hoặc coi nhẹ hoạt động kiểm tra, giám sát.

Trong nhiệm kỳ khóa XII, Bộ Chính trị đã ban hành hai Quy định về xử lý kỷ luật tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm. Đó là Quy định số 07-QÐ/TW, ngày 28/8/2018 về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm và Quy định số 102-QÐ/TW, ngày 15/11/2017 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Hai quy định này là cơ sở, căn cứ để các cơ quan, tổ chức Đảng xử lý kỷ luật các tổ chức Đảng và cá nhân. Nhờ vậy mà trong nhiệm kỳ khóa XII (từ 2016 đến 2020), cấp ủy và ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp đã triển khai thực hiện, hoàn thành khối lượng công việc xử lý kiểm tra, kỷ luật rất lớn, tăng nhiều so với các nhiệm kỳ trước đây . Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thành lập 36 đoàn kiểm tra do các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư làm trưởng đoàn, kiểm tra 110 tổ chức đảng (tăng 59% so với nhiệm kỳ XI).

Trong nhiệm kỳ Đại hội khóa khóa XIII, công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng tiếp tục được đẩy mạnh. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay, theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương , cấp ủy các cấp đã tiến hành kiểm tra hơn 24.700 tổ chức đảng và hơn 106.600 đảng viên. Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 1.017 tổ chức Đảng và 3.588 đảng viên; kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đối với hơn 11.600 tổ chức đảng cấp dưới. Cấp ủy các cấp và chi bộ đã thi hành kỷ luật 142 tổ chức đảng, thi hành kỷ luật 6.519 đảng viên. Trong đó, Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với 2 Ủy viên Trung ương do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng và Nhà nước; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm, quy định trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng. Bộ Chính trị thi hành kỷ luật cảnh cáo 6 tổ chức Đảng; khiển trách 2 đảng viên; Ban Bí thư thi hành kỷ luật cảnh cáo 2 tổ chức Đảng, 19 đảng viên, trong đó cách chức 5 đảng viên, khai trừ 14 đảng viên. Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 48 tổ chức Đảng và hơn 2.060 đảng viên.

Tuy nhiên, trên thực tế, công tác kểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng vẫn còn có nhiều bất cập, chưa bao quát hết được tất cả các hoạt động của các tổ chức Đảng và đảng viên. Tại hội nghị tổng kết về công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ đại hội XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra tình trạng "chưa chủ động, thường xuyên, ráo riết, quyết liệt; tiến hành kiểm tra, giám sát còn mang tính hình thức, chiếu lệ, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả thấp, chưa đủ sức răn đe… Công tác kiểm tra, giám sát trong các cơ quan của Nhà nước chưa được coi trọng đúng mức và còn yếu, kết quả chưa rõ".

Để góp phần khắc phục những bất cập, bịt những “lỗ hổng” trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng, ngày 6-7-2022 Quy định số 69 của Bộ Chính trị thay thế Quy định số 07-QÐ/TW, ngày 28/8/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm và Quy định số 102-QÐ/TW, ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị khóa XII về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Quy định số 69 áp dụng đối với tổ chức đảng (gồm cả tổ chức đảng đã hết nhiệm kỳ hoạt động, đã giải thể, thay đổi do chuyển giao, chia tách, sáp nhập) và đảng viên (gồm cả đảng viên bị tuyên bố mất tích, đảng viên đã qua đời nhưng có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng).

So với Quy định số 07-QÐ/TW và và Quy định số 102-QÐ/TW, Quy định số 69 có nhiều điểm mới bảo đảm cho việc kỷ luật Đảng nghiêm minh và không có vùng cấm. Quy định số 69 nêu rõ 14 nguyên tắc cơ bản trong xử lý kỷ luật. Trong đó, tất cả tổ chức đảng và đảng viên bình đẳng trước kỷ luật của Ðảng. Tổ chức đảng và đảng viên vi phạm chủ trương, quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước đều phải xem xét thi hành kỷ luật công minh, chính xác, kịp thời. Thi hành kỷ luật phải đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục và thẩm quyền theo quy định của Ðảng. Khi xem xét kỷ luật phải căn cứ vào nội dung, động cơ, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm, hoàn cảnh cụ thể, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, ý thức thái độ tự phê bình, tiếp thu phê bình và kết quả sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả đã gây ra. Một hành vi vi phạm chỉ bị kỷ luật một lần bằng một hình thức kỷ luật. Khi cùng một thời điểm xem xét kỷ luật nếu có từ hai hành vi vi phạm trở lên thì xem xét, kết luận từng hành vi vi phạm và quyết định chung bằng một hình thức kỷ luật cao nhất; không tách riêng từng hành vi vi phạm để thi hành các hình thức kỷ luật khác nhau và kỷ luật nhiều lần.

Kỷ luật tổ chức đảng phải xem xét rõ trách nhiệm của từng cá nhân liên quan để kỷ luật đối với đảng viên vi phạm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu.

Ðảng viên trong tổ chức đảng bị kỷ luật phải chịu trách nhiệm về nội dung vi phạm, hình thức kỷ luật của tổ chức đảng đó và phải ghi vào lý lịch đảng viên; đảng viên không bị kỷ luật về cá nhân vẫn được tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, thực hiện công tác cán bộ theo quy định.

Ðảng viên không tán thành hoặc không liên quan trực tiếp đến vi phạm của tổ chức đảng cũng phải ghi rõ vào lý lịch đảng viên.

Thật đáng tiếc là sau khi Bộ Chính trị ban hành Quy định số 69, có một số người có thể do chưa đươc đọc hoặc đọc chưa kỹ nên đã có những phát ngôn chưa đúng trên mạng xã hội rằng “quy định số 69 là cơ sở để đấu đá nội bộ”, “ thực hiện quy định số 69 sẽ không còn đảng viên”…

Nếu đọc kỹ, chắc chắn mọi người đều sẽ hiểu rằng Quy định số 69 sẽ siết chặt kỷ luật trong Đảng, góp phàn nâng cao sức mạnh của Đảng, tăng thêm niềm tin của nhân dân với Đảng./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét